Home » Thời nay, Văn hóa » Nhiều nữ sinh đang gây chú ý bởi sự ‘chưng diện lạc lõng’
“Các em còn cả cuộc đời sau này để làm người lớn nhưng còn rất ít thời gian cho vẻ đẹp trong sáng, ngây thơ tuổi học trò! Trong giao tiếp, khi để người đối diện phải bận tâm nhiều tới hình thức của mình, (dù đó là sự cẩu thả nhếch nhác hay chăm chút cầu kì), khi ấy những giá trị thực của chúng ta sẽ tự khắc nhòa mờ đi…”
Một Thế Giới đã có cuộc trò chuyện với TS Trịnh Thu Tuyết –  giáo viên chuyên Văn, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) về tâm lý của các học sinh khi đến trường đều muốn mình xinh đẹp hơn và các em đã trang điểm quá cầu kỳ khiến mình trở nên lố bịch hơn trong mắt người đối diện.

Thưa TS Trịnh Thu Tuyết, bà nghĩ sao khi ngày càng có nhiều học sinh trung học chưng diện, trang điểm quá cầu kì khi đến trường như hiện nay?

Chúng ta không nên nhìn nhận hiện tượng này quá nghiêm trọng, nhất là trong xã hội thời hiện đại. Tuy nhiên, việc chưng diện, làm đẹp quá đà không phù hợp với độ tuổi, môi trường sống ít nhiều cũng gây phản cảm trong môi trường học đường và cần có sự điều chỉnh của gia đình, nhà trường.

Khi trang điểm, các em xinh hơn, người lớn hơn và vì thế cũng già đi so với tuổi. Hơn thế nữa, các em còn gây chú ý bởi sự lạc lõng trong môi trường phổ thông, gây ấn tượng phản cảm với thầy cô, bạn bè. 
Nếu không được định hướng thẩm mĩ học đường, các em sẽ tự tạo cho mình tâm thế đối lập, bất cần khi cảm nhận sự lạc lõng của mình. Điều đó sẽ khiến các em hình thành những nhóm chơi riêng, khó chan hòa với tập thể.

Khi trang điểm, các em xinh hơn, người lớn hơn và vì thế cũng già đi so với tuổi.

Khi hình thức trở thành sự bận tâm lớn nhất, các em sẽ xao nhãng những vấn đề cần quan tâm của người học trò trong trường phổ thông. Đó là nhiệm vụ học tập, tu dưỡng, là vui chơi thoải mái hồn nhiên trong cộng đồng cùng trang lứa.

Những người xung quanh, từ gia đình đến nhà trường, xã hội cần giúp các em nhận thức sâu sắc giá trị đích thực của con người. Giá trị ấy luôn có sự tương hợp với môi trường sống, môi trường làm việc, học tập của cá nhân.
Mặt khác, các em cần hiểu một thực tế: trong giao tiếp, khi để người đối diện phải bận tâm nhiều tới hình thức của chúng ta (dù đó là sự cẩu thả nhếch nhác hay chăm chút cầu kì) khi ấy những giá trị thực của chúng ta sẽ tự khắc nhòa mờ đi. Điều ấy cũng có nghĩa là khi chúng ta tạo ra sự tương hợp một cách văn hóa với bối cảnh, những giá trị tự thân của chúng ta sẽ có điều kiện tỏa sáng!

Là người có nhiều năm gắn bó với môi trường giáo dục phổ thông, theo bà đâu là nguyên nhân khiến một bộ phận không nhỏ học sinh chạy theo “trào lưu” thích nổi bật và chơi trội như hiện nay?

Hiện tượng này trước hết xuất phát từ nhu cầu rất tự nhiên, chính đáng của các em, nhu cầu làm đẹp, nhu cầu muốn khẳng định giá trị của mình (trong khi đôi lúc các em vẫn bị lầm lẫn về giá trị), nhu cầu muốn được chú ý, được ngưỡng mộ, muốn làm ngươì lớn!

Cũng có thể, đây đơn thuần là cách các em thể hiện sự ngưỡng mộ với những thần tượng xung quanh mình, từ mẹ, chị trong gia đình đến cô giáo, cán bộ nhân viên trong trường, đặc biệt là các “sao” trong giới giải trí (!), những người thường xuất hiện trong sự chăm chút kỹ lưỡng về hình thức.
Khi chưa đủ khả năng nhận thức những giá trị đích thực của cuộc sống, các em có thể bộc lộ sự ngưỡng mộ tài năng, nhân cách của thần tượng bằng cách bắt chước phần dễ thấy nhất là hình thức của họ.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết với học sinh của mình

Được biết, tất cả các trường học đều có nội quy, quy định rất rõ ràng về đồng phục, tác phong của học sinh khi đến lớp. Vậy tại sao, học sinh của chúng ta lại ngày càng có xu hướng chơi trội như vậy? Để tiết chế “trào lưu” này, các trường cần có những biện pháp như thế nào thưa bà?

Cần có sự kết hợp sư phạm giữa những yêu cầu nghiêm khắc trong nội quy học đường về đồng phục, trang phục, tác phong của học sinh khi đến trường với sự giáo dục thấu tình đạt lý, giúp các em tự  nhận thức và điều chỉnh hơn là sự ép buộc khiên cưỡng.

Khi nguyên nhân của hiện tượng là cái đẹp, vậy hãy giúp các em hiểu cái đẹp thực chất tuổi học trò là gì!

Bà có gì muốn nhắn gửi điều gì đến các em học sinh đang bị chi phối bởi “trào lưu” này?

Các em còn cả cuộc đời sau này để làm người lớn nhưng còn rất ít thời gian cho vẻ đẹp trong sáng, ngây thơ tuổi học trò!

Trân trọng cảm ơn bà!
Theo motthegioi 


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc