Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Vụ tàu Bình Minh 02, đủ chứng lý để kiện Trung Quốc!

“Việt Nam hoàn toàn đủ chứng lý để kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế về hành vi xâm phạm trắng trợn thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phá hoại hoạt động bình thường, hợp pháp” – nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, Luật gia Trần Công Trục nêu quan điểm.

Cần tiếp tục để dư luận hiểu rõ hơn

Thưa ông, mấy ngày gần đây sự việc Trung Quốcngang nhiên cắt cáp quang của tàu giám định nước ta trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam đang gây xôn xao dư luận.Thế nhưng, hôm qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng hoạt động của Trung Quốc là hoàn toàn hợp lý và khuyến cáo Việt Nam tránh “tạo sự cố mới trên Biển Đông”. Bình luận của ông?

Đây là một tuyên bố đầy tính ngụy biện, trịch thượng và không thể chấp nhận được của Trung Quốc. Ai đang tạo ra sự cố ở Biển Đông? Ai là người tạo ra sự kiện Bãi Cỏ Rong với Philippines hồi tháng 3 và bây giờ là sự kiện Bình Minh 02 với Việt Nam? Ai là người đưa tàu quân sự đến quấy nhiễu các nước khác ở ngay những vùng biển không hề có tranh chấp. Và ai là người liên tục khuấy đảo vùng Biển Đông suốt hai năm trở lại đây với tham vọng không hề giấu diếm muốn bành trướng trọn vẹn 80% diện tích Biển Đông, biến khu vực này thành ao nhà của mình? Sự thật rành rành ra đó, thiết tưởng không cần phải tranh cãi thêm.

Sau sự kiện 3 tàu hải giám Trung Quốc xuống sâu vào vùng đặc quyềnkinh tế, thềm lục địa của Việt Nam ngăn cản, phá hoại thiết bị thăm dò nghiên cứu của tàu Bình Minh 2 của tập đoàn dầu khí Việt Nam là một sự kiện, sự việc hết sức nghiêm trọng và là một việc vi phạm hết sức trắng trợn luật pháp của Việt Nam, xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế đã được luật pháp quốc tế công nhận, đi ngược lại với thông lệ quốc tế.

Ngoài việc bày tỏ quan điểm hết sức rõ ràng của Việt Nam như vừa qua, chúng ta nên có thêm những ứng phó nào?

Những gì chúng ta đã làm mấy ngày qua là rất đúng đắn, cương quyết,phùhợp với các thủ tục pháp lý. Tiếng nói của người phát ngôn là đúng, thể hiện thái độ cứng rắn, không thể chê trách được. Tuy nhiên, không thể chỉ dừng lại ở đó. Việt Nam cần phải tiếp tục để dư luận trong nước và ngoài nước hiểu rõ hơn.

Nhưng chỉ ta nói với nhau thôi chưa đủ mà chúng ta phải phân tích và nói rõ với cộng đồng quốc tế, với các nước tiến bộ, có thiện cảm với Việt Nam hoặc các nước trung lập để họ thấy Nhà nước này, người Việt Nam này đã xử lý vấn đề ra sao. Phải để họ thấy rằng, vừa rồi nhà nước ta, lực lượng ta tỏ ra cực kì kiềm chế trong chuyện này. Chứ nếu với sự xâm phạm đó, chỉ cần có các hoạt động quá mức cần thiết sẽ dẫn đến sự đụng độ mà chắc chắn không chỉ gây ảnh hưởng với Việt Nam mà cả khu vực, thế giới.

Tôi đánh giá cao đó là sự kiềm chế của Chính phủ trong vấn đề này. Nhưng kiềm chế không có nghĩa là khuất phục, cần có cách làm cụ thể để giải quyết vấn đề này như đã nói.

Chúng ta không làm những điều quá mức, nhưng chúng ta phải nói rõ sự thật ra sao, cơ sở pháp lý và cách thức giải quyết của Việt Nam như thế nào, có phù hợp với chuẩn mực quốc tế, với lòng dân Việt Nam. Chúng ta cũng cần phải phân tích cho quốc tế hiểu rõ nếu không ngăn chặn những việc làm sai trái của Trung Quốc thì nước này sẽ tiếp tục leo thang và gây hấn mạnh bạo hơn nữa, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi các nước trong khu vực, không chỉ riêng Việt Nam.


Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, Luật gia Trần Công Trục. Ảnh: Dân Trí

Đủ chứng lý kiện Trung Quốc

Với việc xâm phạm trắng trợn chủ quyền quốc gia của Việt Nam như ông vừa nói, Việt Nam đã đủ chứng cứ, cơ sở pháp lí để kiện ra tòa án quốc tế hay chưa?

Theo ý kiến cá nhân tôi, chúng ta có đầy đủ chứng cứ để kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế hoặc tòa án thềm lục địa mới thành lập. Có 2 cấp độ:

Cấp độ 1: Nhà nước kiện việc phía các tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, gây cản trở hoạt động bình thường chính đáng. Tôi xin nhắc lại là ta kiện về hành động vi phạm, chứ không phải kiện vùng tranh chấp. Đây không phải là vùng tranh chấp. Đừng nhầm tưởng hoặc đàm phán vùng tranh chấp để giải quyết vấn đề biên giới mà là kiện hành vi xâm phạm trắng trợn luật lệ Việt Nam, quyền chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Cấp độ 2: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, chủ sở hữu con tàu, thiết bị đã bị phía Trung Quốc phá hoại tài sản có thể kiện. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã quay được toàn bộ hình ảnh chi tiết tàu hải giám Trung Quốc ở tọa độ nào, vị trí nào hành động ra sao…Rõ ràng ta có vị trí nơi họ vi phạm, họ phá hoại thế nào, ta có thể tính toán rất sòng phẳng về mặt kinh tế kĩ thuật để kiện họ.

Tôi cho rằng, chúng ta nên tính tới chuyện này. Nếu không, ta cũng chỉ nói để nói. Khi làm việc này, rõ ràng quốc tế sẽ đồng tình với ta, chứ Việt Nam không đơn thương độc mã tự xử lý việc này. Tôi tin rằng các cơ quan chức năng đã nghĩ đến điều đó.

Tôi muốn nhấn mạnh, ta kiện Trung Quốc vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, phá hoại tài sản của Nhà nước hoạt động một cách hợp pháp chứ ta không đàm phán chuyện xác định ranh giới. Các cơ quan quản lý phải hiểu rõ điều này, nếu không chúng ta sẽ sa vào âm mưu sắp xếp quá trình hợp thức hóa giành lấy phần biển họ chưa hề có. Đó là điều rất quan trọng.

Bản thân ta phải quyết định đường hướng của ta

Dường như Trung Quốc đã tính toán rất kỹ thời điểm hành động, khi mà các cường quốc khác đang bận tâm giải quyết những điểm nóng khác trên thế giới hoặc giả Trung Quốc đã đạt được sự thỏa hiệp nào đó?

Trung Quốc luôn tính từng bước đi, từng thời điểm cụ thể khi bắt đầu bành trướng Biển Đông. Bao giờ họ cũng xem xét cán cân sức mạnh quốc tế ở khu vực, các tình huống chính trị, an ninh quốc tế, thái độ của các nước lớn khác như Mỹ, Nga, Ấn Độ…

Lịch sử đã cho chúng ta thấy chẳng hạn năm 1974 khi Trung Quốc đưa quân đánh chiếm phía Tây quần đảo Hoàng Sa, họ tính toán rằng chính quyền miền Nam Việt Nam sắp sụp đổ, Mỹ đã rút khỏi miền Nam Việt Nam và đặc biệt Trung Quốc đã bắt tay được với Mỹ.

Đối với bối cảnh hiện nay, chúng ta chưa thể kết luận được thế giới có quan tâm hay không. Nhưng rõ ràng, quyền lợi, lợi ích của Mỹ ở Biển Đông hết sức lớn. Bởi biển Đông là trung tâm giao thương hàng hải của thế giới và ngòai ra Mỹ có trách nhiệm quan trọng trong việc duy trì an ninh khu vực. Nhiều nhà lãnh đạo của Mỹ đã từng tuyên bố nước Mỹ không thể nào rút lui khỏi châu Á cho dù hiện nay siêu cường này đang gặp nhiều khó khăn và lún sâu ở nhiều điểm nóng khác trên thế giới.

Nhưng có điều ta phải hiểu rõ muốn người ta ủng hộ, đồng lòng với mình thì chính bản thân ta phải thể hiện thiện chí, chân lí, giải pháp đúng đắn của mình. Chỉ khi đó, tiếng nói của mình mới có giá trị. Bản thân ta phải quyết định đường hướng của ta rõ ràng không.

Thực ra, chuyện Trung Quốc bành trướng xuống Biển Đông là chiến lược nhất quán từ lâu. Có điều, họ làm điều này từng bước, tính toán, nghe ngóng trước khi hành động, “lúc đấm, lúc xoa”, xoa xong rồi đấm, đấm rồi lại xoa…Chúng ta không được phép lơ là, mất cảnh giác.

Nên chăng một lần nữa, cần có nghiên cứu bài bản đặt ra các tình huống từ thấp lên cao, và từng tình huống đó có giải pháp ứng xử ra sao về ngoại giao, pháp lí, quân sự, về cảnh sát trên biển, ngư dân…tất cả những tình huống đó khi xảy ra là phải có giải pháp đồng bộ. Tính toán các bước, suy nghĩ đến hậu quả khi xảy ra sự việc từ thấp đến cao.

Không nên bị động, vì khi biên giới lãnh thổ bị xâm phạm chủ quyền quốc gia đã bị động thì là ở thế yếu rồi, và đã bị động thì sẽ lúng túng.

Chuyện biên giới, lãnh thổ không phải chỉ là chuyện của riêng Bộ Ngoại giao, mà phải là một bộ máy liên kết có sức mạnh tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, có người nghiên cứu, đại diện các ngành, đưa ra những sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực. Quan trọng hơn hết thảy, phía sau đó là khối sức mạnh đồng thuận của toàn dân tộc Việt Nam từ trong nước và ngoài nước.

Bản lĩnh, ý chí của dân tộc này không bao giờ chấp nhận khuất phục trước bạo quyền. Lịch sử đã chứng minh điều đó.

Nhà nghiên cứu Dương Danh Huy:

Việt Nam phải xác định và khẳng định ranh giới cho các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và khẳng định rằng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa chỉ có thể nằm trong các vùng biển đó. Những hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam bên ngoài vùng tranh chấp đó là một sự bành trướng vô cớ vượt quá tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.

Sau khi xác định, Việt Nam phải công bố rộng rãi các ranh giới biển của mình. Tất cả các bản đồ Việt Nam nên thể hiện quan điểm của Việt Nam về đâu là ranh giới của tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa, đâu là ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Việt Nam nên gửi bản đồ thể hiện quan điểm đó đến các nước trên thế giới và các cơ quan quốc tế. Như vậy để thế giới thấy yêu sách của Việt Nam là gì và yêu sách đó công bằng và phù hợp với luật quốc tế hơn yêu sách của Trung Quốc.

Yêu sách của Trung Quốc đối với 75% diện tích Biển Đông là vô lý và Trung Quốc phải ngụy trang cho yêu sách đó bằng sự mù mờ. Việt Nam phải đối trọng điều đó bằng những ranh giới hợp lý và minh bạch.

Kế đến, Việt Nam nên tranh thủ và đàm phán với các nước Đông Nam Á trong tranh chấp về các ranh giới mà mình chủ trương. Trước nhất, Việt Nam và các nước này nên đi đến một quan điểm chung về ranh giới của tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Sau đó, Việt Nam và các nước này nên đi đến một thực tế ngoại giao trong đó tất cả đều ủng hộ nạn nhân trong trường hợp xảy ra việc xâm phạm chủ quyền bên ngoài ranh giới của vùng tranh chấp.

Trong những trường hợp xâm phạm như sự kiện Bình Minh, nếu tất cả các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia đều lên án hành vi của Trung Quốc thì tiếng nói chung đó sẽ mạnh mẽ hơn nếu chỉ cho Việt Nam lên án.

Việt Nam cũng có thể xin một Ý kiến Tư vấn của Tòa Án Công lý Quốc tế nói rằng sự kiện Bình Minh và những sự kiện tương tự xảy ra trong những vùng biển không nằm trong tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.

Dù sao đi nữa, trong mỗi trường hợp cụ thể, mọi sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam đều phải trả một giá xứng đáng trong lãnh vực ngoại giao và hình ảnh của nước xâm phạm trước cộng đồng quốc tế. Hình ảnh xứng đáng cho nước có hành động xâm phạm ngang ngược, là một hình ảnh ngang ngược. Nếu nước có hành động xâm phạm không phải trả giá ít nhất là bằng hình ảnh xứng đáng thì họ sẽ tiếp tục xâm phạm, và sự xâm phạm sẽ ngày càng ngang ngược hơn.

theo tuanvietnam
Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc