Home » Cổ truyền, Văn hóa » “Con Vua lại lấy hai chồng làm Vua”

Trong lịch sử Việt Nam công chúa Lê Ngọc Bình là người có quan hệ gia đình rất phức tạp, chỉ ngay những người thân xung quanh mình đã không biết phải xưng hô thế nào cho phải phép.

Là con gái út của vua Lê Hiển Tông, có chị gái Lê Ngọc Hân là vợ vua Quang Trung. Theo “giai phẩm Tây Sơn” thì Lê Ngọc Bình sinh năm 1783 tức kém chị Ngọc Hân 12 tuổi và bằng tuổi vua Cảnh Thịnh (con vua Quang Trung).

Sau khi vua Quang Trung qua đời, quyền thần Bùi Đắc Tuyên bị dẹp, Lê Ngọc Hân được phong là Thái Hậu. Năm 1795 Ngọc Hân làm mối cho em gái mình là Ngọc Bình mới 12 tuổi với con của chồng là vua Cảnh Thịnh. Công chúa Ngọc Bình trở thành hoàng hậu nhà Tây Sơn.

Ảnh minh họa từ doisongphapluat.com

Ảnh minh họa từ doisongphapluat.com

Điều này dẫn đến tình cảnh hai chị em ruột lấy hai cha con ruột, nên khi gặp người thân không biết phải xưng hô thế nào cho phải phép.

Tháng giêng năm 1801 Nguyễn Phúc Ánh sau khi đánh thắng Tây Sơn trận Thị Nại thì cho quân đánh giải vây cho thành Quy Nhơn, tuy nhiên lực lượng quân Tây Sơn rất mạnh, Trần Quang Diệu lại cho pháo từ trên núi cao bắn xuống khiến quân Nguyễn phải rút lui.

Không giải vây được thành Quy Nhơn, Nguyễn Phúc Ánh đành thực hiện kế “thí xe bắt tướng” của quân sư Nguyễn Văn Thành, cho quân theo đường biển tiến đánh kinh đô Phú Xuân ở Huế. Vì lúc này lực lượng quân Tây Sơn hầu như tập trung vây thành Quy Nhơn, nên tại Phú Xuân số quân rất mỏng.

Cuối tháng 4 năm tân dậu 1801, quân Nguyễn tiến đánh Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh không chống nổi phải vội vàng chạy ra bắc, gia quyến nhiều người không chạy kịp trong đó có cả hoàng hậu trẻ là Lê Ngọc Bình và các cung nữ.

Lúc này Ngọc Bình mới chỉ 18 tuổi lấy vua Cảnh Thịnh 6 năm nhưng chưa có con. Nguyễn Phúc Ánh thấy cô gái trẻ ăn nói dịu dàng, dáng điệu thướt tha pha chút nỗi buồn nên cảm thấy chạnh lòng. Sau vài lần trò chuyện thì cảm thấy rất ưng ý, rồi đột ngột thông báo quyết định lấy Ngọc Bình làm Phi.

Cận thận nhiều người đều can gián, đứng đầu là Lê Văn Duyệt, tuy nhiên rung động trước người đẹp Nguyễn Phúc Ánh bỏ ngoài tai tất cả.

Đến năm sau 1802 Nguyễn Phúc Ánh đánh bại nhà Tây Sơn lên ngôi vua với niên hiệu Gia Long, vua Cảnh Thịnh thua chạy đến Lạng Giang thì bị các hào mục cùng người dân nơi đây bắt được giải về cho quân Nguyễn. Sách “Quốc sử di biên” có ghi chép như sau: “Nguyễn Quang Thiệu và Nguyễn Quang Toản (tức vua Cảnh Thịnh) chạy về phủ Lạng Giang. Lúc đi đến làng Phương Lan thì kẻ tùy tòng của Toản chỉ còn hơn trăm người mà thôi. Chánh tổng Yên Mẫu là Võ Thám và bọn Trần Huy Giao ở đất Kinh Than đốc suất các hào mục thuộc huyện Yên Lãng và huyện Lục Ngạn đến bao vây anh em Nguyễn Quang Toản, mãi về sau bọn Tổng Thám mới bắt được Quang Toản và Quang Thiệu đem dâng”.

Dù chồng cũ bị bắt và hành hình, nhưng Ngọc Bình vẫn được phong làm Đệ tam cung Đức Phi, tức Vương Phi thứ 3, hai bà trước đó là Thừa Thiên cao Hoàng hậu họ Tống (mẹ hoàng tử Cảnh) và Thuận Thiên cao Hoàng hậu họ Trần (mẹ hoàng tử Đảm, sau là vua Minh Mạng).

Chính vì số phận lạ lùng, là công chúa con vua nhưng lại lấy hai vua làm chồng mà trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca:

“Số đâu có số lạ lùng

Con vua lại lấy hai chồng làm vua”.

Trần Hưng

Theo trithucvn.net

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc