Home » Sức khỏe » Sài Gòn ‘chiến đấu’ với bệnh tay chân miệng
TP HCM thêm 2 em bé chết do bệnh tay chân miệng, đưa số trẻ tử vong vì bệnh này từ đầu năm đến nay lên số 9. Trung tâm Y tế dự phòng phải biên soạn tài liệu chuẩn hướng dẫn cách phòng bệnh.
Bệnh nhi tay chân miệng bị biến chứng thần kinh điều trị tại BV NHi Đồng 2. Ảnh: Cao Lâm.
Bệnh nhi tay chân miệng bị biến chứng thần kinh điều trị tại BV Nhi Đồng 2. Ảnh: Cao Lâm.

Hiện chưa có văcxin phòng bệnh tay chân miệng, cũng chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu, nguồn gây bệnh lại khó nhìn thấy (như muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết). Biện pháp ngăn ngừa duy nhất là phòng bệnh.

Đại diện Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho biết, chuẩn hướng dẫn được soạn thảo ngày 10/5 là cách hữu hiệu nhất giúp các trường mầm non và phụ huynh biết cách phòng bệnh cho trẻ cũng như hạn chế mầm bệnh lây lan.

Theo đó, cách hữu hiệu nhất để phòng bệnh là cả trẻ em lẫn người chăm sóc trẻ phải thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc lúc bàn tay bị vấy bẩn.

Phụ huynh không cho con tiếp xúc, chơi cùng trẻ khác khi bản thân bé, hoặc cháu khác có dấu hiệu bệnh như mệt, lờ đờ sốt, nổi bóng nước. Người lớn trước khi tiếp xúc với trẻ có dấu hiệu bệnh cũng phải rửa tay thật sạch.

Đối với vật dụng mà bé tiếp xúc như bình sữa, ca uống nước, đồ chơi, khăn, ngạch cửa, cửa tủ lạnh… phải thường xuyên được lau hoặc rửa bằng xà phòng, nước Javel, hoặc bằng bột Cloramin B do trạm y tế cung cấp. Với những gia đình có con mắc bệnh phải thực hiện khử khuẩn mỗi ngày.

Cách pha hóa chất nên thực hiện theo đúng hướng dẫn trên bao bì, với những gia đình có trẻ bị bệnh, lượng clo có thể được pha nhiều hơn. Trước khi vệ sinh bằng clo, cần lau rửa vật dụng trước một lần bằng nước và xà phòng, sau đó 10 phút lại lau rửa một lần nữa bằng nước sạch.

Khi pha chế nước với dung dịch khử khuẩn, nên dùng hai vật riêng biệt, một để chứa nước đã pha với chất khử khuẩn, một chứa nước sạch. Giẻ lau cũng nên dùng hai cái riêng. Khi thấy dung dịch khử khuẩn và nước đục màu thì nên thay nước khác, cũng không nên tận dụng dung dịch đã dùng khử khuẩn đồ chơi để lau nhà vì dung dịch này không còn đủ tác dụng khử khuẩn.

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, chuẩn hướng dẫn đã được gửi đến các trường mầm non và chính quyền địa phương để tuyên truyền cho người dân.

Bắt đầu tăng ca từ tháng 3, bệnh tay chân miệng bùng phát tại TP HCM. Chỉ trong tháng 4, có hơn 500 trường hợp nằm viện. Hầu hết trẻ mắc bệnh đều có biến chứng nặng, trong khi đó bệnh lại rất dễ lây lan nếu không giữ gìn vệ sinh.

Bệnh chỉ xảy ra ở trẻ từ 5 tuổi trở xuống và gây biến chứng thần kinh với trẻ dưới 2 tuổi. Căn cứ vào thực tế số ca tử vong nhanh, đại diện Sở Y tế TP HCM cảnh báo phụ huynh và giáo viên các trường mầm non phải thực hiện đầy đủ hướng dẫn phòng bệnh. Trường hợp phát hiện trẻ có dấu hiệu tay chân miệng như nóng sốt, lừ đừ, đi loạng choạng, chân – tay – miệng nổi bóng nước, thì nhà trường cần báo ngay phụ huynh để đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa như Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM.

Cao Lâm

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc