Home » Thể thao, Tiêu Điểm » Thấy gì qua mô hình đào tạo trẻ của Bóng đá Bỉ?
Đội tuyển Bỉ hiện tại đang là đội bóng số 1 Thế giới theo BXH FIFA mới nhất. 6 năm trước họ còn đứng tận vị trí 66. Điều gì đã khiến Quỷ Đỏ thăng tiến vượt bậc như vậy? Câu trả lời nằm ở mô hình đào tạo trẻ rất khoa học của quốc gia châu Âu này.

   
Mô hình bóng đá trẻ của đội tuyển số 1 thế giới: Đáng để học tập

Tháng 6/2007, Bỉ vẫn còn đang ngụp lặn ở vị trí 71 trên bảng xếp hạng FIFA. Họ cũng kết thúc năm 2009 ở vị trí thứ 66, nhưng chỉ sau chưa đầy 6 năm, đội tuyển có biệt danh là Những chú Quỷ Đỏ đã nhảy vọt 65 bậc để vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng FIFA. Thành tựu này đến chủ yếu nhờ công tác đào tạo trẻ.

Marouane Fellaini - Christian Benteke - Kevin Mirallas  - Thibaut Courtois  of belgique SOCCER : Belgium vs Serbia - FIFA 2014 World Cup Qualifier - 06/07/2013 (Panoramic) Picture Supplied by Action Images PLEASE NOTE: FOR EDITORIAL SALES ONLY. CONTRACT CLIENTS: ADDITIONAL FEES MAY APPLY - PLEASE CONTACT YOUR ACCOUNT MANAGER

Bóng đá Bỉ đang được hưởng lợi nhờ sự đồng bộ bóng đá trẻ

Tháng 6/2000, chứng kiến đội tuyển Bỉ thất bại 0-2 trước Thổ Nhĩ Kỳ ngay trên sân nhà và bị loại khỏi vòng chung kết Euro 2000, ngồi trên khán đài VIP, chủ tịch LĐBĐ Bỉ Michel D’Hooghe và giám đốc kỹ thuật của đội tuyển, ông Michel Sablon đã lắc đầu ngao ngán. “Chúng ta không thể để chuyện này tiếp diễn,” ông D’Hooghe mở lời. “Chúng ta phải làm điều gì đó.” Ngồi kế bên, Michel Sablon đồng tình: “Đây không phải vấn đề của một thất bại. Nó chỉ ra rằng chúng ta không có nhiều cầu thủ đủ xuất sắc.” Và thế là hai người đàn ông có uy tín và tầm ảnh hưởng lớn nhất bóng đá Bỉ thời bấy giờ đã đồng lòng tạo nên một cuộc cách mạng cho nền bóng đá quốc gia này, dĩ nhiên là bắt đầu từ công tác đào tạo trẻ.

Nhờ sự hậu thuẫn của ông D’Hooghe và những người hậu bối, Michel Sablon được cử làm “kiến trúc sư” cho công cuộc thay máu hình ảnh bóng đá Bỉ. Một trong những điều tuyệt vời đầu tiên mà ông Sablon làm được đến từ việc nghiên cứu kỹ các sơ đồ chiến thuật trong bóng đá hiện đại. Nhờ đó ông rút ra được quan niệm đúng đắn là 4-3-3 với chỉ 1 tiền vệ phòng ngự chính là lối chơi phù hợp nhất. Từ đó, ông tự mình đi tới từng lò đào tạo trẻ trên cả nước để truyền bá sơ đồ chiến thuật này với các cầu thủ trẻ cũng như những người đào tạo trẻ, chứ không chỉ với đội tuyển quốc gia.

Kể từ đó, 4-3-3 là sơ đồ chiến thuật gần như là duy nhất mà các cầu thủ của Bỉ thi đấu. Điều đó không hề tạo nên kết quả nào tiêu cực, thậm chí việc cố định với một đội hình giúp họ hiểu rõ hơn về sơ đồ chiến thuật rất toàn diện và đang được thịnh hành này. Đây không hoàn toàn là chuyện kỳ lạ bởi trước đó tại Bỉ, hầu hết mọi đứa trẻ đều được dạy căn bản với sơ đồ 4-4-2 truyền thống, nhưng khi lên tuyển các HLV lại thường xuyên thay đổi theo phong cách của riêng họ, thậm chí là đổi sang cả sơ đồ hoàn toàn khác là 3-5-2. Ở lò đào tạo La Masia, mọi cầu thủ trẻ cũng chỉ được dạy sơ đồ 4-3-3 và đôi khi là 3-4-3 để phục vụ cho mục đích tấn công.

Ông Michel Sablon, kiến trúc sư của bóng đá Bỉ, vừa mới trở thành giám đốc kỹ thuật tuyển Singapore

Thay đổi thú vị thứ hai mà ông Sablon tạo ra chính là việc mở rộng sân chơi bóng đá phong trào dành cho những đứa trẻ 5 tuổi. Họ tổ chức những giải đấu lứa tuổi U5 với tiêu chí thắng thua không quan trọng, tất cả đều vui. Thậm chí ngay cả các phụ huynh cũng có giải đấu riêng với điều kiện họ không phải cầu thủ chuyên nghiệp. Điều này tạo nên một sự thay đổi rộng rãi về thái độ và tình yêu của mọi người đối với môn thể thao vua. Những đứa trẻ lớn hơn 5 tuổi mà vẫn muốn chơi bóng sẽ được tham gia các lò đào tạo. Từ 5 đến 7 tuổi là quãng thời gian các cầu thủ trẻ làm quen với bóng, học cách rê dắt và dứt điểm. Sân thi đấu của họ cũng chỉ là 2 đấu 2. Từ 7 đến 9 tuổi, những đứa trẻ bắt đầu được học các kĩ năng chuyền bóng ngắn trên sân 5 người, bố trí đội hình theo sơ đồ kim cương (1-2-1).

Từ 9 đến 11, họ sẽ thi đấu trên sân có 8 người, một điều rất khác biệt so với nhiều đất nước khác vốn ưa thích sân bóng 7 người hơn. Sân đấu 8 vs 8 giúp cho các HLV có thể sắp xếp chiến thuật hình kim cương kép, tức là sơ đồ 3-1-3. Còn từ 11 tuổi trở lên, tất cả các cầu thủ sẽ phải thi đấu ở sân 11, bắt đầu học những đường chuyền dài. Khi đó với sơ đồ 4-3-3, đội bóng có thể tạo ra rất nhiều hình kim cương trên sân đấu, qua đó duy trì tốt hơn cự ly đội hình. Thực sự, người Bỉ đã tính toán rất kỹ lưỡng những yếu tố nhỏ nhặt nhất để giúp đội tuyển quốc gia có một nền tảng mạnh.

Đối với bóng đá Bỉ cũng như các nền bóng đá trẻ phát triển khác của châu Âu, một cầu thủ phải được học về cả kỹ thuật cơ bản và kỹ chiến thuật. Trong đó, kỹ thuật cơ bản sẽ được chú trọng từ sớm, càng về sau càng giảm dần để nhường chỗ cho các bài học chiến thuật. Vì thế mà với một cầu thủ trưởng thành, kỹ chiến thuật là điểm mấu chốt. Đó là một điểm hết sức khác biệt so với công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam, khi những HLV đào tạo trẻ hiện nay quá chú trọng đến các kỹ thuật cơ bản mà hầu như không dạy các cầu thủ trẻ quá nhiều kỹ chiến thuật. Bằng chứng là HLV Toshiya Miura khi mới đến Việt Nam đã phải thốt lên rằng các cầu thủ ở đây kém cả những cầu thủ không chuyên của Nhật về mặt kỹ chiến thuật.

Cũng từ kinh nghiệm của người Bỉ, có thể thấy việc chúng ta mở thêm nhiều những giải đấu phong trào cho những trẻ em từ 5 đến 7 tuổi nhằm mục đích “vui là chính” có thể mang lại những hiệu quả không ngờ đến. Khi mà những bậc cha mẹ đã có tình yêu với bóng đá thì họ có thể mở lòng hơn một chút mà cho con em theo đuổi sự nghiệp môn thể thao này, nếu như chúng có năng khiếu.

Cuối cùng, một điều tối quan trọng là bóng đá Việt Nam cần phải xác định rõ lối chơi mà chúng ta muốn theo đuổi, đặc biệt là về sơ đồ chiến thuật. Ở đội tuyển quốc gia cũng như U23 hiện nay, HLV Miura sử dụng sơ đồ 4-4-2, ông Hoàng Anh Tuấn cũng hướng đội U19 Việt Nam theo lối chơi bóng dài cùng sơ đồ chiến thuật như vậy. Đó cũng là phương án áp dụng của tương đối nhiều đội bóng tại V-League, nhưng một số lò đào tạo hay CLB quan trọng như Hoàng Anh Gia Lai hay Hà Nội T&T lại sử dụng sơ đồ 4-3-3. Điều đó nhiều lúc khiến cho những cầu thủ như Thành Lương, Văn Quyết, Tuấn Anh, Xuân Trường sẽ không nhận được nhiều sự tin tưởng từ HLV Miura. Còn bóng đá Việt Nam thì mãi cứ quay như chong chóng mà không có điểm dừng.

Hàn Phi/ Bóng đá 24h

Bóng đá Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm mô hình phù hợp để học hỏi. Chúng ta đang nhìn sang Nhật Bản, rồi Hàn Quốc. Trước đó, Bóng đá Việt Nam từ những năm 1990s cũng đã từng muốn theo mô hình của tuyển Đức. Nhưng cho đến nay, thực sự bóng đá Việt Nam vẫn chưa có nền móng đào tạo trẻ vững chắc. Thành công của đào tạo trẻ tại Bỉ đáng để cho giới chức bóng đá Việt Nam quan tâm và học hỏi.


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc