Home » Thế giới, Tiêu Điểm » Đằng sau tội danh “tiết lộ bí mật quốc gia” của Chu Vĩnh Khang
Vào ngày 3 tháng 4, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chính thức công khai tin nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương Chu Vĩnh Khang đã bị Phân viện 1 Viện Kiểm sát thành phố Thiên Tân khởi tố vì bị tình nghi cố ý tiết lộ bí mật quốc gia, nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền. Trong số những tội danh mà phía công tố liệt kê ra, có một mục là “cố ý tiết lộ bí mật quốc gia, tình tiết đặc biệt nghiêm trọng”.
Chu Vĩnh Khang bị cáo buộc đã tiết lộ nội dung cuộc hội đàm giữa Jang Sung Teak và Hồ Cẩm Đào. (Ảnh: Fengli/ Getty image)

Chu Vĩnh Khang bị cáo buộc đã tiết lộ nội dung cuộc hội đàm giữa Jang Sung Teak và Hồ Cẩm Đào. (Ảnh: Fengli/ Getty image)

Trước đó, đã có nhiều kênh truyền thông phân tích đưa tin về tội danh này của ông Chu Vĩnh Khang, trong đó có nhắc tới tình tiết ông Chu tiết lộ thông tin cho Triều Tiên và các cơ quan tình báo khác của nước ngoài.

Chu Vĩnh Khang bị cáo buộc đã tiết lộ nội dung cuộc hội đàm giữa Jang Sung-Teak và Hồ Cẩm Đào

Có bản tin cho rằng, ông Chu Vĩnh Khang từng tiết lộ cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un về nội dung cuộc hội đàm bí mật giữa ông Hồ Cẩm Đào và ông Jang Sung Teak (trong thời gian ông Jang Sung Teak ở Trung Quốc) dẫn đến việc ông Jang bị lãnh đạo Triều Tiên hành quyết nhanh chóng. Phe cánh của ông Jang Song Teak đã bị thanh trừng, quan hệ Triều – Trung diễn biến theo chiều hướng xấu. Ngoài ra, ông Chu Vĩnh Khang, ông Mã Kiến (Thứ trưởng Bộ An ninh quốc gia phụ trách hoạt động phản gián) và ông Quách Văn Quý (tỉ phú Trung Quốc lãnh đạo công ty Beijing Zenith) còn tiến hành đổi chác thông tin với các cơ quan tình báo phương Tây nhằm tìm kiếm sự bảo hộ.

Bản tin còn dẫn các tin tức xung quanh Trung Nam Hải cho rằng, vào tháng 8 năm 2012, ông Jang Sung Teak  khi đến Trung Quốc đã từng gặp riêng ông Hồ Cẩm Đào, hai người đã nói chuyện hơn một tiếng đồng hồ. Ông Jang Song-Teak có đề xuất việc “phò trợ” cho Kim Jong Nam (anh trai của ông Kim Jong Un) ngồi vào ghế lãnh đạo thay cho ông Kim Jong Un. Lúc đó, ông Hồ Cẩm Đào thấy sự việc trọng đại như thế bèn kiếm cớ thoái thác, đồng thời không biểu thị thái độ gì. Tuy nhiên, ông Hồ đã đồng ý với ông Jang rằng sẽ cân nhắc về vấn đề này. Lần hội kiến bí mật này được xem là một tin tức cơ mật cấp cao trong chính phủ ĐCSTQ.

Ngày 8 tháng 12 năm 2013, trong Đại hội Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, ông Jiang Sung Teak đột nhiên bị bắt, ba ngày sau bị kết tội phản quốc. Sự kiện này đã khiến các tầng lớp lãnh đạo cấp cao trong ĐCSTQ thất kinh. Không những thế, hệ thống bang phái của ông Jang Sung Teak cũng nhanh chóng bị “chỉnh đốn”, mối quan hệ giữa Triều Tiên và chính quyền ông Tập Cận Bình tuột dốc xuống tận đáy.

Thông qua quá trình điều tra của chính quyền Bắc Kinh, họ biết được nội dung cuộc hội đàm giữa ông Hồ Cẩm Đào và ông Jang Song Teak đã bị bại lộ, các cơ quan tình báo Triều Tiên đã đánh hơi được tin này. Sau đó, các báo cáo của Bắc Kinh về tình hình nội bộ các quan chức cao cấp của Triều Tiên nói rằng, việc tiết lộ bí mật này phải được tiến hành thông qua hai quan chức có quyền cao chức trọng của Triều Tiên và ĐCSTQ. Đây là hình thức trao đổi giữa các lãnh đạo cao cấp. Sau khi tiến hành các điều tra bí mật, họ đã biết được ông Chu Vĩnh Khang đã có được tin tức thông qua đội ngũ nhân viên trung thành thuộc Bộ An ninh (do ông Chu đứng đầu), sau đó mang tin này tiết lộ với phía Triều Tiên.

Chu Vĩnh Khang chỉ đạo cho Mã Kiến tiết lộ bí mật

Nguyên Thứ trưởng Bộ An ninh Quốc gia, Mã Kiến – nhân vật đã ngã ngựa vào tháng 1 năm nay, không chỉ là thân tín của ông Tăng Khánh Hồng mà còn là một trong những nhân vật chủ chốt trong Ủy ban Chính trị và Pháp luật dưới quyền ông Chu Vĩnh Khang.

Gần đây, truyền thông đại lục đang tiến hành lật mặt ông Quách Văn Quý, phanh phui mối quan hệ mật thiết giữa ông Quách Văn Quý và nguyên Thứ trưởng Mã Kiến. Hai quan chức này có cùng chung đường dây lợi ích, họ đã chung tay thành lập mạng lưới quan hệ chính trị – thương mại “Bàn Cổ hội”.

Bản tin cho rằng, trong thời gian làm việc tại Bộ An ninh Quốc gia, dưới tay ông Mã Kiến có một tổ công tác đặc biệt. Nhiệm vụ của tổ này là chuyên môn giám sát các nhân vật trọng yếu. Ông Mã Kiến đã lợi dụng đặc quyền này, trên tay nắm không ít những cơ mật trong tầng lớp lãnh đạo. Dưới sự chỉ đạo của ông Chu Vĩnh Khang, ông Mã Kiến còn tiết lộ các thông tin phụ diện về giới lãnh đạo ĐCSTQ cho các cơ quan tình báo nước ngoài để công kích các đối thủ chính trị.

Trước đó, một thân tín khác của ông Chu Vĩnh Khang là Cục trưởng Cục An ninh Quốc gia tại Bắc Kinh Lương Khắc đã “gặp chuyện” trước khi ông Mã Kiến ngã ngựa. Theo tờ New York Times, ông Lương Khắc đã lợi dụng hệ thống nghe lén tình báo của Cục An ninh thành phố Bắc Kinh để nghe lén các cuộc điện thoại của các lãnh đạo như ông Hồ Cẩm Đào, ông Tập Cận Bình và báo cáo toàn bộ nội dung này cho ông Chu Vĩnh Khang.

Truyền thông Hồng Kông: Chu Vĩnh Khang báo cáo tin tức mật về “Thập bát đại” cho “Đảng bạn”

Tuần san của đài Phượng Hoàng đưa tin, vì là nhân vật giữ vai trò Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật kiêm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, ông Chu Vĩnh Khang hiểu rõ và nắm vững một lượng lớn các bí mật trong nội bộ ĐCSTQ. Trong đó có các bí mật về nhân sự và kinh tế. Trong mục tội danh “tiết lộ bí mật quốc gia” của ông Chu Vĩnh Khang rất có thể sẽ nhắc đến việc ông nói với “Đảng bạn” về cơ cấu “Thập bát đại” trong khi chưa được lãnh đạo phê chuẩn, ngoài ra ông Chu còn căn cứ vào tin tức đó để “cơ cấu” người của mình vào. Bên cạnh đó, trong mục tội danh cũng có thể nhắc đến việc ông tiết lộ những bí mật kinh tế cho những thân tín bên cạnh mình nhằm mục đích mưu đồ chuộc lợi. Dư luận còn phán đoán rằng, ông Chu bị tình nghi là người đã báo tin Vương Lập Quân chạy trốn vào lãnh sự quán Mỹ cho ông Bạc Hy Lai vào năm 2012.

Đài BBC của Anh quốc vào ngày 7 tháng 12 năm 2014 dẫn lời bản tin trên tờ “Sông Thames chủ nhật” rằng các nhân sĩ trong giới ngoại giao ở phương Tây cho rằng “ông Chu Vĩnh Khang đã nhiều lần gặp gỡ các cơ quan tình báo đầu não của phương Tây, chẳng qua những cuộc gặp mặt ấy không được công khai trước đây. Chủ đề của những cuộc gặp gỡ bao gồm: việc hợp tác chống khủng bố của Trung Quốc, tin tức về việc trao đổi các nhân sĩ người Duy Ngô Nhĩ lưu vong tại Afghanistan, kế hoạch hạt nhân của Triều Tiên hay vấn đề nghiên cứu năng lượng hạt nhận ở Iran,…”.

Trong bản tin mới nhất của BBC có phân tích, một trong số những tội danh bị khởi tố của ông Chu Vĩnh Khang là “cố ý tiết lộ bí mật quốc gia” nên phương thức xét xử vụ án này có khả năng sẽ tham khảo từ vụ xét xử cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân. Bộ phận xét xử sẽ được chia thành bộ phận xét xử công khai và bộ phận xét xử nội bộ. Ngoài ra, mức xử phạt ông Chu Vĩnh Khang còn tùy thuộc vào độ nghiêm trọng của việc nhận hối lộ, hình thức cao nhất có thể là tử hình.

Phương Hiểu

Theo vietdaikynguyen


01 ý kiến dành cho “Đằng sau tội danh “tiết lộ bí mật quốc gia” của Chu Vĩnh Khang”

  1. Phúc Vĩnh 10/04/2015

    Việt Nam làm triệt để thì cũng là 1 lũ chẳng khác gì thằng TÀU CỘNG HÁN GIAN này

    Reply

Ý kiến bạn đọc