Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Đừng ăn chặn dân nghèo, để người dân đón tết yên vui (phần 1)
Việt Nam là một nước nông nghiệp, có khoảng 10 triệu hộ nông dân với hơn 30 triệu lao động trong độ tuổi, bằng khoảng 70% lao động của cả nước. Tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn ở mức cao; chất lượng nguồn lao động thấp là những nguyên nhân chính làm cho năng suất lao động nông nghiệp của nước ta đạt thấp so với các nước trong khu vực. Mới đây Đại kỷ nguyên Việt ngữ đã có bàiThu nhập của nông dân thấp không thể tin nổi! Đây là nguyên nhân chính khiến cho đời sống nông dân ở nông thôn quá khó khăn cả về vật chất và tinh thần. Để thấy rõ hơn, Đại kỷ nguyên tiếp tục có một số bài đưa tin về thực trạng nghèo đói ở nông thôn với tâm nguyện khuyến thiện lá lành đùm lá rách và giúp người nghèo; nêu ra những người ăn chặn của người nghèo, sao cho người dân thoát nghèo? Ngày Tết đang đến gần chúng ta cùng hướng về nông dân, những người nghèo, với niềm mong mỏi sao nông dân được đón Tết yên vui.
Ảnh btxh

Ảnh btxh

Phần 1.Thực trạng nghèo đói ở nông thôn

Do thông tin kinh tế ở Việt nam thống kê chưa được đầy đủ, chính xác, minh bạch nên việc đi tìm số liệu thu nhập bình quân của nông dân rất khó khăn. Chúng tôi căn cứ các nguồn tin chính thức để đưa ra các số liệu có thể tin cậy.

Theo báo cáo của FAO, ngày 14/10/ 2014, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 34 tại, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Ông Lê Quốc Doanh, thứ trưởng Bộ NN&PTNT công bố, Việt Nam có khoảng 10 triệu hộ nông dân với hơn 30 triệu lao động trong độ tuổi, bằng khoảng 70% lao động của cả nước nhưng chỉ đóng góp 20% GDP. Ông cũng nói “Ở đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa lớn nhất của cả nước, thu nhập bình quân của người nông dân chỉ bằng một nửa mức lương tối thiểu (tương đương 600.000/tháng), dẫn đến một bộ phận không nhỏ nông dân bỏ ruộng lên thành phố, làm việc tại khu công nghiệp để kiếm thu nhập khá hơn”.

Theo nguồn khác, tháng 8/2013, Ông Tăng Minh Lộc- Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, bộ NN&PTNT báo cáo thực trạng nông dân bỏ ruộng hoặc xin trả lại ruộng,đã đưa ra con số thu nhập năm 2013 của nông dân đồng bằng sông Hồng chỉ 13 triệu đồng/hộ/năm. Theo ông Lộc, đã có những tính toán cụ thể, chi tiết về chi phí, lợi nhuận của người làm ruộng. Lấy số liệu cụ thể ở khu vực ĐBSH cho thấy: Nếu tính bình quân 1 hộ có 3,72 khẩu, trong đó có khoảng 1,7 lao động (tính trung bình) và mỗi hộ được giao khoảng 5,5 sào ruộng làm đất 2 vụ lúa và trong đó có 30% đất có thể làm được vụ 3 (màu), thì tổng thu nhập của mỗi hộ/năm chỉ đạt khoảng hơn 22 triệu đồng. Trừ tổng chi phí khoảng 48% (chi phí thuê công làm đất, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ thủy lợi, công gặt tuốt lúa), thu nhập thực của hộ nông dân chỉ còn gần 13 triệu đồng/năm.

Mới đây nhất, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về GDP 2014, thu nhập của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 713,38 nghìn tỷ đồng, chia cho 63 triệu dân ở nông thôn thì đạt thu nhập bình quân đầu người sống ở nông thôn là 11,3 triệu đồng/năm; tương đương 940 nghìn đồng người/tháng; tương đương 31 nghìn đồng/người/ngày. Đây là con số khả dĩ có thể tin cậy được tại thời điểm 2014.

Tuy nhiên, do điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu, nguồn nước… của các vùng miền khác nhau nên thu nhập của các vùng khác nhau. Vùng đồng bằng sông cửu long do thuận lợi hơn, nên thu nhập bình quân đạt cao hơn, khoảng 34,6 triệu/năm. Đồng bằng sông Hồng đạt trung bình 13 triệu đồng/năm. Còn các tỉnh trung du và vùng núi miền trung, phía bắc thì rất thấp, nếu chia bình quân theo số liệu trên thì chỉ khoảng vài triệu đồng/người/năm.Đúng là thực tế thu nhập thấp không thể tưởng tượng nổi.

Thật vậy, những ai đã từng đến các vùng trung du, vùng núi ở miền trung hoặc miền núi phía bắc thì mới biết cuộc sống của nông dân khổ thế nào, nếu bạn đã đến hẳn bạn sẽ phải rớt nước mắt. Học sinh nội trú không biết đến thịt cá là gì, lớp học thì nền đất mấp mô, tường vách tranh tre nứa lá, học sinh nhiều lứa tuổi, nhiều lớp học chung 1 phòng học, chỉ có 1 thầy, lúc dạy cho nhóm này, lúc quay lại dạy cho nhóm khác. Mấy chục năm rồi mà cái nghèo, cái khó vẫn bủa vây lấy nông dân. Thu nhập nông nghiệp thấp vậy, nên nông dân phải bỏ ruộng chạy ra thành phố làm thuê, từ công nhân, cho đến xe ôm, thợ xây, ô sin, bán hàng rong, đánh dày, phục vụ hàng ăn…với thu nhập chỉ mong được 2-3 triệu đồng/tháng để gửi về nuôi gia đình.

Nếu bạn đến các bệnh viện ở Hà nội và Sài gòn thì bạn sẽ thấy và thông cảm với những khó khăn của người nông dân. Nông dân đã nghèo mà sao lại ốm nhiều thế? Vì họ ở trong những môi trường mà có tỷ lệ bệnh ung thư cao nhất trên thế giới.

Nếu bạn đến các trường hỏi sinh viên ở nông thôn, nhìn thấy sinh viên đó ăn thì bạn cũng lại sẽ phải rớt nước mắt, họ phải đi làm thêm bất cứ việc gì để trang trải tiền ăn học vì gia đình thu nhập thấp không lo được.

(Phần 2 tiếp theo: Cuộc sống nghèo ở nông thôn)

Thành Tâm

Theo daikynguyenvn


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc