Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Trung Quốc bị Bắc Triều Tiên đẩy vào tình thế tế nhị
Sau vụ Bắc Triều Tiên nã pháo vào Hàn Quốc, Trung Quốc đã trở thành cường quốc duy nhất không lên án hành động này. Trái với Bắc Kinh, từ Washington đến Matxcơva, thông qua Paris hay Luân Đôn, tất cả các thành viên còn lại trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đều tố cáo một hành vi gây căng thẳng.

Lính biên phòng Hàn Quốc sơ tán một trẻ nhỏ ngày 24/11/2010, sau vụ pháo kích của Bắc Triều Tiên vào đảo Yeonpyeongn Ảnh: Reuters

Theo giới phân tích, lập trường nhẹ nhàng của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên đang đẩy Bắc Kinh vào một tình thế tế nhị, không biết xử sự ra sao với đứa em ngỗ nghịch.

Từ hôm qua cho đến hôm nay, càng lúc càng có nhiều tiếng nói vang lên trên thế giới lên án việc quân đội Bắc Triều Tiên bắn hàng chục quả đại bác vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, xem đấy là một hành động khiêu khích. Thế nhưng Trung Quốc, nước được cho là có ảnh hưởng nhiều nhất hiện nay trên Bắc Triều Tiên thì lại có tuyên bố rất chừng mực. Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào hôm qua chỉ bày tỏ thái độ ‘’quan ngại’’ và kêu gọi một cách chung chung là ‘’hai bên nên cố gắng xây dựng hòa bình’’.

Đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc có thái độ nhẹ nhàng như vậy đối với Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh cũng đã nhất mực bênh vực Bình Nhưỡng trong vụ tàu Cheonan của Hàn Quốc bị chìm hồi tháng ba vừa qua khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Một ủy ban điều tra quốc tế sau đó đã kết luận là chiến hạm này bị trúng ngư lôi của Bắc Triều Tiên. Cho dù vậy, Trung Quốc vẫn không chịu lên án Bắc Triều Tiên, tuyên bố sẽ cho tiến hành một cuộc “điều tra riêng”, một cuộc điều tra mà kết quả cho đến lúc này vẫn chưa hề được công bố.

Giải thích về nguyên nhân khiến Bắc Kinh hậu thuẫn cho Bình Nhưỡng bất kể việc chế độ Kim Jong Il liên tiếp có hành động khiêu khích, giới quan sát thường nêu bật chủ trương của Trung Quốc, muốn duy trì tình hình ổn định tại vùng biên giới phía đông bắc. Bắc Kinh lo ngại rằng một khi chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ và bán đảo Triều Tiên được thống nhất dưới trướng của Hàn Quốc, thì một làn sóng người tị nạn Bắc Triều Tiên có thể tràn qua Trung Quốc, trong lúc quân đội Mỹ lại có thể áp sát biên giới của họ.

Chính vì muốn duy trì nguyên trạng ổn định mà trong thời gian qua, Bắc Kinh đã luôn luôn bảo vệ Bình Nhưỡng trên trường quốc tế, đồng thời tiếp tục viện trợ kinh tế cho Bắc Triều Tiên đang bị muôn vàn khó khăn, để tránh cho chế độ Kim Jong Il khỏi bi sụp đổ.

Thế nhưng, việc Bắc Triều Tiên tiếp tục sử dụng biện pháp quân sự nhắm vào Hàn Quốc đã tạo ra nguy cơ xung đột lớn giữa hai bên, làm cho toàn vùng mất ổn định, và điều này trái ngược với mong đợi của Bắc Kinh. Theo hãng tin Pháp AFP, ông Robert Shaw, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu James Martin ở California, chuyên về các vấn đề không phổ biến vũ khi hạt nhân, đã nhận định :

« Tôi không nghĩ là chính quyền Trung Quốc đồng ý với hành động quân sự đó của Bắc Triều Tiên. Điều này hoàn toàn trái ngược với mục tiêu của Bắc Kinh trong vùng, vốn đơn giản là duy trì tình hình ổn định ».

Đối với ông Brian Bridges, chủ nhiệm khoa chính trị học tại Đại học Lĩnh Nam ở Hồng Kông thì hành động của Bình Nhưỡng đang đẩy Bắc Kinh vào một tình thế khó xử, nhất là khi cả tổng thống Mỹ Barack Obama lẫn thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đều lên tiếng yêu cầu Trung Quốc gia tăng sức ép để buộc Bắc Triều Tiên chấm dứt các hành động gây bất ổn định trong khu vực.

Trả lời AFP, ông Bridges phân tích : « Trung Quốc đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan… Về mặt công khai, họ sẽ tiếp tục không lên án Bắc Triều Tiên, nhưng trong hậu trường, tôi chắc chắn là họ sẽ rốt ráo vận động ngoại giao để thuyết phục Bình Nhưỡng đừng làm gì khác khiến cho tình hình xấu đi thêm ».

Câu hỏi mà một số nhà phân tích đặt ra vào hôm nay là liệu Trung Quốc còn khả năng tác động đến Bắc Triều Tiên hay không ? Theo nhóm nghiên cứu Âu Á Eurasia Group, trụ sở tại Hoa Kỳ, thì Trung Quốc có thể nói riêng với Bắc Triều Tiên là cần phải xuống thang, tuy nhiên kết quả của các hành động gây sức ép của Bắc Kinh trên Bình Nhưỡng trong thời gian qua rất nghèo nàn.

Thí dụ điển hình của điều này là Trung Quốc không hề muốn đàn em của mình sở hữu vũ khí hạt nhân. Thế nhưng trong 4 năm gần đây, Bình Nhưỡng đã hai lần thử nghiệm bom nguyên tử. Trung Quốc là nước đăng cai vòng đàm phán 6 bên về giải trừ vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên. Thế nhưng cuộc thương thảo này tiếp tục bị Bình Nhưỡng tẩy chay.

Theo rfi


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc