Home » Thế giới » Những điều “kỳ lạ” hiện hữu tại các đô thị lớn trên thế giới
Một số thành phố hiện đại, sôi động bậc nhất trên thế giới từng ban hành các quy định hoặc có những quy hoạch “độc lạ” trong lịch sử phát triển mà đến nay nếu nhắc lại sẽ nhận được cái “nhíu mày” từ công chúng.

Sân bay chen giữa rừng cao ốc

Việc cất cánh, hạ cánh tại sân bay Kai Tak của Hong Kong (Trung Quốc) được coi là một trong những bài kiểm tra “khó khăn” nhất đối với các phi công trong những thập niên trước. Để hạ cánh tại sân bay nằm giữa Hương Cảng, các phi công phải tập trung cao độ đồng thời khéo léo chèo lái máy bay qua “rừng nhà cao tầng” chen chúc nhấp nhô.

Các phi cơ từ sân bay Kai Tak  bay sát những tòa nhà cao tầng ở Hong Kong.

Mỗi lần bay đến sân bay Kai Tak là một lần kiểm tra năng lực của các phi công.

Điều này khiến các nhà quy hoạch của Hong Kong chịu nhiều chỉ trích. Sân bay Kai Tak tọa lạc giữa thành phố Kowloon với đường băng nối thẳng với biển. Từ khi được mở năm 1925 đến khi được đóng cửa năm 1998, đã có 12 tai nạn xảy ra tại sân bay Kai Tak với hơn 200 người thiệt mạng.

Năm 1998, sân bay quốc tế mới của Hong Kong được mở ở đảo Chek Lap Kok và đây được coi là tin mừng lớn với các phi công.

Lồng em bé mọc tại chung cư

Các bậc phụ huynh tại thủ đô London, Anh trong thập niên 30 của thế kỷ trước hiểu rõ rằng vitamin D vô cùng quan trọng với trẻ nhỏ và việc được ra không gian ngoài trời tắm nắng sẽ giúp con cái họ “cứng cáp” hơn. Tuy nhiên đây lại là điều “xa xỉ” ở thủ đô xứ sở sương mù với những tòa chung cư san sát.

Chiếc lồng cho các em bé tắm nắng.

Cảnh chênh vênh của chiếc lồng gây lo ngại về độ an toàn.

Vì vậy hình ảnh các em bé tha thẩn trong những lồng sắt nhô ra từ cửa các căn hộ của tòa chung cư cao 6 đến 7 tầng không phải là hình ảnh hiếm trong thời kỳ đó.

Lồng em bé là ý tưởng của người Mỹ, đó là không gian cơi nới từ cửa sổ nhà cao tầng được gia cố bằng kim loại với tấm nệm và rèm cho các em bé tự do tắm nắng. Tuy nhiên theo thời gian các lồng em bé cũng biến mất do các bậc phụ huynh lo ngại về độ an toàn của phát minh này.

Cảnh sát thời trang Washington

Trang phục của các quý cô bị kiểm duyệt khi ra biển.

Tại Washington DC năm 1922, nhiều người được tuyển vào ngành cảnh sát chỉ để thực hiện nhiệm vụ đo đạc rồi nhắc nhở trang phục các quý bà quý cô khi ra biển. Theo đó nữ giới phải mặc đồ bơi không được ngắn hơn 15cm so với đầu gối. Nếu mặc các trang phục vi phạm, phụ nữ sẽ phải tự đi thay đồ.

Hút thuốc trong tàu điện ngầm

Hút thuốc trong tàu điện ngầm có thể coi là hành vi không hề hợp lý nhưng lại từng được cho phép tại London. Không những vậy, quảng cáo thuốc lá còn hiên ngang xuất hiện khắp nơi trong ga tàu điện ngầm của thủ đô Anh quốc.

Người dân London từng có thời kỳ thoải mái “phì phèo” thuốc lá trong tàu điện ngầm.

Tuy nhiên vì việc hút thuốc trong tàu điện ngầm gây khó chịu cho các hành khách khác cũng như kéo theo độ nguy hiểm tiềm tàng nên Ủy ban hành khách vận tải London và tờ báo Evening Standard đã cùng phát động chiến dịch phản đối. Sau đó hút thuốc lá đã bị cấm trong tàu điện ngầm ở London từ tháng 7/1984.

Ngày Thụy Điển đổi chiều

Ngày chủ nhật 3/9/1967, Thụy Điển đã khởi động cho “Dagen H” (ngày giao thông tay phải). Đó là thời khắc vô cùng quan trọng với quốc gia Bắc Âu này bởi sau nhiều năm trời cân nhắc, Stockholm đã ra quyết định học tập các quốc gia hàng xóm và chuyển hướng lưu thông từ phía bên trái sang đi bên phải đường.

Cảnh hỗn loạn trong ngày Thụy Điển đổi từ lái bên tay trái sang tay phải.

Trong ngày Thụy Điển thay đổi quy tắc giao thông, đã có 150 tai nạn nhỏ xảy ra. Đến ngày hôm sau 4/9/1967 Thụy Điển ghi nhận xảy ra 125 tai nạn, được cho thấp hơn so với mức trung bình các ngày Thứ hai ở nước này- thường là 164 tai nạn.

Hà Linh (Theo Guardian)
Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc