Home » Cổ truyền, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Vùng đất phát Đế Vương nổi tiếng Việt Nam

Nói đến đất Đế Vương phải nói đến vùng đất Thanh Hóa và Cao Bằng, nếu Thanh Hóa được xem là “đất vua, nhà chúa” hay “Đế vương chung hội” bởi rất nhiều vua và chúa trong lịch sử đều phát tích từ vùng đất này, thì Cao Bằng là nơi Đế Vương ẩn náu.

Đất phong thủy

(Ảnh tổng hợp)

Những nhân vật xuất thân nhờ “đất vua” này có thể kể đến như Bà Triệu (huyện Yên Định, Thanh Hóa), “vua không ngai” Dương Đình Nghệ (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa), Lê Hoàn (tức vua Lê Đại Hành), Hồ Quý Ly (Đại Lai, Thanh Hóa), Lê Lợi, nhà Nguyễn (Hà Trung, Thanh Hóa), chúa Trịnh.

Đỉnh Ngàn Nưa linh thiêng

Núi Nưa là dãy núi đi qua 3 huyện Triệu Sơn, Nông Cống, Như Thanh thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Sách Đại Nam nhất thống chí có chép rằng: “Núi Nưa tên chữ là Na Sơn, mạch núi từ Phủ Thọ Xuân kéo đến chạy dài vài ba mươi dặm, đến địa phận Tổng Cổ Định thì nối vọi lên nhiều ngọn, ngọn cao nhất là núi Nưa”.

Theo tài liệu khoa học, quần thể Núi Nưa có mạch núi bắt nguồn từ dải Trường Sơn, vươn về phía biển theo hướng Tây Bắc – Đông Nam; có hàng ngàn ngọn núi lớn nhỏ trùng điệp phân bổ đều khắp trên diện tích 55 km2,  xung quanh là 99 ngọn núi tựa như voi phục chầu về đỉnh, nên người dân gọi là Ngàn Nưa.

Tranh Bà Triệu cưỡi voi trắng.

Tranh Bà Triệu cưỡi voi trắng.

Trên đỉnh núi cao nhất Ngàn Nưa, có sơn cao thủy tụ, là nơi linh khí thiêng giữa Trời – Đất hội tụ, giao hòa. Nơi đây vào năm 248 Bà Triệu cùng hàng ngàn tráng sĩ Cửu Chân mài gươm luyện võ chống lại ách đô hộ của quân Ngô, nơi đây chính là căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu.

Nhiều ẩn sĩ, danh nhân từ xưa đến nay đều có viết về ngọn núi này, trong dân gian vẫn lưu truyền câu: “Na Sơn nhất phiến, nhất hộ thiên hạ biến!” nghĩa là “một tiếng hô ở núi Nưa chuyển cả thiên hạ!”.

Núi Lam Sơn

Đây được xem là nơi phát tích của triều đại nhà Lê, trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” có mô tả rằng: Ông tổ ba đời của vua Lê Lợi tên húy là Hối, một hôm đi dạo chơi đến vùng núi Lam Sơn chợt thấy có đàn chim đông đúc đang bay lượn như thể núi Lam Sơn có một lực thu hút vô hình, có sức thu phục nhân tâm nhiều như chim về tổ, bèn nói: “đây hẳn là chỗ đất tốt” và quyết định “dời nhà đến ở đấy”.

Người Việt có câu “đất lành chim đậu”, hình ảnh đàn chim đông đúc bay lượn dấu hiệu vùng đất lành. Sau khi cụ Hối dời nhà về Lam Sơn thì 3 năm sau đã gây dựng được sản nghiệp lớn và làm quận trưởng một phương, trong nhà có cả ngàn gia đinh.

Đến lúc Lê Lợi được sinh ra đã “thiên tư tuấn tú khác thường, thần sắc tinh anh kỳ vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai có nốt ruồi son, tiếng nói như chuông, dáng đi tựa rồng, bước tới như hổ, kẻ thức giả đều biết vua là bậc phi thường” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Lê Lợi được một nhân vật kỳ bí cho biết huyệt đất phát vương ở Chiêu Nghi, điều này được ghi chép lại trong cuốn “Lam Sơn thực lục” như sau:

“Khi ấy nhà vua (tức Lê Lợi) sai người nhà cày ruộng ở xứ Phật Hoàng động Chiêu Nghi. Chợt thấy một nhà sư già, mặc áo trắng, từ thôn Đức Tề đi ra, thở dài mà rằng: 

– Quý hoá thay phiến đất này! Không có ai đáng dặn! 

Người nhà thấy thế, chạy về thưa rõ với nhà vua, nhà vua liền đuổi theo tìm hỏi chuyện đó. Có người báo rằng: 

– Sư già đã đi xa rồi. 

Nhà vua vội đi theo đến trại Quần Đội, huyện Cổ lôi, (tức huyện Lôi Dương ngày nay) thấy một cái thẻ tre, đề chữ rằng: 

Thiên đức thụ mệnh. Tuế trung tứ thập. Số chi dĩ định. Tích tai vị cập.

Nghĩa là: 

Đức trời chịu mệnh. Tuổi giữa bốn mươi! Số kia đã định. Chưa tới … tiếc thay!

Nhà vua thấy chữ đề mừng lắm, lại vội vàng đi theo. Khi ấy có rồng vàng che cho nhà vua! Bỗng nhà sư bảo nhà vua rằng: 

 – Tôi từ bên Lào xuống đây, họ Trịnh, tên là sư núi Đá trắng. Hôm thấy ông khí tượng khác thường tất có thể làm nên việc lớn! 

Nhà vua quỳ xuống thưa rằng: 

– Mạch đất ở miền đệ tử, tôi sang hèn ra thế nào xin thầy bảo rõ cho? 

Nhà sư nói:

– Xứ Phật hoàng thuộc động Chiêu Nghi, có một khu đất chừng nửa sào, hình như quả quốc ấn. Phía tả có núi Thái Thất, núi Chí Linh (ở miền Lảo Mang); bên trong có đồi đất Bạn Tiên. Lấy Thiên Sơn làm án (ở xã An Khoái). Phía trước có nước Long Sơn, bên trong có nước Long Hồ là chỗ xoáy trôn ốc (ở thôn Như Ứng). Phía hữu nước vòng quanh tay Hổ. Bên ngoài núi xâu chuỗi hạt trai. 

Con trai sang không thể nói được nhưng con gái phiền có chuyện thất tiết. Tôi sợ con cháu ông về sau, có thế phân cư. Ngôi vua có lúc Trung Hưng. Mệnh trời có thể biết vậy. Nếu thầy giỏi biết láng lại, thì trung hưng được năm trăm năm. 

Nhà sư nói rồi, nhà vua liền đem di cốt đức Hoàng khảo táng vào chỗ ấy. Tới giờ Dần, về đến thôn Hạ Dao Xá nhà sư bèn hóa bay lên trời! Nhân lập chỗ ấy làm điện Du Tiên. Còn động Chiêu Nghi thì làm am nhỏ (tức là nơi một Phật hoàng). Đó là gốc của sự phát tích vậy”.

Về sự việc này Lê Qúy Đôn có viết ngắn gọn trong “Đại Việt thông sử” rằng:  “Khi vua làm phụ đạo ở Khả Lam, được hồn sư ông mặc áo trắng hiển hiện chỉ cho ngôi huyệt phát đế vương ở động Chiêu Nghi”.

Lê Lợi đưa thi hài của cha chôn vào đất này. Sau này khi Lê Lợi khởi binh chống lại quân Minh, nhưng bị một người chỉ điểm cho quân Minh biết ngôi mộ này, quân Minh sai người khai quật lên nhằm ép Lê Lợi đầu hàng.

Lê Lợi sai 14 thuộc hạ thân tín là Trịnh Khả, Bùi Bị. Trương Lôi, Lê Nanh, Võ Uy, Bùi Quốc Hưng, Doãn Nỗ, Lê Liễu, Lê Nhữ Lãm, Lê Khả Lãng, Lê Xa Lôi, Trịnh Võ, Lưu Trung và Trần Dĩ đi đến doanh trại của giặc lấy lại hài cốt của cha mình. Những người này đội cỏ bơi xuôi theo dòng nước, từ thượng lưu xuống, nhân lúc giặc Minh sơ hở đã lấy trộm lại được hài cốt. Lê Lợi bèn chôn lại như cũ.

Sau 10 năm nổi dậy chống quân Minh, năm 1428 Lê Lợi lên ngôi Vua lập ra nhà hậu Lê. Kéo dài đến năm 1789. Sau này dù đến đời chúa nào, hay các cuộc khởi nghĩa nổ ra thì  hầu hết đều mang danh “phò Lê” để danh chính ngôn thuận mà lấy lòng thiên hạ.

Lê Lợi

Tượng đài Lê Lợi ở Thanh Hóa. (Ảnh qua wikipedia)

Hàm Rồng

Nằm ở phía nam sông Mã , Dãy núi Đông Sơn – Hàm Rồng bắt nguồn từ làng Dương Xá huyện Thiệu Hóa chạy men theo sông Mã uốn lượn thành 99 ngọn núi  hình rồng. Phần cuối nhô lên một ngọn tựa như đầu rồng nên gọi là Hàm Rồng, ở đó có động Long Quang (mắt rồng), núi sát bờ sông, trên bờ có mỏm đá dô ra như hình mũi rồng, cho nên gọi là Long tị.

Núi Hàm Rồng linh thiêng của Thanh Hóa. (Ảnh qua namviettravel.com.vn)

Núi Hàm Rồng linh thiêng của Thanh Hóa. (Ảnh qua namviettravel.com.vn)

Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi chép địa thế nơi đây là ““A núi này cao và đẹp trông ra sông Định Minh, lên cao trông xa thấy nước trời một màu sắc thật là giai cảnh”.

Từ đuôi Rồng đi lên, ngọn Ngũ Hoa Phong hình năm bông sen chụm chung một gốc cắm xuống đầm lầy. Ngọn Phù Thi Sơn trông giống một người phụ nữ đang nằm ngủ đầu gối vào thân rồng, núi mẹ, núi con tròn như quả trứng. Ngọn Tả Ao trông giống người đàn ông đang nằm vắt chân chữ ngũ, đầu quay về hướng Đông. Ở sát cạnh ngọn con Mèo đang trong tư thế rình mồi, núi Cánh Tiên có 3 ngọn vút lên cao tạo thành mỏm Ba Hiệu, rồi núi Con Cá, Con Phượng, núi Đồng Thông, núi con Voi…

Tương truyền khi Cao Biền đi qua Hàm Rồng thấy đất nơi đây rất quý, có thể phát Vương, liền đưa hài cốt của cha chôn vào huyệt Hàm Rồng mong sẽ phát Vương ở phương nam.

Thế nhưng xương cốt cứ bị huyệt núi đùn ra, không nhận, dù đã cố đưa vào nhưng vẫn bị đùn ra như thế. Cao Biền biết đây là long mạch rất mạnh nên càng quý, vì thế mà quyết làm đến cùng, nên tán xương nhỏ để tung vào sườn núi. Nhưng vừa tung lên thì có muôn vàn con chim nhỏ cùng bay lên vỗ cánh vù vù làm xương cốt bay tứ tán. Cao Biền chỉ còn biết than linh khí nước nam quá mạnh và linh thiêng, không thể cưỡng cầu

Cao Bằng: Vùng đất Đế Vương ẩn náu

Nếu Thanh Hóa được xem là vùng đất phát tích của Vua, Chúa, thì Cao Bằng được xem là nơi Đế Vương ẩn náu.

Thời nhà mạc, khi vận nước rối bời, vua Mạc Mậu Hợp đến hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm về thế cuộc, Trạnh Trình đã đáp rằng “Ngày sau nước có việc, đất Cao Bằng tuy nhỏ, cũng giữ được phúc đến vài đời”. 7 năm sau vua Mạc bị quân Trịnh đánh bật khỏi Thăng Long, nhớ lời dặn cụ Trạng liền về đất Cao Bằng, quả nhiên giữ thêm được 96 năm nữa.

Từ đó Cao Bằng được xem là đất dung thân, ẩn náu của các bậc Đế Vương. Xưa kia khi Cao Biền được lệnh trấn yểm các vùng đất quý của nước Việt, đã xây thành Đại La (tức Thăng Long sau này) và thành Nà Lữ ở Cao Bằng. Sau này người Việt đã tìm cách hóa giải cách trấn yểm của Cao Biền, Đến nay di tích thành Nà Lữ vẫn còn ở làng Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An. Khi nhà Mạc chạy về Cao Bằng đã chiếm Nà Lữ và xây thành đá trên núi để phòng ngự

Sơ đồ khu trung tâm của nhà Mạc ở Cao Bằng vùng Cao Bình – Nà Lữ. (Ảnh qua baocaobang.vn)

Sơ đồ khu trung tâm của nhà Mạc ở Cao Bằng vùng Cao Bình – Nà Lữ. (Ảnh qua baocaobang.vn)

Năm 1052 thủ lĩnh người Tráng (người Tày, Nùng) ở Cao Bằng là Nùng Trí Cao tự xưng là Nhân Huệ Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Nam đưa quân sang tấn công bên đất Tống.

Được sự ủng hộ giúp đỡ của người Thái, người Tày ở Quảng Tây, Nùng Trí Cao chiếm được rất nhiêu Châu bên đất Tống: Hoành châu, Quý châu, Cung châu, Tầm châu, Đằng châu, Ngô châu, Khang châu, Đoan châu. Ung Châu, xưng Đế một phương.

Đến nay Cao Bằng được xem là nơi “tụ khí tàng phong” rất tốt đẹp cùng nhiều danh lam thắng như thác Bản Giốc, thác Nặm Trá, núi Mắt Thần tạo ra nhiều sinh khí cho vùng đất này.

Núi Mắt Thần

Núi Mắt Thần. Ảnh dulichcaobang.vn

Thác Nặm Trá cách núi “Mắt thần” khoảng 600 m. Ảnh dulichcaobang.vn

Thác Nặm Trá cách núi “Mắt thần” khoảng 600 m. Ảnh dulichcaobang.vn

Trần Hưng

Theo trithucvn.net

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc