Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Kiện Vedan Việt Nam: TPHCM bất ngờ “chập chờn” trước giờ G

Tại cuộc họp hôm qua, phía TPHCM đã “chập chờn” trước giờ G khởi kiện Vedan VN.

Hôm qua (20.7.2010) đáng lẽ là cuộc họp cuối chốt lại nhưng khi kết thúc, ngành chức năng TPHCM lại cho Vedan VN “cù cưa” thêm vài ngày. Thậm chí, UBND huyện Cần Giờ “hạ giá” đền bù thiệt hại từ 45,7 tỉ đồng xuống còn hơn 32,1 tỉ đồng.

 

Hội nông dân TPHCM dù phê phán cách làm của Hội nông dân Đồng Nai, nhưng lại “phòng hờ” thêm phương án: Hỏi ý kiến dân xem có nhận tiền hỗ trợ của Vedan VN hay không…

Lấy sông Hồng và sông Mêkông để tính lượng cá sông Thị Vải!

Cũng giống như các cuộc họp trước, luật sư 2 bên đã tranh cãi quyết liệt về mức độ thiệt hại chênh nhau quá lớn. Vedan VN vẫn chiêu bài cũ, cù cưa đến mức ông Nguyễn Văn Phụng (Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM) phải “ngửa bài”: “Đây là cuộc họp cuối, nếu Vedan VN cứ khăng khăng như vậy thì cuộc họp có thể kết thúc ngay tại đây. Chúng tôi sẽ khởi kiện”.

Lúc này đại diện VN lại đổi giọng “nhũn nhặn” rằng kiện ra toà sẽ mất nhiều thời gian và công sức 2 bên. Nên thay vì đề nghị hỗ trợ chỉ 7 tỉ đồng, Vedan VN xin nâng lên thành 12 tỉ đồng. Và để hai bên “hiểu nhau hơn”, ông Yang Kun Hsiang (Tổng GĐ Vedan VN) xin phép cho chuyên gia trình bày những chứng liệu khoa học của Vedan VN.

Theo đó, Vedan VN đổ lỗi cho khu vực sông Thị Vải không có tài liệu khoa học tính ra mật độ cá, nên Cty dựa vào sản lượng thuỷ sản ở sông Hồng (miền Bắc) và sông Mêkông, rồi nhân gấp 3 lần để tính ra mật độ tôm cá sở sông Thị Vải (miền Nam) là… 14,7 tấn/km2. Từ đó, Vedan VN mới đưa ra con số bồi thường hỗ trợ nêu trên.

Ông Đoàn Văn Sơn (Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ) bức xúc, với mức 14,7 tấn thuỷ sản/km2, nghĩa là trung bình mỗi tháng 1 nông dân Cần Giờ chỉ đánh bắt được… 2kg thuỷ sản là hết sức phi lý. Trong khi đó, theo tính toán của huyện Cần Giờ là 77,72 tấn thuỷ sản/km2.

“Hạ giá” từ 45,7 tỉ còn hơn 32,1 tỉ đồng

Mặc dù gay gắt như thế, nhưng ông Sơn lại “chốt hạ”: Yêu cầu Vedan VN hỗ trợ bồi thường cho nông dân Cần Giờ hơn 32,1 tỉ đồng. Trong khi đó, con số Viện TNMT tính toán đưa ra để TPHCM đòi Vedan VN bồi thường hỗ trợ hơn 45,7 tỉ đồng. Còn nếu kiện, hơn 830 hộ nông dân TP đòi Vedan VN bồi thường tới 107 tỉ đồng.

Nhưng Tổng GĐ Vedan VN vẫn không chịu và giở “bài cũ” đề nghị cho Cty thêm thời gian “nghiên cứu” xác định để 2 bên “xích lại với nhau” hơn.

Đáng ra, cuộc họp này được xác định là cuối cùng để quyết kiện Vedan VN hay không. Tuy nhiên kết luận, HND TP cũng như UBND huyện Cần Giờ đã đồng ý cho Vedan VN vài ngày và sẽ tổ chức tiếp 1 cuộc họp… cuối cùng nữa tại UBND huyện Cần Giờ giữa các bên vào thứ 5 ngày 22.7 tới.

Nhiều khả năng sẽ khởi kiện

Bên lề cuộc họp, trả lời phỏng vấn của Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Phụng (Chủ tịch HND TPHCM) nói: “UBND huyện Cần Giờ đại diện cho nông dân đưa ra mức 32 tỉ đồng, tôi cũng hơi băn khoăn… Bản thân tôi, trước đây tôi không đồng ý tỉ lệ Vedan VN đưa ra là 26,3% vùng M (ô nhiễm nghiêm trọng) hoặc 8,75% L (vùng ô nhiễm) mà phải là 30,3 vùng M và L là 10% theo con số của Viện TNMT. Tức là phải theo con số của Viện TNMT đưa ra, chứ không của Vedan VN.

Về việc liệu cuộc họp cuối cùng sắp tới, Vedan VN đưa ra con số thấp hơn 32 tỉ đồng thì sao? Ông Phụng cho rằng: Con đường khởi kiện là chắc chắn. Nhưng cũng khó khăn. Bây giờ là thiệt hại của dân, chứ không phải của mình. Tôi cũng đã trao đổi với anh Sơn (Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ), nếu dưới con số đó (trường hợp Vedan VN đưa ra con số thấp hơn 32 tỉ đồng) thì mình phải hỏi nông dân đồng ý hay không, nếu không thì mới khởi kiện ra toà.

Đồng Nai quá chậm chạp trong việc giúp dân

 

Chiều 20.7, ông Đào Duy Lượng (Phó Chủ tịch Trung ương HND Việt Nam) đã làm việc với HND tỉnh Đồng Nai. Ông Lượng phê bình Đồng Nai quá chậm chạp trong việc giúp dân thống kê thiệt hại, đòi Vedan VN bồi thường. Việc HND Đồng Nai chưa thống kê thiệt hại đã vội đi lấy ý kiến nông dân là sai. Mặt khác, chỉ lấy hơn 350 ý kiến của dân, trong khi không có nông dân nào ký giấy ủy quyền cả thì không thể đại diện cho 5.000 hộ dân để có thể đưa ra phán quyết nhận hỗ trợ hay khởi kiện. Theo ông Lượng, trong khi tỉnh chưa thống kê thiệt hại, và Viện MTTN mới chỉ đưa ra mức ước thiệt hại để các địa phương tham khảo thì tỉnh Đồng Nai lại lấy đó làm căn cứ đòi bồi thường 120 tỉ đồng cũng… trật nốt.

Dự kiến ngày 21.7, đoàn công tác của Trung ương HND VN sẽ đi xem xét tình hình người dân bị thiệt hại, sau đó sẽ có buổi làm việc chính thức với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai với những kiến nghị cần thiết. Trung ương HND sẽ có báo cáo với Ban bí thư để có chỉ đạo thêm; đồng thời, nếu địa phương nào muốn khởi kiện, Trung ương HND sẽ sẵn sàng tạo điều kiện về án phí, hỗ trợ luật sư tư vấn cho nông dân.

Ngô Sơn

Theo laodong.com.vn


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc