Home » Chia sẻ, Tiêu biểu sideshow » Du khách Trung Quốc đến Nhật Bản để xem nước Nhật “đáng ghét” thế nào

Người Trung Quốc vẫn luôn có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với Nhật Bản, bởi những ám ảnh về cuộc chiến trong quá khứ. Câu chuyện của một người dân Trung Quốc đi du lịch bụi ở Nhật Bản dưới đây, sẽ cho thấy nước Nhật “đáng ghét” đến mức nào? Và sự khác biệt giữa hai đất nước này ra sao

người Nhật Bản

Nhật Bản có đáng ghét như trong ý nghĩ của người Trung Quốc? (Ảnh: Internet)

Vào kỳ nghỉ hè, cả nhà tôi gồm bố mẹ vợ, vợ, con trai, vợ chồng em gái vợ, cháu gái cùng nhau bàn bạc đi du lịch một chuyến.

Việc đi du lịch thì không có ai phản đối, nhưng bàn đến việc đi đâu thì lại phát sinh tranh luận. Các địa điểm trong nước, điểm muốn đi thì có người đã đi rồi, có người chưa đi, khó mà thống nhất được. Còn đi Mỹ, châu Âu thì đường xá xa xôi, chi phí đắt đỏ cũng khó mà chịu được.

Cuối cùng, tôi đề xuất đi Nhật, lý do là vì mọi người đều chưa từng đi Nhật Bản, chi phí cũng tương đối rẻ. Thế nhưng, đề xuất này của tôi lại dẫn đến tranh cãi kịch liệt. Người phản đối quyết liệt là bố mẹ vợ đã nghỉ hưu nhiều năm nay, tiếp đến là đứa cháu gái đang học tiểu học.

Bố mẹ vợ nói đến Nhật Bản là họ kiên quyết không đi, bởi vì họ rất căm thù Nhật. Bố mẹ vợ đều là người Trùng Khánh, khi Nhật Bản oanh tạc Trùng Khánh, họ vừa mới được sinh ra, thảm cảnh gia đình từng trải qua đã in hằn sâu trong não của họ.

Mẹ vợ nói ông ngoại của bà là vì kinh hãi công kích điên cuồng của Nhật Bản xâm lược mà chết. Còn đứa cháu gái nhỏ phản đối việc đi Nhật đã nói một câu khiến chúng tôi không khỏi sửng sốt: “Cháu không đi Nhật đâu, tuyệt đối không để tiền đi du lịch Nhật của chúng ta biến thành từng viên đạn bắn về phía chúng ta”.

Tôi hỏi cháu: “Câu này là do cháu nghĩ ra, hay là ở trường dạy”. Cháu nói: “Là của thầy giáo”. Nghe xong, tôi liền im lặng.

Qua nhiều lần tranh luận, đa số mọi người tán đồng ý kiến của tôi, bất kể Nhật Bản có đáng ghét như thế nào, đi để hiểu rõ thêm một chút cũng rất cần thiết. Cuối cùng, mọi người quyết định đi Nhật, sau cùng, bố mẹ vợ kiên quyết không đi, cháu gái thì không thể không đi.

Ngày 24/7, cả nhà chúng tôi đáp máy bay đi, nối chuyến tại Thượng Hải rồi bay đến Osaka.

Khi đến Osaka cũng đã chiều, máy bay hạ cánh, lần đầu tiên nhìn thấy sân bay Osaka, cũng không khiến người ta có nhiều hứng thú, vì kiến trúc sân bay thật ra cũng có chút nhỏ bé, cổ xưa, so với rất nhiều sân bay trong nước thực sự lộ rõ thua kém. Thế nhưng, đến khi chờ đợi thông quan, lại khiến tôi có chút cảm giác khác biệt.

Người chờ đợi thông quan rất đông, đa số là du khách Trung Quốc và Nhật Bản, thế nhưng trong đại sảnh rất yên tĩnh, trật tự. Nhân viên công tác mặt nở nụ cười, nhiệt tình hướng dẫn du khách xếp hàng xử lý thủ tục. Rất nhanh, chúng tôi đã thuận lợi thông quan đến nhà khách, bắt đầu một chuyến du lịch bụi nơi xứ sở mặt trời mọc này.

Lần đầu đến Nhật, tất cả mọi thứ đều lạ lẫm, chúng tôi chỉ có thể dựa vào việc hỏi thăm nơi chúng tôi muốn đến. Cũng may là Nhật Bản có bản đồ tiếng Trung, còn em gái vợ cũng có thể nói tiếng Anh. Lúc đầu, tôi lo lắng rằng Nhật-Trung, 2 nước thù địch như thế, liệu rằng người Nhật có thể cũng sẽ căm ghét người Trung Quốc như cách người Trung Quốc vẫn căm ghét người Nhật hay không.

Thế nhưng, sự băn khoăn lo lắng của tôi đã biến mất nhanh chóng. Trải qua mấy ngày, người Nhật không chỉ không có bất kỳ thù địch với chúng tôi, trái lại sự nhiệt tình của họ có lúc vượt quá sự tưởng tượng của chúng tôi.

Chúng tôi đến tham quan các địa danh thắng cảnh của Nhật Bản như phim trường Hollywood Universal Studio, Thủ Thiên các, Kim Tự các, đền Shimogamo, tháp Tokyo, công viên Disneyland, đại học Tokyo, Hoàng Cung… Trên đường đi, chúng tôi hỏi thăm người dân địa phương không dưới trăm lần, bất luận hỏi thăm ai, đều nhận được những câu trả lời nhiệt tình chỉ dẫn, chưa bao giờ gặp phải người từ chối.

Một lần, chúng tôi hỏi thăm một cô gái đang bận rộn bán kẹo trên tàu điện ngầm, cô dừng lại khi nghe chúng tôi hỏi, nghe xong cô cũng không biết điểm chúng tôi cần đến phải đi như thế nào, cô liền chạy đến hỏi người bạn bên cạnh về địa điểm chúng tôi muốn đi, sau đó quay lại nói cho chúng tôi biết, có mấy người muốn mua kẹo đợi không được đã đi mất, thế nhưng cô gái vẫn không mấy để tâm.

Một lần khác, sau khi cơm nước xong xuôi, khi trả tiền, chúng tôi lại hỏi thăm đường, cô phục vụ nói cho chúng tôi một hồi, vẫn lo lắng chúng tôi có hiểu không, liền đưa chúng tôi ra khỏi quán đến đường lớn chỉ dẫn lại một hồi, đợi chúng tôi hiểu rõ, rồi cô ấy mới mỉm cười rời đi.

Còn có một lần, chúng tôi đang đứng trên đường lớn, mở bản đồ, tìm hướng đi, một cụ bà chủ động tiến đến hỏi chúng tôi có cần giúp đỡ gì không, cho dù nhờ bản đồ đã biết được đường đi, nhưng chúng tôi vẫn rất cảm kích cụ già, nói nhiều lần cảm ơn, rồi cụ già tươi cười rời đi.

Kiến trúc thành thị Nhật Bản không hoa lệ, đồ sộ như rất nhiều thành thị Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến… của Trung Quốc, thế nhưng dù đến bất kỳ nơi nào cũng đều thông thoáng trật tự, vệ sinh sạch sẽ. Mật độ dân số ở Nhật lớn hơn rất nhiều so với Trung Quốc, xe cũng không ít, trên đường người xe qua lại tấp nập, nhưng dường như không có cảm giác chen chúc.

Chúng tôi đi rất nhiều lần bằng taxi, nhưng chưa bao giờ gặp kẹt xe, thậm chí cũng không thấy cảnh sát giao thông. Trên đường phố không thấy rác vứt bừa bãi hay bụi bẩn, điều kỳ lạ là có rất ít thùng rác, muốn vứt rác phải đi một quãng đường dài mới tìm thấy thùng rác.

Càng kỳ hoặc hơn nữa là những du khách Trung Quốc trong nước rất thích tùy tiện vứt rác, khạc nhổ đến đây dường như cũng trở nên rất văn minh, họ bao giờ cũng cất những thứ muốn vứt bỏ vào trong túi mang theo, đến khi có thùng rác mới vứt.

Con trai tôi là một ví dụ điển hình. Ở nhà, nó tùy tiện vứt rác, có lúc thùng rác ở ngay bên cạnh, nó cũng vứt trên mặt đất, đã góp ý rất nhiều lần, nhưng vẫn chứng nào tật đó. Lần này đến Nhật, nó lại biểu hiện tốt lạ thường, không những không tùy tiện vứt rác, có lúc chúng tôi làm không tốt, nó còn đến ngăn lại. Ví dụ khi đi thang máy, yêu cầu phải đứng bên trái, có lúc tôi không để ý, đứng ở giữa hoặc bên phải, nó đều phải nhắc nhở tôi, thậm chí kéo tôi qua.

Có lúc chúng tôi nói chuyện lớn tiếng một chút nơi công cộng, nó lại ngăn chúng tôi lại. Đối với hành xử của cậu con trai, tôi cảm thấy rất khó hiểu, sau đó mới hỏi: “Trong nước và ngoài nước, sao con lại khác như vậy?”

Nó trả lời: “Ở nước ngoài, mọi người đều không tùy tiện vứt rác, mẹ mà vứt như thế sẽ rất mất mặt; ở trong nước thì khác, ai cũng vứt như vậy, ngu sao mà không vứt”. Câu trả lời của đứa con trai khiến tôi cứ mãi suy nghĩ một vấn đề: Tố chất của người ta rốt cục là do cái gì dưỡng thành đây?

Dù là ở khách sạn, nhà hàng, hay chỉ là cửa hàng, người Nhật vẫn luôn nho nhã lễ độ như vậy. Đến khách sạn, sẽ có phục vụ tươi cười đón tiếp bạn, ở lối đi gặp nhân viên vệ sinh, họ sẽ dừng lại tiến đến cúi đầu chào bạn. Ở Osaka, chúng tôi biết đến khách sạn phải cho tiền típ, thế nên buổi sáng khi ra ngoài, chúng tôi đặt trong phòng 100 yên, đến khi chiều về quả nhiên đã được lấy đi. Đến Kyoto, chúng tôi vẫn như vậy, đặt tiền típ như vậy, nhưng đến tối trở về thì tiền vẫn ở đó, chúng tôi mới biết là ở đây không nhận tiền típ.

Quán ăn ở Nhật Bản phần lớn rất nhỏ, đồ ăn bán cũng khá đơn nhất, có cái 2 người đã ngồi đầy 1 tiệm. Người đến ăn cơm thường phải chờ đợi ở ngay cửa ra vào, ăn xong 1 người thì lại vào 1 người khác, mọi người đều rất tự giác xếp hàng, không có ai chen ngang. Cửa hàng thì theo hình thức cởi mở, ai bước vào, sẽ có phục vụ tiến đến hướng dẫn bạn mua hàng, giới thiệu với bạn đặc điểm tính năng sản phẩm, dù bạn mua hay không, người phục vụ vẫn tươi cười.

Xếp hàng trong trật tự là văn hóa thường ngày ở Nhật Bản. Ảnh nhanlucnhatban

Xếp hàng trong trật tự là văn hóa thường ngày ở Nhật Bản. Ảnh nhanlucnhatban

Mười ngày cưỡi ngựa xem hoa ở Nhật Bản, khiến chúng tôi hiểu ra được rất nhiều vấn đề, đồng thời cũng phát sinh rất nhiều nghi vấn.

Trong nước, từng xem tin tức người Trung Quốc tranh giành mua bồn cầu Nhật Bản, lúc đó tôi xác thực không hiểu nỗi người Trung Quốc sao lại vì một cái bồn cầu lại đi ngàn dặm xa xôi từ Nhật Bản mang về. Đến Nhật rồi, khi ở khách sạn, tôi mới phát hiện ra, bồn cầu Nhật là thứ trí tuệ nhân tạo, dùng rất tốt, có nhiệt độ ổn định, khi ngồi lên rất ấm áp, sẽ không có cảm giác lạnh buốt, cũng có thể tự động dội, vệ sinh sạch sẽ, thoải mái dễ chịu. Những người có tiền ở Trung Quốc chạy theo hưởng thụ, việc tranh mua bồn cầu loại này cũng trở thành việc tự nhiên rồi.

Ở đất nước mặt trời mọc, hình ảnh cúi chào thể hiện cả một nền văn hóa. (Ảnh: Internet)

Ở đất nước mặt trời mọc, hình ảnh cúi chào thể hiện cả một nền văn hóa. (Ảnh: Internet)

 

Ở khách sạn, buổi tối không làm gì, chúng tôi liền mở ti vi xem, đa số kênh đều nói tiếng Nhật, nghe không hiểu, chuyển một thời gian rất lâu cuối cùng đến một kênh là kênh chính đang chiếu một vở kịch truyền hình Trung Quốc, có tên là “Cuộc đời cách mạng của Vương Đại Hoa”, xem mấy phút, phát hiện rằng vở kịch này còn là một vở kịch chống Nhật.

Tôi cứ nghĩ suốt: Đài Truyền hình Nhật Bản chiếu những bộ phim này không biết là có mục đích gì, người Nhật xem những thứ này không biết là có cảm thụ gì, lòng tự tôn của họ có bị thương tổn hay không, chính phủ Nhật Bản có cho đây là hành vi “Nhật gian” hay không?

Lúc du lịch Osaka, khách sạn rất gần với Viện Mỹ thuật Quốc lập, chúng tôi quyết định dắt bọn trẻ đến đó tham quan, tìm hiểu về văn hóa nghệ thuật Nhật Bản, đến nơi thì vừa hay đúng dịp họ đang triển lãm chuyên đề “Tượng binh mã. Tần Thủy Hoàng”. Chúng tôi vào quan sát, nhìn thấy rất nhiều tượng binh mã thời Tần và văn vật được khai quật rất quý giá đương thời, từ đó cảm nhận được sự huy hoàng của lịch sử Trung Quốc.

Những người tham quan đằng trước có học sinh và người của mọi tầng lớp Nhật Bản. Điều khiến chúng tôi kính phục là vẫn có một cụ già hơn 70 tuổi tay chống gậy, ngồi xe lăn đến tham quan. Tôi thật muốn biết họ đối với lịch sử Trung Quốc và Trung Quốc ngày nay có cách nhìn như thế nào, đáng tiếc là ngôn ngữ không thông, tôi không cách nào hỏi được.

Đến Tokyo, đến chơi tại khu phố Shinjuku, lúc ở cửa ra vào một cửa hàng, chúng tôi nhìn thấy một người cầm micro đứng diễn thuyết trên một chiếc xe. Lúc đó đang là giữa trưa, mặt trời đã lên cao, khí hậu nóng bức, người diễn thuyết đỏ bừng cả khuôn mặt, nhễ nhại mồ hôi, không ngừng lớn tiếng diễn thuyết trong thời gian dài.

Tôi nghe không hiểu ông ấy nói gì, bèn hỏi người bên cạnh một chút, mới biết được là vì ông ta đang tranh cử nghị viện, đang huy động phiếu bầu. Người ra vào lui tới cửa hàng, không có mấy người Nhật dừng lại nghe ông ta diễn thuyết, người đến nghe đa số là du khách Trung Quốc bốn phía hiếu kỳ đến quan sát. Nhìn cảnh tượng này, điều cảm thụ lớn nhất của tôi là ở Nhật muốn trở thành nghị viên thật không dễ chút nào.

Du lịch được mấy ngày, đa số những điều nhìn được, cảm nhận được đều là mặt tốt, muốn tìm ra được một điểm không tốt, rốt cục cũng không có cơ hội. Trong mấy ngày này, chúng tôi nghe được tin Nhật báo đưa tin nhầm về một cơn địa chấn cấp 9, làm cho dân chúng sự sợ hãi không nhỏ, tôi nghĩ chắc sẽ có một cuộc kháng nghị bất mãn của dân chúng, thế nhưng chúng tôi cũng không thấy bất kỳ cảnh kháng nghị nào.

Nằm trên giường trầm tư suy nghĩ, cuối cùng phát hiện ra hai phương diện có thể phản ánh điều bản chất bóc lột của xã hội chủ nghĩa tư bản. Một là chi tiêu quá cao, đi một cuốc taxi, trong nước 20 Nhân dân tệ (NDT) là có thể ngồi suốt lộ trình, bọn họ lại thu 60 NDT. Đến quán ăn cơm, cho dù những quán chúng tôi đi đều là quán nhỏ, ăn một bát mì đơn giản hoặc là 1 phần cơm canh không đặc biệt lắm cũng phải mất 100 NDT, tiền tiết kiệm tích lũy lâu ngần ấy của chúng tôi chảy ào ạt như nước, rất đau lòng.

Hai là thời gian này chúng tôi phát hiện, nhân viên dọn dẹp trong khách sạn, tài xế xe taxi, rất nhiêu đều là người già trên 60 tuổi. Ở nước chúng tôi, phụ nữ cao tuổi như vậy đều đi ra quảng trường nhảy, đàn ông thì ra quán trà uống trà chơi mạt chược vui hưởng tuổi già, còn họ vẫn làm việc vất vả, điều này phải chăng đã làm bại lộ mặt tối của xã hội chủ nghĩa tư bản sao?

Khi ăn ở nhà ăn, dạo chơi các cửa hàng, chúng tôi gặp một số du học sinh Trung Quốc đang làm công ở đó. Thỉnh thoảng chúng tôi tò mò hỏi họ: “Nghỉ hè rồi, sao không về nhà chứ?”, câu trả lời của học đại thể là: “Nhân lúc nghỉ hè đi làm công, kiếm chút tiền học phí”.

Chúng tôi hỏi: “Mỗi ngày có thể kiếm được bao nhiêu?”, họ đáp: “Tính theo giờ, mỗi giờ là 80 NDT, mỗi ngày làm công hơn 6 giờ, có thể kiếm 500 NDT”. Nghe xong, tôi có chút chạnh lòng, mỗi ngày làm việc 8 giờ, tôi chỉ kiếm được hơn 100 NDT, bọn họ thu nhập gấp 3 lần, khó trách sao tôi ăn một tô mỳ ở Nhật mà không đau lòng.

Chuyến du lịch bụi 10 ngày ở Nhật mau chóng kết thúc, thực tế chỉ có 8 ngày, 2 ngày còn lại đều trên xe, trên máy bay. Khi về nước, tôi cũng muốn mua một cái bồn cầu mang về hưởng thụ một chút, nhưng thấy túi tiền đã cạn, đành phải bỏ ý định.

Tôi không phải chính khách, không có cơ hội hiểu rõ sự ‘thâm hiểm’ và ‘xấu xa’ của chính phủ Nhật Bản; tôi không phải chuyên gia, không nghiên cứu qua sự mục nát của xã hội chủ nghĩa tư bản. Tôi chỉ là một người dân bình thường, chỉ có thể quan sát cảm nhận những việc liên quan đến dân sinh như đạo lý đối nhân xử thế và chuyện ăn uống ngủ nghỉ trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Chuyến du lịch Nhật lần này, khiến tôi đối với xã hội, cuộc sống Nhật Bản ít nhiều có nhận thức liễu giải một chút hạn hẹp.

Nhiều năm qua, tôi vẫn luôn suy nghĩ một vấn đề: Trung – Nhật, 2 nước vì sao luôn phải thù hận suốt nhiều thế hệ, vì sao không thể sống chung hòa thuận, ủng hộ lẫn nhau, cùng nhau phát triển, đối với nhân dân 2 nước đều là có lợi muôn phần.

Đúng là, chúng ta không thể nào quên huyết hận và sỉ nhục của cuộc chiến tranh Trung – Nhật, nhưng cuối cùng tôi cho rằng ghi khắc lịch sử, chính là không để nó lại lặp lại, chứ không phải là báo thù. Ngăn chặn chỉ có lạc hậu, học tập mới tiến bộ. Có một ngày, khi chúng ta ở từng lĩnh vực đều vượt qua Nhật Bản, không cần chiến tranh, Nhật Bản sẽ không chiến mà bại.

Mai Mai dịch từ Secretchina

Bài liên quan:

>> Nhật Bản, tới là không muốn về

>> Điều gì tạo nên kỳ tích Nhật Bản

>> Từ bạo lực học đường mới thấy “học thuyết đấu tranh” đã phá hủy nhân cách người Việt thế nào

>> Sự khác biệt giữa người TQ và người Tây Tạng qua bài viết của một hướng dẫn viên du lịch

>> Sự thật về nước Mỹ qua lời kể của một du học sinh Trung Quốc

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc