Home » Cổ truyền, Tiêu Điểm, Văn hóa » Dòng thiền ảnh hưởng to lớn đến lịch sử văn hóa cũng như vận mệnh dân tộc Việt

Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi (Diệt Hỷ) với chiều dài hơn 600 năm đã ảnh hưởng to lớn đến lịch sử cũng như văn hóa tinh thần của người Việt. Trường phái thiền này có nhiều Thiền sư ảnh hưởng lớn đến vận mệnh dân tộc.

Lịch sử hình thành

Tì Ni Đa Lưu Chi (nghĩa là Diệt Hỷ năm sinh không rõ, mất năm 594) là Thiền sư người Nam Thiên Trúc (Ấn Độ). Thuở nhỏ đã có ý chí khác thường, đi khắp nơi cầu Pháp. Năm 574 Sư sang Trung Quốc và gặp Tam tổ Tăng Xán tại núi Tư Không và đem lòng kính ngưỡng, Tam Tổ khuyên Sư nên đến phương nam truyền Pháp.

Tì Ni Đa Lưu Chi đến Vạn Xuân khoảng thời gian những năm 580, ở tại chùa Pháp Vân (chùa Dâu) tỉnh Hà Bắc. Tại đây Tì Ni Đa Lưu Chi phổ truyền Phật Pháp thuộc Thiền Tông, giáo hóa muôn dân, khai sinh ra dòng thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi (tức Diệt Hỷ) và trường phái võ thuật của mình

Năm 594 Thiền Sư Tì Ni Đa Lưu Chi mất, Pháp Hiền kế tục chuyển đến Từ Sơn, Kinh Bắc (Bắc Ninh ngày nay). Lịch sử nhà Phật chép rằng: 

“Sau khi Tì-ni-đa-lưu-chi tịch, Pháp Hiền vào Từ Sơn tập định. Thân hình ngài như cây khô, vật ngã đều quên, giống chim bay đến thân mật, loài thú rừng quấn quít… Người bấy giờ mộ tiếng ngài đến học đông không kể xiết. Ngài bèn dựng chùa dạy học, cư tăng lúc nào cũng hơn 300 người. Thiền tông phương Nam bấy giờ thịnh nhất”

Một trong những đệ tử của Pháp Hiền là Trần Tự Viễn đã học được tinh hoa võ thuật, truyền lại cho dân chúng nhằm chống lại ách đô hộ của nhà Tùy – Đường. Hậu duệ nhà Trần sau này gọi môn võ dòng họ mình là Đông A (chiết tự từ chữ Trần), các binh tướng nhà Trần dùng chính dòng võ của mình 3 lần đánh bại sự xâm lược của quân Mông Thát.

(Xem bài: Điều gì giúp nhà Trần 3 lần đánh bại đội quân hùng mạnh nhất thế giới)

Trài qua 19 đời (580 – 1216) dòng thiền phái Diệt Hỷ tạo ra nhiều Thiền Sư xuất chúng, ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh của đất nước qua các thời kỳ. Nhà Đinh, tiền Lê, Lý đều dựa vào các Thiền sư nhắm giáo hóa muôn dân, giúp nâng cao đạo đức cũng như văn minh tinh thần xã hội.

Các đời Vua mỗi khi ra các quyết định chính sách lớn đều hỏi ý kiến Thiền sư. Các cuộc chiến quan trọng bảo vệ Giang Sơn trước sự xâm lăng của nhà Tống cũng có sự đóng góp của các Thiền sư này.

Năm 981, tướng chỉ huy quân Tống là Hầu Nhân đưa quân sang đánh, vua Lê Đại Hành triệu thiền sư Vạn Hạnh đến hỏi nếu đánh thì thắng hay bại? Thiền sư Vạn Hạnh trả lời rằng, quân Tống sẽ bại và rút lui. Quả nhiên quân Tống tiến vào bị quân của vua Lê đánh bại, tướng chỉ huy quân Tống là Hầu Nhân Bảo tử trận, nhà vua khen thưởng các vị thiền sư này, nhưng tất cả đều không nhận.

Vua Lê Đại Hành đưa quân tiến đánh Chiêm Thành cứu sứ giả, đến phút cuối còn do dự, lại mời thiền sư Vạn Hạn đến hỏi, thiên sư Vạn Hạnh trả lời rằng đây là cơ hội đừng để vuột mất.

Vua Lê tiến binh sang Chiêm Thành, vua Chiêm chống lại, chiến trận diễn ra ở vùng Bình Trị Thiên ngày nay, vua Chiếm bị chém ngay giữa trận tiền, quân Chiêm thua to, quân Việt đánh chiếm được kinh thành. Từ đó Chiêm Thành quy thuận Đại Cồ Việt.

Thiền sư Vạn Hạnh cùng dòng thiền này cũng có ảnh hưởng lớn và quyết định đến việc Lý Công Uẩn lên ngôi, cũng như việc chuyển kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La, rồi đổi tên thành Đại La thành Thăng Long.

Các Thiền sư tiêu biểu của phái này có thể kể đến như Pháp Hiền, Định Không, Đinh La Qúy, Vạn Hạnh, Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, Thiện Ông, Ma Ha, Minh Không

Biết trước và phá tan âm mưu trấn yểm phong thủy nước nam

Vào thời nhà Đường, Cao Biền lĩnh chỉ vua Đường Ý Tông đi trấn yểm An Nam. Biết đất ở làng Cổ Pháp có khí tượng đế vương nên cắt đứt long mạch nơi đây bằng cách đào đứt con sồng Điềm (các nghiên cứu cho rằng có thể là sống Đuống ngày nay) và 19 điểm ở ao  Phù Chẩn (thuộc làng Phù Chẩn, thị trấn Từ Sơn, Bắc Ninh).

Tuy nhiên âm mưu này đã bị các Thiền sư thuộc phái Diệt Hỷ phát hiện và hóa giải. Thậm chí trước khi Cao Biền lĩnh chỉ trấn yểm An Nam, các Thiền sư thuộc phái này đã đoán trước sự việc và đã có chuẩn bị cả rồi.

Năm 808 (tức trước khi Cao Biền trấn yểm An Nam khoảng 60 năm) trước khi mất, thiền sư Định Không cho gọi người kế tục mình là Thông Thiện đến dặn dò rằng rằng, sau này người kế tục Thông Thiện là người mang họ Đinh, ông nói: “Ta muốn mở rộng làng xóm, nhưng e nửa chừng gặp tai họa, chắc có kẻ lạ đến phá hoại đất nước ta. Sau khi ta mất, con khéo giữ pháp này, gặp người họ Đinh thì truyền, nguyện ta đã mãn”.

Sau này sư Thông Thiện gặp một đệ tử rất thông minh là Đinh La Quý, đoán biết đây là người kế tục mình nên đã truyền thụ hết các sở học cho học trò. Theo dân gian thì ngài La Quý tùy phương diễn hóa, nói ra lời nào đều là lời sấm truyền. Ngài rất thông tuệ, nhìn xuyên sông núi, biết rõ nguồn gốc phong thủy, biết quá khứ và tiên đoán được tương lai.

Chính La Quý là người đã nối lại long mạch cho làng Cổ Pháp. Năm 936 (thời Dương Đình Nghệ) biết mình sắp mất, La Quý gọi đệ tử chân truyền của mình là Thiền Ông đến tiết lộ và dặn dò rằng: 

“Ngày trước, Cao Biền đã xây thành bên sông Tô Lịch, dùng phép phong thủy, biết vùng đất Cổ Pháp của ta có khí tượng đế vương, nên đã nhẫn tâm đào đứt sông Điềm và khuấy động 19 chỗ trấn yểm ở Phù Chẩn.

Nay ta đã chủ trì lắp lại những chỗ bị đào đứt được lành lặn như xưa. Trước khi ta mất, ta có trồng tại chùa Châu Minh một cây bông gạo.

Cây bông gạo này không phải là cây bông gạo bình thường, mà là vật để trấn an và nối liền những chỗ đứt trong long mạch, mục đích để đời sau sẽ có một vị hoàng đế ra đời và vị này sẽ phò dựng chính pháp của chư Phật”.

Thiền sư La Quý cẩn thận dặn dò Thiền Ông rằng: “Sau khi ta tịch, con khéo đắp một ngọn tháp bằng đất, dùng phép, yểm dấu trong đó, chớ cho người thấy”.

(Xem bài: Cuộc chiến giữa thầy phong thủy Trung Quốc và các thiền sư Việt)

Thuật tàng hình

Về võ học trong các Thiền sư phái Diệt Hỷ cũng không ít người đã đạt đến ngưỡng cao nhất với chiêu thức vi diệu, thân thủ biến hóa, trong đó có Ma Ha, ông là người gốc Chiêm Thành, đệ tử đời thứ 11 của phái Diệt Hỷ, được lưu truyền là người có khả năng tàng hình phi phàm.

Sách “Thiền uyển tập anh” ghi chép lại câu chuyện vua Lê Đại Hành nghe danh tiếng của Ma Ha nên mời ông vào Triều để hỏi việc.

Thế nhưng Thiền sư không thuận ý, hai lần mời không được, đến lần thứ 3 thì Thiền sư Ma Ha đành miễn cưỡng vào chầu Vua. Khi nhà Vua hỏi, Ma Ha tự xưng mình là “cuồng tăng tu tại chùa Quán Âm”.

Câu trả lời khiến vua giận, sai người giam Thiền sư ở chùa Quán Tri (Ninh Bình).

Ghe nói Thiên sư có võ học uyên thâm, thân pháp ảo diệu, nên nhà Vua sai người khóa cửa ngục cẩn thận, có đông lính gác suốt ngày đêm.

Thế nhưng qua một đêm khi trời đã sáng mọi người phát hiện Ma Ha đang ngồi trong phòng dành cho các tăng sư, trong khi đó của ngục vẫn khóa và lính gác rất nghiêm ngặt. Biết vị Thiên sư này có phép lạ, nên Vua quyết định thả cho đi.

Lý Quốc Sư

Trong các Thiền sư của phái Diệt Hỷ không thể không nhắc đến Lý Quốc Sư tức Thiền sư Nguyễn Minh Không, ông là người đứng đầu tổ chức Phật Giáo vào triều đại nhà Lý.

Ông tu luyện ở chùa Thiên Trúc, núi Phật Tích (chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội ngày nay).

Lý Quốc Sư

Tượng Lý Quốc Sư tại đền thánh Nguyễn ở quần thể chùa Bái Đính, Ninh Bình. Ảnh wikipedia.org

Sau khi đắc Đạo ông trở về quê nhà ở làng Đàm Xá, phủ Tràng An (nay là làng Điền Xá, xã Gia Thắng, Gia Viễn, Ninh Bình) dựng rất nhiều chùa. Lịch sử ghi nhận cả cuộc đời ông đã dựng đến 500 chùa ở khắp nơi, trong đó có nhiều chùa nổi tiếng còn đến nay như chùa Bái Đính, chùa Cổ Lễ, chùa Non Nước, chùa Địch Lộng, chùa Quỳnh Lâm, chùa Am Tiên, chùa Trông, chùa Kim Liên, chùa Hàm Long,… ông được xem là người dựng nhiều chùa chiền nhất Việt Nam.

Năm 1136 vua Lý Thần Tông mắc bệnh lạ, các danh y đều được mời đến chữa nhưng không một ai có thể chữa được. Lúc này trong dân gian xuất hiện bài đồng dao được trẻ con khắp nơi hát theo.

“Bắc nam có tây đông

Đáy bể ẩn có rồng

Vua mắc bệnh khó chữa

Hãy đón Nguyễn Minh Không.”

Vua nghe tin liền cho người đến tìm Thiền sư Minh Không nhờ chữa bệnh cho mình. Khi Thiền sư đến, lúc này nhiều người đang ở đó đang cầu đảo làm phép với hy vọng chữa được bệnh cho Vua, thấy Minh Không ăn mặc mộc mạc giản dị nên họ cũng lo làm trò phù phép mà chẳng ai để ý đến ông, cũng chẳng đáp lễ khi ông chào hỏi.

Thiền sư Minh Không liền mang cái đinh dài 5 tấc đóng vào cột rồi nói: “Ai có thể nhổ cái đinh đó ra thì trước đáng được tôn trọng, sau chữa được bệnh cho vua”, Thiền sư Minh Không nói mấy lần liền nhưng không có ai dám phản ứng gì, rồi ông dùng hai ngón tay kẹp lại nhẹ nhàng rút cây đinh ra khiến người nào cũng tròn mắt kính phục.

Rồi ông nói người lấy một cái vạc lớn nấu nước sôi đến cả trăm lần, rồi thò tay vào vạc nước sôi lấy ra đủ 100 cây kim để châm cứu cho Vua. Bệnh của Vua liền bớt ngay, sau đó thì khỏi. Cảm phục nhà Vua phong cho ông là Lý Quốc Sư.

Là một Thiền sư tinh thông Phật Pháp, lại giỏi cả Pháp thuật, ông không chỉ chữa bệnh cho nhà Vua mà còn có nhiều bài thuộc chữa bệnh cho dân chúng.

Được suy tôn là ông tổ của nghề đúc đồng, ông đã làm nhiều tượng Phật, đúc đỉnh đồng trên tháp Báo Thiên góp phần tạo nên An Nam tứ đại khí là những báu vật nổi tiếng của nước Đại Việt thời Lý – Trần.

Là người đứng đầu Phật Giáo, ông đã dùng Phật Pháp để xây dựng nền tảng tín ngưỡng, giáo hóa muôn dân, giúp văn hóa đạo đức thời nhà Lý lên đến cực thịnh.

Đình thờ ông tổ đúc đồng Nguyễn Minh Không ở Ngũ Xá – Hà Nội. (Ảnh từ wikipedia.org)

Đình thờ ông tổ đúc đồng Nguyễn Minh Không ở Ngũ Xá – Hà Nội. (Ảnh từ wikipedia.org)

Ông được xem là một trong “tứ bất tử” trong văn hóa người Việt. Nhiều ý kiến cho rằng “tứ bất tử” là Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Công chúa. Tuy nhiên Liễu Hạnh Công Chúa bắt đầu từ thế kỷ 15, còn Lý Quốc Sư vào vào thế kỷ 12. Vì thế “tứ bất tử” trong tín ngưỡng người Việt xưa kia là Tản Viên, Phù Đổng, Chử Đồng Tử, Nguyễn Minh Không.

Ngày này nhiều địa phương có đường Lý Quốc Sư để tưởng nhớ đến những đóng góp của ông

Trần Hưng

Theo trithucvn.net


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc