Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow, Tiêu Điểm » Chiến dịch Tam phản, Ngũ phản tiêu diệt giai cấp tư sản của TQ
Nếu như cuộc Cải cách ruộng đất đã biến người nông dân hiền lành chất phác trở nên hung hãn đáng sợ, thì những gì ĐCSTQ đã làm trong công cuộc “Cải cách công nghiệp và thương mại” đã dẫn đến những hệ lụy kinh hoàng cho nền kinh tế Trung Quốc ngày nay, tạo nên thương hiệu mà ai thấy cũng sợ mang tên “Made in China”. Đó là kiếm tiền bất chấp thủ đoạn, kiếm tiền bằng tội ác.
Một cảnh nhậu nhẹt của quan chức quân đội ĐCSTQ. (Ảnh: internet)

Một cảnh nhậu nhẹt của quan chức quân đội ĐCSTQ. (Ảnh: internet)

Tại xã hội Trung Quốc thời xưa hay như các nước dân chủ tự do phương Tây, Đài Loan và Hàn Quốc ngày nay, người giàu có thuộc tầng lớp “chủ lưu”, đại diện cho giới được kính nể không chỉ bởi khối lượng tài sản, mà còn là quá trình xây dựng sự nghiệp, học thức, thanh thế dòng tộc, văn hóa, phong cách sống và cả sự nghiệp làm từ thiện của họ.

Tại Trung Quốc ngày nay thì trái lại, nhắc tới giới “siêu giàu” người ta thường hay nghĩ tới tham ô, giàu xổi, hủ bại, luồn cửa sau, làm ăn bất chính, vô đạo đức, và chỉ nhận được sự khinh ghét của các tầng lớp dân chúng.

Có lẽ sự khác biệt nằm ở chính chỗ: “làm giàu có gốc” và “làm giàu mất gốc”.

Ngày nay làm giàu bằng tội ác nhưng lại được chính quyền bảo hộ:

1. Chính quyền bảo hộ cho những kẻ làm ăn bất chính: làm giàu mất gốc

Ngày 22/10/2015, hàng ngàn thương nhân ở Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc đã túa ra đường biểu tình phản đối công ty vận tải bản địa Cẩm Kim Hồng và cơ quan quản lý cấu kết làm lũng loạn thị trường hàng hóa, khiến phí vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng cao.

Một người dân cho biết, công ty Cẩm Kim Hồng thuê xã hội đen chặn ở các giao lộ trung tâm thương mại, hàng hóa chỉ vào được mà không ra được nếu không sử dụng dịch vụ do công ty này cung cấp.

thuong-nhan
Các thương nhân tham gia biểu tình giăng băng rôn, khẩu hiệu tại hiện trường. (Ảnh: internet)

Theo các thương hộ, việc phí vận chuyển hàng từ Vũ Hán đến Trịnh Châu lên đến hơn 500 tệ, trong khi phí vận chuyển của các công ty vận tải khác chuyển hàng từ Quảng Châu đến Trịnh Châu chỉ hơn 200 tệ, đây là mức chênh lệch quá lớn.

Vậy mà điều vô lý như thế lại được chính quyền bảo hộ. Họ cho lực lượng cảnh sát xuống đường ngăn chặn cuộc biểu tình và đánh đập người dân. Họ bảo vệ cho phe làm ăn bất chính, bất chấp vì có cùng chung lợi ích.

2. “Cưỡng chế di dời” đẩy người dân đen đến cảnh bần cùng

Khi Trung Quốc trải qua sự bùng nổ ồ ạt của bất động sản, rất nhiều người dân nghèo đã trở thành nạn nhân của những nhà phát triển bất động sản giàu có. Với những khoản bồi thường rất nhỏ, đất đai của họ gần như bị cướp đoạt.

“Cưỡng bức di dời”, từ nông thôn đến thành thị Trung Quốc, từ người dân thường đến cảnh sát hình sự đã nghỉ hưu, ai dám cam đoan rằng mình không phải là người bị “cưỡng bức di dời” tiếp theo? Trong mắt những người cưỡng bức, cái họ muốn là tiền bạc và chiến tích, mặc kệ sự sống chết của dân chúng, khoản đền bù tổn thất cũng bị từng cấp, từng cấp cắt xén đi một phần. Vì bảo hộ cho quyền lợi của chủ đầu tư và cũng là của chính mình, chính quyền thẳng tay đàn áp người dân. “Cưỡng chế di dời”, có người bị thương, có người chết, có người trở nên cùng quẫn không biết phải kêu ai.

cuong-che

Cảnh tượng đau thương ở các nơi sau khi bị cưỡng bức di dời (ảnh: internet)

Đàn áp người biểu tình để bảo vệ cho những người làm giàu bất chấp, đã trở thành một hành động quen thuộc của chính quyền. Biết bao nhiêu người đã bị đánh đập và bắt giam, thậm chí oan mạng vì dám phản đối xây dựng các nhà máy hóa chất paraxylene (PX), một loại hóa chất dùng để chế tạo nhựa và sợi tổng hợp polyester, ngay khu dân cư.

3. Quyền sinh sát nằm trong tay chính quyền

Ngày 12/9, Tân Hoa xã đã cho đăng một bài báo dài với tiêu đề “Đừng để Lý Gia Thành bỏ chạy” trên trang lwinst.com. (xem bài: “Đừng để tỷ phú Lý Gia Thành bỏ chạy” và thực trạng u ám nền kinh tế Trung Quốc)

Theo bài báo: “Ông Lý Gia Thành giàu lên nhờ gần 20 năm tham gia vào thị trường Trung Quốc, tuy nhiên ông ta không đơn thuần là một doanh nhân làm thương mại. Ai cũng biết ở Trung Quốc hành nghề bất động sản không thể tách khỏi hệ thống quyền lực, nếu không cấu kết với quan chức có quyền lực thì không thể tham gia vào thị trường bất động sản. Vì thế, tài sản ông ta có được một phần lớn không xuất phát từ nền kinh tế thị trường sòng phẳng. Ông ta không thể nói muốn đi là đi.”

ly-gia-thanh
Có phân tích cho rằng, truyền thông nhà nước Trung Quốc phê bình Lý Gia Thành, đã thể hiện ra tâm lý thù địch, khiến cho giới kinh doanh lạnh tóc gáy, hậu quả là dẫn đến càng nhiều người đầu tư ra nước ngoài để chạy thoát thân.

Bài báo ít nhiều đã phản ánh rõ bản chất làm kinh doanh dưới chính quyền của ĐCSTQ: Anh không thể giàu có hoặc kinh doanh được nếu anh không cấu kết với chính quyền và cùng có qua có lại. Bình luận viên Lưu Duệ Thiệu nhận xét thêm: “Nếu như anh nghe lời thì tôi sẽ cho anh ăn, nếu như anh không nghe lời, thì một ngón tay cũng có thể hạ gục anh. Đây là thái độ quản lý Hồng Kông của Đảng cộng sản Trung Quốc.”

Kỳ thực mà nói, đây không phải là cách quản lý mới mẻ của chính quyền ĐCSTQ. Hãy cùng lội ngược dòng lịch sử để nhận thấy rằng, bản chất này của Đảng đã có từ giai đoạn khi mới thành lập chính quyền, trải dài cho đến tận hôm nay.

Chính quyền cướp của – “làm giàu mất gốc” đã xuất phát từ lịch sử cuộc Cải cách công thương

1. Lừa dối để chiếm đoạt và giết chết nếu cần thiết. Thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết

Trước năm 1949, trong thời kỳ Cách mạng Dân chủ, khi cần giai cấp tư sản ủng hộ trong cuộc nội chiến đối đầu với Quốc Dân Đảng, Đảng thổi phồng họ lên thành “bạn đồng hành của cách mạng vô sản” rồi hứa hẹn một chế độ “dân chủ cộng hoà.”

Thế nhưng, sau khi ĐCSTQ giành chính quyền vào năm 1949, ĐCSTQ đã tuyên bố rằng giai cấp tư sản và giai cấp công nhân là khác nhau về bản chất: giai cấp thứ nhất là giai cấp bóc lột trong khi giai cấp thứ hai là giai cấp không bóc lột và chống bóc lột. ĐCSTQ biện minh rằng “giai cấp tư sản đã được sinh ra để bóc lột và sẽ không ngừng làm như thế cho đến khi nó bị diệt vong”, từ đó đưa ra kết luận: giai cấp tư sản chỉ có thể bị tiêu diệt chứ không thể cải tạo được.

Dưới cái tiền đề ấy, ĐCSTQ đã sử dụng cả việc giết chóc và tẩy não để “chuyển hóa” tư sản và thương nhân. ĐCSTQ đã sử dụng phương pháp đã được kiểm nghiệm lâu dài là thuận theo nó thì sống, chống lại nó thì chết. Nếu ai hiến dâng tài sản của mình cho chính quyền và ủng hộ ĐCSTQ thì sẽ được coi như chỉ là một vấn đề nhỏ trong nhân dân. Nếu, ngược lại, ai bất đồng với hoặc phàn nàn về chính sách của ĐCSTQ thì sẽ bị dán nhãn là “phản động” và trở thành mục tiêu của chế độ độc tài tàn bạo của ĐCSTQ.

Trong thời khủng bố xảy ra giữa các cuộc cải cách đó, tất cả những nhà tư sản và những người chủ doanh nghiệp đều đã bị bắt buộc phải giao nộp tài sản của mình. Nhiều người trong số họ đã không thể chịu đựng được sự nhục nhã mà họ phải đối mặt và đã tự tử. Trong chỉ có vài năm, ĐCSTQ đã hoàn toàn tiêu diệt sự sở hữu tư nhân ở Trung Quốc.

Trong khi thi hành các chương trình cải cách công thương và cải cách ruộng đất, ĐCSTQ đã phát động nhiều phong trào để khủng bố nhân dân Trung Quốc. Những phong trào này bao gồm: đàn áp “phản cách mạng”, các chiến dịch cải tạo tư tưởng, đả đảo nhóm chống Đảng do Cao Cương và Nhiêu Sấu Thạch cầm đầu, và điều tra nhóm “phản cách mạng” Hồ Phong, chiến dịch Tam Phản, Ngũ Phản, và thanh trừng hơn nữa những người “phản cách mạng”.

2. Chiến dịch Tam Phản và chiến dịch Ngũ Phản: Giết hại các nhà tư sản để cướp tiền của họ

“Chiến dịch Tam Phản” được bắt đầu vào tháng 12 năm 1951 và được gọi là “nhằm vào nạn tham nhũng, lãng phí và quan liêu” trong số những cán bộ của ĐCSTQ.

Không lâu sau đó, ĐCSTQ đã quy tội rằng sự tham nhũng của các quan chức chính quyền của nó là do sự cám dỗ của các nhà tư sản.

tam-phan-ngu-phan
Đấu tố trong thời tam phản ngũ phản (Ảnh: internet)

“Chiến dịch Ngũ Phản” được bắt đầu vào tháng 1 năm 1952, được gọi là “nhằm vào nạn hối lộ, trốn thuế, trộm cắp tài sản nhà nước, sự xây dựng vội vàng và cẩu thả bằng vật liệu xấu, và tội làm gián điệp thu thập các thông tin kinh tế của nhà nước”. Chiến dịch với cái tên mỹ miều và nghe có vẻ rất công chính này đã dẫn tới hàng trăm ngàn người phải tự tử.

“Chiến dịch Ngũ Phản” về thực chất là chiến dịch ăn cướp tài sản của các nhà tư sản hay đúng hơn là chiến dịch giết hại các nhà tư sản để lấy tiền của họ.

Trần Nghị, Thị trưởng Thượng Hải lúc bấy giờ, được báo cáo vắn tắt tình hình trên ghế sô-fa với một cốc trà trong tay hàng đêm. Ông ta hỏi một cách nhàn nhã, “Có bao nhiêu lính dù hôm nay?”, có nghĩa là: “Có bao nhiêu thương gia nhảy lầu tự tử trong ngày hôm nay?”
Nguyên soái Lâm Bưu từng nói: “Chính quyền chính là quyền trấn áp, có chính quyền rồi, hàng triệu phú ông, hàng tỷ phú ông, trong một đêm có thể đánh ngã.”

Không một nhà tư sản nào có thể trốn thoát “Chiến dịch Ngũ Phản”.

3. Nghịch cảnh: Những cái chết thương tâm

Những nhà tư sản bị yêu cầu phải đóng thuế mà họ “đã trốn” cách đó từ tận…200 năm, từ tận thời Quang Tự (1875-1908) trong triều đại nhà Thanh (1644-1911) khi thị trường thương mại Thượng Hải mới bắt đầu được thành lập. Các nhà tư sản không thể có cách nào để trả những thứ “thuế” đó, thậm chí bằng tất cả tài sản của họ.

Họ không có cách nào khác hơn là tự kết liễu cuộc đời của mình, nhưng họ không dám nhảy xuống sông Hoàng Phố. Nếu xác của họ mà không được tìm thấy, ĐCSTQ sẽ buộc tội họ là chạy trốn sang Hồng Kông, và người nhà của họ sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm trả những khoản thuế đó. Các nhà tư sản đành phải nhảy lầu và để lại xác cho ĐCSTQ thấy bằng chứng về cái chết của họ. Người ta nói rằng mọi người không dám đi bộ bên cạnh các tòa nhà cao tầng ở Thượng Hải thời bấy giờ vì sợ bị những người nhảy lầu từ trên cao xuống rơi vào mình.

Trang wikipedia cho biết khoảng 20.000 đảng viên và 6.000 công nhân đã qua huấn luyện thực hiện nhiệm vụ gián điệp theo dõi các hoạt động kinh doanh của người dân Trung Quốc. Báo chí thì tuyên truyền theo đường lối của chính quyền cộng sản Trung Quốc. Đến cuối năm 1951, có tới 15.000 tuyên truyền viên chuyên nghiệp hoạt động ở Thượng Hải. Tới 2/1952, ĐCSTQ tổ chức các cuộc diễu hành chống tư bản chủ nghĩa, đi tới từng nhà của các chủ doanh nghiệp, tạo ra áp lực tinh thần cực lớn lên giới thương nhân.

tam-phan
Cảnh công nhân trong hệ thống công thương nghiệp Tô Châu tố cáo lên chính phủ trong Phong trào “tam phản”, “ngũ phản” (Ảnh: internet)

Theo “Sự thực về các chiến dịch chính trị sau khi thành lập Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, đồng biên soạn bởi 4 cơ quan chính phủ trong đó có Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử ĐCSTQ năm 1996:

Trong thời kỳ “Chiến dịch Tam Phản” và “Chiến dịch Ngũ Phản”, hơn 323.100 người đã bị bắt và hơn 280 người đã tự tử hoặc mất tích. Con số thống kê này xem ra là ít hơn nhiều so với thực tế.

Theo chuyên san lịch sử “Trung Quốc của Mao Trạch Đông” do GEO EPOCHE xuất bản, chỉ trong vòng vài tháng sau khi thực hiện hai chiến dịch này, một vài ngành công thương nghiệp đã suy sụp. Nhiều doanh nghiệp phải dựa vào các hợp đồng với nhà nước cộng sản Trung Quốc và vì thế mà ít nhiều đã trở thành nhân viên của nhà nước.

Vào ngày 24 tháng 9 năm 1952, Mao Trạch Đông tuyên bố trong một bài diễn văn: “trong vòng 15 năm tới, nền kinh tế tư nhân sẽ không còn tồn tại trong hình thức cũ nữa. Thay vào đó, nhà nước trực tiếp chỉ đạo và kiểm soát toàn bộ mọi thứ, bao gồm cả sản xuất và thương mại”.

so-huu-nha-nuoc
Năm 1956, 99% nền kinh tế Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước. Phần lớn dân số tiếp tục sống tại nông thôn và tham gia sản xuất nông nghiệp. Bất chấp những nỗ lực công nghiệp hóa của Chính phủ, kết quả đạt được rất khiêm tốn. (Ảnh: Getty Image)

Trên thực tế, đấy chính là sự kết thúc cho tất cả các doanh nghiệp tư nhân. Từ bây giờ trở đi, không còn một ai có thể tự do quyết định mua hay bán bất cứ thứ gì, vào lúc nào và với giá nào. Một phần là vì doanh nghiệp nhà nước ngày càng chiếm tỷ lệ nhiều hơn, mặt khác thì do các nhà máy đều trở thành hợp tác xã. Cho tới năm 1956, kinh tế tư nhân gần như đã tan biến hoàn toàn. Chỉ còn 0,5% dân số thành thị là nhân viên của các doanh nghiệp tư nhân.

Sau năm 1949, người dân Trung Quốc mất những gì?

Năm 1949, ĐCSTQ đã tranh thủ cơ hội cướp chính quyền đại lục từ tay Quốc Dân Đảng khi đảng này suy yếu sau cuộc kháng chiến chống Nhật. Kể từ đó, cuộc sống của người dân Trung Quốc nói chung, và đặc biệt là giới công nhân, tư sản trong lĩnh vực công nghiệp và thương nghiệp nói riêng, đã hoàn toàn chuyển sang một bước ngoặt mới.

Trước đây, Đại Kỷ Nguyên tiếng Việt đã đăng bài “Xã hội Trung Quốc trước và sau năm 1949, người dân mất những gì?”, trong đó liệt kê sơ bộ những quyền mà người dân Trung Quốc đại lục đã bị mất sau năm 1949. Trong đó, kể từ khi ĐCSTQ lên nắm chính quyền, đối với lĩnh vực công thương nghiệp, ít nhất thì người dân Trung Quốc đã mất các quyền sau đây:

1. Quyền tư hữu tài sản:

Trước năm 1949, đất đai, nhà cửa và những tài sản tư hữu khác của mọi người đều được chính phủ và xã hội bảo vệ; chỉ cần mình không bán, không tặng cho người khác là tài sản luôn là của mình, có thể thừa hưởng nhiều đời.

Sau khi ĐCSTQ nắm quyền, mọi tài sản tư hữu đều bị dùng danh nghĩa“quốc gia” để tước đoạt; những tòa nhà có giá trị lợi dụng đều bị “trưng thu” mà không có bất cứ bồi thường nào; nhiều loại tài sản khác nhau của mọi người cũng đều bị ĐCSTQ lấy các loại danh nghĩa khác nhau để tước đoạt, tịch biên. Cho đến ngày nay, người dân đi mua nhà ở nhưng cũng bị hạn chế “quyền sở hữu 70 năm”, sau 70 năm lại bị ĐCSTQ tịch thu… Không chỉ thế, bất kể khi nào Đảng cần nhà của bạn thì bạn không thể từ chối, nếu không sẽ bị cưỡng chế di dời. Nhiều tài sản khác cũng khó được bảo đảm an toàn, chỉ cần Đảng ngắm tài sản của bạn là bạn có thể bị quy vào các loại tội danh, sau đó dùng các loại thủ đoạn để làm “hợp pháp” hòng trưng thu tài sản của bạn (pháp luật do ĐCSTQ tùy ý làm ra). Hiện nay đang có phong trào di dân mới, một trong những nguyên nhân chính là vì mọi người phải tìm cách để bảo vệ tài sản của mình.

2. Tự do buôn bán, không có quản lý đô thị:

Trước năm 1949, mọi người tự do lập quầy hàng của mình, dùng lao động vất vả của mình để kiếm sống mà không bị bất kỳ sự khống chế nào, không có tồn tại cái gọi là “quản lý đô thị”. Ngay cả Đài Loan ngày nay, nhiều quầy hàng ven đường vẫn là điểm sáng hấp dẫn vô số du khách.

Sau khi ĐCSTQ nắm quyền, để che giấu sự thực về cuộc sống khó khăn của người dân, vì lo ngại sự phát triển của tự do thương mại sẽ uy hiếp quyền thống trị của mình, vì thế mà tự chế ra vô số các loại thuế trút vào người buôn bán, thành lập các loại tổ chức, nuôi một bọn thổ phỉ lưu manh gọi là “quản lý đô thị”, sách nhiễu cản trở hoạt động buôn bán kiếm sống của người dân, thậm chí còn hành hung, tước đoạt hàng hóa của họ tùy tiện.

3. Tự do lập công đoàn, bãi công

Trước năm 1949, việc bãi công là rất bình thường, trong đó có nhiều cuộc bãi công do chính ĐCSTQ âm mưu xúi giục. Ở các nước phương Tây ngày nay, chuyện bãi công của công nhân cũng là bình thường. Khi đó công nhân có thể tự do tổ chức công đoàn cho mình, không có chuyện chính phủ can thiệp vào. Sau khi ĐCSTQ cầm quyền, họ cũng lập “công đoàn” tại tất cả các đơn vị, nhưng thứ “công đoàn” này không phải là “công đoàn”. ĐCSTQ biến cái gọi là “công đoàn” thành một thứ công cụ của chính trị, mục đích tồn tại của nó chỉ đơn giản là để che mắt thiên hạ, lừa bịp công nhân và xã hội. Vì thứ công đoàn này không có công nhân thật sự được tham gia, miễn bàn đến bầu cử, xưa nay chưa bao giờ chúng ta được nghe nói đến thứ công đoàn này tự giác lộ diện đấu tranh vì lợi ích của công nhân.

Dưới sự thống trị của ĐCSTQ, chuyện bãi công của công nhân là chuyện “phù vân” xa xôi, trong tầm kiểm soát nghiêm mật của ĐCSTQ. Công nhân muốn bãi công sợ rằng chưa kịp hành động đã bị bắt nhốt toàn bộ! Người công dân khởi xướng hoặc do được chọn ra làm đại biểu sẽ phải đối diện với cực hình tàn khốc. Khi ĐCSTQ giành chính quyền, họ dùng những lời dối trá để được giới công nhân ủng hộ, nhưng sau khi giành được chính quyền họ lộ hoàn toàn bộ mặt thật, chưa bao giờ người công nhân phải khổ như hiện nay.

4. Làm giàu công bằng, tự do chọn nghề kinh doanh

Trước năm 1949, chỉ cần chăm chỉ làm việc, cơ hội để mọi người trở nên giàu có là ngang nhau, con đường tiến thân lên thượng tầng xã hội không có trở ngại gì, mọi người có thể tự do chọn nghề kinh doanh, không bị xét duyệt qua vô số danh mục phức tạp. Nhưng sau khi ĐCSTQ nắm quyền, ban đầu là làm cơm tập thể, người giàu cũng biến thành người nghèo, còn người nghèo thì mãi mãi là người nghèo, không có cơ hội vươn lên, mọi người ăn không đủ no. Sau này xoay chuyển xu hướng chính trị và thực hiện cái gọi là cải cách mở cửa, nhưng có lợi nhất trong cải cách mở cửa cũng vẫn là giai cấp đặc quyền ĐCSTQ, người dân bình thường có rất ít cơ hội. Ngoài ra, ĐCSTQ vì kiểm soát mạch máu kinh tế quốc dân nên họ khống chế giới kinh doanh toàn xã hội, không có quyền tự do chọn lựa lĩnh vực kinh doanh. Những ngành nghề béo bở đều bị ĐCSTQ độc quyền thao túng, người dân thường chỉ có thể làm được những nghề vừa kiếm được ít tiền lại vừa khổ cực.

Sử dụng dục vọng, kim tiền và nữ sắc để chiêu mộ thuộc cấp

Nếu như bản thân chính quyền ĐCSTQ làm giàu mất gốc bằng cách đi cướp, thì những quan chức của Đảng là những ví dụ điển hình, không chỉ chính họ làm giàu mất gốc mà còn dùng lợi lộc, vật chất, nữ sắc để làm mồi nhử chiêu nạp đàn em và tay chân vây cánh để củng cố quyền lực. .

Ông Giang Trạch Dân được ví như là một “bạo chúa độc tài” ở Trung Quốc. Từ khi lên nắm quyền, ông ta sẵn tay đàn áp những ai không cùng ý kiến và làm phật ý mình, đồng thời dung túng tham quan ô lại, dùng tiền bạc, vật chất và sắc dục để chiêu mộ khiến nhiều “hổ lớn” phải quy phục ông ta.

Ông từng nói riêng với một Ủy viên Bộ Chính trị: “Có hai cách để chi phối người khác, một là dùng lợi, hai là dùng dục. Đảng Cộng sản dùng hai cách này để khống chế kẻ khác sẽ bách chiến bách thắng!”

Sau khi vào Trung Nam Hải, ông Giang đã áp dụng phương pháp này để kiểm soát hệ thống, một mặt dùng bạo lực để đàn áp những người đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền, mặt khác dùng sự hủ bại để lôi kéo quan to nghe theo lệnh của mình, dùng địa vị xã hội để dụ dỗ hàng loạt đám “văn nô” tuyên truyền dục vọng, kim tiền và nữ sắc trong xã hội, tuyên truyền cho tư tưởng “khinh kẻ nghèo chứ không khinh gái điếm.” “Mời khách” không còn hạn chế ở vấn đề ăn uống mà chiêu đãi kỹ nữ đã trở thành một tiết mục trong giao tế. Phần tử tri thức còn mấy người bênh vực cho người dân lao động? Họ dùng cái giọng ngụy biện là những người lao động tự nguyện gánh vác “cái giá không thể tránh khỏi trong sự đi lên của lịch sử!”

Mục đích ông Giang dung túng cho thuộc cấp mặc sức tham nhũng và làm giàu bất chính là để đổi lấy sự phục tùng của họ. Vì thế xã hội Trung Quốc thời nay, nếu không có qua có lại với chính quyền thì đừng hòng làm ăn được. Và chính quyền thay vì bảo vệ lợi ích của người dân, lại đứng về phía những người làm ăn bất chính mà đàn áp lại họ.

Wei-Pengyuan
Ngày 31/10/2012, các điều tra viên chống tham nhũng đã bất ngờ tiến hành khám xét nhà ông Wei Pengyuan – Vụ phó Vụ khai thác than Trung Quốc. Kết quả, người ta đã phát hiện một khối lượng tiền mặt khổng lồ, tổng trị giá 33 triệu USD trong nhà quan chức này. Số tiền được cho là “sản phẩm” của các hành vi nhận hối lộ, đút lót. Tờ Caixin – ấn phẩm chuyên về tin tức tài chính – tiết lộ, các điều tra viên đã phải sử dụng tới 16 chiếc máy đếm tiền để kiểm kê số tiền thu được trong nhà ông Wei. (Ảnh: internet)

Bạo lực kết hợp với tuyên truyền chủ nghĩa duy vật đã huỷ hoại hoàn toàn nền đạo đức Trung Quốc: Đạo đức bao nhiêu tiền một cân?

Chủ nghĩa duy vật mà ĐCSTQ tuyên truyền đã tiến một bước phát sinh ra “chủ nghĩa tôn sùng vật chất”, “chủ nghĩa sùng bái kim tiền”, “chủ nghĩa hưởng lạc”, cuối cùng dẫn đến “chủ nghĩa duy lợi”, nó dẫn dắt con người thực sự đi đến chỗ đạo đức suy bại, tha hóa. Nhiều người Trung Quốc đương đại, gồm nhiều người thuộc “phần tử tri thức”, phủ phục dưới sự đàn áp bạo lực và chính sách thu mua kim tiền của Đảng, trở thành những người triệt để theo “chủ nghĩa duy lợi”.

Chủ nghĩa duy vật phủ định tác dụng của đạo đức, cho rằng không có đạo đức phổ quát siêu việt đối với nhân loại. Cái gọi là đạo đức đều là thuộc về từ một giai cấp nào đó, mà tại Trung Quốc, những người dẫn giải và đặt định nghĩa về đạo đức tất yếu đều là Đảng Cộng sản. ĐCSTQ trong lịch sử đấu tranh chính trị tiến hành làm mưa làm gió lật đổ đạo đức phổ quát một cách triệt để. “Đạo đức bao tiền một cân?” – câu nói này chính là điển hình cho tư duy logic của “các nhà chủ nghĩa duy vật” chịu nhận giáo dục của ĐCSTQ mà sinh ra. Chính vì vậy, nó thờ ơ với sinh mệnh con người. Một cá nhân chết đi chẳng qua chỉ là một đám protein thay đổi hình thức tồn tại mà thôi, không có gì to tát cả, đây là cơ sở lý luận trọng yếu để có thể giết người mà không cảm thấy áy náy hay xót thương. Mao Trạch Đông nói: “Người theo Thuyết duy vật triệt để, không có gì phải sợ hãi.” Vì thế, người Trung Quốc ngày nay điều ác nào cũng dám làm. Vì kiếm tiền, chạy theo tiền mà có thể bất chấp đến tính mạng của người khác. Điều này lý giải cho các sản phẩm độc hại mang thương hiệu ‘Made in China” mà cả thế giới đều cảm thấy khiếp sợ.

Trung Quốc truyền thống có vậy chăng? Người xưa nói: Đức là gốc, của cải là ngọn cây

Người quân tử hiểu tầm quan trọng của nghĩa, kẻ tiểu nhân chỉ biết có lợi!

Một trong bốn cuốn sách kinh điển của Nho gia, Đại học, có viết, “Một người quân tử phải chú ý tu đức bản thân. Nhờ đức, một người có được sự kính nể của người dân; nhờ dân, người đó có đất đai; nhờ đất đai, người đó tạo ra của cải; với của cải, người đó có thể dùng nó. Đức là gốc, và của cải là những ngọn cây”. Do đó, Khổng tử đã giảng, “Thấy lợi xét nghĩa”, “Làm giàu bất nghĩa đối với ta cũng tựa phù vân”, và “Người quân tử hiểu tầm quan trọng của nghĩa, kẻ tiểu nhân chỉ biết sự quan trọng của lợi.” Những thương nhân thời xưa ở Trung Quốc qúy trọng lời dạy của Nho giáo vốn tin vào nguyên tắc “Người quân tử muốn của cải sẽ kiếm nó bằng con đường ngay chính”. Chúng ta cùng xem lại những câu chuyện thời xưa để thấy những bậc minh quân, hiền thần trong quá khứ coi trọng chữ Tín Nghĩa và Đức hạnh như thế nào.

Gương Quản Trọng nhận lỗi khi thấy dân mất ngựa mà không đi kiện

Một lần vua Hoàn Công nước Tề đi săn, đuổi con hươu chạy vào trong cái hang, thấy có một ông lão, bèn hỏi rằng: “Hang này tên gọi là hang gì?”.

Ông lão thưa: “Tên là hang Ngu Công”.

– Tại làm sao mà đặt tên như thế?

– Tại kẻ hạ thần đây mới thành có tên ấy.

– Coi hình dáng lão không phải là người ngu, cớ gì lại đặt cái tên như thế?

– Để hạ thần xin nói: Nguyên hạ thần có con bò cái đẻ được một con. Khi bò con đã lớn, hạ thần đưa đi bán, rồi lấy tiền mua một con ngựa con đem về cùng nuôi với bò cái. Một hôm, có một chàng thiếu niên đến lấy lý “Bò không đẻ ra được ngựa”, bèn bắt con ngựa con đem đi. Tôi chịu mất, không cãi được. Vì thế xa gần đâu cũng cho tôi là ngu mới gọi hang tôi ở đây là hang Ngu Công.

Hoàn Công nói: “Lão thế thì ngu thật!”.

Buổi chầu hôm sau, Hoàn Công đem câu chuyện kể lại cho Quản Trọng nghe.

Quản Trọng nói: “Đó chính là cái ngu của Di Ngô này. Nếu được vua giỏi như vua Nghiêu, bầy tôi minh như Cao Dao, thì khi nào lại có kẻ dám ngỗ ngược, lấy không ngựa của người ta như vậy. Ngu Công mà đành để mất ngựa, chắc là biết rõ hình pháp ngày nay không ra gì. Xin nhà vua kịp chỉnh đốn các chính sách lại. Khổng Tử nghe thấy nói:

– Đệ tử ta đâu, ghi lấy việc ấy! Hoàn Công là bá quân. Quản Trọng là hiền thần. Tuy đã vào bậc khôn ngoan, mà còn tự cho là ngu dại.

Quản Trọng

Ông lão cam tâm mất ngựa, lại chịu cả cái tiếng “ngu” là ý nói gặp phải thời buổi người trên tham nhũng, kẻ dưới hung nghịch, đành chịu để êm chuyện đi, còn hơn dở khôn đi kiện, chẳng những mất ngựa mà có khi lại mất cả bò và bao nhiêu tiền của, thời giờ vào đấy nữa. Hoàn Công thấy chuyện mà lưu tâm đến, chứng tỏ ông là vị vua có tâm với dân. Quản Trọng nghe chuyện mà biết nhận ngay cái lỗi ấy tại mình, thế cũng là hai bậc bá quân, lương tướng hiểu rõ cái trách nhiệm chăn dắt muôn dân của mình. Nên Khổng Tử có lời khen quả thực đáng ghi sử sách. Vì rằng nắm vận mệnh một dân tộc mà không giữ chữ Tín Nghĩa, không lấy Đức làm trọng, thì chỉ đẩy dân vào cảnh khổ đau lầm than.

Vị minh quân ngay chính: Vua Đường Thái Tông lấy mình làm tấm gương về chữ Tín

Thời đầu những năm Trinh Quan (627-647) triều đại nhà Đường, có người đệ trình thư thỉnh cầu trừ bỏ nịnh thần. Đức Vua Đường Thái Tông hỏi: “Trẫm bổ nhiệm quan viên, là để họ trở thành những hiền thần. Theo khanh, làm thế nào phân biệt ai là nịnh thần?”

Người đã viết thư đó trả lời: “Tâu bệ hạ, hạ thần ở nơi dân chúng, không biết rõ ai là nịnh thần trong cung. Nếu bệ hạ muốn biết, thì bệ hạ giả vờ nổi giận để thử lòng người. Nếu ai không sợ hãi mà đứng ra can gián, thì đó chắc chắn là người cương trực. Còn ai thuận theo mà a dua xu phụ thì quả nhiên là nịnh thần.”

duong-thai-tong

Bấy giờ, Đường Thái Tông nói với Phong Đức Di:

“Dòng nước chảy kia trong hay đục, ấy cũng là từ nguồn nước định ra. Vua ví như nguồn nước, trăm họ tựa như dòng. Vua tự thân làm điều giả dối, lại còn muốn triều thần công minh chính trực là sao? Đầu nguồn đã dơ bẩn, lại đòi có nước trong? Như thế không hợp đạo lý. Trẫm xưa nay vẫn cho rằng Ngụy Vũ Đế giảo trá, nên tự trong lòng khinh bỉ ông ta lắm. Lấy lối hành xử đó làm gương sao được?” Xong, Đường Thái Tông bảo người đã dâng thư: “Trẫm vẫn mong lấy ‘đại tín’ làm phương châm cho hành xử trong thiên hạ. Không dùng ‘lừa dối’ để giáo hoá dân chúng. Lời của khanh dẫu có chỗ hay, nhưng Trẫm không thể làm theo được.”

Trong thực tế, những ai coi trọng giá trị công lý và chính nghĩa có vẻ bị bất lợi khi so sánh với những người chỉ biết lợi lộc và làm giàu. Tuy nhiên, chính nghĩa và lợi lộc có quan hệ tương hỗ căn bản; có một khoảng cách về thời gian – không gian giữa hai điều này. Một người phải nên tích đức hành thiện trước và lợi sẽ đến sau. Đạo đức vô hình, lợi ích hữu hình. Người thường không nhìn thấy đức và vì thế không tin tưởng vào điều này. Nhưng thực tế về nhân – quả: “ác giả ác báo” vốn đã quá rõ.

Những ai hành thiện và theo đúng những nguyên tắc công lý và chính nghĩa là đang tạo nền móng vững chắc cho tương lai tốt đẹp cho chính họ. Những ai làm giàu bằng những hành động tà ác là đang đào sẵn nấm mồ cho chính mình.
Như vậy mà nói, tầng lớp công, nông, thương, từ địa chủ, tư sản đến dân đen đều bị ĐCSTQ dùng lời ngon ngọt hứa hẹn một tương lai công bằng tươi sáng mà lừa gạt hết thảy. Khi cần sự ủng hộ thì chiêu mộ họ, khi nắm được chính quyền trong tay thì quay lại đàn áp và chiếm lợi riêng cho mình.

Trung tâm điều tra Khoa học Xã hội Trung Quốc thuộc Đại học Bắc Kinh từng có “Báo cáo phát triển dân sinh Trung Quốc năm 2014” cho thấy, trong đó 1% gia đình sở hữu 1/3 tài sản (trở lên) của toàn quốc, còn 25% số gia đình ở tầng thấp nhất chỉ sở hữu 1% tài sản. Con số 1% số người giàu Trung Quốc Đại Lục kể trên đều là gia đình quan chức Cộng sản Trung Quốc hoặc người thân của họ. Vào tháng 8/2006, một báo cáo điều tra của chính quyền Trung Quốc cho thấy: những người giữ chức vụ quan trọng trong các lĩnh vực béo bở (tài chính, ngoại thương, phát triển đất đai, các dự án lớn, năm lĩnh vực chính của chứng khoán) toàn là con cháu của quan chức cấp cao. Giới nhà giàu ở Trung Quốc có đến trên chín phần là con cháu của quan chức cấp cao, trong đó có hơn 2.900 con quan chức cấp cao có tổng tài sản 2 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Người nghèo ngày càng nghèo hơn. Người giàu thì phải cấu kết với chính quyền mới đảm bảo được công việc kinh doanh kiếm tiền. Trước đây Đảng kích động người dân coi tầng lớp giàu có là thế lực thù địch, là giai cấp bóc lột cần phải hận, cần phải tiêu diệt, hiện giờ những người giàu có đa phần đều là quan chức, dòng họ của quan chức hoặc những người có liên kết với quan chức. Xã hội Trung Quốc hiện nay, tâm lý con người đầy lệch lạc và mâu thuẫn, một mặt chửi kẻ có tiền, một mặt lại muốn trở thành người có tiền bằng mọi giá bất chấp đạo đức. Hiện tượng vừa tham giàu vừa thù người giàu song song tồn tại. Như vậy mà nói, người dân Trung Quốc thực ra chỉ là nạn nhân bị nhào nặn bởi ĐCSTQ độc tài tà ác hơn nửa thế kỷ nay. Họ là đáng tội hay thực sự đáng thương?

Theo daikynguyenvn.com

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc