Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Vì sao người Việt ở nước ngoài lấy tên Tây
Việc đổi tên ở nước ngoài là chuyện chẳng đặng đừng. Nó giúp cho cuộc sống nơi xứ người dễ dàng thêm một chút. Hơn nữa mình sống ở nước nào lấy tên thường gọi ở nước đó thì cũng không có gì gọi là vọng ngoại hay mất gốc.


Xin cám ơn ban biên tập VnExpress đã cho đăng bài này và xin thân chào các bạn đọc.

Trên một số diễn đàn của người Việt cũng đã có tranh luận về đề tài tên ta tên Tây này. Có người chê trách những người Việt lấy tên Tây và cũng có người coi đó là chuyện bình thường. Vừa rồi tôi có một người bà con nhập cư vào Australia theo diện đoàn tụ gia đình. Tôi đã giúp cô ta làm một số giấy tờ, dĩ nhiên là có kê khai tên tuối nên có cảm hứng viết bài này. Hy vọng sau khi đọc xong bạn đọc có một cái nhìn thoáng hơn về việc này.

Trước hết xin nói sơ qua về cách viết tên của người Australia. Tôi nghĩ người Mỹ, Anh, Canada và các người Âu châu khác cũng giống vậy thôi. Tên người Australia được chia làm ba phần: tên gọi (first name), tên giữa (middle name) và họ (last name, surname, family name). Riêng tên giữa có thể bao gồm nhiều tên. Tên gọi và tên giữa thường được gộp lại gọi là tên đặt (given names). Tên đầy đủ gọi là full name bao gồm tên gọi + tên giữa + họ.

Thí dụ: Nếu ta thấy tên David Trevor Paul Taylor thì tên gọi là David, họ là Taylor còn tên giữa là Trevor Paul, nghĩa là tên viết trước họ viết sau. Hằng ngày mọi người gọi ông là David. Trong những trường hợp trịnh trọng thì người ta gọi ông là Mr. Taylor.

Tên trên hầu hết các đơn từ của Australia thường bao gồm hai phần: họ và tên đặt. Nếu ông Australia ở trên có điền một loại đơn gì đó thì ta sẽ thấy như thế này:

Surname or family name: Taylor

Given names: David Trevor Paul

hoặc cũng có thể thấy như thế này:

Surname or family name: Taylor

First given name: David

other given names: Trevor Paul

Từ “family name” được dùng vì người Australia có tập quán là khi người đàn bà lấy chồng thì họ đổi sang lấy họ chồng. Cho tên tất cả mọi người trong một gia đình có chung một họ. Dĩ nhiên người đàn bà vẫn có thế giữ họ cũ (tiếng Anh gọi là maiden name) nếu họ muốn. Nếu họ muốn đổi họ thì chỉ cần cầm tờ hôn thú đến các cơ quan đã cấp các loại giấy tờ của mình để người ta làm lại giấy tờ khác với họ mới.

Còn người Việt chúng ta thì sao? Tên người Việt được viết giống như người Trung Quốc, nghĩa là họ viết trước và tên viết sau. Riêng cái tên thì thường là tên kép, bổ nghĩa lẫn nhau. Thí dụ Thanh Vân, Hùng Cường, Hữu Tài và một số tên nữ còn có kèm thêm chữ “Thị” nữa. Một điều ta cũng thấy ở đây là tên người Việt đa số có gốc Hán Việt, chữ trước bổ nghĩa cho chữ sau. Chẳng hạn Thanh Vân có nghĩa là mây xanh. Cho nên nếu viết ngược lại theo kiểu người Australia thì cái tên hết còn ý nghĩa.

Trở lại trường hợp của người bà con của tôi đã nói ở trên, thì tên cô ta trên cuốn sổ hộ chiếu Việt Nam là Phạm Thị Thu Nguyệt. Cái tên khá hay phải không các bạn. Người mới đến Australia định cư việc đầu tiên là phải đi làm thẻ bảo hiểm sức khỏe gọi là medicare card. Trong đơn xin thẻ medicare tôi điền như thế này:

Surname or family name: Pham

First given name: Nguyet

Other given names: Thi Thu

Cô nhân viên medicare không chịu và nói là tên phải viết đúng như trong sổ hộ chiếu mặc dầu tôi đã giải thích là tên gọi hằng ngày (first name) của cô ta là Nguyệt chứ không phải Thị. Nhưng cuối cùng rồi tôi cũng phải điền như sau:

Surname or family name: Pham

First given name: Thi

Other given names: Thu Nguyet

Tuy nhiên cũng có trường hợp nhân viên họ chấp nhận tên đặt (given names) viết theo cách thứ nhất, nghĩa là Nguyet Thi Thu. Nếu viết tên theo cách thứ nhất thì tên gọi vẫn là Nguyệt nhưng người Australia không thể nào gọi đúng tên Nguyệt. Trong tiếng Anh không có phụ âm kép “ng” nên họ không phát âm được chữ Nguyệt. Đa số họ sẽ đọc là “níu dệt” cũng như họ Nguyễn họ thường đọc là “níu dền”. Còn nếu viết tên theo cách thứ hai thì tên gọi là Thi, nghĩa là tên gọi đã bị thay đổi hoàn toàn.

Trong cơ quan tôi làm việc có một chị người Việt. Khi tôi vào làm thì chị đã ở đó rồi. Mọi người trong cơ quan gọi chị là Thai. Ban đầu tôi tưởng chị tên Thai nhưng khi đứng nói chuyện riêng với tôi bằng tiếng Việt thì chị cho tôi biết tên chị là Hạnh. Vì trên giấy tờ thì tên đặt của chị là Thi Hong Hanh nên tên gọi của chị là Thi mà người Australia đọc là Thai.

Đối với một số người thì chuyện này nhỏ không có gì quan trọng. Người ta gọi mình tên gì thì mình chấp nhận tên ấy. Cũng như lúc mình sinh ra cha mẹ mình đặt tên gì thì mình lấy tên đó. Hên thì được tên hay còn xui thì chịu nhận cái tên nghe có vẻ quê mùa thô kệch. Nhưng có người lại không chấp nhận tên mình bị thay đổi một cách ngang xương như vậy. Nhất là có những người có cái tên có nghĩa rất hay như Phúc hay Phước. Vậy mà mỗi lần người Australia đọc lên là mỗi lần họ chửi thề. Có người còn ngại không dám đọc vì nghe kỳ quá. Chữ Phúc hoặc chữ Phước khi đọc theo tiếng Anh thì nó gần như đồng âm với một chữ rất tục.

Vậy thì việc đổi tên là một việc chẳng đặng đừng. Nó giúp cho cuộc sống nơi xứ người dễ dàng thêm một chút. Hơn nữa mình sống ở nước nào lấy tên thường gọi ở nước đó thì cũng không có gì gọi là vọng ngoại hay mất gốc. Vì thường chỉ đổi tên gọi thôi chứ họ thì vẫn giữ nguyên, nghĩa là cái gốc vẫn còn đó chứ có mất đâu. Các bạn cũng thấy người Hoa sống ở Việt Nam đều lấy tên Việt đó. Và hầu hết Việt kiều ở Thái Lan đều lấy tên Thái cả. Mà khi đi đổi tên thì thay vì đi lấy một tên Việt khác thì sẵn dịp này lấy luôn tên Tây cho người Australia dễ gọi.

Tôi nhận thấy không riêng gì người Việt mà các sắc dân khác cũng có đổi tên, lấy tên Australia cho tiện việc giao dịch. Người gốc Hoa thì thường không bỏ hẳn tên đặt để lấy tên Australia mà họ lấy thêm một tên Australia nữa làm tên gọi. Tôi có người bạn người Hoa sinh ở Malaysia. Tên lúc sinh của anh là Leung Cheng Siong. Nếu viết theo kiếu Australia là Cheng Siong Leung. Khi đến Australia anh ta lấy thêm tên Mark làm tên gọi (first name). Như vậy tên đặt (given names) của anh ta trở thành Mark Cheng Siong, tên đầy đủ là Mark Cheng Siong Leung.

Thường thì người Australia chỉ dùng tên gọi (first name) và họ (surname) cho mọi giao dịch và rất ít khi dùng tên giữa (middle names). Như trường hợp anh bạn người Hoa của tôi thì tên trong giao dịch hằng ngày của anh là Mark Leung. Còn người bà con của tôi thì tên giao dịch hằng ngày là Thi Pham, tên Nguyệt coi như không còn nhắc tới. Tên gọi còn có tên tắt nữa. Chắng hạn tên Robert có tên tắt là Bob, tên Richard có tên tắt là Dick, tên William có tên tắt là Bill… Tôi còn nhớ ông thủ tướng Australia trong cuối thập niên 1980 có tên là Bob Hawke. Hằng ngày báo chí, TV vẫn gọi tên ông như vậy. Nhưng nhiều người không biết tên đầy đủ của ông trên khai sinh là Robert James Lee Hawke.

Trong cơ quan của tôi có một người Australia tên John Wilson. Anh này rất thân thiện. Nhân một dịp nói chuyện về người nhập cư ở Australia anh ta cho tôi biết anh là người gốc Bỉ. Khi ông nội anh di cư qua Australia thì đổi họ lấy họ Wilson vì họ của ông người Australia không đọc được. Như vậy ta thấy ngay cả người gốc Âu châu cũng đổi tên họ cho tiện trong cuộc sống.

Nói về cái tên thì cũng còn có nhiều chuyện để nói. Đối với người Việt thì không có nhiều họ, chỉ tập trung mấy cái họ Nguyễn, Trần, Lê, Đinh, Phạm, Phan… còn tên gọi thì vô số. Người Âu châu thì ngược lại. Họ thì vô số nhưng tên gọi thì không có nhiều, chỉ quanh quẩn một số tên. Một số lớn tên gọi là tên của những nhân vật trong kinh thánh. Tôi có quen một gia đình người Hy Lạp. Theo phong tục của họ thì họ thường lấy tên của ông bà đặt cho cháu. Thí dụ bà nọ có tên là Alexandra thì khi có đứa cháu gái ngoại mới sinh cũng đặt tên nó là Alexandra. Người Mỹ còn có thói quen là đặt tên con giống y hệt tên cha. Trong trường hợp này tên con có thêm chữ Jr. (viết tắt của chữ Junior) ở cuối tên để phân biệt.

Các trẻ em người Việt sinh ra ở Australia thì một số em được cha mẹ đặt tên Australia. Chỉ tên gọi thôi chứ họ thì vẫn lấy họ Việt bình thường. Một số khác thì được đặt hoàn toàn tên Việt. Tuy nhiên nếu lấy tên Việt thì cũng nên chọn một cái tên để người Australai gọi cho đúng. Chẳng hạn Mai, An, Nam, Kim… và đừng bao giờ đặt tên mà người Australia đọc nghe kỳ cục như Phúc, Phước, Kiều, Đại, Đạm… hoặc tên có nghĩa tiếng Anh không hay như Dung, Loan, Bích…

Người ta thường nói “nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc”. Sống ở nước ngoài nếu có lấy một cái tên gọi thông dụng của nước đó để cho tiện việc sinh sống thì cũng không có gì phải gọi là chối bỏ cội nguồn, lai căng mất gốc. Cái tên là chỉ để phân biệt giữa người này và người khác. Cái việc làm mới là quan trọng. Trong danh sách những thí sinh đậu đầu trong kỳ thi tốt nghiệp trung học hằng năm mà báo chí Australia thường đăng đều có những tên họ là Nguyen, Tran, Le…Mặc dầu tên gọi có thể là John, Julie, Tina… nhưng người Australia vẫn biết đó là các thí sinh gốc Việt hoặc gốc Á. Theo tôi nghĩ sống ở Việt Nam mà lấy tên Tây thì mới là lạ chứ sống ở Tây mà lấy tên Tây thì cũng bình thường thôi.

Thái Phạm

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc