Home » Thể thao » Zidane tái ngộ Ancelotti: Bình thản bước vào cuộc chiến

Lần tái ngộ này càng hấp dẫn hơn khi trên băng ghế huấn luyện của hai bên từng là thầy trò: Carlo Ancelotti và Zinedine Zidane.

Một năm làm trợ lý cho Ancelotti giúp Zidane có những trải nghiệm hữu ích để sau đó áp dụng vào công việc cầm quân tại sân Bernameu. Nhưng ngược lại, HLV đương nhiệm của Real cũng góp phần làm thay đổi tư duy chiến thuật của ông thầy cũ.

Chín tháng sau khi trở thành người hùng của đội tuyển Pháp ở World Cup 1998, với hai cú đánh đầu tung lưới Brazil trong trận chung kết, đương kim Quả Bóng Vàng châu Âu Zinedine Zidane đối diện với một tương lai bất ổn tại Juventus.

Đấy là lúc Juve vừa bổ nhiệm Carlo Ancelotti thay Marcello Lippi làm HLV trưởng. Đang thành công với sơ đồ 4-2-2-2 tại Reggiana và Parma, Ancelotti muốn áp dụng chiến thuật ấy vào Juve, và ở đó không có chỗ cho vị trí “số 10”. Thời gian ấy, các HLV ở Italy đều có sơ đồ chiến thuật “tủ” và họ rất ít khi thay đổi. Và những nhà chuyên môn đã thực sự đặt dấu hỏi về vị trí của Zidane.

Cây bút Jon Brodkin của Corriere dello Sport khi đó đã viết: “Tiền vệ 26 tuổi có thể sẽ chuyển sang thi đấu cho Old Trafford hoặc một CLB Tây Ban Nha vào cuối mùa bóng này”. Trên tờ Guardian, Michael Walker cho rằng: “Zidane không phải là nhân vật quan trọng trong chiến thuật của Carlo Ancelotti như dưới thời Lippi. Và anh đang cân nhắc tương lai của mình ở Turin”.

zidan

Zinedine là người đầu tiên khiến Ancelotti chấp nhận những thay đổi về tư duy khi làm HLV, trong thời gian đầu tiên cộng tác với nhau ở Juventus.

Năm 1999, Ancelotti còn ở chặng đầu tiên của sự nghiệp cầm quân. Tính từ lúc khởi nghiệp tại Reggiana cho đến lúc đó, ông mới có thâm niên bốn năm đứng bên đường pitch. Là một người trưởng thành vào thời gian cực thịnh của catenaccio, Ancelotti luôn đặt ưu tiên cho những bài tập phòng ngự, cũng như sự kỷ luật trong chuyền bóng. Ở Parma, Ancelotti một mực khước từ việc thay đổi đấu pháp, để phù hợp với những cầu thủ sáng tạo mà CLB đang sở hữu. Những Adailton, Jesper Blomqvist và Tomas Brolin đều bị quên lãng. Nhưng đáng tiếc nhất phải là Gianfranco Zola.

Sau này, chính Ancelotti phải thừa nhận trên tờ Guardian: “Tôi đã phạm sai lầm khi không trọng dụng Zola. Vì tôi chỉ muốn chơi 4-2-2-2, trong khi Zola thì muốn đá trung phong. Nếu tôi chịu đổi sơ đồ chiến thuật, Zola đã không sang Chelsea”.

Ngày ấy, người đại diện của Roberto Baggio muốn đàm phán để thân chủ chuyển từ AC Milan sang Parma, chính Ancelotti đã ra mặt ngăn cản điều đó. Ông không muốn xây dựng đội bóng quanh “Đuôi ngựa thần thánh”. Kết quả của vụ chuyển nhượng bất thành này là Baggio sang Bologna. Ở đó, anh ghi 22 bàn sau 30 trận Serie A đầu tiên, tức nhiều hơn sáu bàn so với Enrico Chiesa và Hernán Crespo của Parma gộp lại.

“Vì không muốn thay đổi, nên tôi đã bỏ qua cơ hội làm việc cùng Baggio. Nếu chịu mở lòng, tôi đã có thể thảo luận với anh ấy về vị trí thi đấu”, Ancelotti sau này thừa nhận trên ESPN.

Với Fabio Cannavaro, Gianluigi Buffon, Lilian Thuram, Néstor Sensini và Roberto Mussi, Ancelotti đã có một hàng thủ tuyệt vời để xây dựng sách lược phòng ngự. Cùng với họ, Parma kết thúc mùa giải 1996-1997 ở vị trí á quân, chỉ kém Juventus hai điểm, nhưng có đến 13 đội ghi nhiều bàn hơn họ. Vâng, đấy là một Ancelotti khác rất xa với người đàn ông yêu chuộng bóng đá đẹp như người ta vẫn biết sau này.

Thành công ở Parma giúp Ancelotti kiếm được hợp đồng sang Juventus thay Lippi. Và ông lập tức tỏ rõ quan điểm không sử dụng Thierry Henry. Ancelotti nói với nhà báo Philippe Auclair, người chấp bút cuốn tự truyện của Thierry Henry, như sau: “Tôi không nghĩ mình có thể dùng Henry ở trung lộ, bản thân anh ta cũng không bộc lộ mong muốn được thi đấu ở đó. Henry không ra đi vì có vấn đề với tôi, vấn đề đến từ phía anh ấy với CLB”.

Đấy là lúc Arsene Wenger vào cuộc, chiêu mộ cầu thủ mà ông từng có thời gian làm việc cùng tại Monaco. Và ở Arsenal, Henry đã ghi 228 bàn cho “Pháo thủ” ở vị trí trung phong, nơi mà Ancelotti chưa từng nghĩ Henry có thể thi đấu.

Ancelotti

Ancelotti từng gạt bỏ nhiều ngôi sao lớn, như Henry, nhưng Zidane là một ngoại lệ.

Ancelotti cũng không thích sử dụng Zidane ngay từ đầu. Nhưng sự khác biệt giữa Zola và Henry với Zidane nằm ở chỗ ông không muốn Zizou ra đi, cho dù đã có những thời điểm, hào quang của Zidane che lấp luôn tên tuổi của Ancelotti. 

Ancelotti nói với Rob Shepherd của tờ The National: “Khi đến Juventus, tôi lần đầu tiên thay đổi quan điểm chiến thuật. Và lý do của sự thay đổi này chính là Zidane. Làm sao tôi có thể hoang phí một tài năng như thế ở cánh, trong sơ đồ 4-2-2-2 của mình?”

Và thế là lần đầu tiên trong đời, người đàn ông từng nói không với Baggio, Henry và Zola đã phải thay đổi chiến thuật để có chỗ cho Zidane. Đấy là lúc ông chuyển sang sơ đồ 4-3-1-2, với Zidane là “số 10” ngay sau lưng cặp tiền đạo. Sự uyển chuyển về mặt chiến thuật này sau đó giúp Ancelotti rất nhiều ở AC Milan, nơi ông tìm thấy vị trí phù hợp nhất cho Andrea Pirlo ở ngay phía trước hàng thủ. Cũng ở đó, ông lần đầu tiên giới thiệu sơ đồ có chỗ cho cùng lúc hai “số 10” (Kaka và Rui Costa). Đấy là phát kiến với tên gọi “cây thông” (tức 4-3-2-1).

Sơ đồ 4-3-1-2 không giúp ích nhiều cho Ancelotti và Juve thi đấu không thật sự thành công. Kết quả là Ancelotti bị sa thải. Sự nghiệp đang phát triển của Ancelotti bỗng khựng lại. Lúc này, điều duy nhất cứu vớt Ancelotti là cái tên của ông. AC Milan quyết định mời Ancelotti cầm quân vì khi ấy các CĐV vẫn còn rất yêu mến người tiền vệ đã giúp họ vô địch hai chiếc Cúp C1 liên tiếp (1989, 1990). Và ở trong môi trường quen thuộc mà Ancelotti gọi là “gia đình”, ông đã phát huy được khả năng.

Với Kaka, bản hợp đồng 9 triệu đôla từ Sao Paolo, không có chuyện anh trở thành Henry 2.0. Có lúc Ancelotti dùng anh ngay sau lưng trung phong Andriy Shevchenko hoặc cặp Andriy Shevchenko – Pippo Inzaghi. Cũng có lúc ông kết hợp Kaka và Rui Costa thành cặp hộ công cho Sheva, phía sau là bộ tam tiền vệ Gennaro Gattuso – Pirlo – Clarence Seedorf. Vây quanh bởi các cầu thủ đẳng cấp dường ấy, Kaka tiến bộ vượt bậc và giành Quả Bóng Vàng năm 2007.

Lúc này, chiến thuật của Ancelotti đã vô cùng linh hoạt. Ông đã biết xây dựng đội bóng và chiến thuật dựa trên những cầu thủ mình có, chứ không gò cầu thủ vào chiến thuật có sẵn. Sau hai chức vô địch Champions League cùng AC Milan, Ancelotti lọt vào mắt xanh của ông chủ Chelsea Roman Abramovich.

Từ Chelsea sang PSG, từ Real Madrid đến Bayern Munich, thành công theo Ancelotti ở mọi nơi ông đến. Ở bất kỳ nơi nào, Ancelotti cũng dụng công bỏ thời gian ra học ngôn ngữ bản địa, nghiên cứu văn hóa của đội bóng và thành phố. Ông luôn thích nghi với hoàn cảnh, chứ không buộc hoàn cảnh phải thích nghi với mình. Các sơ đồ 4-1-2-1-2, 4-3-3, 4-2-3-1 hay 4-2-2-2 được vận dụng cực kỳ nhuần nhuyễn. Ông không còn mâu thuẫn với bất kỳ ngôi sao nào. Trái lại, họ đều sống chết vì ông dù đó là Didier Drogba, Frank Lampard ở Chelsea, Zlatan Ibrahimovic ở PSG, Cristiano Ronaldo ở Real Madrid hay cả cặp “Robbery” ở Bayern Munich. Mới đây Ribery tỏ thái độ với Ancelotti, ông lập tức… hôn ngay tiền vệ người Pháp. “Đấy là một nụ hôn dễ thương”, Ribery nói. Con Robben thì so bì: “Tôi cũng muốn được hôn giống thế”.

Mùa hè 2001, lịch sử của cá nhân Zidane và Ancelotti thay đổi. Zidane sang Real Madrid với bản hợp đồng kỷ lục thế giới trong khi Ancelotti trở lại mái nhà Milan. Mãi đến hơn 10 năm sau, họ mới tái ngộ ở Real, khi Ancelotti bổ nhiệm Zidane làm trợ lý và cùng tiến đến cú Decima. Năm 2014, trước đề nghị cầm quân cho đội bóng cũ Bordeaux, Zidane đến xin ý kiến của Ancelotti. Lời khuyên của Ancelotti là hãy từ chối. Zidane nghe theo, sau đó khởi đầu công việc HLV ở đội trẻ, trước khi được đôn lên thay Rafael Benitez vào giữa mùa bóng trước.

zidane-da-lam-thay-doi-ancelotti-nhu-the-nao-2

Hôm nay, hai thầy trò Zidane – Ancelotti lại ở gần nhau, nhưng trong thế đối địch.

Ngay mùa đầu tiên, Zidane đã giành luôn Champions League. Sau đó ông tiếp tục giúp Real vô địch World Cup các CLB và mùa này vẫn đang thành công. Ancelotti đã truyền đạt không ít kinh nghiệm quý báu để giúp Zidane trở thành một người quản lý giỏi. Nhưng có lẽ Zidane cũng không ngờ là chính mình cũng góp phần không nhỏ làm nên huyền thoại mang tên Ancelotti.

Không có Zizou, Ancelotti có khi đã trở thành một hậu bối của Fabio Capello, chứ không đi trên con đường vĩ đại của riêng mình.

Hoài Thương tổng hợp-Theo Vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc