Home » Thế giới, Tiêu Điểm » Thông điệp gửi ông Hồ Cẩm Đào: ông hãy hiến tạng của mình

Ông David Matas, một luật sư nhân quyền quốc tế, phát biểu tại Viện Joan B. Kroc vì Hòa bình và Công lý (Joan B. Kroc Institute for Peace & Justice) thuộc trường Đại học University of San Diego hôm 11 tháng 5 vừa qua. (Alex Li/The Epoch Times)

Trung Quốc rất cần người hiến tạng. Nước này đã thành lập một hệ thống hiến tạng vào tháng 3 năm 2010 như một dự án thử nghiệm ở 11 thành phố. Tờ Bắc Kinh Ngày nay đưa tin hôm 18 tháng 3 rằng sau một nỗ lực lớn trong vòng một năm, tổng số tạng hiến ở tất cả các thành phố cộng lại là 37. Ở Nam Kinh, mặc dù Hội chữ thập đỏ Trung Quốc có 12 người làm việc toàn thời gian trong cả năm để khuyến khích việc hiến tạng nhưng không có người nào muốn hiến.

Ước tính có khoảng 1,5 triệu người ở Trung Quốc cần ghép tạng. Nhu cầu tạng là rất lớn.

Hãy đặt vấn đề như thế này, nó nghe rất khủng khiếp. Nhưng trên thực tế nó còn tồi tệ hơn nhiều. Trung Quốc là một nguồn cấp tạng hàng đầu thế giới, sau Mỹ, với tổng số ca ghép tạng là khoảng 10 nghìn mỗi năm.

Hơn nữa, Trung Quốc là độc nhất trên thế giới với thời gian chờ rất ngắn. Ơ những nước khác, các bệnh nhân phải chờ hàng tháng thậm chí hàng năm để có được tạng. Ở Trung Quốc, các bệnh nhân chỉ phải chờ vài ngày, nhiều nhất là vài tuần.

Làm sao mà điều này có thể thực hiện được nếu không có ai hiến tạng? Sự thật rùng rợn là ở Trung Quốc nguồn tạng là các tù nhân. Ở tất cả các nước khác, bệnh nhân phải chờ người hiến. Ở Trung Quốc, những người là nguồn tạng chờ bệnh nhân. Khi một bệnh nhân xuất hiện có tiền để trả cho các khoản viện phí khổng lồ của Trung Quốc, thì một tù nhân sẽ bị giết để lấy tạng.

Kết luận này về việc lấy tạng từ các tù nhân không chỉ đến từ việc phân tích các bằng chứng. Chế độ cộng sản Trung Quốc thừa nhận rằng điều đó là sự thật.

Hồi tháng 7 năm 2005, Huang Jiefu, Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc, cho biết có tới 95% tạng là lấy từ các tù nhân. Phát biểu tại một hội nghị của các phẫu thuật viên ở thành phố Quảng Châu miền nam Trung Quốc khoảng giữa tháng 11/2006, ông Huang nói rằng ngoài một phần nhỏ lấy từ các nạn nhân tai nạn giao thông, thì hầu hết tạng được lấy từ các tù nhân.

Vào tháng 10 năm 2008, ông Huang nói rằng ở Trung Quốc, hơn 90% tạng được ghép là lấy từ các tù nhân. Vào tháng 3/2010, ông Huang nói rằng hơn 90% tạng lấy từ những người đã chết là của các tù nhân.

Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố rằng tất cả các tù nhân bị lấy tạng đều là những tù nhân bị kết án tử hình và rồi bị thi hành án. Ông David Kilgour và tôi đã đi đến các kết luận, qua các báo cáo được công bố vào tháng 7/2006 và tháng 1/2007, và một cuốn sách được xuất bản tháng 11/2009 có nhan đề Thu hoạch Đẫm máu: Giết chết Pháp Luân Công để lấy nội tạng, rằng một số lượng rất lớn các tử tù bị giết để lấy nội tạng là các học viên của môn tập luyện tinh thần Pháp Luân Công. Các học viên Pháp Luân Công bị quẳng vào trại giam chỉ vì tín ngưỡng của họ, nhưng không bị tòa án kết án tử hình.

Có đầy đủ lý do bác bỏ tuyên bố của chính quyền Trung Quốc rằng tạng lấy từ tù nhân chỉ lấy từ các tù nhân bị kết án tử hình. Một lý do đơn giản là các con số.

Việc cấy ghép đòi hỏi sự tương thích nhóm máu giữa người là nguồn tạng và bệnh nhân. Trung Quốc không có một hệ thống phân phối tạng quốc gia. Không có việc phối hợp giữa các bệnh nhân để nhận tạng từ cùng một nguồn. Luật hình phạt tử hình yêu cầu thi hành án trong vòng 7 ngày kể từ khi kết án.

Gộp tất cả những điều này lại thì Trung Quốc phải cần hơn 30 ngàn thi hành án tử hình mỗi năm để đảm bảo cho 10 ngàn ca cấy ghép chỉ lấy tạng từ các tù nhân bị kết án tử hình. Nhưng ước tính cao nhất về số thi hành án các tù nhân bị kết án tử hình (theo tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Ý Hands Off Cain – tạm dịch là Kẻ sát nhân không cần nhúng tay) là 5000 mỗi năm.

Dù thế nào đi nữa, thì việc lấy tạng ngay cả từ các tù nhân bị kết án tử hình là sai. Bản thân Chính quyền Trung Quốc đã thừa nhận điều này. Thứ trưởng Y tế Huang hồi tháng 8 năm 2009 nói rằng các tử tù bị thi hành án “nhất định không phải là một nguồn đúng đắn để lấy tạng cấy ghép.”

Ở Trung Quốc, việc chuyển từ các tù nhân sang những người hiến tạng tự nguyện đòi hỏi phải vượt qua sự ác cảm của văn hóa Trung Quốc đối với việc hiến tạng. Nỗ lực đó phải đến từ cấp cao nhất.

Pháp Luân Công là một sản phẩm tự nhiên, một sự hòa quyện của các truyền thống tu luyện tinh thần cổ xưa của Trung Quốc. Điều đó một phần giải thích được cả sự phổ biến của môn tập và ác cảm của ĐCSTQ. Trong một lá thư của Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ Giang Trạch Dân gửi cho Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ chủ trương việc cấm Pháp Luân Công, có đoạn: “Chẳng lẽ Chủ nghĩa Mác-xít mà những người cộng sản chúng ta có, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa vô thần mà chúng ta tin vào, lại không thể thực sự chiến thắng những thứ mà Pháp Luân Công giảng hay sao? Nếu không phải như vậy, chẳng phải đó sẽ là một trò đùa lớn hay sao?”

ĐCSTQ nên thực hiện chủ nghĩa hiện đại mà họ giảng. Ban lãnh đạo Đảng nên cho thấy sự đi đầu trong việc hiến tạng. Mọi thẻ đảng viên ĐCSTQ nên có phần đăng ký hiến tạng. Mọi ủy viên Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ nên cam kết hiến tạng của mình. Việc đó nên bắt đầu từ cấp cao nhất với công bố của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào rằng cá nhân ông Hồ sẽ hiến tạng của mình.

Ông David Matas là một luật sư nhân quyền quốc tế sống ở Winnipeg, Manitoba, Canada. Bài ý kiến này là phiên bản cắt ngắn của bài phát biểu của ông tại trường Đại học San Diego University hôm 11 tháng 5 vừa qua.

David Matas
Bài viết đăng trên The Epoch Times



Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc