Home » Sức khỏe » Đi bơi mùa hè, nhiều người nhập viện vì viêm tai
Hơn một tuần nay số lượng bệnh nhân đến khám và phẫu thuật tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương tăng gấp 3-4 lần. Trong đó, số bệnh nhân bị viêm tai do bơi có chiều hướng gia tăng.

Bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương (Hà Nội) cho biết, theo thông lệ cứ bắt đầu vào mùa hè số bệnh nhân bị viêm tai do đi bơi lại tăng lên. Bệnh nhân thường đi khám khi thấy đau tai, bên trong có cảm giác đầy, ngứa, tai chảy nước…

Khi đi bơi, nhất là ở những bể bơi không đảm bảo vệ sinh, nước vào trong tai sẽ đem theo các vi khuẩn và nấm. Thông thường, nước sẽ tự chảy ra ngoài, nhưng đôi khi nó bị đọng lại khiến tai bị ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển, dẫn đến viêm.

Ảnh:
Bác sĩ Tuyết Mai khám tai cho một bệnh nhân. Ảnh: Nam Phương.

Theo bác sĩ Mai, nhiều khi chính cách vệ sinh tai không đúng sau mỗi lần đi bơi khiến nhiều người dễ bị viêm tai. Trường hợp con chị Xuân, 7 tuổi ở Kim Mã, Hà Nội là một ví dụ.

Bắt đầu mùa hè con được nghỉ học, tuần nào chị Xuân cũng dành mấy tiếng đưa con đến bể bơi vừa để rèn luyện sức khỏe vừa tránh nắng. Mỗi lần như thế chị đều lấy tăm bông ngoáy tai cho con để thấm hết nước. Cứ đinh ninh mình làm thế là đúng, thế nhưng cách đây mấy hôm chị thấy con kêu đau, ù tai, khó nghe.

Vội vàng đưa con đi khám, chị mới ngã ngửa khi biết con bị viêm tai và nguyên nhân có thể vì cách vệ sinh tai không đúng.

“Khi dùng tăm bông lau chùi và ngoáy sâu vào trong tai, các vi khuẩn, bụi bẩn có trong nước hồ bơi có thể nhờ đó mà càng dễ đi sâu vào trong. Ngoài ra, nó có thể khiến bên trong tai bị rách, trầy xước làm tình trạng nhiễm khuẩn nặng hơn”, bác sĩ Tuyết Mai cho biết.

Bên cạnh đó, rất nhiều người có nút biểu bì trong tai, bình thường nó không gây cảm giác khó chịu nên rất ít người biết. Chỉ đến khi đi bơi, nước vào tai, nút biểu bì này trương lên gây viêm ống tai với các triệu chứng khó chịu như ù, ngứa tai, nặng hơn là đau nhức, chảy mủ…

Cũng theo bác sĩ, bệnh viêm tai không khó chữa nhưng nhiều người lại chủ quan, trong khi nếu không được chữa kịp thời rất dễ dẫn đến viêm tai giữa mãn tính, giảm thính lực. Nhiều người sau mỗi lần đi bơi thấy có hiện tượng ù tai thì chỉ nghĩ rằng nước chảy vào tai chút ít nên không để ý hoặc chỉ lấy bông ngoáy tai thấm nước. Đến khi tai bị viêm, đau nhức, thậm chí chảy dịch vàng mới chịu đi khám.

Vì thế, bác sĩ khuyến cáo để đề phòng viêm tai khi đi bơi, người dân nên chọn bể bơi có chất lượng nước sạch. Sau mỗi lần bơi thì nên nghiêng đầu, kéo vành tai ra sau và lên cao rồi nhỏ các dung dịch sát khuẩn nhẹ (như Betadin 10%, nước muối 0,9%). Sau đó lại nghiêng đầu và kéo vành tai để cho cả thuốc và nước chảy ra ngoài. Đặc biệt, không dùng tăm bông để ngoái sâu vào trong tai.

Những người có tiền sử bị viêm tai giữa, viêm xoang, tốt nhất là không đi bơi vì rất dễ tái phát bệnh. Nếu tai từng bị viêm, có một lỗ thủng hoặc đã có mổ tai thì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đi bơi.

Khi thấy tai có các biểu hiện như ngứa, khó chịu, chảy nước, dịch vàng, trắng, sờ vào thấy đau, đặc biêt là vùng sụn trước của tai thì nên đi khám.

Nam Phương

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc