Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Việt Nam chuẩn bị 25 kịch bản đón sóng thần

Để chuẩn bị cho chương trình diễn tập ứng phó sóng thần, các nhà khoa học Việt Nam đã xây dựng 25 kịch bản cảnh báo nguy cơ sóng thần, làm cơ sở thông báo cho công chúng trước khi sóng thần tràn tới.

25 kịch bản

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu, 25 kịch bản về sóng thần được xây dựng trên cơ sở 9 vùng nguồn sóng thần có khả năng ảnh hưởng tới bờ biển nước ta. Kịch bản gắn với 25 mức độ động đất khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam.

Mô hình mô phỏng kịch bản số 5 ứng phó sóng thần.
Ảnh: Tư liệu
.

Theo PGS Phương, vùng nguồn nguy hiểm nhất là khu vực Tây Philippines (máng chìm Manila). Các kịch bản từ 1 – 17 tương ứng với động đất nằm trên đới này. Máng Manila có chiều dài hơn 1.000km. Tại đây đã ghi nhận được nhiều trận động đất mạnh tới hơn 8 độ richter.

Song theo đánh giá, động đất cực đại trong đới chìm Manila có thể đạt 9 độ richter. Đây chính là đới có thể gây sóng thần lớn nhất cho vùng biển Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ 1589 – 2005, trên đới này đã xảy ra ít nhất 6 trận động đất làm phát sinh sóng thần.

Ngoài máng Manila, đới đứt gãy Riukiu (Đài Loan) cũng có nguy cơ lớn với Việt Nam. Các kịch bản 18 và 19 tương ứng với động đất xảy ra trong đới đứt gãy này. Động đất trong đới đứt gẫy Riukiu có độ lớn cực đại là 8,5 độ richter.

Động đất xảy ra tại khu vực Tây Bắc Biển Đông, phía Nam đảo Hải Nam tương ứng với kịch bản 20 và 21. Các trận động đất nhỏ năm 2005 ngoài khơi Vũng Tàu có liên quan đến đứt gãy này. Các kịch bản từ 22 – 24 tương ứng với động đất vùng nguồn phía Bắc Philippines và Nam Đài Loan.

Kịch bản cuối cùng tương ứng với động đất tại các khu vực Tây Biển Đông, ngoài khơi Nam Trung Bộ. Động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 7 độ richter. Tuy nhiên, đây là đứt gãy trượt bằng, động đất có độ lớn này không gây ra sóng thần đáng kể ở bờ biển Việt Nam.

Dựa vào 25 kịch bản, khi có động đất xảy ra trên Biển Đông, Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần sử dụng hệ thống này để đưa ra bản đồ và thông tin cảnh báo về thời gian sóng thần đến bờ biển, độ cao sóng thần, mức độ ngập do sóng thần gây ra ở các địa phương ven biển…

Mất gần một giờ để truyền tin động đất

Tuy nhiên, PGS Nguyễn Hồng Phương cho biết, tốc độ phân tích số liệu động đất và sóng thần của ta hiện quá chậm so với các nước trong khu vực và thế giới. Điều này, ảnh hưởng tới việc xây dựng và phát kịp thời bản tin thông báo động đất tới các cơ quan hữu quan. Phải mất tới 20 phút để xác định các thông số động đất và tới 30 phút để thông tin được chuyển đi.

Trong khi đó, giả sử khi kịch bản số 5 xảy ra, ở mức động đất 8 độ richter, sau 2 giờ sóng thần sẽ tràn tới bờ biển Việt Nam. Nhưng mất tới 50 phút cho khâu phân tích và truyền tin, chỉ còn lại hơn một giờ đồng hồ cho khâu chuẩn bị sơ tán dân.

Con số 25 kịch bản cũng được cho là quá ít so với Nhật Bản (hơn 100.000 kịch bản), Indonesia (7.000 kịch bản). Việt Nam cũng chưa có điều kiện để lắp đặt các bộ cảm biến đặt trong lòng đại dương, thiếu thiết bị, vẫn phụ thuộc vào các trung tâm của Mỹ, Nhật Bản nên không thể chủ động tính toán, dự báo.

Trong khi đó, các nhà khoa học cho biết không thể chủ quan với hiểm họa này, bởi Việt Nam nằm ở vị trí có xác suất xảy ra sóng thần không nhỏ. Theo đó, một đứt gãy dưới Biển Đông phía tây Philippines có thể gây ra động đất cấp 9 và sóng thần. Chỉ trong vòng 2 – 3 giờ, sóng thần có thể ập đến Việt Nam, và vùng biển miền Trung có nguy cơ bị tàn phá nặng nề nhất.

TS Vũ Thanh Ca – Viện Khí tượng, Thủy văn & Môi trường, từng ghi nhận một thiên tai kinh hoàng xảy ra ở ven biển Thừa Thiên – Huế ngày 11- 9 -1904, do nước dâng gây ra, tàn phá hơn 22.000 ngôi nhà, làm đắm 519 thuyền và 724 người chết. “Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khắc nghiệt và khôn lường, Việt Nam cần sẵn sàng các phương án để tránh thảm họa tồi tệ nhất.” – PGS Phương nói.

Theo Tiền Phong


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc