Home » Cổ truyền, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Vì sao phượng hoàng tái sinh từ đống tro tàn

Có một loài chim huyền thoại tỏa hào quang lộng lẫy trên bầu trời. Khi sắp kết thúc cuộc đời, nó tự tạo giàn thiêu từ những cành quế và gỗ thơm rồi bước vào ngọn lửa đang hừng hực cháy. Sau đó từ đống tro tàn, một con chim mới sẽ trỗi dậy hồi sinh. Đó cũng là ý nghĩa của câu nói: “Phượng hoàng niết bàn, tắm lửa tái sinh”.

Phượng Hoàng

Tranh vẽ “Trúc thạch song phụng” (Ảnh: Bảo tàng Cố cung Đài Loan)

Bạn có yêu thích tiếng chim hót hay không? Nghe tiếng chim hoan ca, chúng ta không chỉ thưởng thức âm thanh vui tai mà còn được ngắm nhìn bộ lông mỹ lệ, thực là lý thú lắm thay! Kỳ thực, từ hai mươi âm giai cho đến các nhạc cụ như tiêu, sáo, cổ cầm, đàn tranh… đều được tạo ra để mô phỏng tiếng hót của một loài chim, đó là phượng hoàng.

Loài chim huyền thoại

Trên núi Côn Luân thần bí có một mảnh đất màu mỡ phì nhiêu, tương truyền đó là khu vườn của Tây Vương Mẫu. Khu vườn ấy có thứ thịt tươi ngon quý hiếm ăn mãi không hết, có dòng suối ngọt uống mãi không cạn, có vườn đào tiên đơm hoa kết trái mãi không dừng. Trong khu vườn ấy, ngoài các loại cây kết thành trân châu và mỹ ngọc còn có rất nhiều loài trân cầm dị thú sinh sống. Trong đó có một loài chim tuyệt đẹp, cổ chim thon dài thanh thoát, lưng chim lộng lẫy rực rỡ, đuôi dài mượt mà mềm mại, lông vũ sặc sỡ sắc màu. Tên của loài chim ấy là phượng hoàng.

phuong-hoang-2Tranh vẽ “Họa linh thọ vạn niên – Phụng hoàng tường vân” (Ảnh: Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan)

Phượng hoàng đại biểu cho mỹ đức. “Sơn hải kinh – Nam sơn kinh” viết: “Ở trong núi Đan Huyệt có một loài chim. Hình thể giống gà, toàn thân là lông ngũ sắc, gọi là phượng hoàng. Hoa văn trên đầu giống như hình chữ Đức (德), hoa văn trên cánh giống như chữ Nghĩa (義), hoa văn trên lưng giống như chữ Lễ (禮), hoa văn trước ngực giống như chữ Nhân (仁), hoa văn ở bụng giống như chữ Tín (信). Phượng hoàng tự nhiên thong dong, tự mình ca hát khiêu vũ, chỉ cần nó xuất hiện thì thiên hạ sẽ thái bình”.

Trong “Trang Tử – Thu thủy” có câu chuyện kể rằng: Trang Tử có một người bạn thâm giao tên là Huệ Thi, làm tể tướng ở nước Lương quốc. Trang Tử muốn đến thăm bạn, nhưng có người gièm pha nói với Huệ Thi rằng: “Trang Tử đến để đoạt lấy vị trí tể tướng của ông đó!”. Huệ Thi vô cùng lo lắng, sai người tìm kiếm suốt ba ngày ba đêm mà vẫn không tìm được Trang Tử. Cuối cùng, Trang Tử đích thân xuất hiện, ông điềm nhiên nói với Huệ Thi: “Phương nam có một loài chim gọi là Uyên Sồ, ông đã nghe nói đến bao giờ chưa? Chim Uyên Sồ bay từ biển Nam đến biển Bắc, dọc đường nếu không phải là cây ngô đồng thì nó sẽ không đậu, nếu không phải là hạt cây trúc thì nó sẽ không ăn, nếu không phải là dòng suối thơm ngọt mát lành thì nó sẽ không uống. Lại có một con cú mèo quắp con chuột đã thối rữa, vừa lúc nhìn thấy Uyên Sồ bay qua, nó bèn ngẩng đầu kêu lên một tiếng muốn dọa cho Uyên Sồ phải bay đi. Bây giờ, ông muốn dùng chức tể tướng nước Lương để dọa tôi sao?”.

  Trang Tử

  Trang Tử (Ảnh đăng lại từ Sound of Hope)

Uyên Sồ là một chủng loại chim phượng hoàng. Hãy thử nghĩ xem, phượng hoàng bay từ phương nam đến phương bắc, sải cánh qua chặng đường xa xôi như vậy, nhưng cho dù mệt bao nhiêu, đói bao nhiêu, khát bao nhiêu, nó vẫn kiên quyết không hạ thấp tiêu chuẩn của mình. Con cú mèo ôm giữ con chuột hôi hám mà cứ tưởng là báu vật, ngỡ loài chim thần cao quý trên trời kia muốn cướp mất “vật báu” của mình. Đây chẳng phải là chuyện rất đáng cười sao? Trang Tử dùng câu chuyện ngụ ngôn này để nói rõ tâm chí của mình, coi chức vị tể tướng của Huệ Thi chỉ như con chuột trong móng vuốt cú mèo. Trang Tử là bậc trí nhân Thánh giả, nào có màng đến công danh phú quý, cũng như chim phượng hoàng thuần tịnh và cao khiết trên bầu trời.

Bách điểu chi vương

Phượng hoàng là vương của trăm loài chim, hễ nó xuất hiện thì tất cả các loài chim đều đến diện kiến. Nhưng trước khi có được vị trí tôn quý như thế, phượng hoàng cũng phải trải qua một phen gió táp mưa sa.

Truyền thuyết dân gian kể rằng, thời ban sơ phượng hoàng là một con chim nhỏ rất bình thường, hoàn toàn không có bộ lông vũ rực rỡ như sau này. Phượng hoàng chăm chỉ cần cù, siêng năng cần mẫn, không một phút ngơi nghỉ. Từ sáng sớm đến tối mịt nó bận rộn tìm kiếm những thứ quả và hạt mà các con chim khác bỏ đi, nhặt nhạnh từng thứ từng thứ một đem cất vào trong động, dự trữ phòng khi cần đến.

Vào một năm đại hạn, các loài chim không tìm được gì để ăn, con nào con nấy đói đến mức chỉ còn chút hơi tàn. Phượng hoàng bèn lấy ra tất cả những gì đã cất trữ bao nhiêu năm qua để cứu đói, nhờ đó các loài chim mới bảo toàn được tính mạng. Sau khi hạn hán qua đi, các loài chim vì để cảm tạ ơn cứu mạng của phượng hoàng đã rút từ trên thân mình ra chiếc lông vũ đẹp nhất, may thành một bộ y phục rực rỡ đem dâng tặng phượng hoàng. Sau đó, tất cả lại nhất trí tôn vinh phượng hoàng làm vương của các loài chim.

Sau này, mỗi khi đến ngày sinh nhật phượng hoàng, tất cả các loài chim đều bay tới chầu lạy và chúc mừng. Đây chính là nguồn gốc của câu “Bách điểu triều phụng” (trăm chim chầu phượng hoàng).

 Phượng Hoàng

   “Bách điểu triều phụng”, tranh vẽ của Quảng Tú (Ảnh: Bảo tàng Cố cung Đài Loan)

Do có đức tính cao quý và diện mạo mỹ lệ, người ta đã dùng hình ảnh phượng hoàng để tôn vinh vẻ đẹp nữ tính và mỹ hảo. Trong các vương triều xa xưa, chỉ có bậc mẫu nghi thiên hạ mới được mặc bộ y phục thêu hình phượng hoàng gọi là “phụng bào”, đầu đội các thứ châu báu và trang sức, trong đó có “phụng sai” (thoa cài đầu hình phượng) và “phụng quan” (mũ phượng), ra khỏi cửa lại được ngồi lên xa giá trang trí bằng lông vũ nhiều màu sắc và khắc hoa văn hình phượng hoàng, gọi là “phụng dư” (kiệu phượng). Điều này cũng ngụ ý rằng, hoàng hậu hay hoàng thái hậu phải có phẩm đức cao quý như phượng hoàng thì mới có tư cách trở thành bậc mẫu nghi trong thiên hạ. Bách tính khi cử hành hôn lễ, tân nương khoác lên mình bộ y phục diễm lệ và đội mũ phượng trên đầu. Bởi vì đó là ngày trọng đại nhất cuộc đời của người con gái, nên cô dâu sẽ được trang điểm để trở thành cô gái xinh đẹp nhất, giống như phượng hoàng được tất cả mọi người ngắm nhìn và tán tụng.

Trang sức    Đồ trang sức “Kim luy ti cửu phụng điền khẩu” (Điền khẩu là đồ trang sức trên đầu của hậu phi thời nhà Thanh. Hậu phi thường dùng các loại điền khẩu có hoa văn phượng hoàng, gồm có cửu phụng, thất phụng, ngũ phụng, v.v. Cửu phụng điền khẩu là dành cho hoàng thái hậu và hoàng hậu). (Ảnh: Bảo tàng Cố cung)

Phượng hoàng niết bàn, tắm lửa tái sinh

Hình ảnh phượng hoàng tái sinh từ tro tàn đã trở thành biểu tượng cho việc thoát thai hoán cốt trong khó nạn. Có câu nói: “Phượng hoàng niết bàn, dục hỏa trùng sinh” (phượng hoàng niết bàn, tắm lửa tái sinh). Vậy vì sao phượng hoàng có thể niết bàn tái sinh?

Có truyền thuyết kể rằng, từ rất lâu, rất lâu về trước, từng có một trận đại chiến chính-tà trong vũ trụ, trong trận chiến ấy phượng hoàng và long tộc cùng góp sức bảo vệ chân lý. Khi trận chiến đến hồi gay go nguy cấp, long tộc bị thương vong nặng nề. Thấy rồng tuy bị trọng thương nhưng vẫn anh dũng chiến đấu, phượng hoàng bèn tiến lên phía trước cứu viện. Đúng vào thời khắc sinh tử, phượng hoàng dũng cảm quên mình, không tiếc sinh mạng che chở cho rồng, sẵn sàng hy sinh bản thân để đổi lấy sự bình an cho long tộc. Hành động vĩ đại này đã làm chấn động toàn Thiên giới.

Rồng vô cùng cảm động, không biết lấy gì báo đáp bèn phun từ miệng ra một quả cầu lửa có thần lực cải tử hoàn sinh tặng cho phượng hoàng. Từ đó, phượng hoàng có được thần thông liệt hỏa niết bàn, trên thân có công là vật chất cao năng lượng ở mức vi quan, mỗi chiếc lông vũ giống như hỏa diễm ngũ sắc hừng hực cháy, trông vừa uy nghiêm lại vừa mỹ lệ. Câu chuyện phượng hoàng niết bàn cứ như thế đã được lưu truyền khắp vũ trụ.

Phượng hoàng đã trở thành một loài chim huyền thoại, nhưng liệu đó có phải chỉ là tưởng tượng của người xưa hay không? Kỳ thực, rất nhiều cổ thư đều ghi chép về sự xuất hiện của loài chim đặc biệt này. Sách “Giang Nam thống chí” chép, đời Tống Văn Đế có con chim ngũ sắc đến đậu trên núi Kim Lăng suốt mấy ngày liền không bay đi. Hễ chim xòe cánh cất tiếng hót thì trăm loài chim khác cùng múa theo điệu nhạc. Vua Văn Đế cho là điềm lành bèn đặt tên núi là núi Phụng Hoàng, sau lại dựng đài Phụng Hoàng ở trên núi để kỷ niệm. Khi Lý Bạch lên thăm đài Phụng Hoàng ở Kim Lăng, ông đã đề hai câu thơ:

Phụng Hoàng đài thượng phụng hoàng du,
Phụng khứ đài không giang tự lưu.

Dịch thơ:

Phượng hoàng đến viếng phụng đài,
Phượng đi đài vắng sông dài vẫn trôi.

Từ xa xưa, phượng hoàng là hiện thân cho thái bình thịnh thế. Nhưng trải qua thời gian, nhân thế đua tranh, thói đời hỗn loạn, nhân tâm không còn tin vào Thần, do đó cũng không nhìn thấy phượng hoàng được nữa.

Văn Dật Phi

Theo Sound of Hope

Biên dịch: Minh Hạnh/ ntdvn.net

Bài liên quan:

>> Ngô Đồng: Vua của loài cây trong văn hóa Á Đông

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc