Home » Cổ truyền, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Kẻ hay nói khoa trương thì không dùng được việc lớn
Kẻ không khiêm tốn, ăn nói khoa trương thì không làm được việc lớn.

Học rộng tài cao mà không biết khiêm tốn, thích nói lời khoa trương thì sớm hay muộn cũng rước họa vào thân.

“Ngôn quá kỳ hành bất khả trọng dụng” – Đó là lời nói của Lưu Bị sống vào thời Tam Quốc, có ý là: “Nói nhiều hơn làm, không dùng việc lớn được”. Nguồn gốc của câu nói trên xuất phát từ câu chuyện dưới đây.

Lưu Bị đánh Ngô bị đại bại, chạy về Bạch Đế Thành rồi lâm bệnh nặng. Trước phút lâm chung, các quan chầu chực bên long sàng. Lưu Bị nhìn thấy có Mã Tốc bèn truyền cho tạm lui ra. Đoạn hỏi Khổng Minh:

“Thừa tướng xem tài Mã Tốc thế nào?”

Tốc vốn là người có tài bác lãm quần thư, quán thông kim cổ, không có điều nào hỏi mà không biết, không có sách nào hỏi mà không nhớ, nên Khổng Minh thành thật đáp:

“Cũng là bậc anh tài đời này”.

Lưu Bị nói:

“Không đâu! Trẫm xét thấy người ấy thường nói lớn quá sự thực mà làm thì không được như lời, không thể dùng vào việc lớn. Thừa tướng nên xét kỹ lại”.

Lưu Bị chết. Khổng Minh đem binh ra Kỳ Sơn đánh Ngụy.

Chúa nước Ngụy là Tào Duệ phong Tư Mã Ý làm đô đốc dẫn quân đánh Thục.

Nguyên phía tây núi Tần Lĩnh có một con đường quan yếu gọi là Nhai Đình. Cạnh đó có thành Liệt Liễu. Hai chỗ ấy là yết hầu của vùng đất Hán Trung của Thục. Tư Mã Ý định kéo binh thẳng tới Nhai Đình, chiếm được điểm giao thông quan trọng này thì Dương Bình Quan của Thục cũng khó lòng chống đỡ.

Không những thế nhà Ngụy sau đó sẽ cắt đứt đường vận tải lương thực và đánh chiếm cả vùng Lũng Tây của Thục. Như vậy Thục chỉ còn hai cách bị động: rút lui hay ở lại cố thủ. Nếu quân Thục rút quân, quân Ngụy sẽ lập tức chia binh chặn các đường nhỏ mà đánh.

Còn như quân Thục quyết tâm cố thủ, quân Ngụy sẽ cho các lộ quân đào hào, đắp lũy để chặn đường rút quân của Thục, như vậy chỉ trong vòng một tháng, quân Thục sẽ bị tuyệt lương, không bại vì quân lính nổi loạn thì cũng chết đói hết.

Khổng Minh nhận ra điều đó cho nên chọn tướng đem binh giữ Nhai Đình. Mã Tốc xin đi. Khổng Minh nói:

“Nhai Đình chỉ là một mảnh đất nhỏ, nhưng can hệ vô cùng. Nếu chỗ ấy thất thủ thì cả đại quân ta nguy hết đường cứu. Ngươi tuy tinh thông mưu lược nhưng hiềm nơi ấy không có thành quách, lại cũng chẳng có thế hiểm nào mà dựa. Khó giữ vô cùng”.

Tốc nói:

“Tôi đã học binh thư từ nhỏ lại cũng biết phép dùng binh, lẽ nào không giữ nổi một chỗ như Nhai Đình”.

Thấy Tốc cương quyết xin đi và lập “quân lịnh trạng” nên Khổng Minh phát cho 2 vạn 5 ngàn tinh binh và cho thêm một thượng tướng là Vương Bình trợ giúp. Khổng Minh lại kêu Bình vào dặn dò riêng:

“Ta vốn biết ngươi bình sinh cẩn thận nên mới đem việc này phó thác cho. Vậy phải thận trọng đề phòng. Đóng trại ở Nhai Đình thì phải đóng chặn ngang đường chính yếu, khiến giặc không đi qua lọt. Hạ dinh trại xong, hãy vẽ ngay đường lối bốn mặt tám phương và hình thế địa lý, lập thành bản đồ đầy đủ, gởi về cho ta xem. Ngoài ra, việc gì cũng phải bàn nhau kỹ càng rồi hãy làm, chớ có coi thường. Nếu giữ được nơi ấy an toàn tức là được công đầu trong việc đánh chiếm Trường An vậy”.

Mã Tốc và Vương Bình kéo quân lên đường rồi, nhưng Khổng Minh còn cẩn thận sai thêm tướng giỏi dẫn binh đóng giữ phía đông bắc và phía sau Nhai Đình để tiếp cứu khi Nhai Đình bị nguy.

ma-toc-vuong-binh

Tam quốc diễn nghĩa, Lưu Bị, Gia Cát Lượng, Bài chọn lọc,

Mã Tốc, Vương Bình đến Nhai Đình, trước hết đi quan sát địa thế đóng quân. Tốc xem xét rồi cười nói:

“Sao Thừa Tướng cẩn thận đến thế. Một nơi ven núi thế này, quân Ngụy đâu dám bén mảng tới”.

Vương Bình nói:

“Dù quân Ngụy không dám đến, ta cũng phải đóng trại vào chỗ ngã năm kia để canh giữ năm mặt đường”.

nhai-dinh

Nói rồi truyền quân sĩ đi đẵn cây đóng trại, tính kế giữ lâu dài. Mã Tốc không bằng lòng, nói:

“Ai đóng trại giữa đường bao giờ? Tiện đây có ghềnh núi, bốn mặt đều kín đáo, cây cối lại rất nhiều, chính là chỗ hiểm trời dành cho ta, cứ đóng quân ngay trên núi là hơn”.

Bình nói:

“Tham quân tính sai rồi, đóng trại giữa đường đi, đào hào đắp lũy chấn ngang thì quân giặc dẫu có 10 vạn cũng không thoát qua lọt. Chớ bỏ ngã năm xung yếu này mà lên núi đóng đồn, nếu quân Ngụy ào đến bổ vây bốn mặt thì chống làm sao?”

Tốc cười lớn nói:

“Thực là kiến thức đàn bà. Binh pháp dạy rằng: ‘Đứng trên cao trông xuống dưới mà đánh, dễ như chẻ tre’. Nếu quân Ngụy đến đây, ta đánh cho một mống cũng không về được”.

Bình nói:

“Trái núi này thật là chỗ tuyệt địa. Quân Ngụy cứ chặn đứt đường lấy nước thì quân ta chẳng đánh cũng rối loạn ngay”.

Tốc gạt đi:

“Chớ nói càn. Tôn Tử có câu: ‘Bỏ vào đất chết rồi mới sống’. Nếu quân Ngụy chặn đường lấy nước, quân Thục tất nhiên phải liều chết mà đánh. Một người sẽ địch nổi trăm người. Ta học binh thư chán ra rồi đây. Thừa tướng mọi việc còn phải hỏi đến ta, sao ngươi cứ ngang ngạnh làm vậy?”.

Bình đành phải khuyên:

“Nếu Tham Quân nhất định đóng đồn trên núi thì xin chia binh cho tôi đóng một trại nhỏ dưới chân núi phía tây, làm thế ‘ỷ dốc’. Quân Ngụy đến, ta có thể cứu ứng lẫn nhau”.

Nhưng Tốc vẫn không nghe. Bỗng thấy dân cư trong núi rầm rộ đổ ra, kéo từng tốp chạy đến, nháo nhác kêu rằng: “Giặc sắp đến nơi”. Vương Bình sốt ruột toan bỏ đi. Mã Tốc bảo:

Ngươi đã không chịu nghe lệnh, giờ quân Ngụy sắp đến rồi, vậy ta cho ngươi 5 ngàn binh, cứ đi mà đóng trại tùy ý. Rồi đây khi phá xong quân giặc, về trước mặt Thừa Tướng, ngươi đừng mong chia công với ta.

Tạo hình của Mã Tốc trên điện ảnh (phải). Ảnh internet

Tạo hình của Mã Tốc trên điện ảnh (phải). Ảnh internet

Bình chẳng nói gì nữa, kéo ngay 5 ngàn binh xuống cách xa chân núi 10 dặm rồi hạ trại, rồi lập tức vẽ thành bản đồ, sai người đi suốt đêm về trình Khổng Minh, bẩm rõ mọi việc Mã Tốc tự ý đóng đồn trên núi…

Khổng Minh đặt bản đồ lên án, mở xem qua một lượt bỗng đập tay xuống án rồi kinh hãi kêu lên:

“Chết chưa. Mã Tốc ngu dốt, hãm quân ta vào chỗ nguy rồi”.

Đoạn vội cho người thay Mã Tốc. Nhưng chưa kịp thì có tin cấp báo: “Nhai Đình và Liệt Liễu thất thủ cả rồi”. Khổng Minh giậm chân đập gối than rằng:

“Ôi thôi, việc lớn hỏng rồi! Đây là lỗi tại ta!”

Mã Tốc phải nhờ Vương Bình, Cao Tường, Ngụy Diên đem binh tiếp ứng mới được toàn mạng.

Tốc bị xử tử theo quân pháp. Khi võ sĩ dâng đầu Mã Tốc dưới thềm, Khổng Minh òa lên khóc. Có người hỏi:

“Mã Ấu Thường phạm tội bất khả dung. Thừa tướng đã giết đi để minh chính phép quân, sao còn sầu não?”

Khổng Minh sụt sùi nói:

“Có phải ta khóc Mã Tốc đâu. Vì ta nhớ lại tiên đế lâm chung ở Bạch Đế Thành, đã dặn ta rằng: ‘Mã Tốc là kẻ hay nói quá sức mình, không nên giao cho việc lớn’. Nay quả đúng như thế. Ta càng giận mình ngu tối, lại càng nhớ đến đức sáng suốt của tiên đế, cho nên đau lòng mà khóc vậy!”

Trích từ Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tinh Hoa biên tập

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc