Home » Cổ truyền, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Núi tản viên – đại long mạch của nước Việt
Nhật Bản có núi Phú Sỹ, Ấn Độ có núi Linh Sơn, Trung Quốc có núi Thái Sơn và Việt Nam có núi Tản Viên…Ngọn núi đó là biểu tượng thiêng liêng và muôn đời trong tiềm thức của tộc Việt.

Đức thánh ngự tại núi Tản Viên, Ngài đứng đầu trong “Tứ bất tử” (bốn vị thánh là đức Tản Viên, mẫu Liễu Hạnh, đức Thánh Gióng và đức thánh Chử Đồng Tử), vị linh thiêng độc nhất luôn được Nhân dân tôn thờ hơn hai ngàn năm nay.

nui tan vien

Núi Tản Viên

Theo sách “ Bắc – Thành Địa dư chí” của Lê Đại Cương chép : “ Núi này ở huyện Bất Bạt, phủ Quảng Oai (nay là huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây). Hình núi tròn như cái tán nên gọi là Tản Viên, rộng rãi bao la, đứng cao hùng vĩ, làm trấn sơn cho cả nước, cao 2.310 trượng, chu vi 18.605 trượng, hướng tây có Đà Giang chảy quanh theo, rừng cây rậm rạp, cảnh trí đẹp”. Tại Đền Và ( Đông Cung) thờ Thánh Tản Viên (Sơn Tinh) có đôi câu đối như sau:

Châu hình đẩu tiễn thiên hoành không

Hạo khí quan mang vạn cổ tồn

Có nghĩa là:

Dáng hình sừng sừng ngang trời rộng

Hạo khí mênh mang vạn thuở còn.

Dưới triều Nguyễn, năm Bính Thân, Minh mạng thứ 17 (1836) đúc “ Cửu Đỉnh” biểu tượng cho uy thế và sự bền vững của nhà Nguyễn. Minh Mạng còn cho chạm hình núi Tản Viên vào Thuần Đỉnh (cao 2,32m, nặng 1.950 kg) cùng với cửa Cần Giờ và sông Thạch Hãn. Đời Tự Đức năm thứ 3, Canh Tuất (1850) liệt Tản Viên vào hàng những núi hùng vĩ, giang sơn của đất nước và được ghi chép vào Tự điển để cúng tế hàng năm. 

Núi Ba Vì còn chiếm một vị trí quan trọng, không những về mặt địa lý mà còn có địa vị độc tôn trong tâm linh người xưa như đỉnh Olympus (cao 2.917m) nơi ngự trị của chúa thần Deus (Dớt) của người Hi Lạp cổ. Trong sách “ Dư địa chí”, Nguyễn Trãi viết: “Núi ấy là núi tổ của nước ta đó”. 

Trong nhiều thế kỉ qua, nhiều sách vở, công trình nghiên cứu đã có một số kết luận về nền văn hóa dân gian xứ Đoài gắn với truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh liên quan đến núi Ba Vì.

Nhất cao là núi Ba Vì

Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn.

Sự thực núi Ba Vì chỉ cao 1.296m, núi Tam Đảo lại cao đến 1.581m, nhưng vì núi này là nơi ngự của Thần núi (thần Tản Viên), nên được nhân dân tôn vinh thành ngọn núi cao nhất, thiêng liêng nhất. Núi cao ở đây là cao trong tâm thức, không phải độ cao thấp đơn thuần về mặt địa lý. Truyền thuyết còn kể lại rằng núi Ba Vì là do Sơn Tinh dùng sách ước nâng núi lên cao, để ngăn nước lũ chống Thủy Tinh.

Nếu lấy núi Nghĩa Lĩnh (cố đô của nước Văn Lang thời tiền sử) làm tâm điểm thì núi Ba Vì và núi Tam Đảo là hai điểm đối xứng tạo thành “Thế tay ngai” trong luật phong thủy do triều đại Vua Hùng tạo lập. 

Xứ Đoài đã ôm cả ba dòng sông lớn: Sông Đà, sông Thao, sông Lô. Ngã ba Bạch Hạc là nơi hợp thành của ba dòng sông ấy để rồi tụ thủy ở đầu sông Cái (sông Hồng) tạo dựng thành vùng châu thổ trù phú của đồng bằng Bắc Bộ ngày nay. 

Núi Ba Vì không chỉ là ngọn núi huyền thoại về Sơn Tinh – Thủy Tinh mà còn là ngọn núi linh của xứ Đoài. Vua nhà Đường (Trung Quốc) đã coi núi Ba Vì như một đầu rồng hùng mạnh, còn thân rồng chạy suốt tời phương Nam (dãy Trường Sơn ngày nay). Để nước Nam không thể phát Vương, vua Đường đã cử Cao Biền (vị tướng kiêm phù thủy) dùng pháp thuật cho đào một trăm cái giếng xung quanh chân núi Ba Vì để trấn yểm tà triệt long mạch nước ta. Nhưng cứ đào gần xong giếng nào thì giếng đó lại bị sập, nên chúng đành phải bỏ cuộc bởi dãy núi thiêng – núi Tổ của nước Đại Việt. 

Những truyền thuyết dân gian về cuộc giao chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh chứng tỏ tổ tiên ta đã bắt đầu cuộc trị thủy mở mang bờ cõi từ hạ lưu sông Đà, sông Tích để tạo ra một vùng núi Ba Vì trù phú như ngày nay.

Núi Ba Vì là ngọn núi thần kỳ, là một trong những ngọn núi cổ nhất của nước Đại Việt. Những phát hiện về khảo cổ học vùng văn hóa cổ Ba Vì đã chứng tỏ đây là một vùng truyền thuyết lớn phát triển sớm trong lịch sử hình thành dân tộc.

Hoàng Lạc tổng hợp

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc