Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Chuyện nực cười trong bản “Danh sách đen” của mật vũ Mỹ

Liệu có ai tin được, một cô bé mới 6 tuổi là người Mỹ 100% – chứ không phải con gái của các đối tượng nhập cư – lại được xếp vào hàng ngũ của những kẻ tiếp tay cho những tên khủng bố quốc tế? Nhưng câu trả lời vẫn là “đúng” trước một câu hỏi ai cũng tin là hết sức phi lý như vậy.

Đó chính là trường hợp của nữ công dân Mỹ mới có 6 tuổi Alice Thomas từ bang Ohio, người bất ngờ bị phát hiện có mặt trong “danh sách đen” những hành khách bị cấm bay trên bầu trời nước Mỹ. Sự việc trên làm dấy lên một làn sóng chỉ trích về sự tắc trách của các cơ quan mật vụ Mỹ trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Câu chuyện hy hữu trên chỉ được công chúng biết đến, sau khi các nhân viên sân bay Cleveland ban đầu đã nhất quyết từ chối cho một đứa trẻ 6 tuổi lên máy bay. Khó có thể hình dung sự ngạc nhiên của cha mẹ đứa trẻ: khi đặt mua vé tại sân bay Cleveland, họ được thông báo rằng, Alice Thomas bị cấm đặt chân lên tất cả các chuyến bay trên lãnh thổ nước Mỹ. Trước thông báo trên, người cha chỉ biết nhún vai nói châm chọc đầy vẻ mỉa mai rằng, Alice đôi khi cũng đe dọa người chị của mình, nhưng chuyện này chẳng nhẽ lại thuộc về vấn đề an ninh quốc gia!

Dù sao, cô bé cùng cha mẹ mình cuối cùng vẫn được cho phép lên máy bay, tiếp tục hành trình đã định của mình. Việc này chỉ được phép, sau khi một quan chức đại diện tại địa phương của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) phải cam kết rằng, cô bé 6 tuổi trên sẽ chẳng gây ra bất cứ vấn đề nào trên máy bay. Cha mẹ Alice vẫn được yêu cầu phải liên hệ với Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) để tìm hiểu làm rõ thực hư.

Nhưng khi cha mẹ Alice chính thức yêu cầu phải có câu trả lời rõ ràng về quy định cấm bay đối với cô con gái 6 tuổi của mình, NSA đã cố tình tảng lờ, không xác nhận hay bác bỏ việc cô bé có mặt trong “danh sách đen” hay không. Cần phải nói thêm rằng, trường hợp của Alice Thomas không phải là trò ngớ ngẩn đầu tiên mà NSA và các cơ quan mật vụ khác của Mỹ đã phạm phải.

Một ví dụ tương tự mới đây đã được tờ The New York Times đăng tải, lần này liên quan đến cậu bé 8 tuổi Michael Hicks. Bất chấp việc cha mẹ Hicks là những người được kính trọng ngoài xã hội – là thành viên của nhóm hướng đạo sinh “Bear New Jersey” – cậu bé đã bị khám xét rất kỹ càng nhiều lần tại tất cả các sân bay.

Cha mẹ của Hicks cũng phải trải qua những cuộc phỏng vấn kéo dài nhiều giờ chỉ vì một lý do, tên họ của cậu bé trùng với một kẻ bất hảo Michael Hicks nào đó có mặt trong “danh sách đen” của NSA. Nếu tính tới thực tế cái tên họ Michael Hicks là tương đối phổ biến tại Mỹ, thì cậu bé 8 tuổi trên chắc chắn không phải là nạn nhân duy nhất của “danh sách đen” trên.

Cậu bé 8 tuổi Michael Hicks – người có mặt trong “Danh sách đen” của NSA.

Trong bản “danh sách đen” (The Black List, hay còn gọi là No Fly List) hiện nay của mật vụ Mỹ, đang có khoảng 2.500 cái tên bị nghiêm cấm bước chân lên máy bay tại nước này. Ngoài ra, còn có khoảng 13.500 người nữa được liệt vào danh sách phải kiểm tra hết sức kỹ lưỡng tại các sân bay. Cũng vì trùng tên và những yếu tố xác định không rõ ràng khác, Bộ An ninh nội vụ đã nhận được tổng cộng hơn 82 ngàn lời phàn nàn của những công dân trong sạch, yêu cầu phải gạt tên của họ ra khỏi danh sách những kẻ tình nghi.

Cần biết là sau âm mưu khủng bố tại Quảng trường Thời đại (trung tâm New York) vào ngày 1-5 vừa qua, mật vụ Mỹ lại tiếp tục tăng cường các biện pháp giám sát chặt chẽ hơn đối với hành khách trên những chuyến bay. Theo Hãng tin BBC, các hãng hàng không giờ đây phải tự kiểm tra tên hành khách để so sánh với bản “danh sách đen” – được cập nhật liên tục 2 tiếng một lần để cập nhật những phần tử khủng bố, những kẻ bất hảo đang bị truy nã.

Theo ý kiến của các cơ quan truy nã tội phạm, biện pháp trên là nhằm để ngăn chặn âm mưu lẩn trốn ra nước ngoài của các cá nhân bị nghi ngờ phạm tội trên lãnh thổ nước Mỹ. Ngay như kẻ tình nghi trong vụ đánh bom Quảng trường Thời đại – công dân Mỹ gốc Pakistan Faisal Shahzad – đã bị bắt giữ tại sân bay Kennedy vào đúng thời điểm chuẩn bị bay từ New York về Dubai.

Vấn đề là khi cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế chưa có được kết quả thực sự gây ấn tượng nào, NSA đã gây ra hàng loạt điều rắc rối cho các công dân Mỹ, chẳng hạn như liệt kê nhiều trẻ nhỏ vào danh sách những kẻ tình nghi khủng bố. Dù viện cớ cho những sai sót trong các chương trình máy tính, nhưng không thể coi đó là cái cớ hoàn hảo để biện minh cho hoạt động phòng ngừa tội phạm của NSA, FBI và CIA – những cơ quan mật vụ để lọt vụ khủng bố 11-9 lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Nhận ra thất bại của các cơ quan mật vụ, chính quyền Mỹ đã tạo mọi điều kiện cho NSA thành lập một “danh sách đen” gồm 14 nước “đáng nghi ngờ” nhất – Algeria, Afghanistan, Iraq, Iran, Yemen, Cuba, Liban, Lybia, Nigeria, Pakistan, Arập Xêút, Syria, Somali, Sudan. Công dân của những nước này mỗi khi bay tới Mỹ đều bị thẩm vấn và kiểm tra rất gắt gao. Ngay cả khi quá cảnh qua Mỹ, những công dân này cũng là đối tượng bị chú ý nhiều nhất, bất kể độ tuổi hay giới tính.

Theo kết quả thăm dò xã hội, người dân Mỹ đa phần ủng hộ chính sách đối xử phân biệt quá mức về chủng tộc này với một lý do: Họ không muốn để một tay chân bất kỳ nào của Bin Laden có thể lọt lên máy bay. Tuy nhiên, trường hợp của cô bé mới 6 tuổi là công dân Mỹ 100% Alice Thomas lại có mặt trong “danh sách đen” của NSA lại là chuyện hoàn toàn khác. Dư luận đã lên tiếng mỉa mai chỉ trích nặng nề về sự tắc trách trên và đòi hỏi phải có sự điều chỉnh lại. Nếu mọi chuyện không có gì thay đổi, sẽ có thêm nhiều công dân lương thiện của Mỹ tiếp tục phải hứng chịu những thủ tục phiền hà khiến họ phải bẽ mặt khi đi máy bay

Theo antg.cand


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc