Home » Thế giới, Tiêu Điểm » Singapore làm thế nào mà đẩy lùi được tham nhũng
Singapore từng gánh chịu nạn tham nhũng hoành hoành tàn phá đất nước, đứng trước vấn nạn này Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đặt trọng tâm vào giải quyết vấn nạn tham nhũng

tham-nhung

Cho đến nay Singapore đã đẩy lùi hẳn tham nhũng, và trở thành quốc gia minh bạch hàng đầu thế giới, vậy đất nước này đã làm gì để đạt được thành tích này.

TS. Phan Hữu Tích đã có bài viết “Bốn ‘không’ ở Singapore” (bài được đăng  trên tamnhin.net) nói về vấn đề này, đây cũng là điều Việt Nam rất cần học hỏi:

Singapore là thành viên của Hiệp hội các nước ASEAN không chỉ được ca ngợi là quốc gia có nền kinh tế phát triển mà còn được đánh giá có một Chính phủ trong sạch. Singapore có bốn kinh nghiệm chống tham nhũng có hiệu quả. Tamnhin.net xin giới thiệu đến độc giả bốn kinh nghiệm của Singapore trong chống tham nhũng.

1. Làm cho quan chức không dám tham nhũng.

Ở Singapore khi một người được tuyển vào làm công chức, quan chức Chính phủ thì hằng tháng phải trích một phần tiền lương để gửi tiết kiệm. Thoạt đầu trích 5%, sau tăng dần. Người có chức vụ càng cao, thì phần trăm trích ra gửi tiết kiệm càng lớn, có thể lên tới vài chục phần trăm lương tháng. Số tiền này do Nhà nước quản lý. Bất kỳ công chức, quan chức nào phạm tội tham nhũng dù nhẹ ở mức xử phạt ra khỏi ngạch công chức thì toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm bị trưng thu. Quan chức càng to thì số tiền bị trưng thu càng lớn. Vì vậy, mỗi quan chức khi nảy ý định tham nhũng đều phải tính toán: Nếu tham nhũng, nhận hối lộ mấy trăm, thậm chí cả ngàn đô mà bị tịch thu hàng chục ngàn đô, bị sống trong hoàn cảnh không lương bổng cho đến lúc chết thì mất lại nhiều hơn được. Vì thế, đại đa số chọn giải pháp không tham nhũng; quan chức cấp càng cao, lương càng nhiều càng sợ không dám tham nhũng.

2. Làm cho quan chức không thể tham nhũng.

Chính phủ Singapore quy định và thực hiện mỗi năm công chức, viên chức, quan chức phải khai báo một lần với Nhà nước về tài sản của bản thân hoặc của vợ (chồng) bao gồm: Tiền thu nhập, tiền gửi tiết kiệm, tiền cổ phiếu, đồ trang sức, ô tô, nhà cửa… Những tài sản tăng lên phải khai rõ nguồn gốc, cái gì không rõ nguồn gốc có thể coi là tham ô, tham nhũng. Nhà nước còn quy định: Quan chức Chính phủ không được phép nợ nần; không được vay một khoản tiền lớn vượt quá tổng ba tháng lương. Singapore có thị trường mua bán cổ phiếu, nhưng quan chức Chính phủ muốn mua cổ phiếu phải được lãnh đạo cơ quan chủ quản đồng ý và chỉ được phép mua cổ phiếu của công ty trong nước. Với cổ phiếu của các công ty nước ngoài đang kinh doanh ở Singapore cũng được phép mua, nhưng với điều kiện các công ty đó không có quan hệ lợi ích với Chính phủ. Công chức và quan chức Chính phủ không được phép đến các sòng bạc, nhà chứa.

Luật Báo chí Singapore quy định những điều khoản nhằm chống tham nhũng trong lĩnh vực này. Theo đó, các nhà báo, ký giả muốn gửi bài viết của mình ra nước ngoài phải qua tổng biên tập xem xét. Khi được trả tiền nhuận bút, nhà báo đó phải báo cáo với cơ quan chức năng của Chính phủ trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận được tiền, v.v…

3. Làm cho quan chức không cần tham nhũng.

Singapore có chế độ trả lương chênh lệch khá cao giữa quan chức cấp cao với cấp thấp, với công chức và giữa công chức với nhân viên, công nhân. Thu nhập thấp nhất là người bảo mẫu mỗi tháng 400 đô la (Singapore). Nữ công nhân lắp ráp điện tử mỗi tháng từ 600 đến 900 đô la. Công chức cơ quan chính phủ tất cả đều tốt nghiệp đại học, lương khởi điểm khoảng 1.300 đô la. Cấp thứ trưởng lương tháng từ 10.000 đô la đến 20.000 đô la. Thủ tướng lương tháng hơn 40.000 đô la (thời điểm năm 2000). Với mức lương như vậy, quan chức đủ sống và chu cấp cho gia đình mà không cần tham nhũng. Hơn nữa cách trả lương như vậy công chức và quan chức Chính phủ luôn có sự so sánh: Mình được trả lương cao hơn người lao động bình thường rất nhiều. Nếu mình tham ô, tham nhũng nữa thì là kẻ vô đạo lý, mất hết liêm, sỉ. Sự so sánh và tự vấn đó đã làm cho quan chức tự tiêu hủy những tham vọng không trong sáng của mình.

4. Làm cho quan chức không muốn tham nhũng.

ở Singapore muốn tham nhũng một thứ gì đó, dù nhỏ cũng rất phiền hà. Ví dụ, khi khách nước ngoài đến Singapore, nếu họ muốn tặng các quan chức nước chủ nhà một món quà để cảm ơn về sự đón tiếp và thắt chặt mối quan hệ thì món quà đó phải mang ý nghĩa văn hóa với giá trị tiền không nhiều. Món quà nào có giá trị 100 đô la Singapore trở lên là họ từ chối hoặc phải xin phép lãnh đạo cơ quan, nếu đồng ý mới được nhận. Nhưng khi nhận rồi lại phải báo cáo với lãnh đạo cơ quan xem xét. Nếu món quà đó có giá trị tiền quá mức quy định và quan chức đó vẫn muốn nhận thì phải nộp tiền. Số tiền nộp thêm đưa vào tài khoản quỹ “nộp phạt” của Chính phủ.

Chuyện kể rằng, một phái đoàn quan chức của Chính phủ Singapore được cử sang một nước nọ để ký một hiệp định liên doanh sản xuất. Nhận thấy hiệp định này đem lại nhiều lợi ích cho mình, giới chức nước chủ nhà đã tặng những món quà lưu niệm có giá trị cao cho quan chức đoàn Singapore. Bởi sự quá nhiệt thành của chủ nhà, họ không sao từ chối được. Nhưng cứ nghĩ đến việc khi về nước lại mang quà biếu này đến cơ quan khai báo, phải mua lại và chuyển tiền vào tài khoản quỹ “nộp phạt” thì quả là phiền toái. Cả đoàn đều phải “đành lòng” viết thư cảm ơn và gửi lại quà ở sân bay trước khi trở về Singapore.

Trông người mà nghĩ đến ta, có thể nói, cách làm của Singapore là gợi ý tốt để chúng ta suy ngẫm, vận dụng trong quá trình xây dựng “Luật chống tham nhũng” của Nhà nước ta. Những biện pháp, những điều khoản điều chỉnh của Luật phải có tính bao quát, toàn diện và phải đồng bộ với các chính sách, bảo đảm tính khả thi. Chú trọng yếu tố kinh tế, sao cho tính ngăn chặn, phòng ngừa cao và tính nghiêm khắc, nghiêm minh trong xử lý vi phạm phải mạnh mẽ. Phương châm và mục tiêu của việc chống tham nhũng nên theo hướng: Làm cho quan chức không dám, không thể, không muốn và không cần tham nhũng mà Singapore đã làm có hiệu quả.

Để đạt được thành tích như ngày nay, nhìn lại quá khứ, Thủ tướng Lý Quang Diệu đặt quyết tâm chống tham nhũng, ông nói: “Một khi những nhà lãnh đạo chủ chốt kém liêm khiết, không nghiêm khắc đòi hỏi những chuẩn mực cao, lúc đó cấu trúc toàn vẹn của hệ thống hành chính sẽ yếu đi và cuối cùng nó sẽ sụp đổ. Singapore chỉ có thể tiếp tục tồn tại nếu như các bộ trưởng và viên chức cao cấp đều liêm khiết và làm việc hiệu quả…Chỉ khi nào chúng ta gữi vững tính toàn vẹn của bộ máy hành chính thì nền kinh tế mới có thể vận hành theo hướng cho phép người Singapore thấy rõ mối liên hệ giữa làm việc siêng năng với những phần thưởng xứng đáng. Chỉ khi đó, người ta, người nước ngoài và người Singapore mới đầu tư vào Singapore; chỉ khi đó người dân Singapore mới làm việc để bản thân và con cái của mình tốt hơn thông qua giáo dục và đào tạo, thay vì chỉ trông chờ vào vận may đến từ bạn bè hay người thân, hay bôi trơn quan hệ ở những nơi thích hợp”

Cơ quan điều tra tham nhũng (CPIB) hoàn toàn tách biệt khỏi khỏi tất cả các cơ quan ban ngành khác, và chỉ đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ Tướng Lý Quang Diệu. Chính điều này giúp cho CPIB không bị chi phối trong quá trính điều tra chống tham nhũng.

Singapore đẩy mạnh chống tham nhũng từ trên xuống, bắt đầu từ các lãnh đão cao nhất cho đến Bộ trưởng. Khi các lãnh đạo đều liêm khiết, các viên chức nhìn thấy điều này thì không còn dám tham nhũng nữa, người dân từ đó tin tưởng vào các viên chức và lãnh đạo. Dần dần tham nhũng ở Singapore bị đẩy lùi.

Từ kinh nghiệm chống tham nhũng ở Singapore có thể thấy rằng nếu người lãnh đạo không trong sạch thì cuộc chống tham nhũng không thể thành công

Lãnh đạo phải làm và thực hiện trước thì các viên chức cấp dưới mới nhìn và làm theo.

Cần phải có cơ quan điều tra chống tham nhũng hoạt động độc lập mà không bị chi phối bởi bất kỳ tổ chức nào.

Ánh Sáng

 

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc