Home » Giải trí, Thời Trang - Điện Ảnh » Giới trẻ mê mẩn với búp bê gỗ nghệ thuật
Đã một thời giới trẻ thích sưu tầm những con búp bê Nga (Matryoshka – búp bê lồng nhau), búp bê Nhật Bản…

Nhưng những sở thích đó đang được bổ sung bởi thú sưu tầm búp bê nghệ thuật (Art dolls)- loại búp bê thuần Việt được những nghệ sĩ điêu khắc trong nước tạo hình với những biểu cảm độc đáo.

Búp bê gỗ nghệ thuật thuần Việt khiến giới trẻ rất thích thú

Mê mẩn với búp bê gỗ nghệ thuật

Trần Thu Hoà (đang học cao học- Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Sau cuộc triển lãm búp bê gỗ nghệ thuật cá nhân của một cô gái trẻ Hà Nội (học Đại học Mỹ Thuật) được trưng bày năm 2010, làn sóng sưu tầm búp bê gỗ nghệ thuật bùng lên trong giới trẻ. Họ thích thú sưu tầm búp bê gỗ nghệ thuật được làm từ tay các hoạ sĩ, nhà điêu khắc. Nhiều người tìm đến những nhà điêu khắc tài hoa để đặt hàng”.

Theo như lời Hoà, một lý do đặc biệt mà giới trẻ thích búp bê nghệ thuật vì chúng không sản xuất hàng loạt và được “thửa” riêng, độc nhất vô nhị không ai có. Những tác phẩm búp bê nghệ thuật sinh động đến ngỡ ngàng và rất khác lạ bởi sự gồ ghề, thô ráp.

Hoà khoe, cô vừa sở hữu trong tay một con búp bê gỗ nghệ thuật nhờ những đồng lương dạy thêm của mình tại một Trung tâm ngoại ngữ.

Hoà mách nhỏ: “Nó được tính bằng tiền đô đấy!”. Hoà tâm sự: “Từ nhỏ tôi đã thích búp bê nên khi được bố mua tặng một con búp bê nghệ thuật của Nhật Bản, tôi rất thích thú. Sau lần đó, tôi muốn sưu tầm cho mình một bộ búp bê nghệ thuật. Tôi lên mạng lùng sục tìm hiểu loại hình búp bê nghệ thuật. Búp bê gỗ được rao bán trên mạng rất nhiều. Chỉ có điều đó vẫn là thứ búp bê đơn giản. Tôi mê mẩn trước những con búp bê được làm bằng gỗ một cách vô cùng tỉ mỉ. Chúng giàu sắc thái cảm xúc mà theo như cách nói của chủ nhân cuộc triển lãm búp bê nghệ thuật thì những búp bê với gương mặt gồ ghề và sinh động của những đứa trẻ nghịch ngợm chứ không phải khuôn mặt khô cứng, vô hồn”.

Nguyễn Thị Huyền (sinh viên Đại học Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây khi mới có búp bê matryoshka – búp bê lồng nhau- là một loại búp bê đặc trưng của Nga, nhiều người đã săn lùng mọi cách để sở hữu những con búp bê đẹp nhất, độc đáo nhất. Tôi cũng là người “nghiện” búp bê Nga và sở hữu trong tay 7 bộ. Cái đẹp của nó nằm ở sự lạ và tinh tế. Với tôi búp bê Nga là búp bê nghệ thuật đỉnh cao”.

Huyền cho biết, khi sưu tầm loại búp bê này, cô cũng đã tìm hiểu về nguồn gốc của nó. “Matryoshka” là một cách gọi thân mật của “Matryona”, một tên riêng trong tiếng Nga dành cho phái nữ. Loại búp bê Nga truyền thống có con nhỏ nhất trong cùng thường vẽ hình cô bé con, sau đó các búp bê lớn hơn bao ngoài vẽ hình cô bé trưởng thành theo thời gian. Hình Matryoska truyền thống là hình một cô gái Nga mang khăn trùm đầu.

Bộ búp bê Matryoska thường có ít nhất là 5 con và số con thường là số lẻ 7, 9, 11. Chiều cao búp bê Matryoshka thay đổi từ vài xăng-ti-mét cho đến cả mét. Búp bê thường được làm bằng loại gỗ thơm và chống mối mọt. Tuy nhiên, với Huyền, sở thích không dừng lại ở đó, sau khi được bạn bè giới thiệu, Huyền có biết một hoạ sĩ chuyên làm búp bê gỗ nghệ thuật (cô không chịu bật mí tên hoạ sĩ vì sợ “đụng hàng”) nên Huyền đã tìm đến đặt hàng với giá 956 “đô”.

Người thổi hồn cho gỗ

Trần Thu Hằng (phố Hạ Hồi, Hà Nội) với tên gọi Hằng “búp bê”. Vốn là họa sĩ truyện tranh nhưng Hằng lại có sở thích làm búp bê gỗ. Ngoài vẽ tranh, thời gian còn lại cô đều giành cho búp bê gỗ. Nhiều búp bê cô làm chỉ để thoả mãn sở thích của mình, cũng không ít tác phẩm Hằng làm theo đơn đặt hàng.

Hằng “búp bê” đang tỉ mẩn với tác phẩm của mình

Theo như lời kể của Hằng, giới trẻ bây giờ thích sưu tầm búp bê gỗ nghệ thuật được làm từ tay các hoạ sĩ, nhà điêu khắc. Cô đã tổ chức được 2 triển lãm cá nhân để trưng bày những tác phẩm nghệ thuật lạ mắt của mình.

Nhiều tác phẩm của Hằng xuất phát từ cảm hứng rất đỗi đời thường và chân thật. Nhân vật búp bê của Hằng hầu hết đều là trẻ em, bởi theo Hằng trẻ con trong ký ức cô thường lem luốc với ngố ngố, rất nghịch ngợm, mỗ hôi nhễ nhại cho nên cô thích làm những búp bê như thế, chứ không phải thứ búp bê kiêu sa.

Mỗi tác phẩm có sự biểu đạt rõ ràng cảm xúc, không đơn giản là có một hình mẫu rồi mua gỗ về gọt, đẽo cho giống một cách khô cứng. Với những tác phẩm được khách đặt làm, mẫu của Hằng không đơn thuần là một bức ảnh, một gương mặt ngồi cứng đơ phía trước.

Hằng phải dành ít nhất là 3 buổi để tiếp xúc với các nhân vật do mình được đặt vẽ. Cô tìm kiếm thông tin trên mạng và quan trọng hơn, cô thường xuyên chơi đùa, trò chuyện và quan sát các em để bắt được nét thần thái và tạo hình sao cho “có hồn nhất”.

Ngân Giang

Theo nguoiduatin

Chuyên đề:

01 ý kiến dành cho “Giới trẻ mê mẩn với búp bê gỗ nghệ thuật”

  1. Thu Hằng 27/05/2011

    Trần Thu Hằng chưa có triển lãm cá nhân nào cả!

    Reply

Ý kiến bạn đọc