Home » Thế giới » Thế hệ thanh niên Trung Quốc “cải cách giáo dục” dưới thời Mao Trạch Đông
Trong những thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, hàng triệu thanh niên Trung Quốc đã được đưa đến những vùng nông thôn hẻo lánh để được “cải cách giáo dục bởi những người nông dân nghèo”

 

thanh nien tq

Những thanh niên được “cải cách giáo dục” đang xếp các loại ngũ cốc tại một nông trại ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

 Gương mặt Mã Sang Vũ sáng lên với nụ cười rực rỡ khi cô nghiêng đầu ra ngoài cửa sổ của chiếc xe lửa để vẫy tay chào cha mình. Trong chiếc áo choàng trắng và chiếc áo khoác len giản dị, đính với huy hiệu của chủ tịch Mao Trạch Đông trên ngực và hai bím tóc sau tai, cô gái mười tám tuổi từ Thượng Hải ngoái nhìn vào khoảng không trước mặt trong niềm mong đợi khi xe đang dần đưa cô ra khỏi quê hương của mình. 

Đến hôm nay thật khó để nhận ra người phụ nữ trẻ đó bằng nụ cười trên gương mặt đang rũ xuống bức ảnh từ bốn mươi lăm năm trước. “Nó không giống như thế” bà nói, một người phụ nữ trông già hơn cái tuổi sáu mươi ba của bà. “Người ta không thể nhìn vào bức ảnh này mà kể ra được những gì tôi cảm thấy trong những ngày tháng đó” 

Ngày 17/9/1968, chuyến xe lửa đưa Mã Sang Vũ và ba trăm sáu mươi lăm học sinh khác ra xa hai nghìn cây số khỏi ngôi trường trung học của cô ở Thượng Hải để đi tới những vùng đồi núi và những đồng bằng hoang vắng trên phương Bắc xa xôi của Trung Hoa bấy giờ, nơi gần với biên giới nước Nga. Họ là một trong số hơn mười bảy triệu thanh niên thành thị được đưa tới vùng nông thôn để làm lao động khổ sai trên những cánh đồng và rừng núi trong những thập niên 60 và 70 đó. 

“Rất cần thiết để đưa những thanh niên có trình độ đến những vùng nông thôn và trải qua việc cải cách giáo dục bởi những người nông dân nghèo”, Mao Trạch Đông, người đã lãnh đạo cách mạng Cộng sản Trung Hoa vào năm 1949, tuyên bố. Trong một công văn được ký vào tháng 12 năm 1968 có đoạn “Chúng ta phải thuyết phục những cán bộ và những người khác gởi con em họ – những thanh thiếu niên đã tốt nghiệp tiểu học, trung học và đại học tới những vùng nông thôn. Hãy cùng hành động. Những người đồng chí tại đó sẽ chào đón họ một cách nhiệt thành nhất” 

Với sự khởi đầu của Cách mạng Văn Hóa năm 1966, tất cả những trường học trên cả nước đều đóng cửa. Rất nhiều học sinh làm theo lời kêu gọi của Mao Trạch Đông để đi đến những cánh rừng và vùng nông thôn, kết thúc việc học hành của mình khi vừa mới tốt nghiệp tiểu học. Đợt vận động đó đã làm giảm bớt hơn 10% dân số thành thị của Trung Hoa lúc đó.

Bà Mã cùng ba người bạn thời niên thiếu của bà đã đi tới một nhà hàng yên ắng tại trung tâm của Thượng Hải để kể về quá khứ và giải thích về khoảng thời gian đó đã thay đổi cuộc đời họ như thế nào. Họ mang những ký ức chung của cả một thế hệ, trong đó bao gồm một vài thành viên lãnh đạo mới của đất nước, tiêu biểu là Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng, người đã trở thành Chủ tịch nước vào tháng ba năm nay và cũng được trông chờ sẽ lãnh đạo đất nước trong mười năm tiếp theo.  Ông cũng đã được đưa tới Thiểm Tây, một tỉnh nghèo phía bắc Trung Quốc. Ông chỉ trở về nhà tại Bắc Kinh sau bảy năm. 

“Lên núi cao, về nông thôn” chắc chắn không phải là chiến dịch đáng sợ nhất của Mao Trạch Đông, nhưng nó thể hiện điểm khác biệt trong luật lệ của ông. Sự xâm phạm quá mức của chế độ độc quyền đến cuộc sống của người dân. Vì nhiều lẽ, nó bằng với việc trục xuất và giam giữ người dân tại những trại lao động, tước bỏ tuổi trẻ của một thế hệ, khiến hàng triệu gia đình phải xa cách. 

Nhưng trong bản tường thuật chính thức của Đảng Cộng Sản, sự gian khổ, mất mát và nỗi khiếp sợ đã biến mất sau những câu chuyện phiêu lưu và chuyện tình lãng mạn. Trong một bản tường thuật trên phương tiện truyền thông được kiểm soát về Tập Cận Bình, những năm tháng đó đã khiến ông trở nên thực tế và tiết kiệm, làm tăng khả năng nhận thức của ông về nhu cầu và mối quan tâm của ông đến người dân thường, đồng thời cũng nâng cao hiểu biết của ông về nền kinh tế đất nước. Nhiều bản báo cáo chính thức khác cũng khen ngợi những năm tháng tuyệt vời mà những người trẻ tuổi đó có được giữa thiên nhiên rộng lớn, và nói rằng động lực đã hình thành nên một tầng lớp người có ảnh hưởng và trở thành trụ cột của một “Trung Quốc mới”, một thế hệ với năng lực mạnh mẽ có thể đương đầu với những khổ ải. 

“Từ góc nhìn của một nhà sử học, từ góc nhìn trong sự phát triển của toàn quốc gia, khoảng thời gian này dĩ nhiên phải bị phủ nhận” – Lưu Quang Minh, giáo sư sử học tại Học viên Trung hoa của Viện Khoa học Xã hội tại Bắc Kinh, và cũng là tác giả của nhiều cuốn sách đáng tin cậy nhất đề đề tài này, ông phát biểu, “Đây là một thời kỳ tối tăm của lịch sử nhân loại” 

Mặc dù Đảng Cộng Sản đã có nhiều thay đổi sau cái chết của Mao Trạch Đông, thay đổi những tranh đấu chính trị liên tục bằng những chính sách kinh tế thị trường thực dụng và giảm sự ảnh hưởng của mình đến đời sống riêng tư của người dân, nhưng họ vẫn tiếp tục kìm chế lại một cuộc đánh giá tổng thể lại về một thập kỷ chế độ độc quyền.

Lưu Quang Minh là một chuyên gia nghiên cứu về thế hệ đó, nhưng ông chỉ xem việc nghiên cứu của mình như là một sở thích cá nhân. Ông gặp nhiều trở ngại trong việc truy nhập vào những nguồn trực tiếp của chủ đề này. Nhiều nghiên cứu chính thức trong những hồ sơ chính phủ như chiến dịch “cải cách giáo dục thanh niên”, chiến dịch Đại Nhảy Vọt (chiến dịch thảm khốc ước tính đã gây ra hơn ba mươi triệu cái chết) và Cách mạng Văn Hóa đều được lưu giữ kín đáo, chỉ được sử dụng cho những nhà sử học thuộc Đảng.

“Lịch sử Trung Hoa đương thời không phải là một đề tài lý thuyết suôn”, giáo sư Lưu phát biểu. “Những cơ quan như trường Đảng Trung ương có rất nhiều cái được gọi là nghiên cứu về lịch sử đương thời, nhưng nó thiếu sự độc lập và tính chính xác học thuật”. Rất nhiều trong những nghiên cứu đột phá của ông được hoàn thành nhờ sự giúp đỡ từ những học sinh cũ đang làm việc tại những cơ quan lưu trữ tài liệu chính phủ với những thông tin mà họ cung cấp. 

Nhưng đến khi thế hệ “cải cách giáo dục” trước đây bắt đầu nghỉ hưu từ khoảng mười năm trở lại đây, họ mới bắt đầu có thời gian để suy nghĩ về những hồi ức riêng của mình. Sự tăng trưởng kinh tế trong ba mươi lăm năm trở lại đây của Trung Quốc đã giúp họ có đủ điều kiện để về thăm lại những nơi mà họ đã trải qua thời tuổi trẻ, và sự bùng nổ của internet đã giúp họ tìm đến những nguồn thông tin không chính thức về lịch sử và cũng kết nối lại được với những người đã cùng chịu chung số phận. 

Nhiều người đã thành lập những diễn đàn để trao đổi những bức ảnh cũ và thành lập thành nhóm để đi tới những nông trại và ngôi làng họ đã ở trước đây. Mã Sang Vũ và ba người bạn của bà đã trải qua vài năm ở Thiết Lực, một vùng cách biên giới Nga khoảng hai trăm ki lô mét, được điều hành bởi khu tự trị Tân Cương, đơn vị bán quân sự được thành lập để phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp ở những vùng xa gần biên giới. Họ có những trang web riêng và đã tổ chức vài cuộc sum họp. 

Trong khi gọi thức ăn, họ bắt đầu hồi tưởng lại bầu trời bất tận, những dòng suối trong lành, những dãy nhà họ đã xây bằng chính đôi tay của họ, những đêm khuya ngập tràn những bản nhạc và tiếng cười đùa. “Chúng tôi đi một cách tự nguyện”, Cao Xuân Phi, một người bạn của bà Vũ nói. Ba trăm sáu mươi học sinh đầu tiên từ ngôi trường ở Thượng Hải đã khởi hành trước khi Mao Trạch Đông lên nắm quyền vào tháng mười hai năm 1968. Sau đó, gần như là không thể từ chối mệnh lệnh được nữa. 

Bao Văn Vũ, trưởng đại diện trước đây của cục Lao động Thượng Hải nhớ lại ở tuổi mười sáu, bằng cách nào ông đã đăng ký đi lên phía đông bắc mà không nói với cha mẹ mình : “Tôi lấy cuốn sổ hộ khẩu từ ngăn kéo ra và đổi nơi đăng ký của mình từ Thượng Hải sang Hắc Long Giang, và chỉ khi bảng thông cáo cho biết rằng tôi đã được chấp nhận thì tôi mới nói với cha mẹ mình – ba ngày trước khi tôi được sắp xếp lên xe lửa. Họ không thể nói gì nữa vì đã quá trễ” 

Hai năm trước tại Tân Cương, người ta đã phát hành một cuốn sách với hàng trăm bức ảnh và nhiều bài thơ hoài niệm.

Trong suốt bữa ăn, Cao Xuân Phi cho tôi xem một vài bức ảnh. Trong đó là Bao Văn Vũ, trẻ trung trong dáng đứng thẳng, một tài xế xe kéo. Đó là Chu Cao Huy, bây giờ là một người đàn ông nhỏ nhắn lớn tuổi, nhưng rõ ràng lúc đó là người khôi ngô nhất trong nhóm. Sau đó là bức ảnh của bà Mã trên xe lửa. Bà Cao đang ngồi khen ngợi về vẻ đẹp trước đây của mình thì những người bạn của bà bắt đầu thổ lộ : “Ngày đó, anh không thể nhìn tấm hình này mà biết rằng tôi đã cực khổ chừng nào”. “Chúng tôi đi một cách tự nguyện nhưng nguyên nhân thì rất phức tạp” 

Bà Mã xuất thân từ gia đình có “lí lịch xấu”, gia đình bà đã bị công kích trong cuộc cách mạng Văn Hóa như những kẻ phản cách mạng, nhà của bà cũng đã bị Hồng Vệ Binh khám xét. “Gia đình tôi đã phải đấu tranh để sinh tồn. Lý do để tôi gia nhập là bởi vì ở nông trại tôi sẽ có tiền công, sẽ bớt là gánh nặng cho gia đình” bà vừa kể vừa khóc. Tình trạng bất an đó thường được bắt gặp trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, thậm chí Tập Cận Bình cũng từng ở trong tình trạng tương tự. Khi ông rời khỏi nhà, cha của ông – một cựu chiến binh đã bị bắt trước đó. 

Bà nhớ lại rằng bà gần như sụp đổ khi cha bà đến tiễn biệt. “Lúc đó cha tôi khóc, và tất cả những gì tôi cố gắng làm là không nhìn vào mắt ông ấy vì tôi biết tôi cũng sẽ khóc như ông”. Mất gần ba năm để bà được trở về thăm nhà lần đầu tiên, khi trở về, bà và mẹ bà ngồi cạnh nhau mà khóc trong im lặng gần hai giờ đồng hồ. 

Bà Cao cũng bắt đầu kể : “Những gì tôi hối tiếc nhất là tôi không nhận được sự giáo dục. Đáng lẽ tôi có thể đến trường đại học nếu không không phải thực hiện chuyến đi đó”. “Đó là khoảng thời gian tốt nhất để đến trường và chúng tôi đã bỏ lỡ nó. Tôi không có cơ hội ở đó, không chút nào”. Bà chỉ trở về Thượng Hải vào năm 1979 khi cha bà không còn làm ở công ty dệt nhà nước nữa.

 

Người phụ nữ sắc sảo với đôi mắt to và ấm áp, bà Cao cũng từng bị giày vò bởi suy nghĩ sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình. Mẹ của bà đã qua đời trong thời kỳ cách mạng Văn Hóa, mẹ bà chết trước khi bà trở về nhà. “Tôi nghĩ mình đã có thể chăm sóc bà nếu tôi còn ở nhà, có thể bà sẽ sống lâu hơn”.

Hai người phụ nữ bắt đầu kể những câu chuyện về vùng hoang vu đại ngàn phương bắc. Năm 1969, khi khu vực trải qua những cơn mưa lụt lội, quần áo của họ không thể khô trong nhiều tuần, “quần áo của chúng tôi rất dơ bẩn đến nỗi không thể chịu đựng được. Buổi sáng chúng tôi lại phải chịu cái lạnh đó, những chiếc quần ẩm ướt từ đêm qua”, bà Phi nhớ lại

Ông Chu Cao Huy kể về những ngày dài đằng đẵng suốt mùa thu hoạch. “Những cánh đồng ở phía bắc rất rộng lớn, nó kéo dài đến tận chân trời”, ông nói. “Anh phải đi cả ngày để thu hoạch hạt đậu nành và anh không thể làm làm hết dù tới tận đêm khuya” 

Những người làm việc trẻ tuổi đã uống nước từ những con đường mòn mà xe ngựa để lại trên bùn. Nhiều người đã mắc bệnh dịch tả. Khi rời khỏi nhà vào buổi sáng, ông phải đi qua những bãi phân do người ta vội vàng để lại đêm qua.. 

Sự gia tăng về nội dung của những tư liệu được tập hợp lại từ những “thanh niên cải tạo” trước đây cho thấy rằng nhiều sự việc tệ hại hơn cũng đã xảy ra. Một nhóm người Thượng Hải khác, những người cũng đã bỏ tại tuổi trẻ của mình trên những cánh đồng phương bắc, đã cho xây dựng một bảo tàng thanh niên tri thức dọc phía nam của sông Amur, nơi hình thành biên giới giữa Trung Quốc và Nga.

Mái vòm và những bức tường, một hình tam giác đỏ giữa khung của ngôi nhà xây bằng gạch lỏm chỏm, nhưng bên trong, nhiều bức hình trên tường của một căn phòng tối như hang động như đang kể về những câu chuyện khủng khiếp của những người không bao giờ trở lại : một đứa bé trai chết trong khu biệt giam, một thiếu nữ không nhận được lá thư cuối cùng của mẹ mình khi cô không thể chịu đựng nỗi thống khổ sau khi bị cưỡng hiếp, rất nhiều người chết vì thiếu dinh dưỡng, đói rét hoặc chết trong tai nạn… 

Bảo tàng không đưa ra bất cứ lời bình luận mang chính trị nào cả. Tương tự, cuốn sách được xuất bản của Bao Văn Vũ và bạn ông cũng có một chương về những người đã chết ở Tân Cương, nhưng lại có nhiều hơn là những bức ảnh với vài dòng tưởng nhớ : “Đánh giá thời kỳ lịch sử này rất phức tạp”. “Chúng tôi không đưa ra thái độ, những gì chúng tôi kể là quá khứ của chúng tôi, là tuổi trẻ của chúng tôi”, ông nói. 

Nhưng không phải tất cả những thanh niên được cải tạo trước đây đều có cái nhìn dễ dãi như thế. Phan Xuân Di, 61 tuổi, đến từ phía đông bắc tỉnh Hắc Long Giang, người đã làm việc trên những nông trại nhà nước hơn một thập kỷ. Giờ đây vẫn còn đầy nỗi tức giận về cái hệ thống mà ông cho rằng đã hủy hoại cuộc đời mình. 

“Thế hệ chúng tôi đã bị lãng phí” ông nói. Ông mô tả khoảng thời gian làm việc trên cánh đồng như là việc bị cầm tù trong một khoảng thời gian dài. Ông bị đưa ra làm đề tài cho những buổi tranh đấu chính trị. Những cuộc họp đại chúng, nơi người ta phải phê bình những người bạn, hàng xóm và đồng nghiệp. Đó là một trong những chiến lược chính của Mao Trạch Đông trong việc cai trị đất nước. Việc bị làm nhục và nạn bạo hành rất phổ biến, nhiều người bị đánh đập đến chết hoặc bị ép đến tự vẫn. “Dĩ nhiên khung cảnh rất đẹp, đặc biệt là vào mùa hè khi mà cánh đồng trải dài hơn mức bạn có thể nhìn thấy, và những cây lúa mì cứ như những ngọn sóng”, ông nói, “Nhưng tôi cảm thấy mình như đang sống trong một cái chuồng lợn, nơi đó không còn tự do, không còn lòng tự trọng”

Ông xem thường những ai có cảm giác luyến tiếc về quá khứ, về khoảng thời gian trên những cánh đồng bất tận ấy. Nhưng những nhà sử học đang cảm thấy được khích lệ rằng thế hệ này đang đòi lại quá khứ của họ, “đó là dấu hiệu tích cực rằng có một nơi đang được hình thành cho những ký ức cá nhân, bên ngoài những lời giải thích của Đảng Cộng Sản về lịch sử” Nora Sausmikat, một nhà Hán học người Đức đã nghiên cứu người Trung Quốc đối diện với quá khứ bằng cách nào. Trong tiến trình đó, dễ hiểu rằng đã có rất nhiều bản tường thuật trái ngược và xung đột lẫn nhau. 

 Có nhiều dấu hiệu chứng tỏ rằng một lượng lớn những cá nhân thuộc thế hệ này đang đánh giá lại một cách khắt khe hơn về quá khứ mà họ đã trải qua và với những thế lực chính trị đã hình thành những điều đó. Vài người từng là Hồng Vệ Binh trước đây, những người đã làm theo lời kêu gọi của Mao Trạch Đông hủy hoại nền văn hóa Trung Hoa để xây dựng một xã hội chủ nghĩa mới, đã công khai xin lỗi trong vài tháng qua vì đã chống lại giáo viên, bạn bè và thậm chí là gia đình của họ, nhưng đâu đó vẫn còn những ngoại lệ.

Nhiều người Trung Quốc không muốn nghe về quá khứ đau buồn của mình. Sự thống khổ về thể xác lẫn tinh thần mà họ chịu đựng bởi những nhà lãnh đạo chính trị trong chuỗi ngày dường như vô tận về những chiến dịch quần chúng đầy man rợ, những thứ đã khiến họ trở nên sợ hãi và hỗn loạn. “Lúc đó chúng tôi không biết rằng cách mạng Văn Hóa là điều sai lầm, rằng chính sách cải tạo thanh niên là sai lầm”, Vũ Xuân Bình, một hiệu trưởng về hưu ở Cáp Nhĩ Tân, nói. Bà đã gặp chúng tôi ở một quán cà phê để kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng của bà trên những cánh đồng. “Tất cả chúng tôi đều nghĩ cuộc sống lúc đó là phải như vậy, nghĩ lại thấy mình thật ngu ngốc, chúng tôi không biết, không biết một điều gì cả”, bà vừa nói vừa nhúng vai, “Đó là dòng chảy của thời đại, ông không thể cưỡng lại nó. Chúng ta phải để lịch sử đánh giá nó”

Những câu chuyện dường như quá mức chịu đựng trong thời kỳ của Mao Trạch Đông dường như là không thể hình dung được đối với những ai sinh sau khoảng thời gian bắt đầu công cuộc tái thiết đất nước. “Tôi cảm thấy có một sự chia rẽ rất lớn giữa những trải nghiệm của tôi và thế hệ của con cái mình”, bà Cao nói, “khoảng cách còn lớn hơn nhiều so với khoảng cách giữa tôi và cha mẹ của mình”. 

Đảng Cộng Sản đã tiến hành một vài nỗ lực nhỏ bé trong việc chấp nhận những cuộc tranh luận công khai về quá khứ. Sự thật là Đảng Cộng Sản đã ra lệnh một số lượng quân đội để phát động công dân của mình trong phong trào dân chủ năm 1989 và với những khẩu hiệu tuyên truyền để làm sống lại và đôi khi ca ngợi Mao Trạch Đông. Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình gợi lên rằng sẽ có chút hy vọng trong việc đánh giá lại những tài liệu về chế độ độc tài.

Những nhà phê bình tin rằng trong dài hạn, Trung Quốc không thể tránh khỏi một cuộc tranh luận công khai về lịch sử gần đây nếu đất nước muốn yên bình giữa thể giới và đối với chính họ. Trương Triệu Phi, một giáo sư lịch sử nghỉ hưu, nhiều năm về trước đã viết rằng tầng lớp thanh niên của đất nước đang được nuôi lớn bằng “sữa của loài sói”, và cảnh báo rằng những bản tường thuật thấm nhuần hệ tư tưởng đang sản sinh  ra chủ nghĩa dân tộc. Giáo sư Lưu nói “tôi sẽ cố gắng phần nào để nói với mọi người, đặc biệt là những thanh niên về những sự thật của lịch sử”

Người dịch : Vương Tài Nguyên

Dịch từ ft.com

 

 


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc