Home » Kinh doanh, Tiêu Điểm » Thị trường chứng khoán Trung Quốc để bơm và rửa tiền
Thị trường chứng khoán Trung Quốc: Vận hành như máy bơm tiền và rửa tiền cho DNNN.

Bằng cách cướp bóc khoản tiền tiết kiệm của các nhà đầu tư nhỏ lẻ – hàng triệu người dân thường Trung Quốc , chính quyền đã tạo nên nguồn vốn dồi dào cho các doanh nghiệp nhà nước.

Trong những tháng gần đây, được nhà nước khuyến khích, hàng triệu người dân Trung Quốc đã đẩy mình vào nguy cơ mất tất cả mọi thứ bằng việc đánh bạc trên thị trường chứng khoán. Các kết cục thảm khốc hiện nay đang xảy ra hàng ngày.

Thực ra, kể từ khi ra đời, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã đặt dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Họ coi nó như một “cây rút tiền ATM” để lấp đầy két của các doanh nghiệp nhà nước (SOEs) và lót túi các giám đốc điều hành (CEO) bằng cách bòn rút tiền tiết kiệm của các nhà đầu cơ nhỏ lẻ.

Trong suốt nhiệm kỳ của mình, cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ đã nói: “Thị trường chứng khoán cần phải giúp nâng đỡ các doanh nghiệp nhà nước thoát nghèo”.

ĐCSTQ đã đề ra mục tiêu kéo các doanh nghiệp nhà nước thoát nghèo chỉ trong ba năm qua việc sử dụng thị trường chứng khoán. Họ thực hiện mục tiêu này bằng cách niêm yết các doanh nghiệp nhà nước được quản lý yếu kém và thậm chí bất ổn trên thị trường chứng khoán.

Với định hướng này, việc cải cách thị trường chứng khoán và niêm yết chỉ giới hạn trong những doanh nghiệp nhà nước trong một thời gian dài, trong khi các doanh nghiệp tư nhân có rất ít cơ hội tiếp cận nguồn vốn từ cộng đồng.

Được khuyến khích bởi các chính sách của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước sử dụng thị trường chứng khoán để có vốn.

Công ty con của các công ty mẹ trở thành “chiếc máy ATM” đem lại dòng tiền mặt. Do đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã đạt được “100 năm phát triển chỉ trong vòng 10 năm”

nha dau tu

Các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc (Ảnh: ImagineChina)

Theo ông Trần Đông Sinh, chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Nhân Thọ Taikang, ông Chu Dung Cơ đã ra một quyết định lớn cho phép tất cả các doanh nghiệp được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Hơn nữa, việc cải cách thị trường vốn đã rõ ràng vào lúc đó, các mục tiêu được thiết lập cho từng tỉnh, và tất cả đều muốn thực hiện.

Đây là cách mà thị trường vốn của Trung Quốc đã ra đời, ông Trần nói. Nhưng ngay từ khi mới thành lập nó đã được sắp đặt để cung cấp vốn nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp nhà nước.

Và ngày nay nó vẫn vậy, ông nói. Tại sao chúng ta không thể quản lý tốt thị trường vốn được? Bởi vì các doanh nghiệp nhà nước sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán nếu Thủ tướng nói vậy.

Thị trường chứng khoán là máy rửa tiền

Có một cải cách quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc gọi là điều khoản “mua lại để giữ quyền quản lý”. Thế giới xem điều này như việc các giám đốc điều hành sử dụng quyền lực để chia lại tài sản của quốc gia. Nhưng các quan chức cao cấp của Đảng và gia đình của họ, những nhà điều hành cao cấp của các doanh nghiệp nhà nước là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc cải cách này.

Ông Tập Cận Bình gần đây đã kết thúc những ‘ngày xưa tốt đẹp’ của các vị giám đốc điều hành các doanh nghiệp nhà nước. Trong hai năm qua, chính quyền đã nhiều lần nhấn mạnh sự lãnh đạo cao nhất của Đảng trong doanh nghiệp nhà nước, và vào tháng 11/2014, “Ban Chỉ đạo Nhà nước về Cải cách các doanh nghiệp Nhà nước” đã được thành lập.

Kể từ khi rất nhiều các nhà điều hành doanh nghiệp nhà nước bị sa thải trong chiến dịch chống tham nhũng sau kỳ Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ 18 của Trung Quốc, rất nhiều các nhà điều hành các doanh nghiệp nhà nước đã lo ngại rằng việc nắm giữ cổ phiếu sẽ bị liệt vào tội tham nhũng. Họ vội vã bán cổ phiếu của mình.

Tính đến ngày 17/10/2014, các nhà điều hành của các công ty được niêm yết đã giảm đáng kể việc nắm giữ cổ phiếu và đã bán ra 47.43 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 7.68 tỷ USD). Trong 6 tháng đầu năm 2015, các nhà điều hành các doanh nghiệp nhà nước bán tiếp ra hơn 500 tỷ nhân dân tệ (khoảng 81 tỷ USD) – một kỷ lục trong lịch sử.

Điều đó cho thấy những nhà điều hành này đã biến các doanh nghiệp nhà nước và thị trường chứng khoán thành máy rửa tiền của họ.

Bòn rút các khoản đầu tư của cổ đông

Kể từ năm 1992, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã trải qua hơn hơn 10 chu kỳ thăng trầm. Xét cho cùng, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc mất nhiều hơn được, nhưng rất nhiều người dân tiếp tục đánh bạc trên thị trường chứng khoán.

Trong năm 2008, thị trường cổ phiếu hạng A đã giảm hơn 70%. Theo một cuộc khảo sát hơn 25.000 nhà đầu tư trên khắp Trung Quốc do tờ Tin tức Chứng khoán Thượng Hải (Shanghai Securities News) tiến hành, có hơn 90% số cổ đông mất tiền, trong đó hơn 60% mất hơn 70% giá trị chứng khoán. Chỉ có 6% số nhà đầu tư nói là họ có lời.

Năm 2013, thị trường chứng khoán Trung Quốc được coi là thị trường chứng khoán hoạt động tồi nhất ở Châu Á. Theo một cuộc khảo sát được công bố bởi trang sina.com vào tháng 1/2014, khoảng 65% số cổ đông mất tiền vào năm 2013. Mức sống của 32,2% các nhà đầu tư đã bị giảm đáng kể vì các canh bạc của họ trên thị trường chứng khoán, với 9% nói họ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, sự tổn thất của các nhà đầu tư Trung Quốc là kinh khủng. Trong 2 tuần cuối tháng 5, thị trường đã mất 13,26 nghìn tỷ nhân dân tệ (2.148 tỷ USD), tương đương mỗi nhà đầu tư mất 147.000 nhân dân tệ (23.814 USD) – hay gần gấp ba lần thu nhập bình quân đầu người một năm, theo dữ liệu được công bố trong một bài báo có tiêu đề “Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã mất bao nhiêu tiền trong nửa đầu năm 2015”.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc khác biệt so với thị trường Phương Tây

Thị trường chứng khoán Trung Quốc không có các nhà đầu tư dài hạn, chỉ có các nhà đầu cơ.
Không một ai quan tâm về tình hình hoạt động thực tế của các doanh nghiệp niêm yết. Mọi người chỉ quan tâm đến việc liệu giá cổ phiếu có đang tăng lên hay không. Giá trị chứng khoán do đó hoàn toàn không liên quan gì tới hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của các công ty.

Các thị trường chứng khoán phương Tây cũng có những nhà đầu cơ, nhưng họ cũng có những nhà đầu tư dài hạn. Điều kiện kinh doanh và khả năng sinh lợi là cơ sở của giá cổ phiếu trên thị trường ở phương Tây.

Ngoài ra, ĐCSTQ còn thao túng thị trường chứng khoán. Họ sử dụng các chính sách khác nhau để điều chỉnh sự lên xuống trên thị trường, trong khi chính phủ Mỹ chỉ đóng vai trò như một người coi sóc cho thị trường, với việc ra các quy định được cân nhắc kỹ càng.

Duy nhất trên thế giới, chỉ có thị trường chứng khoán Trung Quốc là bỏ rơi phần lớn các nhà đầu tư của mình.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã gian lận theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp nhà nước và các quan chức của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, họ trục lợi từ thông tin bất cân xứng và quyền lực chính trị. Họ đã có thể làm giàu cho mình bằng sự trả giá của những nhà đầu cơ mới thiếu kinh nghiệm. Đây là những đặc điểm của một “nền kinh tế khai thác”, để phục vụ một chế độ độc tài toàn trị.

Hà Thanh Liên

Đây là một bản dịch tóm tắt từ bài viết của bà Hà Thanh Liên. Bài viết được công bố trên blog cá nhân. Bà Hà Thanh Liên là nhà kinh tế nổi tiếng người Trung Quốc, hiện đang sống tại Mỹ. Bà là tác giả của cuốn sách “China’s Pitfalls” (Tạm dịch: “ Những cạm bẫy của Trung Quốc”), đề cập đến nạn tham nhũng trong cải cách kinh tế của Trung Quốc trong những năm 1990, và cuốn “The Fog of Censorship: Media Control in China” (Tạm dịch: “Bóng đen kiểm duyệt: Kiểm soát thông tin ở Trung Quốc”) , đề cập đến sự thao túng và hạn chế báo chí . Bà là tác giả của nhiều bài viết về các vấn đề kinh tế và xã hội hiện thời của Trung Quốc.

Thuần Thanh biên dịch

Theo daikynguyenvn.com

 


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc