Home » Thế giới » Vì đâu luật sư Trung Quốc bào chữa cho quan chức tham nhũng
Tại sao luật sư Trung Quốc lại bào chữa cho những quan chức tham nhũng?
bac hy lai

Ông Bạc Hy Lai trong một phiên xét xử tại tỉnh Quảng Đông, ngày 22/9/2013 (Ảnh: Feng Li/Getty Images)

Bị cáo có thể không thành thật, công việc không được trả tiền, và thực tế là không có cơ hội để lật ngược lại phán quyết và bản án. Tuy nhiên, các luật sư Trung Quốc vẫn xuất hiện tại tòa để bào chữa cho các quan chức bị kết tội tham nhũng – và việc này chắc chắn là không phải vì tiền.

Cho đến nay, chiến dịch chống tham nhũng kéo dài hai năm rưỡi của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến hơn một trăm quan chức cấp cao, hay “những con hổ” theo cách nói của chính quyền, bị điều tra và kết tội.

Sau khi chịu “song quy”- một hệ thống thẩm vấn và giam giữ khét tiếng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn thường xuyên sử dụng việc tra tấn – những quan chức này cuối cùng sẽ có mặt ở tòa án, nơi họ được trông đợi sẽ thú nhận tội và chờ tuyên án, thường là án tù dài đằng đẵng hoặc án tử hình được miễn giảm.

Để đồng hành với sự giả tạo về một hệ thống pháp luật công khai – mặc dù tuyên bố hùng hồn rằng các tòa án ở Trung Quốc đều tuân theo “pháp quyền”, ĐCSTQ vẫn gây ảnh hưởng đến các phán quyết của tòa đối với những vụ án nhạy cảm – tòa án sẽ chỉ định luật sư bào chữa cho những “con hổ” bị rớt đài này.

Hầu hết các quan chức chấp nhận những luật sư được chỉ định cho họ, trong khi một số khác thích thuê các luật sư nổi tiếng để thụ lý vụ án, theo Nam Phương Tuần báo (Southern Weekly), một tờ báo do chính quyền Trung Quốc điều hành nhưng đôi lúc có khuynh hướng tự do.

Các luật sư trong trường hợp được chỉ định sẽ tiếp nhận vụ án, nhưng không sẵn lòng lắm do các thủ tục tố tụng kéo dài và tốn thời giờ rốt cuộc sẽ làm ảnh hưởng đến việc hành nghề luật của họ. Họ cũng không được nhà nước trả công thỏa đáng – luật sư Tiễn Liệt Dương kể với Nam Phương Tuần báo rằng ông chỉ nhận được 2.000 nhân dân tệ (khoảng 322 USD) cho việc đại diện cho cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân vào năm 2013, bao gồm cả các chi phí cho trợ lý của ông.

Rất ít luật sư muốn đảm nhận riêng những vụ án của quan chức tham nhũng, do sẽ không có tấm chi phiếu tử tế nào chờ đợi họ.

Các quan chức tham nhũng “có thể đã từng giàu có, nhưng một khi tài sản của họ bị tịch thu thì họ không có tiền”, luật sư Hứa Lan Đình nói với Nam Phương Tuần báo. Thậm chí nếu gia đình của vị quan chức kia có tiền, thì họ cũng ngần ngại chi nhiều hơn vì nó sẽ “chỉ làm tăng thêm sự nghi ngờ” đối với tội tham nhũng của bị cáo, ông Hứa nói thêm.

Nếu được lựa chọn, các luật sư thích được thuê bởi những doanh nhân bị cáo buộc tham nhũng hơn bởi vì họ có thể đủ khả năng chi trả chi phí pháp lý lên đến mức 2 triệu nhân dân tệ (khoảng 323.000 USD). Trái lại, những quan chức bị thanh trừng chỉ có thể chi trả được từ 50.000 nhân dân tệ (khoảng 8.054 USD) cho tới vài trăm ngàn nhân dân tệ là nhiều nhất.

Những luật sư đảm nhận các vụ án như vậy thường làm vì các lý do mang tính vô vị kỷ, họ nói. Ông Lý Pháp Bảo, luật sư được thuê để bào chữa cho cựu giám đốc Cục Năng lượng Quốc gia Lưu Thiết Nam, và cựu chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước và đồng thời là chủ tịch tập đoàn dầu khí lớn nhất Trung Quốc Tưởng Khiết Mẫn, nói với tờ Nam Phương Tuần báo rằng ông nhận việc này để mài giũa kỹ năng pháp luật của mình. Luật sư Bắc Kinh Hứa Lan Đình bào chữa cho các quan chức tham nhũng để “làm chứng cho lịch sử”, và ông cảm thấy sự phức tạp của vụ án giúp làm phong phú thêm sự hiểu biết về xã hội và pháp luật của các luật sư.

Cả luật sư được chỉ định và luật sư riêng phải xem qua hàng núi giấy tờ và theo đuổi một vụ án trong nhiều tháng nếu quan chức bị buộc tội có chức vụ đủ cao – luận sư Vương Triệu Phong đã mất nửa năm để giải quyết vụ án của cựu bí thư tỉnh Trùng Khánh Bạc Hy Lai – và họ thường khuyên bị cáo nhận tội, trong khi họ đấu tranh để giảm nhẹ bản án.

Hầu hết các quan chức sẽ hợp tác và thú nhận tội của mình – đôi khi là suy sụp trong nước mắt – nhưng có một vài người cứng đầu kiêng kị những lời khuyên pháp lý và phải chịu đựng một kết cục cay đắng.

Ví dụ, ông Vương Hoài Trung, cựu phó chủ tịch tỉnh An Huy đã từ chối nhận tội. Sau đó, ông này đã nhận án tử hình.

Luật sư có trụ sở ở Bắc Kinh, ông Trương Thanh Tùng đã kể lại cho Nam Phương Tuần báo về vụ việc kỳ lạ của ông Tống Dũng, cựu Ủy viên Ban Thường trực Hội đồng Nhân đân tỉnh Liêu Ninh, ở đông bắc Trung Quốc vào năm 2011.

Ông Tống ban đầu đã từ chối ông Trương, luật sư chỉ định của ông ta, nhưng sau đó đã đồng ý để ông Trương đại diện cho mình sau khi vị luật sư nói rằng ông này có nhiều khả năng đối mặt với án tử hình.

Trong suốt phiên tòa tố tụng, ông Trương nói rằng thân chủ của ông đã nhận các khoản hối lộ bị động, và do đó không đáng phải bị trừng phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên ông Tống, đi ngược lại với lời khuyên của luật sư của mình, đã đứng dậy sau đó và tuyên bố rằng mình nhận hối lộ một cách có chủ đích. Ông này đã bị kết án tử hình – với việc hoãn thi hành án.

Larry Ong

Thuần Thanh biên dịch

Theo daikynguyenvn


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc