Xuất phát từ Hà Nội, đạp xe qua Vientaine (Lào), Bangkok (Thái Lan), Phnom Penh (Campuchia) đến thành Phố Hồ Chí Minh rồi tiếp tục đạp xuyên Việt trở về Hà Nội, Ngân đã có chuyến đi đáng nhớ nhất mà cô dành tặng cho tuổi trẻ của mình.
Nói về hành trình đạp xe qua 4 đất nước của mình, Nguyễn Thị Kim Ngân (sinh năm 1992; ở Hà Nội) chỉ coi rằng đó là một chuyến đi chơi xa và dài ngày. “Tôi rất thích đi. Đối với tôi, đó là cơ hội được đặt chân lên những vùng đất mới, trải nghiệm những điều mới, gặp gỡ những người xa lạ.Chuyến đi này cũng vậy, tôi không đặt ra mục đích gì lớn lao, tôi đi để thỏa mãn sở thích của tôi”.
Đã từng đạp xe xuyên Việt vào năm 2014, Ngân luôn ấp ủ một hành trình xa hơn vượt qua khỏi biên giới Việt Nam. Nên sau khi ra trường đi làm, Ngân đã tạm dừng công việc trong vòng 2 tháng để bắt đầu hành trình của mình vào một ngày đầu tháng bảy. Lý do để cô chọn xe đạp là phương tiện trong chuyến đi là vì: “Khi đạp xe tôi có thể ngắm nhìn xung quanh một cách chậm rãi, tôi cũng có thể đi đến bất kì đâu mà tôi muốn”, Ngân cho biết.
“Khi biết rằng tôi đang đạp xe đi qua các nước Đông Nam Á, các bạn nghĩ rằng tôi có rất nhiều tiền. Họ nói rằng, nếu họ có thời gian và có điều kiện như tôi, họ cũng đạp xe được như tôi. Tôi không cho rằng, không có thời gian, không có tiền, gia đình không cho đi là lý do, điều duy nhất ngăn cản bạn là chính bạn. Nếu các bạn thực sự muốn đi, các bạn sẽ tìm được cách để đi”, Ngân chia sẻ.
Mặc dù không thành thạo ngoại ngữ, nhưng đó không phải là rào cản gây khó khăn cho Ngân trong việc giao tiếp với người dân bản địa.“Tôi có niềm hứng khởi bất tận ở việc trò chuyện với con người. Mỗi vùng đất tôi qua, mỗi nơi tôi đến, mỗi quán tôi ngồi, tôi thường cố gắng bắt chuyện với mọi người. Đó là cách tôi lấp đầy cuộc sống của mình bằng những câu chuyện của họ. Thường thì mọi người rất vui vẻ và cởi mở. Khi tôi không thể nói ngôn ngữ của họ, họ cũng không hiểu ngôn ngữ của tôi, chúng tôi giao tiếp bằng ánh và thường nở nụ cười”.
Nói về những khó khăn, nguy hiểm gặp phải trong chuyến đi, Ngân rất lạc quan. Ngân đã từng đạp xe qua những đoạn đường vắng qua biên giới, từng phải dắt bộ chục cây số khi xe hỏng, cũng đã từng mất hết tiền khi đến Sài Gòn, nhưng Ngân luôn nhận được sự giúp đỡ từ những người xa lạ. “Luôn có những điều không thể đoán trước xảy ra đối với những người hay đi như tôi, nhưng đổi lại tôi sẽ có trải nghiệm. Chỉ cần vượt qua được những khó khăn nhất định, những điều xảy ra tiếp theo cũng không thể làm khó tôi. Tôi biết ơn vô cùng những người đã giúp đỡ tôi, những lời động viên của họ giúp tôi lên tinh thần, những người đã giúp tôi hoàn thành chuyến đi này”.
Sau chuyến đi trở về, Ngân dự định sẽ tiếp tục công việc của mình, tiết kiệm tiền cho chuyến đi tiếp theo đến Trung Quốc và Myanmar. Khép lại cuộc trò chuyện về chuyến đi của mình, Ngân chia sẻ: “Trước khi đi, tôi cũng từng lo sợ rất nhiều điều. Nhưng nếu cứ lo sợ thì bạn sẽ không bao giờ đủ can đảm để đi nên phải gác lại sự lo sợ, sự bất tín vào lòng tốt, tin vào mình và tin vào sự tử tế của con người. Bước một chân qua ranh giới của sự sợ hãi, chần chừ là bạn đã bắt đầu một hành trình can đảm của tuổi trẻ”.
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!