Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Ai đã khiến cá chết hàng loạt nơi vùng biển miền Trung
Truyền thông trong nước vừa đưa tin cá chết hàng loạt ở vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Ngay cả những con cá trọng lượng lớn 35 – 50 kg cũng chết nổi trên mặt biển khiến các chuyên gia nhận định rằng phải có độc tố rất mạnh mới khiến cá chết đến mức như vậy.

Vậy điều gì đã dẫn tới cảnh cá chết hàng loạt như vậy?

Cảnh cá chết hàng loạt bắt đầu từ ngày 6/4 ở Hà Tĩnh, Trung tâm quan trắc Môi trường và bệnh Thủy sản miền Bắc đã phối hợp với các cơ quan chức năng Hà Tĩnh kiểm tra và xác định nguyên nhân là có độc trong nguồn nước, do nước thải ra biển mà không được xử lý.

Đến ngày 10/4 vùng biển Quảng Bình xuất hiện cá chết hàng loạt trôi vào bờ. Đến ngày 19/4 Quảng Trị xuất hiện tình trạng tương tự, hàng tấn cá chết hàng loạt trôi vào bờ. Các ngư dân cho biết mới đầu thấy cá nhỏ chết, sau đó thì cá to cũng chết rồi trôi vào bờ, sau một tuần Quảng Trị có đến 30 tấn cá chết.

Cá chết hàng loạt được phát hiện tại bờ biển Quảng Bình Ảnh: Hoàng Phúc. Ảnh nld.com.vn

Cá chết hàng loạt được phát hiện tại bờ biển Quảng Bình Ảnh: Hoàng Phúc. Ảnh nld.com.vn

Ô nhiễm đến mức nào

Sở Nông nghiệp Thừa Thiên – Huế có báo cáo cho biết hàm lượng PO4 tầng đáy 1 mg/lít; pH 8,8; độ kiềm 89,5; độ mặn 30 phần nghìn. Cụ thể, chất lượng nước phú dưỡng (PO4 theo chỉ tiêu cho phép tối đa là 0,5 mg/lít, nhưng tại thời điểm đo là 1 mg/lít) làm tăng độ pH. Đây có thể là nguyên nhân làm cho cá sốc và chết hàng loạt do pH nước thay đổi đột ngột; PO4 tăng cao.

Ngoài ra, tảo phát triển mạnh, kết hợp với khí độc ở đáy lồng tích tụ bốc lên khi nhiệt độ tăng cao trong thời điểm giao mùa dẫn đến thiếu ôxy cục bộ làm cho cá chết nhanh.

Các kết quả đều cho thấy nguồn nước bị nhiễm độc khiến cá chết

Nguồn chất độc từ đâu

Vào ngày 20/4 Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ này cùng phối hợp với Bộ NN&PTNT và Sở TN&MT các tỉnh Hà Tĩnh tìm hiểu nguyên nhân cá chết, nơi được đoàn kiểm tra chú ý nhất đó là khu công nghiệp Vũng Áng, nơi tập chung hàng chục ngàn lao động Trung Quốc với nhiều công ty khác nhau.

Người dân Hà Tĩnh cho rằng cá chết do các nhà máy khu công nghiệp Vũng Ánh xả chất thải. Tuy nhên việc kiểm tra khu công nghiệp Vũng Áng cũng gặp khó khăn, ông Phạm Khánh Ly – Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho báo Dân Việt biết: Việc kiểm tra các nhà máy khu công nghiệp Vũng Áng chúng tôi không thể vào được, một là phải có ý kiến của UBND tỉnh Hà Tĩnh, hai là phải có công an vào cuộc, chứ đoàn chúng tôi không thể vào được khu công nghiệp. Vì đây là khu công nghiệp lớn của quốc gia, phải có chỉ đạo từ Trung ương xuống hoặc có sự chỉ đạo từ ngành dọc.”

Ảnh thanhtra

Ảnh thanhtra

Đường ống dẫn chất độc ra biển

Để vào được khu công nghiệp Vũng Áng không dễ dàng chút nào, năm 2014 phóng viên trang zing.vn từng phải mượn thẻ từ và bộ quần áo của một công nhân khác mới lọt được vào thám thính khu công nghiệp đồ sộ này.

Phóng viên này đã phát hiện một chi tiết rất quan trọng đó là người ta xây dựng những đường hầm bê tông dài hàng km chạy thẳng ra biển. Đường hầm lớn đến mức hai chiếc xe tải chạy ngược chiều nhau cũng không phải giảm tốc độ. Cũng có những hầm bê tông dày cả mét, rộng hàng trăm mét vuông, sâu hàng chục mét…

2 ngày trước khi phát hiện xác cá chết, Báo Thanh Niên đưa tin vào ngày 4/4 ngư dân Nguyễn Xuân Thành ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh  khi lặn xuống biển săn cá tình cờ phát hiện một đường ống xả thải khổng lồ cắm xuống đáy biển.

Anh Thành cho biết đường ống này được chôn dưới đáy biển, phủ phía trên là một lớp đất cùng nhiều đá hộc, bao tải cát; chiều dài của đường ống khoảng 1,5 km; đường kính 1,1 m.

Đường ống này được bắt đầu từ khu vực dự án Formosa (nằm trong khu công nghiệp Vũng Áng) rồi nối với 3 đường ống nhỏ hơn.

Ngư dân này nói rằng: “Vào thời điểm phát hiện, tôi thấy đường ống này phun nước rất mạnh. Nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, mùi hôi thối, khi ngửi thì cảm thấy rất ngạt thở”. Sau đó anh Thành đã tới Đồn biên phòng Đèo Ngang (thuộc Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh) trình báo, đồng thời vẽ lại sơ đồ và vị trí của đường ống.

Các ngư dân nơi đây cũng báo cho đoàn kiểm tra biết rằng đã nhìn thấy đường ống dẫn chất xả từ khu vực dự án Formosa ra biển, được chôn lấp sâu 13m so với mặt nước biển.

Trang Dân Trí cũng dẫn lời anh H thành viên của một công ty chuyên trục vớt tàu thuyền đóng tại xã Kỳ Lợi xác nhận về đường ống nói trên, anh cho biết thêm chi tiết đoạn cuối đường ống nằm cách xa bờ biển đến 2 km. Nghi ngờ đây là đường ống xả chất thải, anh H cũng đã báo lại với Đồn biên phòng Đèo Ngang.

Ông Phạm Khánh Ly  – Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản đã nhận đầy đủ các thông tin này của người dân. Ông cho biết sẽ trình báo lên Bộ NN-PTNT biết để xin ý kiến chỉ đạo; đồng thời sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng của Hà Tĩnh vào cuộc điều tra, tìm hiểu rõ về vụ việc.

Ngọn Hải Đăng

Theo daikynguyenvn.com


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc