Home » Thế giới, Tiêu Điểm » Tưởng Giới Thạch làm gì ở Đài Loan khi Trung Quốc bị điên đảo bởi “Cách mạng Văn hóa”?

Mười năm cách mạng văn hóa (1966 – 1976) đã phá tan văn hóa truyền thống dân tộc Trung Hoa. Phong trào “phá tứ cựu” gồm cựu tư tưởng, cựu văn hóa, cựu phong tục, cựu tập quán khiến Trung Quốc đã quay lưng với văn hóa truyền thống dân tộc, cắt đứt liên hệ với trời và đất; từ đó mà người đấu với người, người đấu với trời, người đấu với đất.

Mao Trạch Đông đã từng nói là ông ta không theo Đạo cũng không theo Trời. Mà văn hóa truyền thống Trung Quốc kính trời và gần với Đạo

Bắt đầu từ tháng 8 năm 1966, ngọn lửa điên cuồng của “Phá Tứ Cựu” đã đốt cháy toàn bộ di sản tinh hoa của đất nước. Những di sản này bị khép vào tội là những vật thể của “chế độ phong kiến, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xét lại” nên phải tiêu hủy. Các đền chùa của Phật giáo, Đạo giáo, các bức tượng Phật, các danh thắng cổ tích, các bức thư pháp, các tác phẩm mỹ thuật hội họa và đồ cổ đã trở thành những mục tiêu phá hoại của Hồng Vệ binh. 1000 pho tượng Phật được chạm khắc ngọc lưu ly trên đỉnh Núi Vạn thọ trong Di Hòa Viên ở Bắc Kinh bị đập phá tan tành.

Chùa Bạch Mã là ngôi chùa đầu tiên ở Trung Quốc, được xây dựng từ thời Đông Hán ở thành phố Lạc Dương. Trong chiến dịch ‘phá tứ cựu’ ngôi chùa này bị đập phá tan tành. Những bức tượng Mười tám vị La Hán bằng đất sét hơn 1000 năm tuổi được làm trong triều đại nhà Liêu đã bị phá hủy. Kinh Bối Diệp do một vị cao tăng người Ấn Độ mang đến Trung Quốc 2000 năm trước đã bị đốt.

chua bach ma

Chùa Bạch Mã. Ảnh carviet

Ở gần Thổ Lỗ Phiên, Tân Cương có một động Thiên Phật; các bức bích họa trong động đều là những tác phẩm nghệ thuật quý giá, cuối cùng bị phá hoại toàn bộ. Điện chính của Viêm Đế Lăng và các kiến trúc phụ thuộc gặp phải phá hoại nghiêm trọng, ngoại trừ lăng mộ thì tất cả đều biến thành bình địa. Mộ Khổng Tử bị san phẳng, bia lớn “Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư Văn Tuyên Vương” bị hủy. Thân tượng Phật Thích Ca Mâu Ni trong đền Jokhang ở Tây Tạng bị hủy mất khuôn mặt; thánh địa Đạo giáo lớn nhất toàn quốc, nơi Lão Tử từng giảng kinh và gần 100 đạo quán ở xung quanh bị phá hủy….

Đề tự “Thanh Hoa Viên” trong miếu thờ Đại học Thanh Hoa bị đập nát. Ảnh zhengjian.org

Đề tự “Thanh Hoa Viên” trong miếu thờ Đại học Thanh Hoa bị đập nát. Ảnh zhengjian.org

Cố cung bị hồng vệ binh sửa thành “huyết lệ cung”. Ảnh zhengjian.org

Cố cung bị hồng vệ binh sửa thành “huyết lệ cung”. Ảnh zhengjian.org

Miếu Khổng Tử

Miếu Khổng Tử bị thiêu rụi. Ảnh zhengjian.org

Hồng Vệ binh

Hồng vệ binh tại nơi giảng kinh ở đền Jokhang, Tây Tạng. Ảnh zhengjian.org

Đài Loan coi trọng văn hóa truyền thống

Trong khi Mao Trạch Đông đưa Trung Quốc quay cuồng tàn phá văn hóa truyền thống dân tộc, thì Đài Loan hoàn toàn ngược lại.

Để bảo tồn văn hóa Trung Hoa, tháng 11/1966 một lực lượng đông đảo khoảng 1.500 trí thức đã cùng đứng lên phát động phong trào lấy ngày 12/11 (tức ngày sinh của Tôn Trung Sơn, người mở ra cánh cửa Trung Hoa Dân quốc) là ngày Phục hưng văn hóa Trung Hoa. Năm sau (1967), vào tháng Bảy, Ủy ban Triển khai Phong trào Phục hưng Văn hóa Trung Hoa (sau gọi là Tổng hội Phong trào Phục hưng Văn hóa Trung Hoa) tổ chức đại hội, ông Tưởng Giới Thạch là Hội trưởng, phong trào được triển khai với người Hoa ở cả trong và ngoài Đài Loan.

tuong-gioi-thach

Tưởng giới Thạch. Ảnh internet

Những ngày đầu lập hội, Tưởng Giới Thạch phụ trách mọi việc, đã xây dựng nên nhiều ủy ban và cơ quan chuyên môn, như Ủy ban Tổ chức Xuất bản học thuật phụ trách chỉnh lý thư tịch tư tưởng cổ đại và cho xuất bản, nhằm phổ cập tinh thần học thuật cho thế hệ trẻ, tiêu biểu như bản dịch hiện đại các sách Chu Dịch, Lão Tử, Kinh Thi, Mạnh Tử, ngoài ra còn có Bạch thoại sử ký, Bạch thoại tư trị thông giám.

Ủy ban Phụ trách Cuộc sống Quốc dân phụ trách về đạo đức luân lý, xây dựng phong trào Thanh niên Hành động phục hưng Văn hóa Trung Hoa, chế định ra “Những điều Quốc dân cần biết về cuộc sống” nhằm chỉ rõ yêu cầu cơ bản trên các mặt cuộc sống gồm ăn, mặc, ở, đi lại, nhằm thúc đẩy văn minh của vùng đất có lễ nghĩa. Năm 1970 họ chính thức phát hành bản chỉnh lý về “Quy phạm lễ nghĩa quốc dân”, đẩy mạnh bồi dưỡng tư tưởng sống đối với thanh niên trên toàn xã hội.

Tưởng Giới Thạch đặc biệt xem trọng giáo dục văn chương và lịch sử. Thời Đài Loan là thuộc địa Nhật Bản, các trường học bị cấm học lịch sử Trung Quốc, sau khi giải phóng, để đẩy mạnh ý thức bản sắc dân tộc và lòng tự hào dân tộc, các nhà trường xây dựng lại chính sách nhằm bồi dưỡng “giáo dục tinh thần dân tộc” và “giáo dục đạo đức”. Tưởng Giới Thạch chỉ rõ: “Văn chương dân tộc là nền tảng của văn hóa, không chỉ học trò thuộc ban xã hội mà cả ban tự nhiên cũng phải chú trọng”, ở các bậc học phổ thông có đến một nửa chương trình học dành cho học văn chương, lịch sử và văn hóa Trung Quốc. Trường học các cấp đều có các khóa học “Cuộc sống và luân lý”, “Giáo trình cơ bản văn hóa Trung Hoa”, xem trọng hun đúc tuổi trẻ về cổ văn và văn hóa truyền thống. Tưởng Giới Thạch thổi vào các nhà trường ý thức “lễ nghĩa liêm sỉ”, làm cho văn hóa truyền thống đâm chồi nảy lộc.

Tưởng Giới Thạch còn chỉ đạo bảo đảm kinh phí và pháp luật về giáo dục. Từ 1969, chế độ giáo dục bắt buộc của Đài Loan kéo dài từ 6 năm lên thành 9 năm, không chỉ nâng cao tố chất toàn dân mà còn giúp nền kinh tế Đài Loan tiến nhanh, làm cho hạt giống văn hóa truyền thống bắt rễ trong xã hội. Cùng đó, Tưởng Giới Thạch còn thông qua Ngày Văn hóa Truyền thống Dân tộc để phát dương văn hóa dân tộc, đẩy mạnh giáo dục tinh thần dân tộc.

Dưới chính sách phục hưng văn hóa dân tộc, khi đó ở Đài Loan, các kỳ thi nhập học từ tiểu học đến Đại học cũng như nhân viên công vụ chính phủ đều rất quan tâm đến môn văn hóa Trung Hoa cổ đại. Đặc biệt là học thuyết Nho học do Khổng Tử khởi xướng rất được sùng bái. Nguyên nhân vì trong đấu tranh chính trị khi đó có phong trào gọi là “phê Lâm phê Khổng” (Lâm Bưu và Khổng Tử), xem học thuyết Nho gia của Khổng Tử là “văn hóa phản động”. Tưởng Giới Thạch thì chống lại các phe phái công kích Khổng Tử nên đã thành lập “Hội Khổng Tử học” ở Đài Loan để bảo vệ học thuyết của Khổng Tử, vì lấy mục đích phục hưng văn hóa Trung Hoa nên cho thành lập “Đại học Văn hóa Trung Hoa” với nhiệm vụ chính là nghiên cứu và phát triển văn hóa Trung Hoa.

Phong trào Phục hưng văn hóa Trung Hoa noi theo đạo Nho của Trung Hoa, cho rằng người Trung Quốc phải kế thừa truyền thống để lại từ Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Võ, Chu Công, Khổng Tử, theo đó tập trung các học giả cho đăng hàng loạt trước tác học thuật về văn hóa Trung Hoa, ở trong nhà trường thì thực hiện giáo dục trung hiếu, cho xuất bản “Giáo trình Văn hóa cơ bản” nêu cao học thuyết của Khổng Tử, thực hiện dạy luân lý công dân trong bậc học phổ thông từ tiểu học đến trung học.

Phong trào Phục hưng Văn hóa Trung Hoa có ảnh hưởng sâu sắc đối với giới thanh niên và học giả Đài Loan cả một thời đại. Do khích lệ tinh thần văn hóa tìm về nguồn cội nên các lĩnh vực học thuật, văn chương và nghệ thuật ở Đài Loan khi đó xuất hiện rất nhiều tác phẩm tràn đầy tinh thần tự hào dân tộc.

Đáng chú ý là, khi chính phủ của Quốc dân đảng rút về Đài Loan đã mang theo nhiều văn vật quan trọng tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh chuyển đến Đài Loan. Phải chăng Tưởng Giới Thạch thấy trước, nếu khi đó không mang những văn vật này đi, rất nhiều khả năng sẽ bị hủy hoại vì Cách mạng Văn hóa, đây quả là việc không thể bỏ qua! Vì hàng loạt văn vật ở Cố Cung chuyển về Đài Loan có thể xem là biểu tượng tinh thần của văn minh Trung Hoa, cho nên sau này những trí thức theo chính phủ Quốc dân đảng chuyển sang Đài Loan có đủ chứng cứ để bảo vệ tinh thần của văn minh Trung Hoa.

Ngày 5/4/1975 Tưởng Giới Thạch qua đời, di chúc của ông có ghi: “Thực hiện Chủ nghĩa Tam dân, lấy lại mảnh đất Đại Lục, phục hưng văn hóa dân tộc, bảo vệ thế trận dân chủ là tâm nguyện của đời tôi.” Sau khi Tưởng Giới Thạch qua đời, sứ mệnh phục hưng văn hóa Trung Hoa do người con Tưởng Kinh Quốc kế thừa.

Tưởng Giới Thạch kiên định theo khẩu hiệu “Phục hưng Văn hóa Trung Hoa, thu lại quốc thổ Đại Lục”. Phong trào Phục hưng Văn hóa Trung Hoa đã bài trừ ảnh hưởng của văn hóa thực dân Nhật Bản, khôi phục lại toàn bộ nền văn hóa truyền thống Trung Hoa khiến Đài Loan trở thành nơi cư trú của người Hoa trên toàn cầu hiện nay, là khu vực kế thừa tốt nhất văn hóa truyền thống Trung Hoa.

Phong trào Phục hưng Văn hóa truyền thống Trung Hoa do Tưởng Giới Thạch xây dựng đã vun nền móng cho các thế hệ người Đài Loan sau này, khiến nền tảng văn hóa trên đảo Đài Loan đầy sung túc. Ở Đài Loan, người dân không chỉ tổ chức lễ mừng long trọng khi đến ngày sinh Khổng Tử, tại một số ngày lễ kỷ niệm những danh nhân khác cũng tổ chức thi ca nhã nhạc, trong tiệc tùng người ta thường kết hợp ngâm thơ xướng họa.

Cho đến nay, nền tảng Quốc văn ở Đài Loan luôn mạnh hơn ở Trung Quốc Đại Lục. Trong khi Đài Loan vẫn còn chữ phồn thể với hàm nghĩa sâu sắc mang đậm bản sắc dân tộc, thì ở Trung Quốc lại chuyển sang chữ giản thể khiến mất đi hoàn toàn hàm nghĩa chân chính của câu chữ.

Tuyết Mai

Theo trithucvn.net


4 ý kiến dành cho “Tưởng Giới Thạch làm gì ở Đài Loan khi Trung Quốc bị điên đảo bởi “Cách mạng Văn hóa”?”

  1. Nguyễn Văn Chi 20/12/2017

    Xin cảm ơn tác giả Tuyết Mai ! Bài viết hay và có ý nghĩa sâu sắc về công lao to lớn của Ông Tưởng Giới Thạch, Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc Văn hóa truyền thống của Đất nước và của Dân tộc Trung Hoa !
    Rất tiếc!Phần cuối bài viết bị sai một câu : “…lại chuyển sang chữ phồn thể…”, xin mạo muội sửa thành : “…lại chuyển sang chữ giản thể… ( Xin nhấn mạnh : CHỮ GIẢN THỂ).
    Xin cảm ơn Đại Kỷ Nguyên Việt Nam và trithucvn.net !

    Reply
    • Chúng tôi đã chỉnh sửa, xin cảm ơn góp ý của bạn

      Reply
  2. Nguyễn Văn Chi 20/12/2017

    Nguyễn Văn Chi thành thật xin lỗi Tin Đa Chiều khi viết đã viết : ” Xin cảm ơn Đại Kỷ Nguyên Việt Nam…” Nay xin sửa thành :
    ” Xin cảm ơn Tin Đa Chiều và trithucvn.net !”

    Reply
  3. Nguyễn Văn Chi 20/12/2017

    Xin trân trọng cảm ơn Ban Biên Tập Tin Đa Chiều đã hồi đáp !

    Reply

Ý kiến bạn đọc