Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Lõi mặt trăng rất giống Trái đất
Mặt trăng không chỉ có thể là một mẩu bị tách ra từ Trái đất, mà nó còn có thể đã hình thành lõi giống hành tinh xanh, theo nghiên cứu mới công bố của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).

Nghiên cứu mới ủng hộ lý thuyết lâu nay về sự hình thành mặt trăng - Ảnh: NASA


Sử dụng các thiết bị đo đạc địa chấn, các nhà khoa học NASA đã đánh giá lại kho dữ liệu được 4 công cụ cảm biến trên bề mặt mặt trăng thu thập được trong chương trình chinh phục không gian do phi thuyền Apollo triển khai từ năm 1969 đến 1972.

Cuộc Thử nghiệm Địa chấn thụ động Apollo đã ghi nhận các chuyển động của bề mặt mặt trăng do động đất và các hoạt động địa chấn khác vốn phát ra sóng âm cho đến cuối năm 1977.

Tuy nhiên, hệ thống này không đủ khả năng để theo dõi trực tiếp những chuyển động của sóng âm hoặc những rung động xuất phát từ lõi hành tinh này, khiến các chuyên gia phải phụ thuộc vào những phương pháp gián tiếp, như đo đạc sự thay đổi ngắn ngủi của trọng lực, trong nỗ lực vẽ ra một bức tranh hoàn chỉnh về cấu trúc bên trong mặt trăng.

Thế nhưng, các mô hình trên hóa ra lại vô cùng chính xác, theo Science dẫn lời nhận xét của Renee Weber, trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Không gian Marshall của NASA tại Huntsville, Alabama.

Nghiên cứu mới xác nhận sự tồn tại của một lõi trong ở dạng rắn và lõi ngoài dạng lỏng, giống như Trái đất. Điểm khác biệt là mặt trăng còn có thêm một lớp bên ngoài đã bị tan chảy một phần và mềm đi.

Cụ thể, nhóm của Weber xác định được mặt trăng có một lõi trong rắn, hầu hết là sắt, bán kính khoảng 240km tính từ tâm. Bao quanh lõi rắn là lớp lõi ngoài dạng lỏng bề ngang khoảng 90km, và sau cùng là lớp lõi xốp rộng 150km.

Kết quả trên đã ủng hộ lý thuyết phổ biến hiện nay, rằng mặt trăng được hình thành sau khi một thiên thể lớn đâm vào Trái đất cách đây khoảng 4 tỉ năm, tạo nên một đám mây mảnh vụn, dần dần cô đặc lại thành vệ tinh tự nhiên của chúng ta ngày nay.

Weber hy vọng sẽ tìm được nhiều thông tin hơn về các lớp lõi của mặt trăng trong lúc nghiên cứu tiếp các dữ liệu địa chấn Apollo. Một cặp phi thuyền thăm dò mặt trăng, sẽ được phóng đi trong năm nay, được dự kiến sẽ cung cấp thêm thông tin để xác định kết quả của nhóm Weber.

“Phát hiện trên hết sức thú vị”, theo nhà vật lý học thiên thể Maria Zuber của Viện Công nghệ Massachusetts, người đứng đầu sứ mệnh nghiên cứu trọng lực của mặt trăng, tên gọi GRAIL, chịu trách nhiệm phóng 2 phi thuyền trên.

Phương pháp của nhóm Weber cũng hứa hẹn sẽ cung cấp một cách thu thập thông tin mới để nghiên cứu các hành tinh khác trong hệ mặt trời, như sao Hỏa chẳng hạn.

Hạo Nhiên

Theo maivoo

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc