Home » Kinh doanh, Tiêu Điểm » Tập Cận Bình chỉ đạo để Đảng nắm DN tư nhân

Theo Xinhuanet, kế hoạch này được trình bày chi tiết trong một tuyên bố dài 5.000 từ – và tất cả các khu vực, các cơ quan trong nước đã được yêu cầu tuân theo các hướng dẫn mới.

Tập Cận Bình

Ông Tập Cận Bình (Ảnh: Getty Images)

 

‘Chỉ thị quan trọng’ của Tập Cận Bình

 

Đây là câu chuyện hàng đầu trên CCTV Evening News hôm thứ Tư (ngày 15/9) – Chủ tịch Tập ban hành “chỉ thị quan trọng”, với một tiêu đề dài dòng: “Ý kiến ​​về Tăng cường Công tác Mặt trận Thống nhất của Kinh tế Tư nhân trong Kỷ nguyên Mới”.

 

Mục đích cuối cùng đơn giả là để ĐCS Trung Quốc có thể thâm nhập, can thiệp và kiểm soát tư tưởng lãnh đạo của khối doanh nghiệp tư nhân (DNTN).

 

Tuyên bố tìm cách cải thiện sự kiểm soát của ĐCS Trung Quốc đối với DNTN và doanh nhân thông qua Công tác Mặt trận thống nhất “để tập trung tốt hơn trí tuệ và sức mạnh của các doanh nhân tư nhân vào mục tiêu và sứ mệnh thực hiện sự trẻ hóa vĩ đại của đất nước Trung Quốc”.

 

Chỉ thị của ông Tập đã được đưa ra một ngày trước khi diễn ra Hội nghị về chủ đề này. ĐCS Trung Quốc muốn thấy một “mặt trận thống nhất” giữa DNTN và doanh nghiệp chính phủ.

 

Kiểm soát vì khu vực kinh tế tư nhân đã phát triển quá lớn?

 

Kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 vào tháng 5/2020, các ủy viên Trung ương đảng và Chủ tịch Tập đã đề xuất một loạt khái niệm và chiến lược mới, đồng thời thông qua một loạt biện pháp lớn để hướng dẫn và thúc đẩy hoạt động kinh tế tư nhân “Mặt trận thống nhất”. Họ nói rằng những động thái này đã đạt được “kết quả đáng kể”.

 

Khi nền kinh tế tư nhân của Trung Quốc phát triển và đa dạng hóa, tuyên bố cho biết “những biện pháp này sẽ mang lại sự trẻ hóa lớn của đất nước Trung Quốc theo tư tưởng Tập Cận Bình”. Nhìn chung, có hơn 100 giải pháp, bao gồm hướng dẫn lựa chọn nhân sự để thực hiện các biện pháp.

 

“Chúng ta cũng phải thấy rằng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã bước sang một kỷ nguyên mới, do quy mô của kinh tế tư nhân tiếp tục mở rộng, rủi ro và thách thức gia tăng đáng kể, các giá trị và lợi ích của kinh tế tư nhân ngày càng đa dạng, và công tác mặt trận thống nhất của kinh tế tư nhân đang đứng trước những tình hình và nhiệm vụ mới”, tuyên bố viết.

 

Với cách diễn ngôn “hoa lệ”, tuyên bố nhấn mạnh mục tiêu là để tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc đối với công tác mặt trận đoàn kết kinh tế tư nhân, tổng hợp tốt hơn nữa trí tuệ, sức lực của đội ngũ kinh tế tư nhân vào mục tiêu, nhiệm vụ trẻ hóa vĩ đại của đất nước Trung Quốc…

Ý nghĩa cơ bản có thể tóm gọn một câu: “Nâng cao vai trò lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc đối với kinh tế tư nhân”.

 

DNTN đã bắt đầu ‘xứng đáng’ bước vào hàng ngũ ĐCS Trung Quốc 

 

Đây là một sự thay đổi khá lớn. Trước đây, DNTN không được coi là rất xứng đáng với tư cách đảng viên, nhưng nó đã bắt đầu… xứng đáng. 

 

Theo các quy định mới, các công ty tư nhân sẽ cần một lượng nhân viên nhất định trở thành đảng viên, đây là một thông lệ lâu đời ở các công ty tư nhân lớn chứ không phải các công ty vừa và nhỏ. 

 

Những cán bộ này sẽ đảm bảo các doanh nghiệp tuân theo tư tưởng chỉ đạo “được hướng dẫn bởi tư tưởng của Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho một kỷ nguyên mới”.

 

Họ cũng sẽ hướng dẫn những người kinh doanh tư nhân nâng cao các câu khẩu hiệu mới nhất của ĐCS Trung Quốc – “bốn ý thức”, củng cố “bốn tự tin” và đạt được “hai biện pháp bảo vệ”.

 

Nhiệm vụ của người cán bộ bao gồm các nhiệm vụ tăng cường chỉ đạo tư tưởng, hướng dẫn các nhân viên kinh tế tư nhân nâng cao ý thức tự giác, xây dựng phòng tuyến tư tưởng, đạo đức vững vàng, nghiêm minh trong lời nói, việc làm, tu dưỡng lối sống lành mạnh, sáng tạo. một hình ảnh công chúng tốt. 

 

Họ cũng sẽ cần “liên tục cải thiện” việc tuân thủ pháp luật và các tiêu chuẩn đạo đức của công dân tư nhân. 

 

Các kênh liên lạc sẽ được thiết lập giữa DNTN và ĐCS Trung Quốc để báo cáo lại về tiến độ và các vấn đề khác.

 

‘Xanh vỏ đỏ lòng’

 

Nhiều doanh nghiệp lớn có bề ngoài là DNTN nhưng thực tế đã chịu sự thao túng, kiểm soát của ĐCS Trung Quốc từ rất lâu. 

 

Theo Bloomberg  đưa tin, Nhà Trắng gửi thư tới các nghị sĩ quốc hội Mỹ ngày 24/6 cho biết đang lập danh sách “công ty quân đội Trung Quốc hoạt động tại Mỹ”. Danh sách này lần đầu tiên được yêu cầu xác lập theo luật chính sách quốc phòng năm tài khóa 1999. 

 

Theo danh sách này, có tới 19 doanh nghiệp bề ngoài là DNTN Trung Quốc, nhưng thực tế là doanh nghiệp chịu sự thao túng của ĐCS Trung Quốc, hoạt động vì các mục tiêu chính trị, phục vụ quân đội nước này, trong đó có Huawei.

Ngay cả “ông lớn” Alibaba của Trung Quốc từ lâu cũng đã chịu sự chỉ đạo của ĐCS Trung Quốc, với nhà sáng lập Jack Ma là đảng viên ĐCS Trung Quốc, tập đoàn này “đương nhiên” đi theo các đường lối “đạo đức” mà ĐCS Trung Quốc yêu cầu. Jack Ma thậm chí còn được nằm trong danh sách 100 đảng viên được tuyên dương vì các đóng góp cho sự nghiệp của ĐCS Trung Quốc. 

Jack Ma. Ảnh Trí Thức Trẻ

Jack Ma. Ảnh Trí Thức Trẻ

 

Chiến lược quốc hữu hoá toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân? 

 

Không nghi ngờ gì nữa, ĐCS Trung Quốc không chỉ kiểm soát các DNTN lớn, dùng các doanh nghiệp này làm bình phong để chiếm đoạt tư bản, công nghệ, ăn cắp thông tin của Mỹ và thế giới. Trung Quốc còn muốn “tuồn” sâu hơn vòi bạch tuộc của họ vào từng DNTN vừa và nhỏ trên khắp đại lục. 

 

Vấn đề ở chỗ, ông Tập không còn giấu giếm tham vọng này. Động thái này không chỉ giúp ĐCS Trung Quốc kiểm soát sâu hơn một bước nữa tư tưởng của doanh nghiệp, mà còn đảm bảo nắm chắc của cải, dòng tiền của doanh nghiệp (từ lớn đến nhỏ) trên khắp cả nước; từ đó khống chế toàn bộ hành vi của lực lượng doanh nhân – lực lượng nắm tư bản.

 

Đương nhiên, chính sách này cũng áp dụng đồng đều cho các DNTN tại Hong Kong – nơi các doanh nhân đã phát triển kinh doanh tự do, công bằng hàng thế kỷ. Tích luỹ tư bản của doanh nhân đương nhiên thuộc về sở hữu cá nhân và gia đình của họ, thì nay các doanh nhân có thể đứng trước nguy cơ bị kiểm soát và chi phối bởi ĐCS Trung Quốc. 

 

Chắc chắn một điều, sự tham gia chính trị vào các quyết định kinh doanh không làm cho doanh nghiệp có “chuẩn mực đạo đức” tốt hơn, càng không giúp cho các quyết định kinh doanh của họ tốt hơn. Bởi nếu sự can thiệp của ĐCS Trung Quốc vào kinh doanh mà hiệu quả, thì các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc – sau vài thập kỷ – đã phải là các doanh nghiệp hàng đầu thế giới về sáng tạo, đổi mới và tích luỹ tư bản. 

 

Sự yếu kém của doanh nghiệp khi có bàn tay can thiệp của ĐCS Trung Quốc không phải là điều cần bàn cãi. 

 

Dường như ông Tập đã bắt đầu chiến lược tăng cường quốc hữu hoá khu vực tư nhân. Có thể là “cơn khát tiền” tài trợ cho vũ khí, quân đội, dẹp bạo loạn và sự phản đối chế độ trong lòng Trung Quốc ngày một lớn, đã đẩy Chủ tịch Tập đến quyết định “cùng đường” này. 

 

Cơn bĩ cực của người dân, doanh nghiệp và chính quyền Trung Quốc dường như mới chỉ bắt đầu. 

 

Lê Minh

Theo ntdvn.com


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc