Home » Thế giới » Putin cấm nhập nông sản các nước trừng phạt Nga
Chính quyền Matxcơva « cấm hẳn » hầu hết nông sản thực phẩm đến từ các nước châu Âu và Hoa Kỳ, để trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Thủ tướng Dimitri Medvedev hôm nay 07/08/2014 loan báo quyết định của chính quyền Nga.
Ông Dmitry Medvedev và Bộ trưởng Giao thông Maxim Sokolov bàn về các biện pháp trả đũa - Reuters

Ông Dmitry Medvedev và Bộ trưởng Giao thông Maxim Sokolov bàn về các biện pháp trả đũa – Reuters

Lệnh cấm nhập kéo dài một năm, liên quan đến các loại thịt bò, heo, gà vịt, cá, phó-mát, sữa, rau quả của Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu, Úc, Canada và Na Uy.

Tuy vậy, thực phẩm em bé không bị cấm vận, và các công dân Nga cũng có thể đi nước ngoài mua về, nhưng mọi mưu toan mua đi bán lại để thủ lợi sẽ bị « trừng trị nghiêm khắc ». Thông tín viên RFI tại Matxcơva, Etienne Bouche nhận định :

« Cho đến nay, điện Kremli vẫn nhắc lại rằng việc trừng phạt kinh tế chỉ gây phản tác dụng mà thôi. Tuy nhiên hôm qua Matxcơva đã quyết định trả đũa. Tất nhiên là có những lệnh cấm được biện minh bằng lý do an toàn thực phẩm, đối với rau quả của Ba Lan, thịt từ Tây Ban Nha hay cá của Hy Lạp. Có điều lần này Matxcơva đã nhận trách nhiệm : ông Vladimir Putin ký một sắc lệnh nhắm vào nông sản phẩm từ tất cả các nước đã trừng phạt Nga. Việc nhập khẩu các sản phẩm này hoặc bị cấm, hoặc bị hạn chế.

Theo báo chí Nga, chính quyền sẽ đưa ra danh sách đen hôm nay. Tổng thống Putin khẳng định biện pháp trên « nhằm đảm bảo an toàn cho Nga » và « bảo vệ lợi ích quốc gia ». Việc cấm vận kéo dài một năm, nhưng điện Kremli cho biết thời hạn có thể thay đổi nếu phương Tây tỏ ra mềm dẻo hơn đối với Nga.

Phản ứng này có nguy cơ gây tác động tiêu cực cho cả hai phía. Nga là nhà nhập khẩu thứ nhì đối với các sản phẩm của châu Âu, và về nông sản phẩm thì Nga là nước luôn nhập khẩu. « Kế hoạch B » của Nga là tìm nguồn cung cấp từ châu Mỹ la-tinh. Các cuộc họp với đại sứ các nước Ecuador, Brazil, Chilê và Achentina dự kiến diễn ra hôm nay, sẽ thảo luận về khả năng tăng cường các sản phẩm của những nước này trên thị trường Nga ».

Tuy nhiên các biện pháp trả đũa trên chỉ có tác động hạn chế đối với Liên hiệp châu Âu. Hai mươi tám nước trong Liên hiệp chủ yếu xuất qua Nga thiết bị giao thông, máy công cụ, hóa chất, rồi mới đến nông sản. Những lãnh vực thiết yếu như năng lượng hay tài chính hiện chưa bị đụng đến, nhưng nếu Matxcơva quyết định tấn công thì hậu quả sẽ nặng nề hơn cho châu Âu.

Liên hiệp châu Âu từ chối nêu ra cái giá phải trả cho một cuộc chiến thương mại với Nga, nhưng nhiều ý kiến cho là khoảng 40 tỉ euro. Tất nhiên hiện giờ hãy còn quá sớm cho một kịch bản như vậy.

Thụy My

Theo rfi

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc