Home » Cổ truyền, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Cội nguồn phát triển tử vi: P6 – Bắc tông và Nam tông

Ở núi Hoa Sơn, Hy Di tuyền giảng Đạo cho đệ tử mọi lẽ rồi đi vân du các nơi, một lần Hy Di đi rất lâu và chẳng bao giờ trở lại, Hy Di đi đâu và bao giờ trở về các đệ tử không ai rõ.

>> Cội nguồn phát triển tử vi: P5 – Dùng tử vi biết trước cũng không cứu nổi nhà Trần

Núi Hoa Sơn. (Ảnh: Jun Hyun, Shutterstock)

Núi Hoa Sơn. (Ảnh: Jun Hyun, Shutterstock)

Đệ tử chờ không thấy Sư Phụ về, lại không chỉ định ai làm chưởng môn thay thế, các đệ tử được dạy qua khẩu truyền tâm thụ nên ngộ ra cũng không giống nhau, vì thế mà các đệ tử cũng không thống nhất trong cách xem tử vi.

Bắc tông và Nam tông

Khi quân Kim chiếm được phía bắc, nhà Tống phải chạy về phía nam và lập ra nhà Nam Tống. Đệ tử Hoa Sơn số thì ở bắc, một số khác chạy xuống nam. Từ đó mà tử vi được chia ra làm Bắc tông và Nam tông.

Bắc Tông về cơ bản giữ nguyên những gì mà Hi Di đã dạy, đồng thời có bổ sung thêm kinh nghiệm. Nam tông thì vì dùng tử vi kiếm sống, nên truyền trong gia đình thì trọn vẹn điều hay và tinh túy, còn truyền ra ngoài thì không đến gốc rễ, thậm chí còn cố tình truyền sai nữa, dần dần đã mất cái gốc rễ ban đầu.

Nam tông dần dần bổ sung thêm các môn huyền học khác như bói dịch nên thêm vào rất nhiều sao. Tử vi từ Hi Di Trần Đoàn truyền ra có 93 sao, các Chính thư vẫn giữ nguyên số sao này, trong khi Nam tông đưa thêm nhiều các sao khác vào.
Như tử vi từ Hy Di có 2 sát tinh hạng nặng nhất là Thiên không và Địa kiếp, tuy nhiên Nam tông đã đổi Thiên không thành Địa không. Thành ra Nam tông có 2 sao sát tinh nặng nhất là Địa không và Địa kiếp. Đồng thời Nam tông là cho thêm sao Thiên không vào đồng cung với Thiếu dương.

Tử vi từ Hy Di thì vòng Thái tuế có 5 sao là Thái tuế, Tang môn, Bạch hổ, Điếu khách, Quan phù. Nam tông đưa thêm 7 sao nữa là Thiên không, Thiếu âm, Tử phù, Tuế phá, Long đức, Phúc đức, Trực phù.

Khi tính đại hạn, tử vi theo Chính thư tính đại hạn từ cung phụ mẫu hoặc huynh đệ (tùy theo hạn đi thuận hay nghịch), nhưng Nam tông khởi hạn từ cung mệnh.

Vì không được truyền đầy đủ nên Nam tông có những câu phú không rõ ràng, như câu phú “Liêm Tham tỵ hợi hình ngục nan đào” (nghĩa là mệnh ở tỵ hợi có Liêm Tham là số ngồi tù), khiến nhiều người lo lắng, trong khi nghiệm chứng thì có nhiều người không bị ngồi tù.

Trường hợp này trong Chính thư có câu phú ghi đầy đủ rõ ràng rằng:

Liêm, Tham tỵ hợi tứ Sát hình trượng nan đào.
Nhược bính quý nhân chung thân khất cái.
Giáp mậu kỷ tuế vĩnh thế vô ưu

Nghĩa là Mệnh có Liêm Tham ở tỵ hợi gặp phải tứ sát thì mới bị đi tù; với người tuổi bính, quý thì ăn xin; còn người tuổi giáp mậu kỷ lại vô lo. Cuốn “Đông A di sự” còn chú giải thêm rõ ràng vì sao như thế.

Cách an tứ hóa giữa Chính thư và Nam tông cũng có khác biệt ở tuổi canh và nhâm. Ví như tuổi nhâm Nam tông an tứ hóa là “Lương Vi Phụ Vũ” tức Tả phụ hóa khoa. Trong khi Chính thư ghi an tứ hóa tuổi nhâm là “Lương Vi Phủ Vũ”, tức Thiên phủ hóa khoa.

Dần dần người ta quen gọi Bắc tông là Chính phái, còn Nam tông là phái Hà Lạc, còn gọi là man thư hay tạp thư.

Thời nhà Thanh

Do tử vi đã đồng hóa với nhà Tống, nên đến thời nhà Nguyên thì tử vi bị cấm. Đến thời vua Càn Long nhà Thanh, các Nho sĩ thường hay xem nhà Thanh có xuất xứ từ mọi rợ phương bắc nên văn hóa nghèo nàn không có gì hay cả.

Vua Càn Long liền tập trung các học giả lại, lập ra viện Tứ khố toàn thư do Kỷ Duân phụ trách, rồi tập trung các sách trong thiên hạ lại, phân thành Kinh – Sử – Tử – Tập. Từ đó các Nho sĩ không còn lý do chống đối Triều đình nữa.

Kỷ Duân tâu lên rằng trong thiên hạ còn có những người xem tử vi rất được lòng dân chúng, lợi dùng điều này để chống đối Triều đình. Vua Càn Long liền cho mời 75 người giỏi tử vi khắp nước đến Kinh đô phong tước để họ làm việc. Rồi tập trung sách tử vi khắp nước lại, trong đó có cả cuốn “Đông A di sự” của nhà Trần do quân Minh trước đó lấy được, chú giải thành bộ “Tử vi đại toàn” gồm 9 cuốn như sau:

• Cuốn thứ nhất: Bản nghiên cứu tổng quát, các bản chiếu biểu liên quan đến soạn thảo Tử vi đại toàn
• Cuốn thứ hai: Lịch sử khoa tử vi. Tiểu sử các nhà nghiên cứu tử vi, lịch sử các phái
• Cuốn thứ ba: Nghiên cứu về khoa thiên văn, ứng dụng vào tử vi
• Cuốn thứ tư: Cách an sao, an vận hạn, sao lưu niên
• Cuốn thứ năm: Tính chất các sao
• Cuốn thứ sáu: Đoán vận hạn, đoán 12 cung
• Cuốn thứ bảy: Của phái Triệu gia (hậu duệ nhà Tống), có chú giải các bài phú của Hy Di Trần Đoàn.
• Cuốn thứ tám: chọn người hiền, phân biệt kẻ ác, các phá cách
• Cuốn thứ chín: Các lá số của danh nhân. Gồm 417 lá số với lời chú giải đầy đủ. Từ Chu Công, Thái Công, Vua chúa, danh tướng, phản tặc, văn thần, đạo gia trải qua các đời

Trong 9 cuốn này thì cuốn thứ hai có nói đến khoa tử vi tại Việt Nam thời nhà Trần. Cuốn thứ tám chép lại nguyên văn sách “Đông A Di Sự” nhà Trần.

Trần Hưng

Theo trithucvn.co

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc