Home » Cổ truyền, Văn hóa » Nước Vạn Xuân: (Phần 2) cuộc chiến chống quân Lương

Không muốn mất vùng đất Giao Châu, tháng 5 năm 545, nhà Lương cho viên tướng giỏi nhất của mình là Trần Bá Tiên đem 8 vạn quân sang đánh Vạn Xuân.

>> Nước Vạn Xuân: (phần 1) Lý Bí giành lại Giang Sơn

Đền thò Lý Nam Đế

Đền thờ Lý Nam Đế ở xã Văn Lương – Phú Thọ. (Ảnh từ phutho.gov.vn)

Lý Nam Đế chống quân Lương

Lý Nam Đế đưa 3 vạn quân phòng thủ vùng đồng bằng sông Hồng. Chu Bá Tiên cho quân theo đường thủy đến, trận đánh diễn ra rất ác liệt ở Chu Diên (phía đông Hà Nội ngày nay, giáp ranh giữa các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên), Lý Nam Đế thua trận rút về sông Tô Lịch.

Tại Sông Tô Lịch, quân Vạn Xuân lập các chiến lũy một cách vội vàng, nên khi quân Lương tiến đánh không thể chống nổi, các tướng Tinh Thiều và Phạm Tu đều tử trận.

Lý Nam Đế dẫn quân chạy về thành Gia Ninh (xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay).

Sông Tô Lịch xưa kia

Một khúc sông Tô Lịch xưa kia. (Ảnh từ 36phophuong.vn)

Tháng giêng năm 546 Trần Bá Tiên dẫn quân tiến đánh Gia Ninh, Lý Nam Đế không cầm cự nổi, chạy thoát vào vùng rừng núi sống cùng với bộ tộc người Lao, đồng thời tập hợp lại lực lượng quyết chiến với quân Lương. Đến mùa thu năm ấy quân Vạn Xuân lên đến 2 vạn, Lý Nam Đế quyết định tiến binh xuống vùng đồng bằng.

Quân Vạn Xuân đóng ở hồ Điển Triệt (xã Tứ Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Phú Thọ), các thuyền đậu chật kín cả mặt hồ.

Hồ Điển Triệt là hồ điều tiết nước, cung cấp nước cho các con sông xung quanh vào mùa cạn, và đến mùa lũ thì lại nhận nước từ các con sông này.

Các thuyền của quân Vạn Xuân đông đúc khiến quân Lương lo lắng đóng ở cửa hồ mà không dám tiến vào. Để động viên binh lính, một buổi tối Trần Bá Tiên cho họp mặt các tướng sĩ lại rồi nói rằng: “Ta cầm quân đã bao lâu nay rồi và quân sĩ hết sức mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể xác. Hơn nữa, chúng ta ở đây trơ trọi không có quân cứu viện mà lại tiến quá sâu vào đất địch. Nếu không chiến thắng được trận này nữa, làm sao có thể hy vọng sống mà về? Nay vì lẽ địch đã mấy lần thua chạy, tinh thần của chúng tất giao động và bọn man di Lao lại không có kỷ luật và không tin cậy được, nên sẽ dễ dàng cho chúng ta tận diệt. Chúng ta chỉ còn một cách là đánh cho đến hơi thở cuối cùng, tập trung tất cả sức mạnh của ta để chiến thắng. Không có lý do gì trì hoãn nữa. Giờ quyết liệt đã điểm.

Các binh sĩ đều im lặng không ai tỏ ra có vẻ hưởng ứng, ngay lúc đấy đột nhiên trời đổ mưa như trút nước, mực nước các con sông lên nhanh và đổ vào hồ Điển Triệt khiến các thuyền của quân Vạn Xuân rối loạn.

Nhận thấy đây là cơ hội không thể bỏ qua, Trần Bá Tiên cho quân xuống thuyền theo dòng nước tràn vào hồ tiến đánh.

Tình huống diễn ra bất ngờ khiến quân Vạn Xuân rối loạn, hàng ngũ tan rã. Lý Nam Đế thua trận lại phải chạy vào vùng núi với các bộ tộc Lao, ông tập hợp quân ở thung lung Khuất Lão ở thượng lưu sông hồng. Tại đây ông trao quyền đánh quân Lương cho con trái Thái phó Triệu Túc là Triệu Quang Phục.

Lý Nam Đế mất ở Khuất Lão ngày 20 tháng 3 năm 548 sau 5 năm lên ngôi. Lý giải về cái chết của Lý Nam Đế sách “Việt Nam văn minh sử cương” của Lê Văn Siêu dẫn một số tài liệu cổ đưa ra 2 luồng nhận định khác nhau, một số sử liệu cho rằng Lý Nam Đế bị bệnh mà mất; nhưng một số sử liệu khác cho rằng một trong các bộ tộc người Lao nhận tiền của Trần Bá Tiên đã làm phản, ám hại và gửi thủ cấp Lý Nam Đế cho Trần Bá Tiên.

Đền thờ Lý Nam Đế

Phối cảnh đền Mục thờ Đức vua Lý Nam Đế. (Ảnh từ nong nghiep.vn)

Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử chống quân Lương

Anh trai và cháu họ của Lý Bí lần lượt là Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử chạy đến phía nam ở quận Cửu Đức. Nơi đây với sự giúp đỡ của thủ lĩnh địa phương là Lý Thiệu Long ông đã lập được đội quân 2 vạn người. Lý Thiên Bảo cho quân đánh tan quân Lương ở quận Cửu Đức, giết được Thứ sử Trần Văn Giới.

Lý Thiên Bảo cho quân bắc tiến đánh Ái Châu (trước đấy là quận Cửu Chân, nay thuộc vùng đất Thanh Hóa). Thế nhưng Trấn Bá Tiên hay tin đã kéo quân chủ lực đến đánh tan quân Vạn Xuân. Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử cùng 1 vạn quân còn lại chạy sang đất Ai Lao (ngày nay thuộc Lào).

Đến Dã Năng nhận thấy nơi đây đất đai màu mỡ lại rộng rãi, Liên Thiên Bảo cho đóng quân ở đây. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi chép rằng: “Động Dã Năng ở đầu nguồn Đào Giang, đất phẳng rộng màu mỡ, thuộc đất người Di Lạo ở Ai Lao”.

Lý Thiên Bảo cho đắp thành để ở, rồi đặt tên cho Vương Quốc mới là Dã năng, dân chúng tôn ông là Chúa, tự xưng là  Đào Lang vương.

Triệu Quang Phục củng cố lực lượng ở đầm Dạ Trạch

Trong khi đó Triệu Quang Phục sau khi nhận ý chỉ của Lý Nam Để phải đánh quân Lương khôi phục Vạn Xuân, liền tìm nơi hiểm trở để có thể đóng quân.

Đầm Dạ Trạch

Vị trí đầm Dạ Trạch trên bản đồ. (Ảnh từ nguyentienquang.blogspot.com

Năm 547 Triệu Quang Phục tìm được vị trí tại đầm Dạ Trạch (bãi Màn Trò, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) rộng rãi, cỏ mọc um tùm, bụi rậm che kín, phía giữa đầm có nền đất cao có thể đóng quân. Đầm này toàn là bùn, người ngựa đều rất khó đi, thuyền cũng không thể vào được. Muốn đi qua đầm để đến khu đất ở giữa chỉ có thể dùng thuyền độc mộc nhỏ nhẹ, chống sào đi lướt trên cỏ nước mới vào được.

Nếu đi vào mà không quen thuộc đường thì rất dễ bị lạc vì khi nhìn chung quang chỉ thấy thấy cỏ và bụi rậm che kín, dưới đầm lại toàn rắn độc, nếu lỡ rơi xuống dầm thì sẽ bị rắn cắn chết

Nhận thấy là nơi lý tưởng để phòng thủ, Triệu Quang Phục đã đem 2 vạn người đến đóng ở khu đất cao phía giữa đầm. củng cố lực lượng để quyết chiến với quân Lương.

(Còn nữa)

Trần Hưng

Theo trithucvn.net

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc