Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Thủ tướng Úc công du Châu Á: đối thoại về nhân quyền và thương mại

Hôm nay 20/4, Thủ tướng Úc Julia Gillard đã lên đường công du các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc để thảo luận với đối tác nhiều vấn đề quan trọng từ nhân quyền tới thương mại.

Thủ tướng Julia Gillard (phải) và người bạn đời Tim Mathieson vẫy tay chào mọi người trước giờ máy bay cất cánh đưa bà đi công du ngày hôm nay 20/4/2011. (AAP/ABC)

Chuyến công du của bà Gillard được dư luận trong và ngoài nước quan tâm theo dõi. Nhà lãnh đạo Úc sẽ thảo luận những vấn đề gì ở mỗi quốc gia?

Nhật Bản: đóng góp cứu trợ

Thủ tướng Úc Julia Gillard là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được chính phủ Nhật mời sang thăm chính thức kể từ sau khi nước này bị thảm họa thiên tai nặng nề ngày 11/3.

Trong thời gian ở Nhật, bà Gillard sẽ hội kiến với Hoàng đế và Hoàng hậu Nhật Bản cũng như Thủ tướng và Ngoại trưởng nước này.

Thoạt đầu, mục đích của chuyến công du nhằm thảo luận vấn đề hiệp định thương mại tự do giữa hai nước Úc – Nhật. Tuy nhiên, theo lời bà Gillard, một phần chủ yếu của chuyến đi nay sẽ bàn về sự đóng góp và giúp đỡ của Úc cho Nhật Bản để khắc phục hậu quả thảm họa động đất và sóng thần.

Vào tối thứ Sáu 21/4 bà sẽ dự buổi tiệc gây quỹ cho nạn nhân bị thiên tai.

Về sự đóng góp để giúp đỡ Nhật Bản vượt qua thảm họa hiện nay, bà Gillard cho hay Úc rất nhiệt tình đóng góp tiền bạc, hàng hóa và nhân lực. Cụ thể như Úc có ba máy bay vận tải hạng nặng C-17 và đều đã gửi cả ba máy bay sang Nhật tham gia công tác cứu trợ.

Gillard cũng đã điện đàm nhiều lần với Thủ tướng Nhật để khẳng định rằng nếu Tokyo cần bất cứ điều gì thì Canberra đều sẵn lòng giúp đỡ trong khả năng.

Hàn Quốc: xúc tiến Hiệp định Thương mại tự do

Sau Nhật Bản, nhà lãnh đạo Úc sẽ lên đường sang Hàn Quốc. Bà Gillard sẽ tham dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày diễn ra Trận chiến Kapyong.

Trong trận này quân Úc và Canada đã hợp lực chống lại quân Trung Quốc. Trận chiến Kapyong được xem là một trong những hành động quan trọng nhất của Úc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên hồi đầu thập niên 1950.

Ngoài ra, trong thời gian có mặt ở Hàn Quốc, bà Gillard sẽ thảo luận về vấn đề Hiệp định Thương mại tự do. Nhà lãnh đạo Úc tỏ vẻ lạc quan khi cho rằng hai nước Úc và Hàn Quốc sẽ ký hiệp định này trong năm nay.

Trung Quốc: đối thoại về nhân quyền

Theo các quan sát viên, chuyến công du Trung Quốc mới là điểm đến quan trọng nhất của bà Gillard trong chuyến công du lần này.

Trước đây, hai vị Thủ tướng tiền nhiệm của bà Gillard là các ông John Howard và Kevin Rudd đã theo đuổi hai đường lối ngoại giao đôi khi không đồng nhất đối với Trung Quốc.

Thủ tướng Howard được xem như có biệt tài giữ thăng bằng giữa mối quan hệ của Úc với hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ngoài ra ông cũng rất khéo léo tách biệt vấn đề nhân quyền ra khỏi vấn đề các quyền lợi kinh tế của Úc trong quan hệ với Trung Quốc.

Ngược lại, ông Kevin Rudd khi lên nắm quyền đã công khai phê bình Trung Quốc trong vấn đề Tây Tạng.

Ông Rudd cũng chủ trương rằng một ‘người bạn thực sự’ là người vẫn phải sẵn sàng cho Trung Quốc biết những quan điểm thẳng thắn theo kiểu ‘thuốc đắng dã tật’, dù có thể sẽ khiến ‘sự thật mất lòng’.

Ông Andrew Shearer, nhà nghiên cứu tại Học viện Chính sách Quốc tế Lowy, đồng thời từng là cố vấn cho ông John Howard, cho hay có lẽ bà Gillard sẽ khôn khéo đi theo hướng trước đây của ông Howard hơn là ông Rudd. Ông cho rằng trong thời gian làm thủ tướng, ông Rudd đã gởi nhiều tín hiệu ‘lẫn lộn’ cho phía Trung Quốc và do vậy quan hệ giữa hai nước đã gặp rất nhiều trắc trở.

Việc bà Gillard có mặt ở Trung Quốc sẽ được chú ý cao vì chuyến công du diễn ra trong lúc Trung Quốc đang thực hiện các cuộc trấn áp nhân quyền dữ dội nhất kể từ 20 năm qua.

Trả lời phóng viên Joanna McCathy của Đài Úc trước lúc lên đường, bà Gillard cho biết bà vẫn sẽ tiếp tục nêu vấn đề nhân quyền khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Hồi tháng trước, chính quyền Trung Quốc bị lên án về lệnh bắt giam ông Yang Hengjun, một blogger người Úc gốc Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phủ nhận việc này.

Bà Gillard cho hay bà không muốn bị lôi cuốn vào những trường hợp cá nhân như vụ ông Yang. Dù vậy, bà vẫn giữ lập trường xuyên suốt là đề cập vấn đề nhân quyền với phía Trung Quốc.

Gillard phát biểu: “Gần đây khi gặp ông Jia Qinglin, viên chức cao cấp thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc sang thăm Úc, tôi đã nêu lên vấn đề nhân quyền. Tôi vẫn sẽ nêu lên chuyện này trong khuôn khổ các cuộc thảo luận rộng rãi và toàn diện”.

Trong khi đó, tân Đại sứ Trung Quốc tại Úc Chen Yuming cho hay nước ông sẵn lòng thảo luận vấn đề nhân quyền theo tinh thần tôn trọng lẫn nhau.

Ông Chen phát biểu: “Hai nước Trung Quốc và Úc có những khác biệt trong hệ thống chính trị, văn hóa và ý thức hệ. Vì thế quả cũng là điều bình thường khi đôi lúc chúng ta có những quan điểm khác nhau trong một số vấn đề chính trị”.

Trong thời gian có mặt ở Trung Quốc, bà Gillard cũng thảo luận về quan hệ thương mại. Úc gởi tới Bắc Kinh một phái đoàn thương mại đông đảo nhất từ trước tới nay.

Trong phái đoàn này có những nhân vật có nhiều ảnh hưởng trong lĩnh vực kinh tế như ông Sam Walsh (tổ hợp Rio Tinto) và ông Marius Kloppers (Tổng giám đốc BHP Billion, công ty khai mỏ lớn nhất thế giới).

Bà Gillard cho biết bà hy vọng các cuộc thảo luận thương mại với Trung Quốc sẽ thúc đẩy mạnh mẽ Hiệp định Thương mại tự do giữa hai nước.

Theo nhận định của các quan sát viên, những vấn đề bà Gillard đối mặt khi công du ba nước Châu Á sẽ cho thấy rõ năng lực đối ngoại của bà.

Ở lĩnh vực ngoại giao quốc tế, nữ Thủ tướng Úc vẫn bị được xem là ‘tay mơ’ chưa có nhiều kinh nghiệm.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng và đương kim Ngoại trưởng Kevin Rudd lại được đánh giá cao hơn về trình độ và kinh nghiệm đối ngoại.

Dự lễ cưới tại Anh Quốc

Sau chuyến công du ba nước Châu Á, Thủ tướng Gillard sẽ bay thẳng sang London tham dự lễ cưới Hoàng gia của Hoàng tử William với Kate Middleton.

Bà Gillard cho hay bà sẽ ủng hộ sự thay đổi một số luật lệ liên quan tới việc truyền ngôi trong hoàng gia Anh.

Mới đây Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg đã khiến dư luận sôi nổi khi ông đề cập tới vấn đề bình đẳng của nữ giới trong vấn đề truyền ngôi nơi Hoàng tộc Anh.

Cho tới lúc này, tại Anh Quốc, nam giới vẫn được ưu tiên trong việc truyền ngôi. Bất cứ sự thay đổi nào trong vấn đề này cần được các nước trong khối Liên hiệp Anh, mà Úc là một trong các thành viên, đồng ý.

Bà Gillard tuyên bố với tư cách nữ Thủ tướng đầu tiên của Úc: “Tôi tin rằng nữ giới cũng phải được bình quyền và được mang đến mọi cơ hội y như nam giới”.

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc