Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow, Tiêu Điểm » Công nhân Trung Quốc trỗi dậy buộc đảng Cộng sản nhượng bộ
Tại Trung Quốc không có thống kê về đấu tranh xã hội trong xí nghiệp, nhưng đợt đình công đòi tăng lương trong các nhà máy Trung Quốc hiện nay cho thấy tâm lý bất mãn đang lan rộng trong lực lượng lao động. Sự kiện này phản ánh ý thức tập thể đối phó với tình trạng áp bức kéo dài chứ không phải chỉ đơn thuần là đấu tranh lẻ tẻ. Cuộc đấu tranh này đã bước đầu thành công.

Một nhân công Foxconn tự tử ngày 25/05/2010 REUTERS/Bobby Yip

Từ Foxconn đến Honda và Hyundai , các tập đoàn gia công hay liên doanh với tư bản nước ngoài chấp nhận tăng lương từ 30% đến 70%. Cùng lúc đó chính quyền Trung Quốc thông báo tăng mức lương căn bản trên toàn quốc lên 20% kể từ tháng 7 tới.

Trong những năm qua, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc từ 9% đến 11% làm thế giới kinh ngạc và thèm thuồng. Con số nhà giàu mới chiếm nhiều chổ hơn trong danh sách triệu phú, tỷ phú đôla của tạp chí Forbes. Nhưng ít ai quan tâm đến cái giá mà thành phần lao động Trung Quốc phải trả hàng ngày.

« Sống và làm việc trong điều kiện phi nhân »

Công ty Foxconn, vốn Đài Loan, gia công cung cấp điện thoại di động iPhone, trả lương trung bình cho mỗi công nhân là 100 euro mỗi tháng.Tại cơ sở Phật Sơn, Foxconn sử dụng 300 ngàn nhân viên. Trong xưởng máy, nhịp độ vận hành dây chuyền được mô tả là « phi nhân », tàn phá tinh thần con người mà hậu quả là đã có 13 công nhân tuổi đôi mươi nhảy lầu tự tử, 11 người thiệt mạng.

Trong các xí nghiệp do Trung Quốc làm chủ, tình hình lao động còn nguy ngập hơn. Trên mạng internet, Hiệp hội phi chính phủ China Labor Watch, cơ sở tại New York, tố cáo 4 công ty Trung Quốc cung cấp hàng hóa cho tập đoàn siêu thị Carrefour của Pháp, là đã để cho công nhân sống và làm việc trong điều kiện tồi tệ. Nhân công, phần lớn là thiếu niên 16 tuổi, bị buộc sống trong những phòng tập thể dơ bẩn đầy gián và kiến. Mỗi tháng làm việc chỉ được hai ngày nghỉ.

Chính quyền Trung Quốc không bao giờ can thiệp vì sợ giới đầu tư bỏ đi. Về phần nghiệp đoàn lao động, tại Trung Quốc,chỉ có một công đoàn duy nhất nhưng lại do Đảng Cộng sản chi phối và nhận tiền sinh hoạt từ một loại thuế đặc biệt do xí nghiệp tài trợ. Công đoàn chính thức không bảo vệ người lao động mà còn hợp tác với giới chủ để hù dọa công nhân hoặc tiếp tay với công an ngăn chận bãi công.

Giáo sư kinh tế Nguyễn Phúc Liên

Giới chuyên gia kinh tế kêu gọi Trung Quốc cãi cách mô hình lao động chạy theo lợi nhuận bất chấp con người. Giáo sư kinh tế Nguyễn Phúc Liên từ Thụy Sĩ phân tích thêm trong phần phỏng vấn sau đây.

« Thay đổi mô hình kinh tế ? »

Từ khi Trung Quốc hội nhập vào toàn cầu hóa cách nay 15 năm, phần lương trả cho lao động so với Tổng sản lượng quốc gia GDPđã không tăng mà còn liên tục sụt giảm mặc dù kinh tế tăng trưởng nhanh chóng. Số liệu của nhà nước không phủ nhận chiều hướng này : từ 53,4% năm 1996 xuống còn 39,7% năm 2007. Hiện nay, phép lạ Trung Quốc chủ yếu dựa vào xuất khẩu hàng hóa giá rẻ nhờ nhân công thấp.

Phong trào đình công liên tục tại Trung Quốc trong những ngày qua buộc chính phủ phải nhượng bộ cho tăng lương. Nguy cơ lực lượng nồng cốt 145 triệu tay nghề sẵn sàng liều chết để đòi quyền sống như 300 ngàn nhân viên của Foxconn làm đảng Cộng sản phải lùi một bước, chấp nhận tăng 20% mức lương căn bản. Theo thẩm định, nếu lương căn bản được tăng 100% thì thị trường nội địa sẽ phát triễn mạnh và có thể lên tới 90% nhờ mãi lực của người dân tăng cao.

Câu hỏi đặt ra là liệu giới chủ tại Trung Quốc có nhìn xa hay không ? Có dám chấp nhận bớt lời trong ngắn hạn để thu lại lợi nhuận trong tương lai ? Điều chắc chắn là những sự cố đang xảy ra tại Trung Quốc đang góp phần đánh tan huyền thoại một lực lượng lao động ngoan ngoãn.

Cách nay một năm, nhân dịp tưởng niệm 20 năm thảm sát Thiên An Môn, ông Bào Đồng, một trong những nhà ly khai có tiếng tăm, nguyên là thư ký riêng của cố bí thư Triệu Tử Dương đã cảnh báo rằng : Quyền lực tuyệt đối của Đảng sẽ bóp nghẹt nhân dân và kinh tế. Ông Bào Đồng nói rằng kinh tế chỉ phát triển lành mạnh khi nào chính quyền giải quyết được 4 vấn nạn : tham ô, tình trạng nghèo khó gia tăng của thành phần lao động, nạn ô nhiễm môi trường và phí phạm tài nguyên thiên nhiên.

Bước đầu tiên là Đảng phải bỏ bớt quyền lực và xét lại Phong trào Dân chủ Thiên An Môn 1989, bị đàn áp trong biển máu.

Theo tin  Kinh tế – Tạp chí – Trung Quốc – Xã hội

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc