Home » Kinh doanh, Tiêu biểu sideshow » Nhà đầu tư chứng khoán hoảng loạn

Tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư trong phiên giao dịch ngày 12/8 khiến Vn-Index mất 14,87 điểm, chính thức xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 450 điểm. HNX-In dex còn 132,03 điểm, thấp nhất trong 15 tháng qua.

Dù thị trường đang “cực xấu”, một số chuyên gia kinh tế khẳng định đó không phải là cuộc “tháo chạy”.

Theo nhiều công ty chứng khoán, phần lớn nhà đầu tư (NĐT) không ngờ thị trường rơi nhanh và rơi sâu như vậy, nhất là chỉ số HNX-Index rời xa mức hỗ trợ 135 điểm rất nhanh, vì thường vào tháng 8 hằng năm, thị trường chứng khoán vẫn tốt.

Hơn 500 mã giảm giá

Trên sàn HoSE, chỉ trong ba phiên giao dịch (từ ngày 9 đến 12/8), Vn-Index đã để mất đến 34,42 điểm, liên tiếp tụt xa các ngưỡng hỗ trợ và diễn biến thị trường xấu ngoài sức tưởng tượng của các NĐT. Sau phiên giao dịch ngày 11/8, NĐT đã lấy lại được chút hy vọng khi Vn-Index tăng 1,45 điểm, nhưng những thông tin “tan nát” trên thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới đêm 11/8 (giờ Việt Nam) đã khiến NĐT hướng về phía bi quan. Điều đó chứng tỏ ngay trên HNX và HoSE, khi hầu hết các mã bluechips trong phiên hôm qua đều giảm sàn (SSI, PVF, PPC, FPT, DPM, STB…). Ngay cả các cổ phiếu penny đã tăng khá ở phiên trước đó như LBM, DIC, VNE… cũng không thể “ngóc đầu” dậy nổi.

Các chuyên gia cho rằng việc ào ạt bán cổ phiếu không phải là tháo chạy.

Từ đợt hai, tình trạng bán tháo cổ phiếu của NĐT diễn ra mạnh mẽ. Kết quả là trên sàn TP HCM có hơn 50% mã giảm sàn (236 mã giảm giá); sàn Hà Nội đến 285 mã giảm. Như vậy, trên cả hai sàn đến 521 mã giảm giá, một kỷ lục “hiếm thấy” trong ba tháng trở lại đây.

Không phải tháo chạy

NĐT nước ngoài bình thản mua vào

Trái với sự hoảng loạn của NĐT trong nước, NĐT nước ngoài hôm qua đã đẩy mạnh mua vào nhiều mã như STB, PVD, VNS, SSI, HPG… Tổng cộng, họ mua ròng 56,9 tỷ trên HoSE và 3,6 tỷ trên HNX.

Tuy nhiên, khi phân tích thị trường, các chuyên gia chứng khoán khẳng định, thị trường rơi sâu, rơi nhanh phần lớn do tâm lý hoảng loạn của NĐT. Ông Lê Đạt Chí, ĐH Kinh tế TP HCM, nói: “Lực cầu trên cả hai sàn quá yếu nên chúng ta thấy cán cân nghiêng về cung, nhưng lực cầu không mạnh”. Phiên giao dịch hôm qua chỉ là “cuộc chơi về mặt tâm lý”. Một số NĐT đã đầu cơ giá xuống để “thoát khỏi tình trạng thị trường lình xình” trong một tháng trở lại đây.

Trong so sánh tương quan khi NĐT tháo chạy vào cuối năm 2008 đầu năm 2009, ông Chí phân tích: “Thời điểm này, thị trường thiếu tiền vì dòng tiền chảy qua sản xuất kinh doanh và ’sức khỏe’ của các doanh nghiệp vẫn tốt, nên nhìn về dài hạn, đó là tín hiệu vui”.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh Long, chuyên viên chứng khoán Công ty Chứng khoán SME, hiện cung tiền không mạnh, báo cáo tài chính quý ba đã xong, trong khi đó thị trường chứng khoán lại chứng kiến sự giải chấp của các ngân hàng sau thông tư 13 (ngân hàng phát hành quá nhiều cổ phiếu), nên tiền cho đầu tư chứng khoán đang khan hiếm. Thêm vào đó, đêm 11/8, NĐT chứng khoán Mỹ cũng bị một phen “hoảng loạn”, đã “thêm dầu vào lửa” cho tâm lý vốn bi quan của NĐT Việt Nam, nên sự hoảng loạn của NĐT là tất yếu.

Trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia vẫn cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa cần đến biện pháp can thiệp của nền kinh tế. “Tháng hai năm 2009, Vn-Index về dưới mức 250 điểm, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ suy thoái thì chúng ta cần sự hỗ trợ, còn phiên giao dịch hôm qua, dù mất gần 15 điểm nhưng đó chỉ là sự đầu cơ giá lên nên biện pháp can thiệp là không cần thiết”, ông Chí nói. Thế nên ý kiến “ngưng triển khai thông tư 13 trong thời điểm này” bị các chuyên gia phản bác. Nhiều người ủng hộ triển khai thông tư này vì “ban hành để chế ngự an toàn hệ thống ngân hàng, chế ngự việc thao túng và giảm bớt hệ lụy khủng hoảng lần nữa”.

Mỹ Dung
Theo baodatviet
Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc