Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Người dân Hồng Kông bị Bắc Kinh lừa dối quá đủ
Trong hàng thập kỷ qua, những người ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông vẫn luôn mơ ước về một chế độ phổ thông đầu phiếu trong bầu cử. Vào ngày 31/8, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã chính thức dập tắt hi vọng này trong cuộc bầu cử sắp tới, khiến người dân Hồng Kông nổi giận và phát động các cuộc biểu tình.
Vào ngày 31/8/2014, một cuộc mit tinh biểu tình diễn ra tại công viên Tamar bên ngoài Văn phòng Chính phủ Trung ương Hồng Kông nhằm phản đối quyết định thắt chặt dân chủ ở Hong Kong của Bắc Kinh. Những người biểu tình giơ cao điện thoại di động tượng trưng cho những ngọn nến như một lời cam kết cho phong trào “bất tuân dân sự”. (Poon/Epoch Times)

Vào ngày 31/8/2014, một cuộc mit tinh biểu tình diễn ra tại công viên Tamar bên ngoài Văn phòng Chính phủ Trung ương Hồng Kông nhằm phản đối quyết định thắt chặt dân chủ ở Hong Kong của Bắc Kinh. Những người biểu tình giơ cao điện thoại di động tượng trưng cho những ngọn nến như một lời cam kết cho phong trào “bất tuân dân sự”. (Poon/Epoch Times)

Kể từ khi Anh Quốc đồng ý trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1984, những người ủng hộ dân chủ tại thành phố tự trị này hi vọng một ngày nào đó sẽ được bầu cử người lãnh đạo và ủy viên hội đồng lập pháp bằng hình thức phổ thông đầu phiếu mà không có sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc ( ĐCSTQ).

ĐCSTQ liên tục trì hoãn cam kết trao quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu thực sự cho Hồng Kông. Theo quyết định gần đây nhất của họ, Hồng Kông có thể thực hiện cách bầu cử này miễn là ứng cử viên cho vị trí Trưởng Đặc Khu do ủy ban đề cử chọn ra và kết quả cuối cùng sẽ do Bắc Kinh quyết định.

Lời nói dối lặp lại nhiều lần

Alex Châu Dũng Khang (Chow Yong-kang), Tổng Thư ký Liên đoàn sinh viên Hồng Kông, đã bật khóc trong cuộc mít tinh vào chiều 31/8.

“Tất cả chúng tôi đều rất buồn vì bao nhiêu nỗ lực của thanh niên cho sự phát triển dân chủ trong suốt 30 năm qua đã trở nên vô ích. Sau cuộc đấu tranh này, phần lớn những người ủng hộ dân chủ, gồm cả những người theo trường phái ôn hòa sẽ bị ĐCSTQ đẩy vảo bước đường cùng”, anh Alex Châu nói.

“Ai vẫn còn kiên trì hi vọng vào việc đàm phán với chính quyền ĐCSTQ? Ai vẫn còn đặt niềm tin vào lời dối trá “một quốc gia, hai chế độ” và khu tự trị ở mức độ cao?”

Anh Alex Châu đã đề cập đến lời cam kết vào năm 1984 của ĐCSTQ về việc sẽ trao cho Hồng Kông quyền tự chủ ở mức cao với chính sách “một đất nước, hai chế độ”.

Anh Châu cũng nói với thời báo Đại Kỷ Nguyên rằng người dân Hồng Kông sẽ đấu tranh cho quyền tự trị của họ trong tương lai, bao gồm cả hoạt động tổ chức bãi khóa của sinh viên, thay vì đặt niềm tin vào ĐCSTQ.

Gần 800 ngàn người Hồng Kông đã bỏ phiếu ủng hộ dân chủ vào tháng Bảy trong một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức được tổ chức bằng phong trào “Chiếm giữ Trung tâm với Tình yêu và Hòa bình”, một hoạt động phi bạo lực cho cuộc bầu cử phổ thông. Công dân Hồng Kông cùng nhau biểu tình phản đối ĐCSTQ với hi vọng đẩy mạnh phong trào dân chủ.

Quyết định này khiến nhiều người dân Hồng Kông cảm thấy họ đã bị lừa dối suốt 30 năm qua.

“Đây không phải ngày đen tối nhất của Hồng Kông mà là ngày người dân Hồng Kông thức tỉnh”, ông Trần Kiện Dân (Chan Kin-man), người đồng tổ chức phong trào “Chiếm đóng Trung tâm” phát biểu.

Ông Trần đã tham gia chính trị trong nhiều năm với tư cách là học giả mang quan điểm ôn hòa, cố gắng đàm phán với ĐCSTQ để mang lại một nền dân chủ phát triển cho Hồng Kông. Ông cũng ủng hộ sự cải tổ nền chính trị Hồng Kông vào năm 2005 và năm 2010.

Hiện giờ ông Trần vô cùng tức giận khi Đại hội đại biểu toàn quốc (ĐHĐBTQ) của ĐCSTQ đã quyết định xóa bỏ bầu cử phổ thông đầu phiếu thực sự. Ông cho rằng quyết định này đồng nghĩa với việc ĐCSTQ sẽ không bao giờ trao quyền thực sự cho Hồng Kông.

Ông Trần cho biết vào đầu những năm 80, một số sinh viên của Đại học Hồng Kông đã lo ngại về tương lai của Hồng Kông sau khi được trao trả về cho Trung Quốc, vì vậy họ đã yêu cầu dân chủ.

”Cựu thủ tướng Triệu Tử Dương đã viết một lá thư cho sinh viên và hứa trong tương lai Hồng Kông sẽ thực hiện bầu cử phổ thông đầu phiếu. Nhưng đến hôm nay, có thể nói rằng cuộc bầu cử này thật sự chỉ là là ngụy tạo dân chủ”, ông Trần bình luận.

Sau khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, người dân tiếp tục hi vọng Bắc Kinh sẽ cho phép thực hiện bầu cử phổ thông đầu phiếu. Họ biết sẽ không được trao quyền này trong mười năm đầu sau khi tiếp nhận, vì vậy họ hy vọng rằng đến năm 2007 quyền này sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, Đại hội Đại biểu toàn quốc đã bác bỏ kế hoạch thực hiện bầu cử dân chủ này vào năm 2007.

Sau đó người dân Hồng Kông lại hi vọng cuộc bầu cử này sẽ được thực hiện vào năm 2012 nhưng một lần nữa ĐCSTQ lại trì hoãn thực hiện. Ông Trần nói tất cả những người ôn hòa và những người dân chủ, bao gồm cả Đảng Dân chủ đều cảm thấy bị lừa dối.

“Khi chúng tôi chấp nhận khung thời gian, chúng tôi nghĩ rằng năm 2017 sẽ hoàn thành việc bầu cử dân chủ này. Nhưng bây giờ năm 2017 mới là thời gian bắt đầu và sự phát triển dân chủ sẽ tiến triển rất chậm, từng bước một [theo ý đồ của ĐCSTQ]”, ông Trần cho biết.

Tuy nhiên, ông Trần tin niềm hi vọng này chưa tắt hẳn.

“Chúng tôi sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ quyền dân chủ của người dân, điều mà chúng tôi luôn mong ước. Chúng tôi hi vọng xã hội sẽ không phát triển theo chiều hướng bi quan chỉ vì cuộc cải tổ chính trị đi đến bước đường cùng. Tôi hi vọng chúng tôi sẽ bảo vệ được mảnh đất quê hương này và làm nên một trang sử mới.

Hai lần thất tín

Ông Trịnh Vũ Thạc (Cheng Yu-shek), thành viên của liên minh vì một nền dân chủ thực sự, cho rằng trong vòng 30 năm qua ĐCSTQ lừa dối người dân Hồng Kông trên hai phương diện chủ yếu. Đầu tiên là lời cam kết bảo đảm quyền tự trị ở mức độ cao.

“Hiện giờ một số quan chức trung Quốc cho rằng Bắc Kinh cần phải kiểm soát Hồng Kông. Đây là một sự thay đổi bi thảm”, ông Trịnh nói.

Sự dối trá thứ hai là lời hứa Hồng Kông sẽ từng bước đạt được dân chủ. Quyết định gần đây của Đại hội đại biểu toàn quốc là một bước lùi cho dân chủ.

““Từng bước một” nghĩa là thế nào, họ thường nói Hồng Kông sẽ thực hiện quyền dân chủ khi có các điều kiện chín muồi, nhưng khi nào thì mới có điều kiện chín muồi? Do đó chúng tôi biết rõ Đảng Cộng Sản sẽ kiểm soát quyền lực của Hồng Kông và chắc chắn họ sẽ không cho phép thực hiện nền dân chủ hoàn toàn ở đây.”

Ông Trịnh đặt hi vọng vào cuộc đấu tranh trường kỳ, bền bỉ và không bao giờ từ bỏ.

“Chúng tôi sẽ giữ gìn những giá trị cốt lõi, phong cách sống và lòng tự trọng. Chúng tôi sẽ không chấp nhận để Hồng Kông trở thành một thành phố Đại lục khác.”

Nhà phê bình chính trị Đài Loan Lâm Bảo Hoa (Lin Baohua) đã tổ chức một cuộc họp báo tại Đài Loan để hưởng ứng chiến dịch dân chủ ở Hồng Kông. Ông cho biết quyết định của ĐHĐBTQ cho thấy ĐCSTQ đã chỉ ra cho Đài Loan “một quốc gia hai chế độ” như Hồng Kông là thế nào.

Ông Lâm nói bản chất của ĐCSTQ là dối trá, họ dàn dựng một vở kịch trước công chúng và cho người dân thấy về một viễn cảnh tươi sáng. Trước cuộc họp ĐHĐBTQ, cả quan chức Bắc Kinh và Lưu Triệu Giai – người ủng hộ ĐCSTQ ở Hồng Kông đều nói rằng quyết định của ĐHĐBTQ chưa phải là quyết định cuối cùng và vẫn để ngỏ khả năng đối thoại.

“Tuy nhiên bản dự thảo cải tổ chính trị này là một bước lùi”, ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, điều luật trước đây “cho phép trở thành ứng cử viên lãnh đạo Hồng Kông chỉ cần đạt một phần tám số phiếu đề cử nhưng hiện nay lại cần ít nhất một nửa số phiếu”.

Ba lãnh đạo phong trào “Chiếm đóng trung tâm” (Từ trái qua phải): Trần Kiện Dân, Benny Đái Diệu Đình (Tai Yiu-ting), và Chu Diệu Minh (Chu Yiu-ming). Họ đang thực hiện nghi thức đánh trống trong lễ phát động phong trào đấu tranh “Bất tuân Dân sự” chống lại chế độ độc tài của ĐCSTQ trong một cuộc mít tinh biểu tình tại công viên Tamar bên ngoài văn phòng Chính phủ Trung Ương vào ngày 31/8/2014 (Pool/ Epoch Times)

ĐCSTQ phải bị giải thể

Ông Lâm cho biết chỉ bằng cách làm cho ĐCSTQ sụp đổ thì Hồng Kông mới có thể có dân chủ.

Ông nói “ĐCSTQ phải bị giải thể. Bản thân nó đối nghịch với dân chủ và nó sẽ không để cho Hồng Kông phát triển dân chủ”.

“Nếu nó làm thế, Quảng Châu, Bắc Kinh, và Thượng Hải tất cả sẽ yêu cầu nền dân chủ, rồi sau đó thì sao? Vì vậy khả năng nó sẽ trao quyền dân chủ cho Hồng Kông là điều không thể”.

Lý Nhạc Thương (Lin Yuet-tsang), nhà bình luận chính trị cao cấp đã viết trong bài đăng của ông trên báo kinh tế Hồng Kông rằng hệ thống chính trị Hồng Kông đang bước vào giai đoạn bất ổn. ĐCSTQ đã bộc lộ bản chất thực sự, khiến ngay cả những người mang trường phái ôn hòa, không quan tâm đến vấn đề chính trị cũng phải sửng sốt.

Lý Nhạc Thương nói rằng anh không bao giờ tin Hồng Kông sẽ giành được dân chủ từ tay ĐCSTQ. Anh đã đấu tranh vì điều này trong ba thập kỷ qua và việc phổ biến nhận thức về dân chủ rất quan trọng.

Hạ Tiếu Giang (Xia xiaogiang), người phụ trách một chuyên mục của Thời báo Đại Kỷ Nguyên cho biết hệ thống chính trị của Hồng Kông đã minh chứng về giá trị phổ quát của tự do và nhân quyền cho người dân Trung Quốc đại lục thấy. Đây là điều mà ĐCSTQ luôn lo ngại, anh Hạ nói.

Li Zhen

Theo vietdaikynguyen


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc