Home » Bí ẩn thế giới, Khoa học » Khám phá những vùng đất “chết”
Hiện trên thế giới có một số địa điểm được xem là vùng đất chết hay còn được biết đến với tên gọi là những thung lũng không tồn tại sự sống như thung lũng chết tại Serbia; thung lũng chết Camtratca của Nga; Vực chết chóc Tứ Xuyên, Thung lũng tử thần Cát Lâm, Trung Quốc; thung lũng chết Eluos ở Italy và đặc biệt là thung lũng chết ở Mỹ. Những điều kỳ bí chỉ xuất hiện tại các khu vực đặc biệt này đến giờ vẫn là điều làm khó cho các nhà khoa học…

Giải mã bí ẩn về những vùng đất “chết” trên thế giới

Những hiện tượngbí ẩn

Một số nhà nghiên cứu về các hiện tượng tự nhiên đặc biệt tin rằng, nằm ở phía Tây Bắc Yakutia – Siberia, gần thượng lưu sông Viliuy có một thung lũng kỳ lạ, nơi dấu vết của nhiều sự biến đổi lớn về địa chất trong lòng đất xảy ra cách đây hàng trăm năm. Khu vực này trải rộng trên một diện tích hơn 1000 km2, được bao phủ bởi các cánh rừng Taiga rộng lớn với rất nhiều đầm lầy, các miệng núi lửa và là nơi hằn in dấu vết các vụ va chạm thiên thạch với Trái đất. Xưa kia, vùng đất này là nơi qua lại của những người dân du mục Evenk. Họ đến từ Bodaibo, qua Annybar để ra biển Laptev. Những người du mục kể lại rằng, họ thường thấy những tấm kim loại có màu sắc giống như đồng, nhưng rất cứng và sắc, có thể cắt được kim loại khác một cách dễ dàng. Mỗi tấm có đường kính từ 6-8m, bao phủ bên ngoài lớp vỏ kim loại là một lớp giống như bột mài. Khi dùng dao để cứa vào nó, người ta không thấy bất kỳ một vệt xước nào để lại trên bề mặt. Qua phân tích, các nhà khoa học nhận thấy những tấm kim loại này là mảnh vỡ của các khối hình tròn lớn chứa đủ nhiều người bên trong. Một trong những truyền thuyết kỳ lạ nhất về thung lũng chết được những người dân du mục Yakut kể lại rằng: “Vào một ngày, giữa lòng thung lũng đột nhiên bị bao phủ bởi các đám mây mù xám xịt và bị sét đánh dữ dội. Một cơn lốc xoáy khổng lồ bốc lên từ dưới mặt đất, bụi bay mù mịt hàng trăm dặm. Vật thể lạ này có màu đỏ giống màu đồng và phát ra những âm thanh rất chói tai. Ít lâu sau, nó biến mất dưới lòng đất sâu, để lại miệng hố khổng lồ có bán kính rộng 20m. Kể từ đó, bất cứ ai tò mò muốn đến gần miệng hố xem điều gì đã xảy ra đều không bao giờ quay trở lại”. Một khu vực tương tự tại khu bảo tồn Cronochco (Nga) khiến bất kỳ ai “vô tình” đến đây đều vô cùng kinh sợ bởi những “núi” xương trắng lạ kỳ. Điều đặc biệt là những ai tới gần khu vực này đều bị thiệt mạng, từ đó cái tên thung lũng chết Camtratca luôn là địa danh khiến nhiều người ngại nhắc đến trong khi các nhà thám hiểm thì lại thêm tò mò về những điều kỳ lạ đang xảy ra ở nơi đây.

Không chỉ xuất hiện tại khu vực châu Âu, một địa điểm bí ẩn khác cũng xuất hiện tại Trung Quốc. Cái tên thung lũng Tre Đen tại Tứ Xuyên, Trung Quốc là một ví dụ. Hiện tượng bí ẩn về những cái chết và mất tích của hàng trăm người tại thung lũng Tre Đen, Tứ Xuyên, Trung Quốc, làm nơi này còn bị gọi với cái tên thung lũng chết. Được biết, thung lũng Tre Đen nằm ở phía tây nam của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Dù ngày nay, thung lũng Tre Đen đã được khai thác thành điểm du lịch, nhưng rất nhiều người vẫn không dám đặt chân đến vùng đất này bởi trong tiềm thức, Tre Đen vẫn vẹn nguyên là hình ảnh về một thung lũng chết chóc. Mùa hè năm 1950, một chiếc máy bay bất ngờ bị nổ khi bay qua đây, làm gần 100 người thiệt mạng. Điều đáng nói là, dù nỗ lực tìm kiếm cứu nạn, nhưng chính quyền địa phương không thể nào tìm thấy dù chỉ một mảnh vụn của máy bay hay thi thể của người bị nạn. Năm 1962, một đoàn chuyên gia địa chất đi qua đây cũng “biến mất” một cách bí hiểm ngay trước mắt người dẫn đường.

Theo thống kê về những trường hợp con người bị mất tích bí ẩn tại các thung lũng thì thung lũng chết tại Mỹ được các nhà nghiên cứu nhắc tới nhiều hơn cả. Vào mùa đông năm 1849, một đoàn người đi tìm vàng trong khi cố gắng tìm con đường tắt đã đi lạc vào thung lũng này và bị mất phương hướng. Họ đã phải trải qua đói khát, bị ánh nắng mặt trời gay gắt thiêu đốt và bị tấn công bởi các loài côn trùng, sâu bọ như rắn và bọ cạp. Chịu nhiều khổ ải, có người vùi xác dưới đáy vực, có người bị chết vì đói, vì rắn độc cắn, mãi đến tháng 1 năm 1850 mới có một thành viên trong đoàn trốn thoát ra. Năm 1941, một đoàn điều tra của Mỹ do mất phương hướng cũng lạc vào đây và không một ai sống sót. Điều đặc biệt hơn cả là ở thung lũng chết hầu như quanh năm không có một giọt mưa và có tới 6 tuần trong năm nhiệt độ lên tới trên 40 độ C. Mỗi khi có mưa xuống, những nơi nóng rực sẽ có những lớp bùn đỏ trôi ra trông như núi lửa phun trào. Vì thế, nơi đây còn có tên gọi là “miệng núi lửa chết”.

Những đụn khói bốc cao tại thung lũng chết Camtratca được cho là chất độc cianua phát ra từ những kẽ nứt trên bề mặt đất. Ảnh: TL

Đi tìm lời giải

Trước những điều kỳ bí xảy ra ở các thung lũng bí ẩn trên thế giới đã khiến các nhà khoa học phải nỗ lực hơn trong việc tìm ra lời giải thỏa đáng nhất. Và với những thành công bước đầu sau khoảng thời gian khảo sát nghiên cứu đánh giá thực địa, dưới góc nhìn khoa học nguyên nhân về sự tồn tại của các thung lũng chết bí ẩn dần được hé lộ. Trở lại với trường hợp của thung lũng chết tại Serbia, các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân tồn tại của thung lũng này đó là ẩn sâu dưới lớp đất của “thung lũng chết” tồn tại sự hoạt động mạnh của các dòng từ trường. Lý do là trước đây quân đội Liên Xô đã chọn nơi này để thử nghiệm vũ khí hạt nhân nên trữ lượng phóng xạ còn sót lại kết hợp với từ trường trong đất đã khiến cho vùng này bị nhiễm xạ nặng. Chính điều này đã khiến cho những người tới khu vực này đều bị ảnh hưởng tới tính mạng, đồng thời những lời miêu tả về sự xuất hiện của các hố sâu cũng như những quầng sáng lạ thực chất là hệ quả của việc thử nghiệm vũ khí. Mặc dù, lời giải thích đã được đưa ra nhưng vẫn có nhiều quan điểm không đồng thuận khi nguồn gốc của các tấm kim loại lạ được tìm thấy ở đây không được xác định rõ ràng. Trong trường hợp của thung lũng chết Camtratca thì việc lý giải nguyên nhân dễ được nhiều người chấp thuận hơn, khi các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những cái chết khó hiểu của các loài chim, chồn Gulô, và gấu tại khu vực này là do những kẽ nứt của vỏ trái đất phát ra chất độc cianua gây tê liệt cơ quan hô hấp, dẫn đến tử vong.

Đối với việc tồn tại của thung lũng Tre Đen thì, một nhóm các nhà khoa học độc lập khi tìm hiểu về vùng đất này cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sự mất tích của đoàn chuyên gia địa chất là do hơi nước phát ra từ cây cối mục rữa bị bão hòa, gây ngạt thở, dẫn đến mất định hướng và rơi xuống các kẽ nứt sâu có rất nhiều ở hai bên đường đi. Mặt khác, các thảm kịch xảy ra ở đó bởi vì một khu vực đất có lực từ cực mạnh nằm trong thung lũng Tre Đen. Tại đây, kim la bàn quay loạn xạ, còn con người rơi vào trạng thái điên loạn do mất tri giác và mất định hướng, cứ loanh quanh một chỗ mà không tài nào tìm được đường đi chính xác. Trong khi đó câu chuyện liên quan tới từ trường trong đất cũng được cho là lời giải thích hợp lý nhất khi con người khó có thể xác định được phương hướng khi đặt chân tới thung lũng chết tại Mỹ. Một điều đặc biệt đã được phát hiện đó là sau những trận bão lớn, nước thường tập trung trên bề mặt, đặc biệt vào mùa đông và đầu mùa xuân, mặt hồ đã nhiều lần bị ngập với mực nước đo được 7cm và nhiệt độ thường giảm xuống dưới 0 độ. Với điều kiện sống như vậy thì thật sự khó cho con người và các loài động vật có thể duy trì được sự sống khi đã lạc chân vào đây. Dẫu sau, những lý giải trên đây vẫn chỉ là những giả thuyết và hiện các nhà khoa học vẫn còn có không ít tranh cãi xung quanh việc tồn tại của thung lũng chết, nhưng điều quan trọng hơn cả là những lý giải mang yếu tố tâm linh huyền bí đã được loại bỏ.

Thủy Liên/tintuc.net

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc