Home » Chia sẻ, Cuộc sống số, Tiêu biểu sideshow » Tàu điện một ray có cứu được giao thông TP Hồ Chí Minh?

Hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo “Tàu điện một ray trong quy hoạch giao thông đô thị” vừa được tổ chức ngày 26/8 đều đồng ý với nhận định trên do Tổng GĐ Tổng Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng (Vinaconex) Đặng Hoàng Huy trình bày.

Cũng theo ông Huy, năng lực vận chuyển của loại hình vận tải này có thể chuyên chở tối đa 30.000 lượt hành khách/hướng/giờ tương đương 1,2 triệu chuyến xe buýt, giảm lượng khí độc hại phát thải khoảng 18 tấn. Chi phí dự kiến xây dựng 1km tàu điện một ray (monorail) chỉ khoảng 8 triệu USD (so với 100 triệu USD xây dựng 1km metro).

Ngoài việc lợi ích góp phần làm giảm nạn ùn tắc giao thông, việc xây dựng monorail còn ngăn chặn hiệu quả việc phát triển phương tiện giao thông cá nhân, đẩy nhanh quá trình giãn dân ra khỏi khu vực trung tâm TP.

Hành khách trong tàu điện một ray tại thủ đô Kuala lumpur của Malaysia (ảnh: N.D

Theo Phó GĐ Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường, hiện TP đã tiến hành quy hoạch hai hệ thống monorail gồm tuyến số 2 (dài khoảng 12km) kéo dài từ đường Nguyễn Văn Linh (Q.7) đến khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2).Tuyến số 3 dài khoảng 8km, kéo dài từ Ngã sáu Gò Vấp cho đến khu vực Tân Thới Hiệp (Q.12).

Hiện lãnh đạo TP.HCM vẫn đang tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư vào 2 tuyến monorail này, nên chưa thể xác định chính xác thời gian đưa vào hoạt động.

Tại hội thảo, TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây Dựng VN nhấn mạnh: “Ngoài những lợi ích như đã nêu như trên, monorail còn có lợi ích là không cản trở giao thông mặt đất. Vì có bán kính cong, nhỏ nên hoàn toàn thích hợp với địa hình đường phố nhiều hẻm như tại Việt Nam”.

Tuy nhiên, chuyên gia về giao thông TS Ngô Viết Nam Sơn lại cho rằng cần thiết phải đi liền với thiết kế monorail là việc thiết kế lại đô thị, quan tâm đến việc hành khách sử dụng loại phương tiện này như thế nào, xây dựng các trạm dừng cho thật phù hợp, nhất là người già, trẻ nhỏ và phụ nữ.

“Nếu chúng ta làm không khéo, được cái này thì lại hỏng cái kia….” – TS Sơn nêu rõ.

Còn TS Nguyễn Hữu Nguyên – Trung tâm nghiên cứu KT miền Nam (Bộ KHĐT), một trong những chuyên gia trăn trở về thực trạng giao thông của TP.HCM lại cho rằng: Nếu chúng ta không quy hoạch kinh tế rõ ràng, không có một chính sách ưu đãi hấp dẫn về giá vé monorail, monorail không thể đưa khách về tới tận nhà thì “chắc chắn người dân sẽ chọn phương thức xe gắn máy vì nó hoàn toàn tiện lợi, cơ động và nhất là giá vô cùng rẻ…”

Nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông trầm trọng đã trở thành căn bệnh trầm kha chưa có lời giải đáp ở tại TP.HCM từ nhiều năm nay. Theo thống kê chưa đầy đủ cho biết, hiện TP có khoảng 4,5 triệu phương tiện giao thông cơ giới, trong đó xe buýt là hơn 3.000 xe, taxi vào khoảng 16.500 xe, hàm lượng khí thải độc hại cao hơn gấp 3 lần và nồng độ cao gấp hơn 5 lần ở mức cho phép. Mỗi năm TP đã mất khoảng 14.000 tỷ đồng thiệt hại xuất phát từ nguyên nhân này.

(Theo VTC News)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc