Home » Sức khỏe » Dịch Ebola bùng phát, gần 200 người chết trong một ngày
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào thứ Ba đã khẳng định có ít nhất 2.296 [hiện nay đã vượt 2400] người đã chết do nhiễm Ebola, tăng đột biến lên 200 người chết chỉ trong một ngày. Và con số này thậm chí chưa tính đến số người chết ở Liberia, nước đang chịu tác động mạnh nhất của đại dịch Ebola, vì hiện tại chưa có số liệu thống kê mới từ quốc gia này.
Một đứa trẻ đang bịt mũi đứng nhìn người đàn ông nghi nhiễm virus Ebola đang nằm vạ vật tại một phố chính của khu đông dân cư ở Monrovia, Liberia vào thứ 6 ngày 12 tháng 9 năm 2014. (Ảnh Abbas Dulled)

Một đứa trẻ đang bịt mũi đứng nhìn người đàn ông nghi nhiễm virus Ebola đang nằm vạ vật tại một phố chính của khu đông dân cư ở Monrovia, Liberia vào thứ 6 ngày 12 tháng 9 năm 2014. (Ảnh Abbas Dulled)

Ngày 6 tháng 9, Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận có 4.293 trường hợp nhiễm Ebola tại Tây Phi, chưa tính các trường hợp nhiễm mới ở Liberia. Tuy nhiên, WHO dự báo trong hai đến ba tuần tới, con số lây nhiễm cùng với tổng số người tử vong sẽ tăng đột biến theo cấp số nhân, khi các quan chức y tế nước này công bố số liệu mới.

Cùng ngày WHO công bố số liệu, Tổng thống Liberia, bà Ellen Johnson Sirleaf, cũng đưa tin trên các phương tiện truyền thông rằng Liberia đang ở trong tình trạng dịch bệnh trầm trọng, thiếu trang thiết bị thích hợp cùng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Bà cho biết, số lượng nhân viên y tế còn lại ngày càng ít, họ đang phải vật lộn để theo kịp với tốc độ lây lan của dịch bệnh, và cần nhiều tuần, trước khi tình hình dịu bớt.

Bà buồn rầu giải thích trong buổi nói chuyện với thính giả trường Đại học Harvard qua Skype: “Tình hình bệnh dịch vẫn rất nghiêm trọng. Sẽ mất rất nhiều thời gian mới đem lại hiệu quả… Chúng tôi dự đoán bệnh dịch tiếp tục bùng phát trong vòng ít nhất hai hoặc ba tuần nữa trước khi chúng ta có thể hy vọng một sự suy giảm”.

Quan chức Liberia cho biết nước này đang đứng trước nguy cơ diệt vong vì đại dịch Ebola

Những lời của bà Ellen Johnson Sirleaf thậm chí chỉ là hy vọng, bởi vì dịch Ebola không có dấu hiệu suy giảm, ít nhất là trong tương lai gần. Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liberia cảnh báo đại dịch Ebola đang đe dọa đến nền tảng của quốc gia này, và sự tồn vong là khá mong manh.

Ông Brownie Samukai phát biểu: “Liberia đang đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng trước sự tồn vong của đất nước. Virus chết người Ebola đã phá vỡ sự vận hành của đất nước chúng tôi”.

Cả Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới không chỉ phải kiềm chế nạn dịch Ebola mà còn phải theo sát tính nghiêm trọng cùng tốc độ lây lan của căn bệnh. Hiện dịch bệnh đang không ngừng phát triển, với tốc độ lây nhiễm và tử vong tăng theo cấp số nhân. Mặc dù thực tế dịch bệnh Ebola bùng phát từ tháng 12 năm ngoái, nhưng 60% tổng số ca tử vong chỉ xuất hiện trong 3 tuần gần đây, ít nhất là tại Liberia.

Ebola lây lan nhanh như cháy rừng, Liberia đang trong ‘Mối đe dọa trầm trọng nhất kể từ sau chiến tranh’

Nếu tiếp tục lan nhanh như hiện nay, tính đến cuối tháng , Ebola có khả năng lây nhiễm cho hàng chục ngàn người và hàng trăm ngàn người vào cuối năm. Đúng như lời tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Samukai rằng sự bùng phát dịch bệnh Ebola hiện nay là mối đe dọa “nghiêm trọng nhất đối với Liberia kể từ sau chiến tranh”.

“Dịch Ebola hiện nay đang lan nhanh như cháy rừng, thiêu rụi mọi thứ ở những nơi nó đi qua. Cơ sở hạ tầng y tế yếu kém của Liberia đang quá tải”- mới đây bà đã phát biểu.

Chiến tranh mà ông Samukai đề cập đến là 2 cuộc nội chiến tại Liberia kéo dài từ năm 1989 đến 2003 đã khiến hơn 250.000 người thiệt mạng, làm cho quốc gia này rơi vào tình trạng mất ổn định hoàn toàn. Tháng 12 năm ngoái, khi đất nước vẫn đang trong giai đoạn khôi phục lại thì đại dịch Ebola bắt đầu bùng phát.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc là bà Karin Landgren cho hay: “Cơn khủng hoảng Ebola đã trở nên phức tạp, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội làm ảnh hưởng sâu sắc đến Liberia, vượt quá khả năng cấp cứu y tế khẩn cấp của nước này”.

Liberia, Tổ chức Y tế Thế giới và thậm chí cả Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (nhóm cứu trợ tình nguyện hoạt động tại Tây Phi) đều thừa nhận rằng hiện không đủ nguồn lực hay nhân lực để đối phó với bệnh dịch bùng phát. Điều này sẽ đẩy 4 triệu người dân trong khu vực Tây Phi và có khả năng là cả phần còn lại của thế giới, vào nguy cơ lây nhiễm loại virus này.

Ethan A. Huff, cộng tác viên trang Natural News

Theo vietdaikynguyen

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc