Home » Xã hội » Phút nguy ngập của những thủy thủ gặp nạn ở Nam Cực
“Sau khoảng 40 phút vật lộn giữa nước biển lạnh cứng, những thuyền viên bắt đầu lịm dần. Tất cả đang nghĩ đến cái chết cận kề giữa đại dương”, thủy thủ Trần Văn Sơn kể lại vụ đắm tàu ở Nam Cực.

Chiều 27/12, cùng với 6 thuyền viên khác gặp nạn trên con tàu No. 1 Insung tại Nam Cực, anh Trần Ngọc Sơn (55 tuổi) đã đã trở về nhà ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An).

Đêm trước khi chồng bay về Việt Nam, chị Linh tất tưởi vào ra, hết nằm lại ngồi, thỉnh thoảng lại thắp hương lên bàn thờ khấn ông bà tổ tiên cầu cho đoạn đường từ Hà Nội trở về của chồng mình đừng xảy ra sự cố. Chiều 27/12, anh Sơn bước xuống từ xe taxi rồi chạy vào nhà ôm chầm lấy vợ và con gái. Sau câu nói: “Em ơi, anh sống và trở về với mẹ con đây này”, cả gia đình ôm nhau khóc cho đến khi bà con hàng xóm đến thăm hỏi, chúc mừng.

Ảnh: Nguyên Khoa.
Anh Sơn vui cười nhận điện thoại hỏi thăm của người thân. Ảnh: Nguyên Khoa.

Trong ký ức của người thủy thủ dạn dày kinh nghiệm với 5 lần xuất ngoại, chuyến đi câu cá tuyết ở Nam Cực thật kinh hoàng. Sau khi tiếp dầu ở cảng Montevideo của Uruguay, tàu No. 1 Insung chở theo 41 thủy thủ cùng với thuyền trưởng và 2 thuyền phó cưỡi sóng đến vùng biển Nam Cực.

Sáng 13/12, con tàu thả neo và giăng câu ở vùng biển Nam Cực, cách New Zealand hơn 2.000 km. Sau khi ăn sáng xong, cả nhóm thủy thủ bắt đầu mặc quần áo để làm việc như bình thường thì thấy biển nổi sóng cao 5-7 mét kèm theo những luồng gió lạ và xoáy. Một lúc sau, phần đuôi con tàu bị nghiêng, các thủy thủ được lệnh chuyển đồ sang một bên để lấy lại thăng bằng cho con tàu.

“Đang luống cuống chuyển đồ, chúng tôi lõm bõm nghe được lệnh của thuyền trưởng là ôm phao nhảy xuống biển. Mọi người liền dừng tay rồi chạy đến buồng chứa phao cứu sinh. Khi thuyền phó 2 mở được cửa chứa áo phao cũng là lúc con tàu đang chìm. Cả nhóm thủy thủ hoảng loạn chạy đi lấy áo phao nhưng quá muộn, con tàu chìm nghỉm trong vòng 5 phút”, anh Sơn kể lại, giọng chưa hết run sợ.

Sau khi tàu chìm, anh Sơn nhanh tay mặc được một chiếc áo phao, tuy nhiên, những cột sóng khổng lồ cao hơn nóc nhà cứ vần vũ, đánh dìm anh xuống mấy lần. Với kinh nghiệm sông nước, anh Sơn cố gắng cởi đồ áo cho dễ bơi rồi tiếp tục tìm cách ngoi lên và thoát khỏi chỗ nước xoáy

“Đến khi cởi được đồ cũng là lúc hết sóng to, nhưng tay chân tôi thì cứng đờ đi vì nước lạnh cóng. Tôi lật người nằm ngửa vừa khấn trời khấn phật vừa chờ đợi tàu khác đến cứu”, anh Sơn nhớ lại những giây phút đối mặt với cái chết.

Trong khi anh Sơn đang cố gắng vật lộn với chiếc áo phao bé xíu thì những thuyền viên khác cũng cố gắng bám lấy chiếc xuồng cứu sinh và những khúc gỗ đang trôi trên biển. Sau khoảng 40 phút vật lộn giữa nước biển lạnh Nam Cực, những thuyền viên này bắt đầu lịm dần. Khi tất cả đang nghĩ đến cái chết thì một con tàu của hãng Insung chạy đến, mặc dù không tiếp cận được nhóm thủy thủ nhưng con tàu này đã bắn phao cứu sinh rồi bắt dây xuống biển. Nhiều thủy thủ không thể nắm được vào dây phải dùng răng cắn chặt vào dây và được đưa lên tàu.

Sau khi lên tàu, anh Sơn và một số thủy thủ người Việt khác bị ngất xỉu hàng giờ đồng hồ rồi mới tỉnh lại. Một số thủy thủ người Hàn Quốc, Trung Quốc dù đã được đưa lên tàu nhưng vẫn chết vì dầm quá lâu trong nước lạnh.

Ảnh: Nguyên Khoa.
Mâm cơm đạm bạc nhưng rộn tiếng cười tại nhà anh Sơn. Ảnh: Nguyên Khoa.

Sau khi được cứu sống, 19 thủy thủ trong đó có 7 người Việt được con tàu của hãng Insung chở về New Zealand. “Về đến đất liền, chúng tôi mới dám tin là mình còn sống. Chỉ thương những anh em thủy thủ bị chết và mất tích giữa biển lạnh, sóng to”, anh Sơn nghẹn ngào.

Sáng 28/12, sau khi thắp hương cho ông bà tổ tiên, chị Linh làm một mâm cơm nhỏ để ăn mừng chồng trở về từ cõi chết. Bữa cơm tuy đạm bạc nhưng rôm rả khác thường. Trong suốt bữa, chị Linh không nuốt nổi hạt cơm nào mà chỉ biết nhìn chằm lấy chồng, mắt ướt đẫm.

“Tui vẫn cứ ngỡ như là một giấc mơ, khi nghe tin trên tàu có một người tên Sơn đã mất tích, tui linh tính đó không phải là chồng mình nhưng vẫn không ăn không ngủ gì được chỉ biết cầu nguyện. Nay chồng về đến nhà rồi, tui không cho chồng đi mô nữa, ở nhà rau cháo có nhau, nghèo nhưng mà không phải lo cảnh gặp nạn giữa biển lạnh gió to nữa”, chị Linh nghẹn ngào.

Cùng với anh Sơn, 6 thuyền viên người Việt được cứu sống khác như Lê Quang Rực, Trần Đinh Khánh, Nguyễn Văn An… cũng trở về nhà trong niềm vui khôn tả của cha mẹ, vợ con và anh em, hàng xóm láng giềng. Dù may mắn sống sót trở về nhưng trong ký ức của những thủy thủ này, vùng biển lạnh Nam Cực vẫn sẽ mãi là một kỷ niệm buồn.

4h30 sáng 13/12, tàu đánh cá In Sung 1 của Hàn Quốc cùng 42 thủy thủ, trong đó có 8 người Hàn Quốc, 8 người Trung Quốc, 11 người Indonesia, 11 người Việt Nam, 3 người Philippines và một người Nga đã bị đắm ở vùng biển Nam Cực cách Newzealand khoảng 2.250 km, làm 5 người chết và 17 người mất tích.

Các tàu cứu hộ của Newzealand và Hàn Quốc đã nỗ lực tìm kiếm người mất tích. Tuy nhiên, Trung tâm điều phối cứu hộ của New Zealand cho biết 17 người mất tích trên tàu In Sung 1 không thể sống sót bởi con tàu chìm quá nhanh và các thủy thủ phải nhảy ra khỏi đó mà không kịp mặc phao cứu hộ. Trong số này có 4 thủy thủ người Việt.

Hà Nguyên Khoa

Theo vnexpress

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc