Home » Cổ truyền, Văn hóa » Vua Lê Đại Hành: (Phần 3) “ngoài Trời lại có Trời soi nữa”

Sau khi đánh bại cuộc xâm lược của nhà Tống năm 981, Đại Cồ Việt vẫn chưa yên khi phía nam Chiêm Thành vốn có quan hệ tốt với nhà Tống vẫn luôn tìm cơ hội tiến đánh Đại Cồ Việt

>> Vua Lê Đại Hành: (Phần 1) Ngai vàng trở thành thử thách lớn

>> Vua Lê Đại Hành: (Phần 2) bài “Nam Quốc sơn hà” giúp thắng trận

Đánh bại Chiêm Thành, thị uy với nhà Tống

Sau cuộc chiến chống quân Tống thắng lợi, năm 982 vua Lê Đại Hành cử Sứ đi Chiêm Thành nhằm giữ quan hệ hòa hảo gữa hai nước. Tuy nhiên vua Chiêm là Tỳ Mi Thuế vốn đã có quan hệ với nhà Tống, liền bắt giữ Sứ giả và sẵn sàng tuyên chiến với Đại Cồ Việt.

Vua Lê Đại Hành quyết định thân chinh đưa binh tiến đánh Chiêm Thành, cứu Sứ giả, trước khi lên đường nhà Vua vẫn cẩn thẩn hỏi Thiền sư Vạn Hạnh xem có nên xuất binh không, Thiền sư trả lời rằng đây là cơ hội tốt đừng để vuột mất.

Nhà Vua tiến binh sang Chiêm Thành, vua Chiêm chống lại, chiến trận diễn ra ở vùng Bình Trị Thiên ngày nay, vua Chiêm bị chém ngay giữa trận tiền, quân Chiêm thua to, quân Việt đánh chiếm được kinh thành. Từ đó Chiêm Thành quy thuận Đại Cồ Việt.

Vua Lê Đại Hành dâng một số lễ vật lấy ở Chiêm Thành cho vua Tống để thị uy, động thái ngoại giao này khiến nhà Tống rất e ngại Đại Cồ Việt.

“Ngoài Trời lại có Trời soi nữa”

Năm 987 vua Tống Thái Tông cử Lý Giác là một người rất sành thơ đi sứ Giao Châu, vua Lê hay tin liền cử Thiền Sư Đỗ Pháp Thuận giả làm người lái dò đến đón Sứ nhà Tống.

Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi lại câu chuyện này, khi thuyền đang đi trên sông Kinh Thầy (thuộc tỉnh Hải Dương ngày nay) thấy có đôi con ngỗng bơi trên măt nước, Lý Giác nổi hứng liền ngâm hai câu thơ sau:

Nga nga lưỡng nga nga

Ngưỡng diện hướng thiên nha.

Dịch là

Ngỗng ngỗng hai con ngỗng,

Ngữa mặt nhìn chân trời.

Thiền Sư Pháp Thuận đang chèo thuyền liền ứng khẩu như sau:

Bạch mao phô lục thủy

Hồng trạo bãi thanh ba.

Dịch là

Nước lục phô lông trắng,

Chèo hồng sóng xanh bơi

Thấy một người lái đò cũng biết làm thơ, Lý Giác cảm thấy khâm phục, về đến Sứ quán liền làm một bài thơ có hai đoạn kết như sau

天外有天應遠照,

溪潭波靜見蟾秋

Thiên ngoại hữu Thiên ưng viễn chiếu,

Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu“.

Dịch là:

“Ngoài trời lại có trời soi nữa

Sóng lặng khe đầm bóng nguyệt thâu”

Đỗ Thuận chép lại bài thơ này rồi về dâng tặng vua Lê Đại Hành, vua liền đưa bài thơ đến cho Thiền Sư Khuông Việt để cùng xem ý trong thơ là gì. Thiền Sư Khuông Việt cùng nhà Vua lý giải rằng

“Ngoài Trời lại có Trời soi nữa” nghĩa là “Ngoài Trời” (tức nước Tống) lại có Trời (ý chỉ Đại Cồ Việt) soi nữa
Sóng lặng khe đầm bóng nguyệt thâu” nghĩa là Dưới bóng trăng thâu, khe đầm sóng gió đều yên lặng cả.

Sau khi hiểu nghĩa bài thơ, nhà Vua rất hài lòng, bèn sai Khuông Việt làm một bài thơ tiễn sứ nhà Tống về nước, tạm dịch như sau:

“Gió xuân đầm ấm cánh buồm giương
Trông vị thần tiên về đế hương,
Muôn lần non nước vượt trùng giương.
Đường về bao dặm trường,
Nhớ vị sử lang
Xin lưu ý việc biên cương,
Tâu rõ lên thánh hoàng.”

Năm ấy Đại Cồ Việt được mùa to

Đánh Tống bình Chiêm

Theo Tống sử năm 990 vua Lê Đại Hành cho quân tiến đánh châu Đại Lý của Chiêm Thành, bắt được nhiều tù binh và tịch thu của cải. Cũng năm này vua Tống cho Sứ đến phong cho Vua Lê hai chữ “đặc tiến”, thế nhưng khi Sứ nhà Tống còn chưa sang, vua Lê Đại Hành đã cho 9 chiến thuyền cùng 300 quân qua tận đất Tống ở Liên Châu (Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay) để đón sứ, dùng quân để tỏ rõ uy danh Đại Cồ Việt khiến sứ nhà Tống phải dè chừng.

Khi đến kinh đô Hoa Lư, vua Lê bố trí sẵn đại quân trang phục chỉnh tề, gươm giáo sáng loáng tập trận tên các sườn núi, trống trận nổi lên sĩ khí reo hò dậy đất; phía dưới sông nhiều chiến thuyền với tinh kỳ bay rợp trời đất, khiến sứ thần nhà Tổng cả sợ.

Trên sông và các sườn đồi, quân Việt trang phục, gươm giáo chình tề hò reo dậy đất. Tranh lịch sử Việt Nam

Trên sông và các sườn đồi, quân Việt trang phục, gươm giáo chình tề hò reo dậy đất. Tranh lịch sử Việt Nam

Theo quy định thì vua Lê Đại Hành phải quỳ xuống khi nhận sắc phong của thiên triều, thế nhưng nhà vua nhất quyết không quỳ và giải thích rằng “đích thân đánh giặc Mán, ngã ngựa đau chân nên không quỳ được” sứ nhà Tống không làm gì được, lại đã tận mắt thấy binh lực hùng hậu của Đại Cồ Việt nên bỏ qua.

Vua Lê dùng đại tiệc tiếp đãi sứ giả và cho xem màn biểu diễn binh lính đánh hổ, nhằm cho sứ giả thấy sức mạnh binh sĩ.

Các năm 995, 997 Chiên Thành cho quân tiến đánh Đại Cồ Việt, chiến trận xảy ra ở biên giới, lần nào Chiêm Thành cũng bị bại trận phải rút trở về.

Để khẳng định thế mạnh của Đại Cồ Việt, vua Lê Đại Hành cũng cho quân tiến đánh nhà Tống. Đại Việt Sư Ký Toàn Thư có ghi chép rằng, năm 996 hơn 100 chiến thuyền Đại Cồ Việt tiến đánh trấn Châu Hồng (Khâm Châu) của nhà Tống. Vua Tống Thái Tông được tin không những làm lơ mà còn sai sứ giả là Lý Nhược Chiếu mang chiếu thư và đai ngọc sang ban cho vua Lê

Khi sử giả đến, vua Lê Đại Hành nói thẳng thừng rằng: “Việc cướp trấn Như Hồng là do bọn giặc biển ở ngoài, Hoàng đế có biết đó không phải là quân của Giao Châu không? Nếu Giao Châu có làm phản thì đầu tiên đánh vào Phiên Ngung, thứ đến đánh Mân Việt, há chỉ dừng ở trấn Như Hồng mà thôi đâu

Phiên Ngung là địa danh thuộc tỉnh Quảng Châu, còn Mân Việt là tỉnh Phúc Kiến ngày nay. Vua Lê nhắc nhở vua Tống rằng những vùng đất đó đều là của người Bách Việt đã được phân rõ từ xưa.

Khi quan tướng nước Tống quấy nhiễu ở biên giới với Đại Cồ Việt vào năm 997, chính vua Tống đã xử tội những người này, thậm chí còn xử chém.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục có chép lại rằng: Trương Quan lại dâng thư nói rằng nhà vua bị họ Đinh xua đuổi, thu nhặt đám quân còn sót, ra ở nơi hải đảo, cướp bóc để độ thân, nay đã mất rồi. Vua Tống sai thái thường thừa là Trần Sĩ Long làm Thái phóng sứ, sang dò hư thực, mới biết những lời Trương Quan đều dối trá cả, bèn xuống chiếu nghị tội bọn Trương Quang”.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép sự việc này như sau: “Nhà Tống xử tội bọn Trương Quan, Quan đã ốm chết, chém Vệ Chiêu Mỹ ở trấn Như Hồng”.

Hoa Lư

Xây dựng giao thông đường thủy

Sử Việt cũng ghi nhận vua Lê Đại Hành là vị Vua đầu tiên tổ chức đào sông nhằm mở mang giao thông đường thủy. Năm 980 để thuận tiện giao thông vào phương nam, Vua đã cho đào lại khúc sông nối sông Đáy và sông Hát.

Năm 984 Vua sai vét các kênh từ núi Đồng Cổ (Yên Định, Thanh Hóa) đến sông Bà Hòa (Tĩnh Gia, Thanh Hóa).

Năm 992 Vua cho đắp đường bộ từ cửa biển Nam Giới (cửa Sót thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đến châu Địa Lý (nay thuộc tỉnh Quảng Bình).

Năm 1003 đào kênh Đa Cái (Hưng Nguyên, Nghệ An) đến thẳng Tư Củng Trường ở Ái Châu.

Năm 1003 hoàn tất con đưởng thủy dài 250 km được bắt đầu từ năm 982 chạy đến vùng cực nam hết vùng đất Diễn Châu.

Những công trình này không chỉ giúp thông thương buôn bán, vận chuyển hàng hóa, mà còn giúp quân đội dễ dàng hơn trong các cuộc tiến binh đánh Chiêm Thành.

Tháng 3/1005 vua Lwe6 Đại Hành mất ở điện Trường xuân. Nhận định về Lê Đại Hành, cuốn Đại Việt Sử ký Toàn thu có ghi chép nhận định của Lê Văn Hưu: “Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn”.

Còn sử gia Ngô Sĩ Liên thì nhận định rằng: “Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của vua tôi bọn họ, có thể gọi là bật anh hùng nhất đời vậy. Song trong khi làm nhiếp chính mà tự xưng là Phó Vương, dẫn đến việc bọn Điền, Bặc phải khởi binh, lên ngôi vua thì phải nhờ bọn Cự Lạng đem binh đến uy hiếp, làm cung điện thì lấy vàng, bạc mà trang sức. Phàm những việc như thế thì không bằng Lý Thái Tổ biết nghĩ xa hơn. Văn Hưu nói lấy đức của nhà Lý mà soi đức của nhà Lê thì [đức của Lý] dày hơn, há chẳng đúng sao!”

Trần Hưng

Theo trithucvn.net

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc