Home » Kinh doanh, Tiêu biểu sideshow » Găm hàng, đẩy giá
Tại TPHCM các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm liên tục biến động.

Nhằm đảm bảo bình ổn thị trường, kiểm soát giá cả tiêu dùng trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cùng nhiều địa phương trọng điểm thực hiện triển khai chương trình bình ổn giá bằng nguồn vốn ngân sách.

Thế nhưng có không ít điểm bán hàng bình ổn giá lại có giá bán hàng hoá cao hơn thị trường khiến người tiêu dùng băn khoăn…

Bình ổn nhưng giá… cứ tăng

Ngày 17.11, phóng viên Lao Động đã khảo sát tại các thị trường trọng điểm. Điều đáng quan tâm là cho dù các bộ, ngành và địa phương triển khai các chương trình bán hàng BOG, song hàng hoá vẫn cứ tăng giá.

Tại TPHCM các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm liên tục biến động. Đáng nói là mức giá tại các khu vực chợ bán lẻ lại tăng nhanh hơn so với khu vực chợ bán sỉ, cho dù TPHCM đã triển khai chương trình BOG. Theo khảo sát tại các chợ bán lẻ trên địa bàn TPHCM, nhiều mặt hàng thiết yếu, nhất là thực phẩm tươi sống, rau củ quả biến động mạnh. Các mặt hàng này đều tăng giá thêm khoảng 20% so với đầu tháng. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay như dầu ăn 37.000đ/lít, thịt bò dao động khoảng 160.000đ/kg, trứng vịt 26.000đ/chục…

Trong khi đó tại Hà Nội, dù đã có hơn 2 tháng thực hiện chương trình BOG một số mặt hàng thiết yếu tại gần 400 điểm bán hàng, song nhiều mặt hàng trong nhóm bình ổn tại các siêu thị như Fivimart, Intimex, Hapro Mrt lại cao hơn giá thị trường. Trong khi đó các DN đăng ký bán hàng BOG được vay vốn ưu đãi dự trữ hàng, cam kết bán thấp hơn giá trị thị trường 10%.

Theo các tiểu thương, nguyên nhân tình trạng giá rau, củ tăng đột biến gần đây là do nhu cầu tiêu thụ rau của người dân tăng khá nhanh trong khi nguồn cung lại không đáp ứng đủ. Trong khi đó, một nhân viên siêu thị bán hàng BOG lại cho rằng, đa số hàng hoá được bán trong siêu thị đều là hàng sạch, có nguồn gốc sản xuất và được kiểm định đảm bảo chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm, do vậy giá cao hơn hàng trôi nổi ngoài thị trường một chút là điều đương nhiên. Đây là lý do chính khiến các điểm bán hàng BOG chưa thuyết phục được người tiêu dùng.

Có hiện tượng găm hàng – đẩy giá

Theo quy luật, những tháng cuối năm là thời điểm các mặt hàng tăng giá do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh. Chính vì thế, phần lớn các DN và tiểu thương đã lên kế hoạch chuẩn bị gom hàng. Đây là một phần nguyên nhân tác động đến việc khan hàng, tăng giá. Bên cạnh đó, đại diện Sở Công thương Hà Nội cho rằng khó khăn nhất hiện nay là việc dự trữ các mặt hàng thực phẩm tươi sống, trong khi đó rất ít nhà cung cấp chấp nhận ký hợp đồng lâu dài, do vậy để giữ giá ổn định là rất khó khăn.

Một điều đáng lo ngại khác là cùng với Hà Nội và các tỉnh trọng điểm lân cận, TPHCM cũng xảy ra hàng loạt vụ vi phạm về giá và bất cập khi triển khai bán hàng BOG. Tại TPHCM đã xuất hiện không ít những vi phạm. Theo Sở Tài chính TPHCM, vi phạm về giá chủ yếu là không niêm yết giá hoặc niêm yết không đúng quy định… Đặc biệt qua kiểm tra, lực lượng QLTT kết hợp với chính quyền phát hiện, xử lý và loại 562 điểm bán hàng khỏi chương trình do không thực hiện đúng cam kết bán giá thấp hơn 10% theo quy định của DN tham gia chương trình BOG. Thậm chí có điểm bán hàng BOG còn tự ý tăng giá…

Trao đổi với phóng viên Lao Động, đại diện Bộ Tài chính và đặc biệt là các địa phương trọng điểm tiếp tục đưa ra cam kết quyết liệt BOG bằng cả việc bán hàng và kiểm tra, giám sát. Đến nay, Hà Nội đã tạm ứng 250 tỉ đồng cho 12 DN dự trữ 9 mặt hàng thiết yếu. Còn tại TPHCM, ngày 16.11, Sở Công thương đã họp cùng các DN để cung ứng nhanh khoảng 50 tấn đường với giá bình ổn 18.000đ/kg. Các siêu thị cũng cam kết dự trữ lượng hàng lớn để bán theo giá thị trường.

Tuy vậy, đại diện các địa phương cũng thừa nhận việc vẫn còn quá ít điểm bán hàng BOG đã chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM thì để BOG cần có sự giám sát kiểm tra sát sao, kịp thời ngăn chặn tình trạng tự ý tăng giá, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hiện Bộ Tài chính, Bộ Công thương và lực lượng quản lý thị trường tiếp tục triển khai đợt cao điểm kiểm tra về giá mà đối tượng chủ yếu là các cửa hàng trực thuộc DN tham gia chương trình BOG.

TP.Hồ Chí Minh: Thêm mặt hàng thủy hải sản vào danh mục bình ổn giá

Ngày 17.11, Sở Công Thương TP cho biết, UBND TP đã chấp thuận bổ sung mặt hàng thủy hải sản của Cty cổ phần Tập đoàn Phú Cường vào danh mục các mặt hàng bình ổn giá. Như vậy, số DN tham gia chương trình bình ổn giá năm nay sẽ tăng lên 15 doanh nghiệp.

Theo Đặng Tiến – Mộng Thoa

Báo lao động


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc