Home » Thế giới, Tiêu Điểm » Số lượng người giàu ở TQ chỉ sau Mỹ, nhưng vì sao tỷ lệ làm từ thiện không đáng kể
Số lượng người giàu ở Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ, thế nhưng tỷ lệ hoạt động từ thiện của quốc gia này so với thế giới là không đáng kể, điều này khiến nhiều người ngạc nhiên và tìm hiểu lý do đằng sau là gì?

>> Tiền Trung Quốc góp cho Philippines chỉ đủ mua…9 chai rượu

 (Ảnh: Fotolia)

(Ảnh: Fotolia)

Vì sao chi cho từ thiện không tăng theo tỷ lệ người giàu ở Trung Quốc?

Trong vài năm gần đây, số người Trung Quốc có tài sản hơn tỷ Đô la Mỹ đã tăng lên gấp 3 lần, đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Nhưng trong hoạt động làm từ thiện, khoảng cách của Trung Quốc so với châu Âu hoặc Mỹ là một trời một vực. 

Theo nghiên cứu của Tạp chí Forbes (Mỹ), năm 2015, số người Trung Quốc có tài sản hơn tỷ Đô la Mỹ tăng lên 38%, số tài sản ròng của họ tăng từ 170 tỷ lên đến 830 tỷ Đô la Mỹ. Nhưng theo báo cáo mới nhất của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), chi phí cho hoạt động từ thiện của họ chỉ bằng 4% so với Mỹ hoặc châu Âu.

Lợi ích và kiểm soát

Ông Cốc Thanh, trợ lý Chủ nhiệm văn phòng của UNDP trú tại Bắc Kinh phụ trách về vấn đề xóa đói giảm nghèo cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến người giàu Trung Quốc ít làm từ thiện là vì tính thiếu minh bạch trong hoạt động tổ chức từ thiện, người ta nghi ngờ các quỹ phúc lợi xã hội không được dùng chính đáng, “vấn đề sử dụng quỹ từ thiện xảy ra nhiều tai tiếng, còn về phương diện thuế cũng không có chính sách để khích lệ hoạt động từ thiện”, tình trạng luật pháp và chính sách mơ hồ khiến nhiều người không muốn tham gia làm từ thiện.

Vào năm ngoái, con số tổ chức từ thiện ở Trung Quốc tăng lên 60% với 4211 tổ chức. Nhưng Giáo sư Nhuế Mạnh thuộc Khoa Tài chính Học viện Quản lý Trung Quốc và châu Âu (CEIBS) cho rằng, hoạt động từ thiện của thương nhân và doanh nghiệp Trung Quốc đa số là trao đổi lợi ích, “họ thông qua làm từ thiện để đổi lấy những ưu đãi của nhà nước; đa số tổ chức từ thiện có cấu kết với chính quyền, từ đó đạt được những thỏa thuận lợi ích với chính quyền”.

Gần đây ở Trung Quốc có luật mới thắt chặt quản lý đối với những tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO); về mặt làm từ thiện, tuy có nới lỏng công tác triển khai hoạt động nhưng vẫn đảm bảo giám sát và hạn chế dòng tiền quyên góp ra bên ngoài địa bàn mà tổ chức đăng ký.

Ông Josh Friedman, Giám đốc Công ty Tư vấn chính sách Trung Quốc cho rằng, “chính quyền đang tính toán lại theo hướng cổ vũ cho hoạt động quyên góp từ thiện theo mục tiêu của chính quyền, kiểm soát những NGO ủng hộ cho hoạt động của người lao động hoặc tổ chức chính trị… Ở Trung Quốc, vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chưa trở thành trào lưu được ghi nhận, họ thường xem việc làm từ thiện như một thứ công cụ trong hoạt động buôn bán”.

Giáo sư Nhuế Mạnh cho rằng, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc quan niệm sự nghiệp công ích như thứ công cụ để họ phát triển quan hệ nhằm thúc đẩy lợi ích doanh nghiệp. Ví dụ khi muốn mua lại doanh nghiệp nước khác để dẹp bớt những trở ngại thì họ nhất định phải quyên góp cho tổ chức từ thiện địa phương. Ông Patrick Haverman, Phó Chủ nhiệm văn phòng UNDN trú tại Trung Quốc cho rằng, “việc chính quyền Trung Quốc ngăn cản hoạt động công ích trong nhu cầu phát triển xã hội công dân độc lập không phải hành động sáng suốt, như thế không thể tạo phúc cho Trung Quốc và thế giới”.

Trộm cắp và lừa dối

Khác với Mỹ hoặc châu Âu, giới siêu giàu ở Trung Quốc không có người đứng ra làm gương, Trung Quốc không có những người như Bill Gates hoặc Warren Buffett. Nhiều tổ chức quốc tế đang muốn chính quyền Bắc Kinh thông thoáng hơn đối với kênh đóng góp từ thiện qua Internet. Ông Cốc Thanh nói: “Tôi tin mạng Internet là kênh thúc đẩy phát triển sự nghiệp từ thiện của Trung Quốc sau này”.

Sau nhiều vụ bê bối trong hoạt động từ thiện, gần đây nhà nước Trung Quốc đã có chính sách hạn chế hoạt động này qua mạng Internet. Vì những người muốn giúp đỡ hoặc quyên góp giúp đỡ người khác qua con đường này rất nhiều, nhưng thật giả khó phân biệt, đầy rẫy trò lừa đảo. Có những chương trình quyên góp không rõ ràng, khoản mục không rõ ràng đã làm mất uy tín của hoạt động này. Nhưng giới chuyên gia nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân là chính quyền muốn thao túng độc quyền trong hoạt động này.

“Do những tổ chức từ thiện ‘có tư cách’ đầy quan liêu, làm nhiều việc mờ ám, đặc biệt là chương trình kế hoạch thiếu công khai minh bạch nên những bê bối không được kiểm soát làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả hoạt động, nhiều người quyên góp cảm thấy họ bị lừa, vì thế họ muốn quyên góp cho những nhà quyên góp mang tính cá nhân hơn”, nhà bình luận thời sự chính trị Trương Bình cho biết.

Tinh Vệ biên dịch từ Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

Theo daikynguyenvn.com

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc