Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Tường trình từ Philippines: Con đường kinh hoàng
Con đường nối liền Tacloban với Ormoc đang vô cùng căng thẳng. Cùng với sân bay, nó là một trong hai cửa ngõ hiếm hoi của thành phố có thể mở lối thoát cho những người khốn khổ ra khỏi thành phố chết chóc.
phiippines

Đoàn xe chạy khỏi Tacloban – Ảnh: Thanh Tuấn

Trong ngày mưa tầm tã, chúng tôi quyết định lần theo con đường kinh hoàng để tận mắt chứng kiến nỗ lực vượt qua tuyệt vọng của những số phận đau khổ. Chính chúng tôi cũng rất khó khăn để kiếm một chiếc xe mặc dù người dẫn đường Philippines đã xoay xở hết khả năng của mình. Hầu hết xe cộ đã hư hỏng nặng sau bão. Tài xế thì nhiều người đã chết, mất tích hoặc bị thương. Các nguồn xăng dầu bị nước tràn vào làm hư hỏng, một lượng rất ít còn lại chỉ được người dân ưu tiên dành cho tìm kiếm thức ăn…

Đi bộ 120km

Phải nhờ thêm cả sự tình cờ may mắn, chúng tôi mới tìm được một chiếc xe từ thành phố Ormoc cách đó 120km chạy xuống đón. Với gương mặt gầy gò, sạm đen, người tài xế lớn tuổi lộ rõ dấu hiệu đói và mệt mỏi. Ngay tại bến xe tan hoang ở cửa ngõ Tacloban, trẻ em, người già, phụ nữ chen chúc nhau cố tìm một chỗ hướng về Tacloban. Mọi người chen chúc trong xe, bám đu cả phía sau. Những gia đình còn xe máy chạy được thì đèo gánh nhau. Kể cả những xe còn rất ít xăng vẫn cứ đi, miễn sao ra khỏi thành phố rồi đến đâu thì đến. 

Hôm nay, hình ảnh xác người nằm phơi la liệt khắp nơi đã bớt bi thương hơn nhờ các túi xác mới được đưa vào. Đó là hình ảnh những túi đen to nhỏ (người lớn, trẻ em) lạnh lẽo xếp dọc bên đường. Các quan chức địa phương nói phải đào hố chôn tập thể, vì những thi thể bất hạnh cũng đâu còn người thân nữa. Đã nhiều ngày trôi qua, không thể để họ nằm đó mãi. Tuy nhiên, người đi đường buồn bã nói với chúng tôi: “Các túi xác này mới chỉ là một phần nhỏ, rất nhỏ trong số người chết vì bão ở Tacloban. Nhiều người vẫn còn bị vùi lấp dưới các đống đổ nát kia. Họ chưa được phát hiện và có thể chẳng bao giờ được nhìn lại một lần nào nữa. Vì lúc này ai còn sức lực mà đào bới? Người sống còn lo chưa xong mà!”. 

Dần rời cửa ngõ Tacloban, hình ảnh dòng người lũ lượt tìm cách vượt qua tuyệt vọng theo con đường này càng hiện rõ trước mắt chúng tôi. Nhiều người lìa bỏ nhà cửa của mình (mà thật ra cũng đâu còn nhà cửa nào nữa) với hai bàn tay trắng, người may mắn thì chỉ có vài túi đồ vặt vãnh lượm lặt lại được sau cơn bão. Đặc biệt có những nhóm người hình như không thể tìm được xe, đành phải chọn cách đi bộ. Có nhóm xuất phát từ Tacloban chung với chúng tôi, có nhóm bắt đầu đi bộ từ các làng mạc dọc đường đến Ormoc. 

Chúng tôi đã nghẹn đi khi phải nhìn hình ảnh những đứa trẻ lẫm chẫm cố bước theo cha mẹ. Mây đen trên trời vần vũ đen nghịt, mưa cứ tầm tã suốt ngày. Nhiều bé lộ dấu hiệu kiệt sức, lả đi trong lạnh cóng. 

Những kẻ cướp đói khát 

Những ngày đầu sau bão, lối ra này của Tacloban cực kỳ nguy hiểm. Kẻ cướp có súng ống không ngại tay cướp giết. Và cả những người đói quá cũng làm liều vì miếng ăn. Vừa rồi có tin lực lượng vũ trang chống đối chính phủ từ trên núi tràn xuống, lại thêm nhiều phạm nhân trốn ngục.

Anh Huỳnh Sang, một Việt kiều ở trung tâm Tacloban ra Ormoc chung ngày với chúng tôi, lo lắng kể: “Bọn cướp có súng bình thường đã cực kỳ hung hãn, giờ lại thêm đói khát nên chẳng từ làm bất thứ gì có lợi cho mình. Chúng sẵn sàng bắn thẳng chỉ để cướp một bộ quần áo hay vài gói mì, bọc gạo”. Sang nói mới buổi sáng anh đã tận mắt chứng kiến cảnh hai vợ chồng bị bọn cướp bắn vào đầu chết ngay tại chỗ, chỉ để giành hai chai nước uống. Xác họ bị kéo lê vất ra chỗ khác để chúng lục nốt những gì còn sót lại. Anh Nguyễn Duy Số, người Việt từ thành phố Cebu đã hai lần vào giúp bạn bè đồng hương bị hoạn nạn ở Tacloban ra ngoài, nói: “Chẳng có mấy bóng cảnh sát trên tuyến đường dài hơn 100km này. Những người vượt ra Ormoc chỉ biết trông chờ vào may mắn thôi”.

Vượt 120km đến Ormoc, nhưng với hầu hết những người tơi tả đến từ Tacloban thì hành trình vẫn chưa kết thúc. Thành phố sầm uất này cũng đã tan nát sau cơn bão. Họ phải hướng đến Cebu bên kia eo biển cách ba giờ tàu cao tốc. Và một cửa ải khủng khiếp nữa lại đang chờ đợi họ ở bến phà. 11g đêm, chúng tôi đến đây vẫn thấy hàng ngàn người đang vạ vật ở sân bến tàu. Nhiều người không tìm được chỗ khô ráo, đành nằm luôn trên những vũng nước sình lầy. Nhiều người phải thốt lên chưa bao giờ thấy cảnh này, “cứ giống như cuộc di tản chiến tranh hủy diệt”. 

Và hành trình của những người khốn khổ vẫn còn dài ở phía trước… 

QUỐC VIỆT – THANH TUẤN

Theo tuoitre

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc