Home » Cổ truyền, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » 6 cuốn ‘thiên thư’ thần bí và trí tuệ nhất thời cổ đại

Người xưa vốn kính ngưỡng trời đất, con người và trời đất là tương thông với nhau, nên ngày xưa cũng có thuyết về “thiên nhân hợp nhất”.

Hình minh họa: Qua kknews

Hình minh họa: Qua kknews

Trong số các tác phẩm cổ đại, trong đó 6 cuốn sách cổ vừa thần bí vừa trí tuệ, có sức ảnh hưởng lớn và xuyên suốt đến hậu thế hàng ngàn năm qua.

1. Hoàng Đế nội kinh

“Hoàng đế nội kinh” là một bộ sách bao gồm một hệ thống hoàn chỉnh về y lý, y luận và y phương. Về phương thức thì Hoàng đế nội kinh được sáng tác thông qua các cuộc đối thoại hỏi đáp giữa hai nhân vật là Hoàng Đế và  Kỳ Bá.

Kỳ Bá là ai? Tương truyền rằng, Kỳ Bá là bề tôi của Hoàng Đế. Cũng có tương truyền nói rằng, Kỳ Bá là một thế ngoại cao nhân, sống ở dưới chân núi Kỳ Sơn. Hoàng Đế từng đến đây để bái phỏng ông.

Người đời sau xưng y thuật là Kỳ Hoàng thuật. Các y học gia cổ đại đánh giá, Kỳ Bá là nhân vật quan trọng nhất tạo nên “Hoàng Đế nội kinh”.

Trong lịch sử có bảy tác phẩm nổi bật, bao gồm: Hoàng Đế nội kinh, Hoàng Đế ngoại kinh, Biển Thước ngoại kinh… Nhưng bởi vì nguyên nhân lịch sử, mà hậu thế chủ yếu chỉ có thể được nghe nhắc nhiều đến Hoàng Đế nội kinh.

“Hoàng Đế nội kinh” được chia làm hai phần là “Tố Vấn” và “Linh Khu”. Mỗi phần lại bao gồm 9 quyển, mỗi quyển gồm 9 thiên, tổng hợp lại thành 162 thiên.

Từ tổng thể mà đánh giá thì ngọn nguồn của lý luận trong “Hoàng Đế nội kinh” không nằm ngoài hai nội dung lớn cơ bản là “Âm dương ngũ hành” và “Quan niệm chỉnh thể”. Trời Đất là một khối được phân thành hai cực, lại hóa sinh ra ngũ hành: Mộc, hỏa, thổ, kim, thủy. Ngũ hành trên thực tế chính là dùng năm loại vật chất cơ bản trong giới tự nhiên diễn giải sự sinh hoá của vạn vật qua hai nguyên lý cơ bản là “Sinh” và “Khắc”.

Ở phương diện y học, “Hoàng Đế nội kinh” trình bày tường tận và phong phú về nhân tố gây nên bệnh, phương pháp chẩn đoán bệnh, dưỡng sinh phòng bệnh, học thuyết vận khí, kinh lạc tạng phủ, phương pháp châm kim… Có thể nói, “Hoàng Đế nội kinh” là một công trình y học vĩ đại.

Về triết học, “Hoàng Đế nội kinh” thuyết minh một cách cụ thể việc ứng dụng triết học Trung Hoa cổ đại. Những tư tưởng triết học trong đó khiến thế nhân cảm thấy rung động đến tận tâm can. Ở nhiều phương diện khác nhau, “Hoàng Đế nội kinh” đều đạt đến tiêu chuẩn học thuật cực cao.

2. Chu Dịch

trung hoa

(Hình minh họa: Qua chuanme)

Tương truyền rằng, Phục Hy thời thượng cổ là người đầu tiên vẽ ra tiên thiên bát quái, sau 3.000 năm tiên thiên bát quái tỏ ra không còn đúng nữa, Chu Văn Vương biết rằng đó là do thiên tượng thay đổi nên lập ra hậu thiên bát quái ứng với thiên tượng mới vào thời điểm đó. Khổng Tử đã viết ra cuốn Thập Dực. Cuối cùng phát triển đến ngày nay là “Chu Dịch”. “Chu Dịch” bao gồm 64 quẻ và 384 hào.

(Xem bài: Thiên tượng thay đổi: Xem bói theo kinh dịch, thiên văn không còn linh nghiệm nữa)

“Chu Dịch” cũng được gọi là “Kinh Dịch”, còn được Nho gia tôn là bộ kinh đứng đầu trong “Ngũ Kinh”. (“Ngũ Kinh” bao gồm: “Kinh Thi”, “Kinh Thư”, “Kinh Lễ”, “Kinh Dịch” và “Kinh Xuân Thu”).

Đồng thời “Chu Dịch” cũng là một trong “tam đại kỳ thư” – ba cuốn sách quý hiếm thời thượng cổ. “Dịch” vốn có 3 phiên bản, gồm “Liên Sơn”, “Quy Tàng” và “Chu Dịch”. Nhưng trong đó chỉ có “Chu Dịch” là được lưu truyền đến ngày nay.

Nội dung cốt lõi của “Dịch” chính là thông qua quẻ tượng để bói toán tương lai. Bởi vì lý luận và công hiệu của nó vô cùng kỳ diệu nên có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với dân tộc Trung Hoa.

Cổ nhân cho rằng, bản thân “Dịch” vốn là một kỹ năng mà Thần truyền cấp cho con người. Sự kỳ diệu của nó đủ để nói rõ điểm này và người Trung Hoa xưa thảy đều công nhận điều ấy.

Nho gia tôn sùng “Dịch” là kinh sách đứng đầu. Do đó cổ nhân cho rằng, bản chất tư tưởng của Nho gia cũng là một loại văn hóa Thần truyền ở nơi thế tục.

3. Thượng Thư
trung hoa

(Hình minh họa: Qua read01)

Trung Hoa có một bộ sách cổ xưa được xưng là “Thiên Thư”, nó cũng chính là “Thượng Thư”.

Vào thời Tiên Tần, “Thượng Thư” được gọi là “Thư”. Người đời sau gọi là “Thượng Thư”, bao gồm 58 thiên. Nội dung của Thượng Thư chủ yếu đề cập đến bốn triều đại của Trung Hoa cổ là Ngu, Hạ, Thương, Chu. Bởi vậy mà “Thượng Thư” cũng được phân chia thành “Ngu Thư”, “Hạ Thư”, “Thượng Thư” và “Chu Thư”. Đương nhiên, khảo cổ học ngày nay chỉ tìm ra ba triều đại sau. Các nhóm chuyên gia cơ bản đều có thái độ phủ nhận triều Ngu.

Về sau, “Thượng Thư” trở thành một trong sáu đại kinh điển của Nho gia. Văn tự ghi trong “Thượng Thư” là rất tối nghĩa, vô cùng khó hiểu, hơn nữa lại là do Khổng thánh nhân tự mình làm chủ biên nên những nội dung của nó rất uyên thâm.

Trong các triều đại, số người nghiên cứu “Thượng Thư” là rất nhiều. Vào thời Tây Hán và Đông Hán từng có thời kỳ quy định các trí thức đều phải đọc sách “Thượng Thư”. Bởi vậy mà thời ấy, số người dựa vào cuốn sách này để kiếm sống là rất nhiều.

4. Hà Đồ và Lạc Thư

                                          

Hà Đồ và Lạc Thư là hai bức hình vẽ thần bí lưu truyền từ thời cổ đại đến nay. Xưa nay, chúng được cho là ngọn nguồn và văn hóa Hà Lạc, ngọn nguồn của văn minh Trung Hoa. Âm dương thái cực, tứ phương, ngũ hành, bát quái, cửu cung… đều có thể được tìm thấy từ đây.

Tương truyền rằng, vào thời Vua Phục Hy, có một con Long Mã nổi lên trên sông Hoàng Hà ở huyện Mạnh Tân của phía đông bắc Lạc Dương. Trên lưng của con Long Mã có một hình đồ và tặng cho Phục Hy. Vì vậy mà hình đồ này được gọi là Hà Đồ.

Về Lạc Thư, tục truyền rằng, vào thời Đại Vũ có một con rùa thần nổi lên ở trên sông Lạc Hà, Lạc Dương. Trên lưng của con rùa thần có thư sách và tặng cho Đại Vũ. Đại Vũ dựa vào đó mà trị thủy thành công. Đồng thời, ông cũng dựa vào đó sáng chế ra phép cai trị xã hội.

Hà Đồ và Lạc Thư đều bao gồm những chấm đen và trắng được sắp xếp theo hàng lối, ẩn chứa điều vô cùng huyền bí. Trong đó, Hà Đồ dùng mười con số từ 1 đến 10 để hợp thành ngũ phương (đông, tây, nam, bắc và trung ương), ngũ hành (chỉ kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ), âm dương và mô phỏng hình dạng của Trời Đất. Những chấm tròn màu trắng là dương, là Thiên, chấm tròn màu đen là âm, là Đất.

Về tổng quát, Hà Đồ và Lạc Thư đều bàn về lẽ sinh thành của vũ trụ quần sinh, đều chủ trương lẽ Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể, và Nhất Thể tán vạn thù, Vạn thù qui Nhất Thể, đều chủ trương Vạn vật phát xuất từ một Tâm Điểm, phóng phát ra ngoài, rồi cuối cùng lại qui hướng về Tâm Điểm ấy.

5. Sơn Hải Kinh
trung hoa

(Hình minh họa: Qua kknews)

“Sơn Hải kinh” là cuốn sách trực tiếp ghi chép lại rất nhiều những truyền thuyết thần thoại kỳ quái và những truyền thuyết dân gian. Không ít những tác phẩm điện ảnh về Thần tiên hiệp khách đã đề cập đến những quái vật trong “Sơn Hải Kinh”.

“Sơn Hải Kinh” là cuốn cổ thư đầu tiên ghi chép lại những điều Thần Tiên kỳ quái. Theo “Sử ký” ghi chép, vào thời đại của Tư Mã Thiên, cuốn “Sơn Hải Kinh” đã được truyền lưu rộng rãi. Nhưng từ nội dung, người ta xác định được “Sơn Hải Kinh” có những ghi chép thuộc về nhà Ân Thương.

Trong “Sơn Hải Kinh”, nội dung chính là địa lý, thần thoại, tôn giáo, động thực vật, khoáng sản, y dược… Có thể nói, “Sơn Hải Kinh” là cuốn bách khoa toàn thư của cổ nhân. Cũng chính bởi vì “Sơn Hải Kinh” bao hàm nhiều loại nội dung nên từ xưa đến nay người ta không phân được nó thuộc về loại gì.

Thời nhà Hán, “Sơn Hải Kinh” được xếp vào loại sách thuộc về thuật số. Tức là được xem là bộ sách về xem tướng phong thủy trong toán quái. Thời nhà Tùy, “Sơn Hải Kinh” được xếp vào loại sách địa lý. Thời nhà Thanh, nó lại được xếp vào loại tiểu thuyết.

An Hòa (dịch và t/h)

Theo trithucvn.net

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc