Home » Sức khỏe » Đồ ăn vặt bị cấm quảng cáo
Các tổ chức bảo vệ sức khỏe hàng đầu thế giới đã cấm tổ chức các cuộc vận động gây quỹ bằng cách bán sô-cô-la hay những đoạn quảng cáo đồ ăn vặt trong các chương trình truyền hình dành cho trẻ em nhằm hạn chế nạn béo phì ở trẻ.

[title]

Đồ ăn vặt khiến cho trẻ em có nguy cơ mắc bệnh béo phì. (ABC)

Theo kết quả một cuộc khảo sát trên điện thoại do Hội đồng Chống Ung thư tiểu bang Victoria, Úc, thực hiện, 84% người tiêu dùng cho rằng trẻ em cần được bảo vệ trước những quảng cáo đồ ăn không có lợi cho sức khỏe. Khoảng 9/10 số người được hỏi mong muốn chính phủ có những biện pháp hạn chế quảng cáo mạnh hơn nữa.

Kết quả cuộc khảo sát này được nêu trong kế hoạch quốc gia do Liên minh Chính sách Chống Bệnh Béo phì công bố ngày 9/5/2011. Các tổ chức bảo vệ sức khỏe lớn như Hội đồng chống Ung thư, Hội đồng Chống Bệnh Tiểu đường Úc, Quỹ Hỗ trợ Bệnh nhân Tim mạch, Hiệp hội Y học Úc, cũng đã ủng hộ bản kế hoạch này.

“Việc quảng cáo đồ ăn nhiều chất béo đã trái với các thông điệp sức khỏe và khiến cho các bậc cha mẹ không còn cương quyết với trẻ. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng trong giai đoạn nạn béo phì đang bùng phát”, Giáo sư Boyd Swinburn, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Ngăn chặn Béo phì thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Đại học Deakin cho biết.

Trên thực tế, ngành công nghiệp thực phẩm đã không thể tự giải quyết vấn đề này, vì vậy, Liên minh Chính sách Chống Béo phì đã đưa ra một kế hoạch quốc gia chi tiết nhằm đẩy mạnh các quy định hạn chế mọi biện pháp tiếp thị đồ ăn vặt tới đối tượng trẻ em, bao gồm việc gửi thư điện tử, tin nhắn, thông báo trên bảng tin, quảng cáo trong các sự kiện thể thao hoặc các chương trình gây quỹ tại trường học.

Đồng thời, Liên minh Chính sách Chống Béo phì cũng kêu gọi chính phủ Úc cấm quảng cáo đồ ăn vặt trong các chương trình truyền hình phát sóng vào thời điểm trước giờ đi học và từ 4-9 giờ tối.

Tác dụng của chính sách mới

Nói về tác dụng của các biện pháp cấm quảng cáo đồ ăn vặt, Giáo sư Boyd Swinburn cho biết nhiều bằng chứng thu thập cho thấy việc quảng cáo thức ăn vặt có ảnh hưởng lớn tới tới chế độ ăn, sở thích, và hiện tượng mè nheo bố mẹ của trẻ.

Mô hình thử nghiệm cũng đã cho thấy bằng chứng khá rõ nét về vấn đề này. Do vậy, giáo sư Swinburn cho rằng việc cấm quảng cáo là giải pháp có tính hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí nhất.

Ông Swinburn nhận xét: “Các cuộc vận động gây quỹ bằng sô-cô-la, bánh pizza, các sản phẩm của McDonald… trong trường học đều mang lại lợi nhuận cho các công ty. Vì vậy, tôi cho rằng cần đưa những chi tiết này vào quy định mới”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng các chương trình gây quỹ thường xuyên tại trường học như tổ chức bán xúc xích nướng lại không nằm trong khuôn khổ các quy định mới bởi chúng không mang tính tiếp thị và thương mại.

Bà Kate Carnell, Giám đốc điều hành Hội đồng Thực phẩm và Rau quả Úc, cho hay các quy định hạn chế quảng cáo tự nguyện trên các chương trình truyền hình thiếu nhi đã phát huy tác dụng.

“Chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát về việc tuân thủ quy định mới và kết quả cho thấy chỉ có 2,4% các quảng cáo trên tivi giới thiệu các sản phẩm có hàm lượng muối, đường và mỡ cao và chúng được phát sóng nhầm trong các chương trình vui chơi trúng thưởng”, bà Kate cho biết.

Tuy nhiên, theo bà Kate, hiện có rất ít bằng chứng cho thấy lệnh cấm có tác dụng tích cực trong việc giảm tỉ lệ béo phì ở trẻ em. Bà dẫn chứng một số nước như Thụy Điển và Canada đã ban hành lệnh cấm quảng cáo đồ ăn vặt cách đây khá lâu nhưng nó hầu như không có hiệu quả trong việc giảm tỉ lệ béo phì.

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc